VIỆT NAM CỘNG HÒA

Archive for the ‘PHAN HẠNH (Toronto)’ Category

Mê Man Cuốn Theo Chiều Gió – Phan Hạnh

Tôi thường hay đi theo vài người bạn nhiếp ảnh lái xe ra các vùng ngoại ô của thành phố để chụp ảnh tiêu khiển. Một ngày tháng Mười ngay sau Lễ Tạ Ơn năm ấy, chúng tôi lái xe đến vùng Halton Hills và Caledon có nhiều đồi và những con đường nhấp nhô uốn khúc để chụp ảnh cảnh mùa thu. Sau khi đã mải mê chụp nhiều ảnh đồi đất đỏ ở Cheltenham Badlands, chúng tôi đến Forks of Credit Provincial Park để lội bộ theo đường mòn thiên nhiên dài mấy cây số. Con đường khó đi hơn chúng tôi tưởng và mất nhiều thì giờ hơn. Chúng tôi đi vòng qua ao nước, đồng cỏ cao, lùm bụi, rừng thưa, dốc cao.

Khi đến một khúc sông trên thượng nguồn sông Credit, chúng tôi dừng lại nơi một cây cầu bắt qua sông và đường tàu hỏa rồi quay trở về bãi đậu xe. Lúc bấy giờ đã hơn 6 giờ chiều, trời tháng Mười bắt đầu mau tối, chúng tôi cảm thấy hơi lạnh len lẻn ập đến thấm qua làn áo. Trong ánh hoàng hôn chập choạng, những tia nắng chiều cuối cùng xuyên qua cánh đồng đầy hoa ké khiến cho chúng ánh màu hoàng kim trông là lạ. Do đã già và do gió thu thổi mạnh, chúng đều đã bị sứt mẻ, vài cánh mỏng manh đã bị gió thổi bay đi mất. Chợt thấy một đóa còn nguyên vẹn hình hài đẹp quá, tôi nán lại phía sau để chụp thêm một vài tấm ảnh trong khi các bạn tôi hối hả bước.

Hoa Ké – Thistle – Cynara (ảnh PH)

Ðến cuối thu, cây cối trơ cành, cảnh vật xơ xác, ngoài đã lạnh lắm rồi, những tấm thân già trên sáu bó -chữ của Công Tử Hà Ðông- chúng tôi chẳng dám uống thuốc liều đi lang thang chụp hình nữa e trúng gió cảm lạnh vợ sẽ rầy rà. Các đàn ngỗng Canada cũng đã xuôi về miền Nam nắng ấm mất hết cả. Không phải là “chim tuyết”, chúng tôi đành rút tó trong nhà ngồi quây quần bên nhau vừa ăn vặt vừa xem lại các phim xưa để hoài niệm một thời son trẻ ở quê nhà.

Dạ thưa vâng, chúng tôi xem lại, vì trước đó đã xem rồi vài lần. Phim hay thì dù xem lại vẫn thấy hay. Có người xem rồi mấy lần vẫn chưa hiểu hết, tức quá, kiếm truyện đọc. Có người đọc truyện trước, thấy hay qua, kiếm phim xem.

Một người bạn ghiền xi nê thứ thiệt xem phim Gone With The Wind bảy, tám lần và còn đọc tác phẩm đó nữa! Tuy tính tôi hay nghi ngờ nhưng cũng phải nghĩ chắc điều này có thật, bằng chứng là kể từ khi sách in ra năm 1936 và phim chiếu ra năm 1939 cho đến nay, sau hơn 70 năm, cả sách và phim Gone With The Wind vẫn tiếp tục tạo nhiều kỷ lục.

Tại sao Gone With The Wind, cả tiểu thuyết lẫn phim, có sức thu hút người đọc và người xem đến thế? Để có được câu trả lời thích đáng, Mít tôi, vốn ưa sống trong thế giới ảo, “xuất hồn” đi ngược dòng thời gian để gặp Margaret (Peggy) Mitchell, người đã viết ra tác phẩm kiệt xuất này và xin bà dành cho một cuộc phỏng vấn ảo.

Mít: Hi, Peggy! Tôi là Mít ở Toronto, phóng viên đài phát thanh người Việt CH9 (viết tắt của 9 chữ bắt đầu bằng CH là Chẳng Chịu Chờ Chết – Chọc Cho Chúng Chửi Chơi), trước hết xin chân thành cảm tạ Peggy đã dành thì giờ vàng ngọc cho cuộc phỏng vấn này. Xin Peggy cho biết Peggy sáng tác GWTW trong trường hợp nào?

Peggy: Thật ra tôi vốn có tính chây lười và ham chơi lắm. Tôi làm cái gì cũng là làm chơi chơi thôi. Số là từ khi còn bé, tôi đã thích cưỡi ngựa, nhưng một lần bị té nặng đã làm cho cổ chân của tôi trở nên yếu đi. Ðến năm 26 tuổi, tôi vẫn sống ở Atlanta là nơi tôi chào đời. Sự nghiệp viết lách không đi đến đâu lại đau yếu, có lúc tôi cảm thấy chán nản xuống tinh thần muốn bỏ dở luôn chuyện sáng tác. May nhờ có John Marsh, chồng tôi, một giám đốc quảng cáo, tin tưởng ở tài năng tôi và tìm cách áp lực tôi tiếp tục cầm bút. Trong 5 năm đầu (1925,1930), tôi viết nhiều và đều đặn. Tôi dùng bối cảnh của cuộc nội chiến vốn đã chấm dứt 60 năm trước. Ðến năm lên 10 tuổi, tôi vẫn chưa biết là miền Nam thua trận. Mẹ của tôi phải đưa tôi ra vùng quê ngoại ô, chỉ cho tôi thấy dấu tích hoang tàn còn sót lại của các ngôi nhà nông trại cháy nám rồi nói lên sự thật quan trọng ấy cho tôi biết. Sau này tôi cứ bị câu chuyện kể về sự bại trận ám ảnh mãi và cuộc chiến huynh đệ tương tàn luôn luôn là chiếc bóng đi bên cạnh đời tôi. Tôi không cần phải nói, ông là người miền Nam nước Việt Nam của ông và đã kinh qua biến cố 30 tháng Tư 1975, chắc ông cũng biết cái cảm giác đó nó như thế nào rồi, phải không ông Mít?

Mít: (cười trừ).

Peggy: Anyway, tôi lớn lên trong một thành phố nơi mà những kỷ niệm qua con người và các địa danh vẫn còn sống động; và một chuyến đi viếng thăm bà con bên ngoại ở một nông trại cách Atlanta 20 dặm về phía Nam đã chờn vờn mãi trong tâm trí tôi. Nông trại ấy từng do bà ngoại tôi làm chủ sau khi bà ấy đã phải di tản khỏi thành phố Atlanta khi đạo quân của tướng Sherman tiến vào. Hoàn cảnh người dân miền Nam của ông chắc cũng tương tự như vậy khi xe tăng Bắc Cộng tiến vào Saigon, có phải không ông Mít?

Mít: Dạ thưa đúng vậy…

Peggy: À! Lúc khởi sự viết, tôi chỉ biết đoạn kết cuộc và đoạn đầu của câu chuyện; và tôi chọn viết đoạn kết trước. Rhett Butler nói câu, “Frankly, my dear, I don’t give a damn!” với vợ là Scarlett rồi bỏ đi không bao giờ trở lại. Câu này tôi thuỗng của ông chồng trước của tôi khi tôi bỏ ổng đặng lấy ông chồng hiện giờ.

Margaret Mitchell (1900-1949)

Mít: Mít tôi và vô số người Việt sống lưu vong cũng ôm mộng viết hồi ký hoặc tiểu thuyết. Vậy Peggy có thể cho biết bí quyết viết thế nào để thành công?

Peggy: Tôi chẳng có bí quyết gì cả; tôi chỉ viết tùy hứng, bạ đâu viết đó. Thật ra tôi ít khi viết diễn biến câu chuyện một cách liên tục. Tôi nhảy từ đoạn này sang đoạn khác, đứt quãng nhiều năm. Viết một chương xong, tôi bỏ vào phong bì giấy dầu, đánh dấu, rồi quẳng nó qua một bên. Trải qua nhiều năm tháng, những phong bì này trở nên phai màu hoặc dính đầy vết vấy cà phê tôi làm đổ. Có khi lười tìm giấy trắng, tôi còn nguệch ngoạc viết bừa lên bên ngoài phong bì cái “list” đi chợ ghi ra các món cần mua.

Mít: Có ai biết là Peggy đang viết tiểu thuyết và khích lệ Peggy không?

Peggy: Ngoài chồng tôi ra, không ai khác biết là tôi đang viết tiểu thuyết. Tôi là người có tính vô cùng tự kỷ ám thị về phẩm chất văn chương của mình. Tôi rất thiếu tự tin, lúc nào cũng chỉ sợ nó dở và bị người ta chê bai. Có lần, tôi còn lấy một xấp bản thảo để kê chân bàn cho nó khỏi chông chênh. Tôi giấu bài viết của tôi như mèo giấu c… Xin lỗi. Ðáng nhẽ tôi không nên dùng từ ngữ thô tục. Ý tôi muốn nói là chỉ có chồng tôi được phép đọc qua bản nháp lúc bấy giờ. Khi có bạn đến thăm, tôi phải vội vàng giấu bản thảo dưới nệm giường hoặc sofa. Trường hợp bạn đến thình lình, tôi còn phải vội vơ đại khăn lau chén phủ lên máy đánh chữ nữa đấy. Nhưng tôi cũng có bật mí đôi chút cho Lois Cole, một người bạn sau đó lên New York làm việc cho nhà xuất bản McMillan.

Mít: À thì ra Peggy có “connection”?

Peggy: “Connection” cái con khỉ! Tôi viết cốt để giết thì giờ thôi chứ đâu có nghĩ là sách mình sẽ được xuất bản.

Mít: Thế Peggy viết mất bao lâu mới xong?

Peggy: Tôi bắt đầu ngồi gõ chữ từ năm 1925. Sau 5 năm dài vắt tim óc để đánh máy hàng ngàn trang giấy, tôi cũng chỉ mới hoàn tất được 2/3 quyển truyện. Phần chưa viết gồm có chương đầu, một số đoạn nối kết và tựa sách. Tôi phân vân giữa các lựa chọn: Tomorrow Is Another Day (Mai Lại Một Ngày), Bugles Sang True (Trỗi Thật Ðiệu Kèn), Not In Our Stars (Không Phải Số Mình), và Tote the Weary Load (Hành Trang Mang Nặng) nhưng vẫn chưa hài lòng. Lúc bấy giờ, cổ chân tôi hết đau; tôi tạm quên gánh nặng viết lách để hòa mình vào những sinh hoạt bình thường mà tôi yêu thích như gặp gỡ bạn bè trong các buổi ra ngoài đi dạo, đi ăn trưa, ăn tối, lễ hội, khiêu vũ, v.v. Thấy tôi lơ là, chồng tôi lại làm áp lực hối thúc. Chúng tôi dọn nhà, đống bản thảo nằm trong xó tủ. Năm 1934, tôi bị trặc cổ trong một tai nạn xe hơi; thế là lại ngưng viết. Ðến khi nhà xuất bản đồng ý in sách cho tôi thì tôi mới phấn khởi và lên tinh thần trở lại. Tôi lại moi óc và tra cứu tài liệu để viết tiếp. Nói để ông thương chứ sau gần mười năm trời cặm cụi ngồi gõ chữ mà tôi vẫn chưa hoàn tất quyển truyện. Tôi thay tên các nhân vật chính khá nhiều lần: Pansie thành Scarlett, Permelia thành Melisande rồi thành Melanie; đổi tên trang trại Fontenoy Hall thành Tara, v.v.

Mít: Thế cái tựa Gone With The Wind Peggy chọn sau cùng là do đâu mà có?
Peggy: Về phần cái tựa, vốn là một người yêu thích thơ văn, một hôm tình cờ tôi nhớ lại một bài thơ 24 câu của thi sĩ người Anh Ernest Christopher Dowson. Bài thơ có cái tựa chữ La Tinh là Non Sum Qualis Eram Bonae sub Regno Cynarae, một câu nói của thi hào La Mã Horace. Tôi đoán theo Anh ngữ nó có nghĩa là “I am not as I was under the reign of the good Cynara”. Và chính vì thế mà người ta thường gọi tắt tựa bài thơ là Cynara, trong đó có đoạn:

I have forgot much, Cynara! gone with the wind,
Flung roses, roses riotously with the throng,
Dancing, to put thy pale, lost lilies out of mind;
But I was desolate and sick of an old passion,
Yea, all the time, because the dance was long:
I have been faithful to thee, Cynara! in my fashion.

Tôi lấy làm mừng rỡ vì bốn chữ “gone with the wind” vừa phù hợp với chủ đề của tác phẩm vừa mang âm điệu thi vị lắm. Ông thi sĩ Dowson dùng câu thơ của Horace được thì tôi cũng dùng câu thơ của ông ta được, đâu có chết thằng Tây nào.

Mít: Mà… Cynara là nghĩa gì vậy Peggy?

Peggy: Cynara theo chữ La Tinh là tên của một loài atisô dại, tên Anh ngữ là thistle; trái của nó bao bọc bên ngoài nhiều gai mà người Việt ông gọi là trái kế hoặc trái ké; ai đi lội vô chỗ đó dễ bị nó dính hai ống quần.

Mít: Peggy rành sáu câu!

Peggy: Tôi rành hết 24 câu. (cười). Anyway, hoa ké trắng như bông vải, hình cầu có nhiều cánh nhỏ hình thù như một cánh dù mang hạt nhỏ xíu thường tung bay tơi tả trong không khí khi có gió nổi lên. Hồi còn học bậc tiểu học ở Việt Nam, chắc ông từng dùng từ điển Larousse của Pháp hẳn không quên nhãn hiệu có hình hoa ké và câu phương châm “Je sème à tout vent”, tôi nói có đúng không?

Mít: À… ờ… dạ vâng. Ðúng. Peggy có đưa một phần nào về kinh nghiệm đời thật của mình vào tiểu thuyết hay không?

Peggy: Tôi quan niệm tiểu thuyết phải dựa vào sự kiện thật ngoài đời mới là tiểu thuyết hay. Sự hư cấu là để tô vẽ cho bức tranh thật trở nên bi hùng hơn. Có một số biến cố trong truyện phản ảnh kinh nghiệm trong đời sống thật của tôi. Năm 1918, trong lúc tôi đang xa nhà để theo học ở Massachusetts, mẹ tôi mất vì bệnh cúm ở Atlanta; trong truyện, Scarlett trở về Tara và hay tin mẹ mất vì bệnh thương hàn. Cũng cùng năm đó, tôi hứa hôn với một trung úy trẻ sang Pháp tham dự Ðệ Nhất Thế Chiến và tử trận, cũng tương tự như người chồng đầu tiên của Scarlett vừa cưới xong thì chết, tuy không vinh quang gì, vì là chết bệnh sưng phổi trong lúc còn đang thời kỳ huấn luyện quân sự. Năm 1919, trong khi vẫn còn để tang mẹ vừa mất mấy tháng trước, tôi đi dự một buổi dạ vũ từ thiện và nhảy múa điệu Apache vung vít khiến cho thiên hạ xầm xì, cũng giống như Scarlett trong phim, còn mặc đồ đen để tang chồng mà ra nhảy với Rhett tưng bừng làm cho các mợ sồn sồn ngứa mắt! Năm 1920, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở Atlanta, tôi phải làm việc suốt đêm tại một trung tâm cấp cứu. Trong phim, Scarlett hớt hãi chạy khỏi Atlanta bừng lửa trong kinh hoàng vừa thể hiện chuyện thật trong sử sách vừa là kỷ niệm riêng của chính tôi đấy.

Mít: Thảo nào truyện của Peggy đọc sống động hấp dẫn quá chừng!

Peggy: Cám ơn ông Mít.

Mít: Dạ không có chi. Bằng cách nào mà Peggy có thể liên lạc được với nhà xuất bản? Tôi xin hỏi để rút kinh nghiệm.

Peggy: Tôi có liên lạc với nhà xuất bản bao giờ đâu. Họ đi tìm tôi đấy chứ. Năm 1935, ông Harold Latham của nhà xuất bản McMillan đến thành phố Atlanta để tìm kiếm những tay viết mới. Một người bạn của tôi là Lois Cole cũng đang làm việc cho nhà xuất bản McMillan nên có nhắc đến tôi cho Harold Latham biết. Vì thế khi đến Atlanta, ông Latham nhờ tôi hướng dẫn cho ông ta đi tìm tài năng mới, nhưng tuyệt nhiên tôi chẳng dám đá động gì đến tác phẩm của mình. Ông ta dặn hờ là nếu tôi có bản thảo truyện nào thì hãy đưa cho ông ta xem trước. Tôi vẫn không chịu đưa bản thảo của chính mình cho ông ta xem; vì theo sự nhận xét của tôi, GWTW dở quá làm cho tôi mắc cỡ.

Mít: Thế thì do cơ duyên nào mà GWTW lọt vào mắt xanh của nhà xuất bản?

Peggy: Thế rồi một hôm ngồi quán tán láo chơi, có một người bạn nhận định về tôi như sau, “Nói thật nha, tao không nghĩ mày thuộc loại nhà văn có thể viết một tác phẩm thành công. Mày không đủ quyết tâm để trở thành một tiểu thuyết gia”. Bị chạm tự ái, tôi tức tốc chạy về nhà chộp đống bản thảo đi tìm gặp ông Latham. Lúc ấy ông đang trọ ở khách sạn. Tôi hồi hộp ngồi chờ ở đại sảnh. Vừa thấy ông ta xuống, tôi thẳng thừng đùa đống bản thảo cao như núi về phía ông và bảo, “Ông cầm lấy cái của quỷ này đi ngay không thôi tôi đổi ý bây giờ!” Ông ta phải chạy đi mua một cái valise riêng để đựng nó đấy.

Sau khi ông ấy rời thành phố Atlanta để về lại New York rồi thì tôi mới lạnh cẳng đổi ý. Tôi tức tốc chạy ra bưu điện gởi ngay cho ông một bức điện tín đòi ông trả bản thảo lại. Ông ta có nhận được bức điện tín đó nhưng cứ lờ tôi đi và làm như không biết. Sau đó ông ta mới tiết lộ với tôi là ông chưa từng thấy bản thảo nào bê bối như bản thảo của tôi. Nó vừa vàng ố, ẩm mốc mà lại còn chi chít chỗ sửa bằng bút chì; ông ngồi trên xe lửa lắc lư con tàu đi vừa đọc vừa mắng thầm tôi quá chừng. Ấy vậy mà ông thính mũi đánh hơi biết ngay đó là một tác phẩm ăn khách và hái ra tiền. Ông ta liền “offer” sẽ in, với điều kiện là tôi phải viết nốt cho xong chương đầu còn thiếu, làm tôi tưởng tôi nghe nhầm chứ!

Mít: Rồi sao nữa? Peggy kể gấp đi. Chính tôi đây là một phóng viên lão làng (già, nhưng không lão luyện) mà còn hồi hộp đây nè!

Peggy: Ông Mít ơi! Lúc ấy tôi lo lắm! Tôi sợ khi tác phẩm của tôi tung ra rồi không biết người miền Nam có vui lòng đón nhận nó hay không; hay là họ lại trách tôi nhắc chi đến chuyện tan hàng thua trận, ông có hiểu không? Nếu họ không đón nhận GWTW, biết đâu tôi cũng sẽ bị “quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” và bị mọi người xa lánh. Ông Latham gia hạn cho tôi trong sáu tháng phải hoàn toàn viết xong để in. Tôi phải đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu bận và sửa chữa các chi tiết để cho nó ăn khớp với tài liệu sử.

Mít: Vậy sau khi sách tung ra rồi, dư luận đọc giả toàn quốc nói chung và miền Nam nói riêng phản ứng ra sao?

Peggy: McMillan in và tung ra đợt đầu mười ngàn cuốn tháng Tư 1936, tháng Bảy in thêm 50,000 cuốn nữa. In ra bao nhiêu người ta mua hết bấy nhiêu. Chỉ trong sáu tháng đầu đã bán ra nửa triệu cuốn và một năm sau hơn một triệu cuốn; tôi không thể tưởng tượng. Tờ New York Times khen ngợi nhiệt liệt trên trang nhất, tờ New York Sun so sánh GWTW như War and Peace của văn hào Nga Leon Tolstoy làm tôi nở mũi. Các tên tuổi lớn trên văn đàn Mỹ đương thời như Stephen Vincent Benet, Robert Nathan, và nhà văn H. G. Wells của Anh Quốc đang có mặt ở Mỹ lúc bấy giờ đều khen ngợi tôi. Ðiều tôi vui mừng hơn hết là toàn thể báo giới miền Nam đều nồng nhiệt đón nhận đứa con tinh thần của riêng tôi và của cả miền Nam thân yêu của tôi. Qua năm sau thì tôi nhận được giải Pulitzer Prize.

Mít: Theo Peggy thì nhờ vào yếu tố nào mà GWTW thành công?

Peggy: Về giá trị văn chương thì tôi nghĩ GWTW cũng không hơn không kém các tác phẩm ăn khách khác. Sở dĩ nó thu hút đọc giả, nhất là phái nữ, là vì nó đánh đúng tâm lý vai trò người phụ nữ cần có cá tính mạnh có thể đương đầu với mọi thử thách cam go trong cuộc sống và nhất là đương đầu trong mối liên hệ phái tính đối cực là người đàn ông. Tôi cố tình để cho nhân vật Scarlett có những khuyết điểm như nóng nảy, ích kỷ, đanh đá, khe khắc, nhất là đối với gia nhân, vì tôi không muốn tạo ra một nhân vật nữ anh hùng toàn hảo như trong thần thoại Hy Lạp.

Tôi muốn nàng thật gần gũi với một mẫu phụ nữ mà ta có thể gặp trong đời thường ở bất cứ đâu. Kể từ khi có Jane Eyre một trăm năm trước đến bây giờ mới có Scarlett O’Hara xuất hiện. Nữ sĩ Charlotte Bronte giới thiệu người con gái trẻ cương quyết tự giải phóng để trở nên độc lập trước những áp lực xã hội dưới triều đại Victoria Anh Quốc. Tương tự như thế, Scarlett O’Hara có đủ ý chí phản kháng lại mọi thống trị của phái nam. Ðẹp quyến rũ, thông minh, sắc bén, với thể chất nhỏ nhắn nhưng trong nghịch cảnh hay trong cơn cấp bách, nàng vẫn can đảm xoay sở không chịu khuất phục và hành động xử sự bằng lý trí hơn là tình cảm như một đấng nam nhi.

Chắc ông nhớ chứ? Cuối truyện, sau khi Rhett bỏ đi, Scarlett nói, “..Tara!…Home. I’ll go home, and I’ll think of some way to get him back! After all, tomorrow is another day!” (Tara!…Quê nhà. Phải, ta sẽ về, và bằng cách nào đó ta sẽ làm cho chàng trở về với ta. Dù gì chăng nữa, ngày mai cũng chỉ là một ngày nữa thôi!). Ông thấy không? Nàng chủ động tự quyết định đời mình; nàng sẽ phấn đấu để sống còn, và tinh thần bất khuất của nàng nối tiếp cho cuộc khởi dậy của Jane Eyre. Ðó là niềm hứng khởi cho phụ nữ chúng tôi ước vọng. Bằng quyết tâm, chúng tôi có thể vượt qua được mọi trở ngại để vươn lên từ đống tro tàn để xây dựng lại từ đầu. Tôi nghĩ đó là yếu tố chính của thành công. Nhưng tôi cũng muốn thú nhận với ông một điều là nếu không có sự hỗ trợ và thúc đẩy của chồng tôi thì chắc là tác phẩm GWTW không hề có.

Mít: Xin được phép hỏi Peggy câu hỏi cuối là thường thường những câu chuyện tình đều có kết cuộc tốt đẹp kiểu “They live happily together ever after”, vậy Peggy có định viết quyển kế tiếp cho Scarlett gặp lại Rhett như ý nàng muốn hay không?

Peggy: (cười lớn) Ông điên rồi sao? Tiền bản quyền tôi kiếm được xài mãn đời không hết, tội gì tôi phải ngồi gõ lọc cọc nữa cho mệt thân? Vả lại, tôi có nói với ông từ đầu là tính tôi chây lười và ham chơi lắm. Thôi ông về lo viết chuyện của ông đi nhé. Cuộc phỏng vấn cũng đã quá dài. Bye ông.

Bị đuổi khéo, Mít tôi cám ơn bà và ra về.

Nhưng cuộc đời quả thật oái oăm; trong khi nhân vật Scarlett của Cuốn Theo Chiều Gió cương nghị và can đảm đứng vững trước mọi vinh quang cũng như thất bại thì tác giả Margaret ngoài đời không được như thế. Bà rất yếu đuối về ý chí, bà luôn phải tìm sự trợ giúp nơi người chồng. Danh vọng và tiền tài đến với bà có khi trở thành một sự đe dọa hơn là một sự giải phóng. Bà càng trở nên an phận thúc thủ hơn dưới bóng hôn nhân và không cầm bút nữa. Bà cảm thấy như bị vây hãm bởi sự nổi tiếng của bà, sự chú ý theo dõi của giới truyền thông và sự ái mộ của công chúng dành cho bà.

Năm 1945, chồng bà bị kích tim và sức khoẻ ông không bao giờ hồi phục như cũ. Bà trở nên hiền thục hơn và càng giống như nhân vật Melanie trong tác phẩm của bà, một người vợ dịu dàng thương yêu luôn luôn kiên nhẫn chịu đựng chăm sóc cho chồng. Không ngờ số phận khiến cho bà ra đi trước. Bà mất năm 1949 lúc chỉ mới 48 tuổi; chồng bà mất năm 1952 và được chôn bên cạnh mộ bà tại nghĩa trang Oakland, Atlanta. Với cả hai đời chồng, bà đều không có con. Nhưng đứa con tinh thần của bà sẽ sống mãi trong lịch sử văn chương mặc dù có tựa là Cuốn Theo Chiều Gió.

Phan Hạnh.

Con Chó Quân Khuyển NEMO – Phan Hạnh HCA

Trong suốt thời gian Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, con chó quân đội được xem là anh hùng nổi tiếng nhất là con chó tên Nemo, số quân A534. Nemo có mặt và phục vụ chiến trường Việt Nam từ tháng Bảy năm 1965 đến tháng 12 năm 1966 thì phải hồi hương vì bị thương trong một vụ đặc công Việt Cộng đột nhập tấn công phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn.

Trước khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến tại Việt Nam từ năm 1960, các kế hoạch gia Mỹ đã ý thức rõ và tiên liệu được rằng các căn cứ Không Quân và các phi trường quân sự sẽ là mục tiêu cho Việt Cộng tấn công. Một dự án nghiên cứu và phát triển quân khuyển cho các đơn vị Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam được đề ra tại một trại huấn luyện chó ở Gò Vấp từng do người Pháp sử dụng trước đó.

Một kế hoạch huấn luyện quân khuyển để canh gác phòng thủ và bảo vệ phi trường được thành lập. Tháng Bảy năm 1965, 40 quân khuyển Mỹ đầu tiên được đưa đến bố trí tại 3 phi trường lớn nhất là Sài Gòn, Biên Hòa và Đà Nẵng. Đến cuối năm, con số này tăng thêm, nâng tổng số quân khuyển lên 99 con. Qua đến tháng Chín năm 1966, có hơn 500 quân khuyển Mỹ phục vụ tại 10 căn cứ.

Trong suốt khoảng thời gian 17 tháng, tính từ tháng Bảy 1965 đến tháng 12 1966, không có bất cứ một toán đặc công cộng sản nào lọt được vào vòng đai phòng thủ các căn cứ quân sự Mỹ có quân khuyển canh gác ở Việt Nam.

Con chó Nemo ra đời tháng Mười năm 1962. Nó thuộc giống chó bẹc-giê Đức (German Shepherd), lông hai màu nâu và đen. Lúc Nemo một tuổi rưỡi và nặng 85 cân Anh, nó được Không Lực Hoa Kỳ tuyển dụng vào mùa hè năm 1964. Nemo được gởi theo học một khóa huấn luyện kéo dài tám tuần lễ tại Trường Đào Tạo Chó Canh Gác Lackland ở thành phố San Antonio thuộc tiểu bang Texas. Hoàn tất khóa huấn luyện, Nemo rời quân trường và theo người  dẫn dắt là binh nhì Leonard Bryant Jr đi phục vụ tại Bộ Chỉ huy Chìến Lược Không Quân tại Căn Cứ Không Quân Fairchild gần thành phố Spokane thuộc tiểu bang Washington.

Tháng 1 năm 1966, Leonard Bryant Jr dắt Nemo lên đường để qua chiến trường Việt Nam cùng với những toán quân khuyển khác. Nemo được đưa về Trung Đội Cảnh Sát An Ninh Quân Đội 377 đóng tại Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhất.

Sáu tháng sau, vào Tháng Bảy 1966, người dẫn dắt ban đầu của Nemo là binh nhì Không Quân Leonard Bryant Jr được hoán chuyển và quay trở về Mỹ. Người thay thế để dẫn dắt và chăm sóc cho Nemo là binh nhất Không Quân Robert Thorneburg 22 tuổi. Tiếp sau đó, một biến cố lớn xảy ra với hai thầy trò Nemo khiến cho Nemo trở nên nổi tiếng, đưa tên tuổi nó vào lịch sử ngành quân khuyển Hoa Kỳ.

Đêm 4 tháng 12 năm 1966, theo thủ tục thông thường, binh nhất Thorneburg có mặt tại đơn vị 3 tiếng đồng hồ trước phiên trực tuần canh khởi sự lúc mười giờ đêm. Thorneburg kiểm tra Nemo kỹ lưỡng để chuẩn bị nhận công tác. Mỗi toán gồm một người và một chó chịu trách nhiệm tuần canh một khu vực. Với khứu giác bén nhạy, chó thường phát hiện ra kẻ gian trước và làm tín hiệu báo động cho người dắt bằng cử chỉ và tiếng kêu. Theo thủ tục hành quân, người dẫn dắt sẽ dùng máy liên lạc báo cáo sự việc với ban kiểm soát an ninh trung ương; báo cáo xong sẽ xua chó tiến vào nơi tình nghi để xem xét và báo cáo kết quả.

Gần đến giờ tuần canh, các toán quân khuyển trung đội 377 lên xe để được chở ra vòng đai chu vi phòng thủ phi trường và được rải ra nhiều địa điểm. Họ không biết là có một toán quân Việt Cộng đông khoảng 60 chiến sĩ đặc công đã lén lút xâm nhập vào hàng rào vòng đai căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất với âm mưu phá hủy các phi cơ. Họ đang ẩn núp mai phục để chờ đến giờ hành động.

Đêm ấy là một đêm với bầu trời trong và đầy sao. Các toán quân khuyển bung ra đi lục soát mọi ngỏ ngách, không biết là nguy hiểm đang rình rập họ. Việt Cộng thừa hiểu tầm quan trọng về mối nguy hiểm của chó quân khuyển cho nên họ nhắm ưu tiên triệt hạ các mục tiêu bốn chân.

Vì âm mưu xâm nhập đã bị lộ, đặc công Việt Cộng từ các chỗ ẩn núp bắt đầu khai hỏa. Rebel là con chó quân khuyển đầu tiên bị trúng đạn tử trận đêm hôm đó cùng với người dẫn nó. Một lúc sau, một con chó khác tên Cubby và người dắt nó cũng bị Việt Cộng bắn tử thương. Đến lượt con chó thứ ba tên Toby cũng hy sinh cùng với người dẫn dắt.

Nơi Throneburg và Nemo tuần canh là một nghĩa trang bỏ hoang trong chu vi phòng thủ của căn cứ, cách nhà chứa phi cơ khoảng bốn trăm thước. Nemo đang đi thì dừng bước ngước mắt nhìn một ngôi miếu nhỏ trong nghĩa trang. Thorneburg lấy làm lạ, quan sát con chó xem nó đang muốn gì. Mắt nó sáng lóng lánh; hai vành tai dựng thẳng lên; lông quanh cổ nó xù ra. Thorneburg linh tính là Nemo đang cảm nhận có một cái gì ở chỗ đó. Nhưng Thorneburg chưa kịp mở máy liên lạc với Trung Tâm Kiểm Soát An Ninh thì “cái gì đó” đã nổ súng. Một viên đạn xuyên qua vai Thorneburg. Nemo thì bị trúng một viên đạn xuyên từ gần sát dưới mắt phải trỗ ra mõm..

Những tưởng đó sẽ là một kết cuộc bi thảm nhưng Nemo không chịu buông xuôi đầu hàng tình huống. Bất chấp vết thương, con chó nặng 90 cân Anh lao tới bốn tên đặc công Việt Cộng đang núp nơi ngôi miếu đã nổ súng bắn nó và chủ nó. Thorneburg tức khắc bấm máy liên lạc báo cáo tình hình nguy ngập. Căn cứ báo động. Lực lượng ứng chiến khẩn cấp tiếp viện chống trả cuộc tấn công đột kích. Các xạ thủ ổ súng máy gần hang-ga cũng sẵn sàng nhả đạn nếu địch quân băng qua phi đạo. Âm mưu của Việt Cộng nhằm phá hoại phi trường đã thất bại. Sau mấy giờ giao tranh, chúng bị đẩy lui, để lại tại chỗ 13 xác đồng đội.

Toán cứu viện xông ra tức khắc triệt hạ những kẻ xâm nhập và tải thương binh vào điều trị khẩn cấp. Các nhân viên tản thương phải khó khăn lắm mới giữ Nemo lại vì nó không chịu rời Thorneburg.

Vị bác sĩ thú y Raymond T. Hutson tại Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt đã giải phẫu mắt và may vá vết thương trên khuôn mặt bị rách của Nemo. Bác sĩ cũng đặt một ống khí quản phụ để giúp con chó thở. Mắt phải của Nemo bị lòi ra khỏi hốc mắt không cứu vãn được; bác sĩ đành phải cắt bỏ.

Nemo khi vừa được tải thương

Nemo với vết thương ở mắt


Nemo bị mất một mắt

Thorneburg được di tản đến Bệnh viện Không lực Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Tachikawa ở Nhật để hồi phục. Người dẫn dắt và con chó đã cứu sống anh ta đành phải chào nhau lời tạm biệt. Nemo hồi phục tại căn cứ Tân Sơn Nhứt. Nó nhận được nhiều thiệp chúc mau bình phục từ các em học sinh ở Mỹ. “Nemo thân mến, Tôi yêu chó. Tôi hy vọng bạn sẽ khỏe mạnh.

Những tưởng Nemo với một mắt vẫn có thể được giữ lại để tiếp tục đảm nhận công tác tuần canh, nhưng hóa ra vết thương của nó cần điều trị thêm. Vào ngày 23 tháng 6 năm 1967, Bộ Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ quyết định cho Nemo được giải ngũ trong vinh dự với tư cách là con chó săn đầu tiên được chính thức nghỉ hưu từ các dịch vụ tích cực. Đơn vị Không Quân Mỹ ở Tân Sơn Nhứt lo thủ tục cho Nemo hồi hương. Điểm đến là Trường Đào Tạo Quân Khuyển Lackland, Texas.

Chuyến bay hồi hương của Nemo có người dẫn dắt là binh nhì Melvin W. Bryant đi kèm, qua các chặng dừng ở Nhật Bản, Hawaii và California. Tại mỗi điểm dừng, các bác sĩ thú y của Không Lực cẩn thận kiểm tra tình trạng sức khỏe của Nemo để xem nó có dấu hiệu khó chịu, căng thẳng và mệt mỏi hay không.

Cuối cùng, chiếc phi cơ Globemaster C124 đã đáp xuống căn cứ không quân Kelly, Texas vào ngày 22 tháng 7 năm 1967. Đại úy Robert M. Sullivan, sĩ quan phụ trách chương trình huấn luyện và các nhân viên đào tạo chó gác ở Lackland có mặt tại sân bay để chào đón Nemo, đứa con dũng cảm của trường trở về.

Nemo được cho mãn nhiệm và nghỉ hưu vĩnh viễn, được cấp cho một cái chuồng đặc biệt riêng mới toanh để lưu trú gần cơ sở thú y. Chuồng của Nemo như một ngôi nhà xinh xắn có dấu hiệu với bảng tên, số quân, và thông tin chi tiết về công trạng anh hùng.

Nemo nằm trước chuồng

Đáp ứng nhiều yêu cầu và lời mời, Nemo có nhiều dịp được Đại úy Sullivan đưa đi nhiều nơi khắp nước Mỹ tiếp xúc với học sinh và công chúng, xuất hiện trên các đài truyền hình để làm công tác quảng bá thông tin, tuyển dụng Không quân và cổ súy cho ngành quân khuyển.

Nemo qua đời tự nhiên vì tuổi già tháng 12 năm 1972 ngay trước dịp lễ Giáng Sinh, sống được 11 năm. Dự tính bảo quản xác của Nemo để lưu giữ và trưng bày tại Viện Bảo Tàng Không Gian Smithsonian bất thành vì một trục trặc kỹ thuật. Do đó, Nemo được chôn cất vào ngày 15 tháng 3 năm 1973. Cho đến lúc đó, sự có mặt của Nemo tại căn cứ Lackland đã nhắc nhở các sinh viên về tầm quan trọng của một con chó đối với người điều khiển nó – và cho toàn bộ đơn vị.

Ngôi chuồng, bia mộ và tượng của Nemo ở Dog Center Lackland Air Base San Antonio Texas

Theo thống kê, con số chó quân khuyển Mỹ hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ ở Việt Nam là vào khoảng 500 con để cứu mạng sống cho hàng ngàn binh sĩ.

Nemo may mắn chỉ bị thương và được xem là con chó anh hùng đầu tiên từ chiến trường trở về quê hương và có lẽ là chú quân khuyển nổi tiếng nhất trong tất cả quân khuyển trong chiến tranh Việt Nam.

Phan Hạnh.

Nguồn tài liệu tham khảo:
http://www.bestinshowdaily.com/brownies/
https://www.corvetteforum.com/forums/off-topic/3512684-nemo-a534-usaf-k9-hero.html
http://www.pbase.com/635thk9/nemo_most_famous
https://en.wikipedia.org/wiki/Nemo_A534
https://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&GRid=16222538

PH-HCA

Dê ơi là dê, Phan Hạnh

 

dold

 

Cứ đến năm thuộc con giáp nào, các tay ngứa ngáy viết lách lại cố đi tìm những chuyện liên quan đến con giáp đó để nói. Nhưng nói riết rồi cũng hết, chẳng lẽ xào đi xào lại hoài những điều đã cũ và hầu như ai cũng đã đều biết. Thiệt khổ ghê. Năm ngoái gặp con ngựa cũng đỡ vì ngựa đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người hơn, gắn bó với tiến trình lịch sử nhân loại hơn nên có nhiều chuyện để viết hơn. Còn năm Ất Mùi này có gì về con dê để nói? Đối với dân Mít ta, nó chỉ nổi tiếng qua khả năng giao phối siêu đẳng của nó. Chính vì vậy mà giới đàn ông dê tôn nó làm sư phụ hay ông thầy, thiếu điều gọi nó là vua Minh Mạng.

Giáo sư tiến sĩ tâm lý học Steve Bearman ở Đại học California, Santa Cruz giải thích lý do tại sao đàn ông luôn bị tình dục ám ảnh. Ông nói tình dục thực sự là một nguồn tiềm năng của tình yêu và niềm vui, sự thân mật, sự hấp dẫn, và vẻ đẹp. Quan hệ tình dục đáp ứng được những nhu cầu này, mà nhu cầu chỉ được thực hiện bằng cách làm sao cho dương lực của người đàn ông trở nên mạnh mẽ. Đàn ông xem tình dục là con đường dẫn tới sự thân mật thực sự, sự gần gũi hoàn chỉnh để công khai hóa tình yêu, mang lại niềm vui và mong muốn, sức sống và sự phấn khích. Khi họ yêu, họ muốn thể hiện nó qua ngã tình dục. Đây là lý do tại sao những người đàn ông thường bị ám ảnh với tình dục. Nó nhanh chóng trở nên gây nghiện đối với hầu hết nam giới.

Ông nói dương lực là do lượng hormone và kích thích tố nam testosterone có nhiều trong cơ thể. Mà như chúng ta biết, tất cả thành chất trong cơ thể đều do thực phẩm hoặc dược phẩm chúng ta dùng, đúng với câu ăn gì bổ nấy (you are what you eat). Thịt dê có chứa các hợp chất tương tự như hormone sinh dục nam, đặc biệt trong thực phẩm chế biến từ dái dê. Do đó, chuyện thịt dê tăng khả năng tình dục của nam giới thì cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định có phần đúng. Dùng nhiều thực dược phẩm có chất kích thích thì sung và nghĩ đến chuyện tình dục là phải rồi. Theo Bearman, trung bình người đàn ông nghĩ đến chuyện tình dục khoảng 19 lần mỗi ngày. Để giải tỏa sự đòi hỏi, họ phải tán tỉnh, ve vản đối tượng của họ giống như một con dê đực nên họ bị gọi là dê xồm, bất chấp họ có để râu dê như ông tướng Nguyễn Khánh hay không.

Chỉ cần nhìn thấy một phụ nữ trẻ đẹp có vài đường nét khiêu gợi như một cặp chân dài, giọng thỏ thẻ ngọt ngào quyến rũ, một mùi nước hoa nồng nàn, mái tóc dài dịu dàng cũng đủ để kích thích họ nghĩ về tình dục. Đối với họ, khả năng tình dục được họ xem là bản lĩnh đàn ông và là một niềm tự hào thầm kín. Bị giảm hay mất năng lực này sẽ giáng một đòn nặng vào lòng tự tôn của họ, ngay cả khi không nói ra thì không ai biết, nhiều quý ông vẫn cảm thấy bị mất mặt. Thế là họ tìm đủ mọi cách để tăng cường khả năng trận mạc giường chiếu. Họ chiếu cố đến dê, nhất là bộ phận chiến lược của nó: pín dê và dái dê. Ngay cả cà tím, chỉ vì hình thù nó trông giống dái dê, cũng được phe đàn ông ưa thích, nếu dái dê nấu lẩu với cà dái dê thì càng tốt.

Tái dê chấm với tương bần
Ăn vào nó cứ bần bần như dê
Đêm về vợ lại tỉ tê
Tối mai ta lại tái dê tương bần.

Bài “Ăn thịt dê có bổ dương không?” của tác giả Minh Châu có đoạn “Nghe mấy tay nhậu kháo nhau về những món ăn từ dê, chỉ cần ăn thử một lần là trong người sẽ nóng lên rạo rực bừng bừng… Ai mà chẳng khoái. Nhất là quý ông lại thường rất quan tâm đến việc chọn thực phẩm có dính dáng đến chuyện ấy. Để đáp ứng nhu cầu cho quý ông, các quán chuyên thịt dê ở nước ta mọc lên ngày càng nhiều có dấu hiệu ngày càng đắt hàng hơn. Họ chế biến thịt dê thành đủ món hấp dẫn. Nhà hàng nào cũng quảng cáo về công dụng của thịt dê, coi đó như là cứu tinh của đàn ông.”

Khi nhắc đến món thịt dê, đặc biệt là dái dê, họ nghĩ ngay đến hành quân trên giường vì họ nghĩ món ăn đó có tác dụng bổ dương tráng khí. Chuyện đó đúng hay không, thực sự người viết không biết. Người viết nghe nói đến cả đống những món dê; tuy chưa ăn nhưng người viết nghĩ chắc cũng ngon. Vậy mà chẳng hiểu sao cả nhà người viết kể từ thời ông bà đến cha mẹ đến vợ con cũng chẳng ai nấu các món này cả.

Những người thuộc trường phái đi Nga (đa nghi) đưa ra nghi vấn việc ăn các món ăn từ dê -đặc biệt là tinh hoàn dê hay ngẩu pín dê- có thực sự bổ cho cậu nhỏ hay không. Chưa chắc, vì chưa được chứng minh một cách khoa học. Sự cho rằng ăn gì bổ ấy chỉ là sự suy luận theo kiểu người Tàu, báo hại tê giác thiếu điều bị diệt chủng. Cái gì tốt cho con dê chưa chắc đã tốt cho con người. Việc cơ thể có hấp thụ hay chuyển hoá các hormone đó hay không chưa có công trình nghiên cứu nào xác nhận.

Ấy vậy mà tại Mỹ, một bác sĩ đã từng dám ghép dái dê cho người đó bạn ạ. Bạn không nghe lầm đâu. Đây là một câu chuyện có thật đó, có tài liệu lưu giữ lại rất đầy đủ chi tiết. Nó từng được cho là câu chuyện hấp dẫn nhất trên nước Mỹ trong thế kỷ trước.

H.1Đó là bác sĩ John Richard Brinkley, sinh ngày 8 tháng 7 năm 1885 tại vùng núi Great Smoky Mountains thuộc quận hạt Jackson, tiểu bang North Carolina trong một gia đình nghèo. Năm 17 tuổi, Brinkly vào văn phòng Viện Trưởng Trường Đại Học Y Khoa Johns Hopkins và nói chàng muốn học để trở thành bác sĩ. Viện trưởng nhìn cậu thiếu niên, không lấy gì làm tin tưởng, khuyên cậu ta nên quay về quê là hơn.

Trong suốt 15 năm, Brinkley đeo đuổi mộng bác sĩ, theo học Trường Cao Đẳng Y Khoa Bennett Medical College ở Chicago, Illinois. Năm 1905, Brinkley lại theo học một trường y không chính thống dạy trị liệu bằng phương pháp tự nhiên và dược thảo tên là Eclectic Medical University ở thành phố Kansas, bang Kansas. Năm 1017, Brinkley tốt nghiệp, tìm việc, và nhận lời về làm bác sĩ cho bệnh xá thị trấn Milford, tiểu bang Kansas thay thế cho một bác sĩ về hưu. Dù Milford chỉ là một thị trấn nhỏ với độ vài trăm dân cư, nhưng bác sĩ Brinkley quyết định chọn nơi này để khởi nghiệp.

Brinkley giành được cảm tình dân cư địa phương ngay lập tức do ông trả lương nhân viên hậu hỉ, tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế địa phương và chịu khó đến tận nhà bệnh nhân trong trận đại dịch cúm năm 1918 ở Mỹ. Vết nhơ tai tiếng lang băm trước đó của Brinkley dần dần mờ xóa. Công lao chữa lành các nạn nhân cúm và sự đối xử tận tâm của ông với họ đã gây được tiếng vang tích cực. Nhưng chính vụ cấy tinh hoàn dê cho chàng nông dân Bill Stittsworth mới đưa bác sĩ Brinkley lên đài danh vọng và nổi tiếng như cồn.

Một ngày đẹp trời nọ Stittsworth đến xin khám bệnh, bác sĩ Brinkley vui vẻ hỏi “Tôi có thể giúp gì cho ông không?” Stittsworth ngượng ngùng kể “Bác sĩ ơi, tôi bị chứng bịnh thằng lớn nói, thằng nhỏ không nghe” và hỏi có thể nào bác sĩ Brinkley chữa giúp cho bệnh bất lực sinh lý này hay không. Brinkley giải thích rằng bất chấp mọi tiến bộ y học gần đây vẫn chưa tìm ra phương cách chữa trị chứng bất lực. Stittsworth thất vọng thở dài. Tình cờ khi nhìn ra cửa sổ, chàng nông dân nhìn thấy một con dê đực đang hành sự mạnh mẽ trên một con dê cái. Chàng ta buộc miệng đùa: “Phải chi tôi có một cặp tinh hoàn như con dê kia hả bác sĩ?” Cả hai người, bệnh nhân và bác sĩ, cùng cười lên với ý tưởng ngộ nghĩnh đó. Thế rồi chàng nông dân can đảm gợi ý: “Hay là bác sĩ cứ thử cấy cho tôi cặp hòn của con dê xem sao. Chắc cũng dễ giống như tôi ghép táo ngọt với táo chua vậy thôi mà.”

H.2

Quá đỗi kinh ngạc, Brinkley chống chế, ai lại đi làm chuyện điên rồ ấy bao giờ! Cấy tinh hoàn dê cho người để chữa bệnh bất lực? Phi đạo đức quá!

Chàng nông dân cố năn nỉ: “Vâng, thưa bác sĩ, tôi biết. Nhưng điều gì cũng không thể tồi tệ hơn cặp ngọc hành vô dụng này. Bác sĩ chỉ thí nghiệm một lần thôi. Nếu nó không hiệu quả, tôi thề là tôi sẽ không tiết lộ với ai.”

Ông bác sĩ nghe xuôi tai và nghĩ thôi thì cứ giúp cho gã một lần. Sau đó cuộc giải phẫu được thực hiện với giá 150 đô. Rồi vợ Stittsworth có bầu, sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Stittsworth đặt tên con là Billy, trong tiếng Anh có nghĩa là con dê đực. Sau này, Billy kể với phóng viên của tờ báo The Kansas City Star rằng thực ra chính bác sĩ Brinkley đã đề nghị cấy tinh hoàn dê miễn phí để thí nghiệm.

Stittsworth hớn hở đến phòng mạch vừa hát ư ử bài “Và con chim đã vui trở lại”, bác sĩ Brinkley mừng vô kể; ông không ngờ chuyện kỳ cục này lại có hiệu quả. Ông không thể che giấu một thành quả y khoa táo bạo như thế này. Ông nhận ra rằng ông phải công bố cho cả thế giới biết về phép lạ chữa bệnh này. Tuy nó chỉ là một phát hiện khá tình cờ nhưng nó đã chứng minh thành công với bệnh nhân bất lực do ông giải phẫu.

Khi các bác sĩ chính thống thách thức và nhất định cho rằng cách chữa trị đó không thể nào hữu hiệu, Brinkley nói, “Bằng chứng là kết quả sờ sờ đây này! Thật quá đơn giản! Quý vị chỉ cần hỏi bệnh nhân của tôi thì biết ngay!”

Tiếng lành đồn xa, tại bệnh xá Milford loại “walk-in clinic” không cần lấy hẹn trước, nhiều bệnh nhân đàn ông sồn sồn hơn đến gặp bác sĩ Brinkley với hy vọng khôi phục lại dương lực và khả năng truyền giống thông qua việc cấy ghép tuyến tinh hoàn dê. Bấy giờ bác sĩ Brinkley đã tăng giá mỗi ca giải phẫu lên thành US$750.00, tương đương với cả chục ngàn đô theo thời giá bây giờ.

Brinkley cấy ghép tinh hoàn dê cho tổng cộng 34 thân chủ, trong đó có một thẩm phán, một ông hội đồng thành phố, và một viện trưởng Đại học Luật Khoa Chicago, tất cả đều có sự theo dõi của báo chí. Sự chú ý của công chúng càng lớn, công việc kinh doanh cấy tuyến dê của ông tại Milford càng tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Thật ra trước đó, một số bác sĩ khác cũng đã từng thử nghiệm cấy ghép tuyến rồi, trong đó có bác sĩ Serge Voronoff, người đầu tiên trở nên nổi tiếng ghép tinh hoàn khỉ cho người. Năm 1920 Voronoff chứng minh kỹ thuật của ông tại một bệnh viện ở Chicago trước sự chứng kiến của một số đồng nghiệp.

H.3Năm 1922, Brinkley đã đến Los Angeles theo lời mời của Harry Chandler, chủ nhiệm của tờ Los Angeles Times. Chandler thách thức Brinkley hãy cấy ghép tinh hoàn dê cho một trong những biên tập viên của tờ báo. Chandler tuyên bố nếu cuộc giải phẫu thành công, ông sẽ tuyên dương Brinkley là “bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng nhất ở Mỹ”. Và nếu cuộc giải phẫu thất bại, ông sẽ xem mình như là thứ đồ chết tiệt.

Tiểu bang California không công nhận giấy phép hành nghề bác sĩ của Brinkley (do Trường Đại học Y Khoa Chiết Trung Kansas chuẩn cấp), nhưng Chandler đã khéo léo chạy chọt được cái giấy phép hành nghề tạm có hiệu lực trong 30 ngày cho Brinkley. Cuộc giải phẫu được đánh giá là một thành công, và Brinkley đã nhận được sự chú ý như đã hứa qua một bài báo của Chandler. Điều này khiến cho Brinkley có thêm nhiều khách hàng mới, trong đó có một số ngôi sao điện ảnh Hollywood.

Brinkley rất muốn dời phòng mạch về vùng Los Angeles vì bệnh nhân toàn thuộc hạng giàu có tiếng tăm. Nhưng hy vọng của Brinkley đã tiêu tan khi Ủy Ban Y Tế California thẳng thừng từ chối cấp cho ông giấy phép vĩnh viễn hành nghề y vì tìm thấy sơ yếu lý lịch của ông “đầy dẫy những dối trá và sai biệt”. Brinkley trở lại Kansas không hề nản chí và bắt đầu mở rộng phòng mạch của ông tại Milford.

Chuyện gì đến sẽ đến. Sau đó, do tham việc -hay đúng hơn là tham tiền và danh vọng-, Brinkley bận rộn hơn, căng thẳng hơn, gấp gáp cẩu thả hơn, phải dựa vào men rượu. May mắn không thể đến mãi cho một bác sĩ không có học khoa giải phẫu đàng hoàng như Brinkley, một số vụ nhiễm trùng và cơ thể con người nhất định từ chối không chịu nhận tuyến sinh dục lạ đã xảy ra đưa đến cái chết của bệnh nhân. Trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 1941, Brinkley đã bị kiện hơn một chục lần vì giải phẫu sai quấy làm chết bệnh nhân. Brinkley bị tước bằng hành nghề bác sĩ, nhảy qua kinh doanh trong vài lãnh vực khác, trong đó làm đài phát thanh, bị xử thua trong nhiều vụ kiện và thân bại danh liệt.

H.4

Ông tuyên bố phá sản vào năm 1941. Ngày 26 Tháng 5 năm 1942, Brinkley ngã ra chết vì biến chứng nghẽn mạch máu trong lúc những vụ kiện còn chờ đưa ra xét xử. Trong gần 57 năm của cuộc đời, Brinkley đã đạt được sự giàu có, quyền lực, và danh vọng. Tuy nhiên, điều mà ông mong mỏi nhất là sự kính trọng lại lảng tránh ông đến cùng. Cho dù ông thực sự tin tưởng vào hiệu quả của phương pháp chữa trị bệnh bất lực một cách quái gỡ đi ngược lại với qui luật của Hiệp Hội Y Học Hoa Kỳ (AMA), người đời sau thường nghĩ đến ông như là một lang băm điên rồ không hơn không kém.

Kể từ khi Brinkley chết rồi cho đến nay không còn bác sĩ nào dám cấy dái dê cho người nữa. Những ai muốn tăng cường khả năng tình dục đành trở về với các món ăn lẩu dê, dê nướng ngũ vị hương, dê xào lăn, dê xào sa tế, dê hấp cách thủy, gan dê hầm, tiết canh dê, dê con quay, rượu tiết dê, dê nấu rựa mận, xáo măng, sườn dê nướng, ngọc dương hầm thuốc Bắc, chân móng dê hầm thuốc, tái dê, dê tiềm thuốc Bắc… Nếu sợ ăn thịt dê nhiều lâu ngày cũng sẽ hôi như dê thì bạn chịu khó xin toa bác sĩ mua các loại thuốc trợ dương Viagra, Levitra, Cialis, Soma, Propecia, Acomplia, Xenical xài đỡ nhé.

Chúc bạn một năm Ất Mùi thật sung!

Phan Hạnh.

Tôi nuôi dê, Phan Hạnh

tnde2

Phan Hạnh
(phóng tác theo một câu chuyện thật).

Cái nghiệp nuôi dê đến với tôi chỉ do một sự tình cờ. Sau một cơn mưa bão nọ, đùng một cái bỗng đâu có một con dê đi lạc vào khu nông trại mới mua của vợ chồng tôi ở Breslau gần thành phố Kitchener như thể trên trời rớt xuống. Đúng là của trời cho.

Vậy là chúng tôi giữ nó nuôi chơi. Trước đó, tôi –một thằng dân tị nạn- có hiểu biết tí gì về chăn nuôi đâu, dù chỉ là một con gà. Cho nên, thấy nó có sừng, tôi cứ tưởng nó là dê đực. Tới chừng quan sát nó kỹ hơn một chút, nhất là nhìn nó từ đàng sau khi nó đi, tôi chẳng thấy có cái gì toòng teng “lắc lư con tàu đi” cả. Cái chỗ hai túi dết súng đạn trống không. “Vậy thì nó đúng là một nàng rồi”, tôi đơn giản nghĩ. Thế là vợ tôi đặt cho nó cái tên là Đẹp, vì trông nó cũng dễ thương.

Chúng tôi nuôi nó được một năm hoặc lâu hơn chút xíu thì trước lễ Mother’s Day Ngày Mẹ Hiền vài bữa, bỗng dưng một ông bạn, người Canada làm chung hãng đã lâu đời trước tôi và sắp về hưu, hỏi tôi có muốn một con dê đực không thì ổng cho như là một món quà. Chẳng là trong lúc giao thiệp giữa bạn đồng nghiệp với nhau, tôi có kể cho ổng nghe chuyện một con dê cái đi lạc vào đất vườn nhà tôi. Tôi còn nhớ ổng gọi đó là một “godsend”. Tôi trớ mắt ngạc nhiên. Dường như ổng đoán được ý tôi nên nói: “Cho không! Không bán!” Ngon ơ vậy đó! Chu mẹc ơi, có ai ngờ tự dưng tôi có một cặp dê để nuôi mà không tốn một đồng xu cắc bạc nào. Biết đâu nếu tôi khéo léo và trời thương, sau này tôi sẽ có được một tài sản là một đàn dê và tất cả mọi thứ đều miễn phí!

Thế là tôi hăm hở xách chiếc xe hơi Volkswagen cà tàng loại sang số tay của tôi đi đón nó về. Tôi đặt nó đứng hai chân sau dưới sàn xe, hai chân trước trên nệm ghế hành khách. Tôi phải vừa bẻ lái xe và sang số bằng tay trái và đầu gối, vừa giữ kềm sừng nó bằng tay mặt. Như bạn biết, Ngày Mẹ Hiền rơi vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng Năm lúc thời tiết Canada còn lạnh cho nên tôi đóng kín các cửa kính xe. Đến khi chiếc xe đang chạy trên con đường quê chưa tráng nhựa gập ghềnh bận về, tôi thực sự không rảnh tay để mà quay hé cửa kính xe xuống. Chắc bạn biết mục đích để làm gì rồi. Trong chiếc xe bít bùng kín hơi, mùi của con dê đực tra tấn lỗ mũi tôi muốn nín thở. Mà nó có chịu đứng yên để được tài xế là tôi chở nó đi chơi ngắm cảnh một chuyến đâu. Nó vùng vằng nhích tới nhích lui khiến cho tôi phải cố kềm chặt cái sừng bự thô nhám của nó đến độ năm ngón tay tôi mỏi nhừ. Nó ngứa râu hay sao đó cho nên nó tìm cách cạ cằm nghe sồn sột vào bất cứ chỗ nào mà nó có thể cạ được trong xe. Sau này tôi mới hiểu mấy con thú hay có thói quen làm dấu bằng mùi để xác định lãnh thổ. Nhưng chiếc xe là của tôi chớ nào phải của nó đâu.

Eo ơi, cái mùi dê của nó mới thật là khủng khiếp, một cái mùi lạ lùng không giống bất cứ thứ mùi nào mà tôi đã từng được hay bị ngửi trước đó. Nó hôi nồng hăng hắc hơn mùi con chồn hôi (skunk) nhiều. May mà những người tuổi Mùi con dê như tôi không bị mùi dê. Cám ơn trời, tôi chỉ chịu đựng gần nửa giờ đồng hồ là đã tới nhà.

Vợ tôi -một thôn nữ người Canada gốc Đức nhà quê Sorbian- ra đón, tôi dắt con dê xuống xe đưa nó cho nàng và nói:

“Đây là món quà anh muốn tặng em nhân Ngày Mẹ Hiền.”

Chắc tôi cũng nên giải thích tổng quát tình hình một chút xíu, vì tôi không muốn bất cứ ai nghĩ rằng tôi là thằng chồng bần tiện dùng một món đồ lượm làm quà cho vợ. Sự thật là vào ngày Thứ Bảy hôm trước đó tôi có tới dự một cuộc bán đấu giá trong thị trấn nhỏ này và mua được một máy cắt cỏ còn mới chạy điện tự khởi động hiệu Sears chỉ có 45 đô, thật quá rẻ! Tưởng sao, khi tôi mang về đưa cho nàng thì nàng bảo:

“Trời đất quỉ thần ơi! Em chưa thấy ông chồng nào mua máy cắt cỏ làm quà cho vợ bao giờ! Như vậy chẳng khác nào anh gián tiếp giao việc cắt cỏ cho em!”

Nàng nhất định không chịu nhận món quà máy cắt cỏ cho nên tôi mới tặng nàng con dê, một thứ máy cắt cỏ không gây tiếng động và “thân thiện với môi sinh”. Chỉ phiền một điều là suốt mấy tuần lễ liền, nàng nhất định không chịu leo lên xe đi chung với tôi vì mùi dê đã bám dính vào ghế ngồi dễ gì tan hết sớm vậy.

Thế rồi tôi dắt con dê đực -mà tôi cũng đặt tên cho nó là “Đực” luôn cho gọn- tới giới thiệu với Đẹp. Thiệt chẳng khác nào tôi làm mai, cái dại nhất trên đời. Tôi ngắm nghía hai con dê đứng cạnh nhau và cảm thấy rất hài lòng. Bây giờ tôi mới thấy hai con dê khác nhau rất nhiều. Đực có cặp sừng to hơn, râu dài hơn và… hôi hơn. Điểm khác biệt nổi bật nhất chính là cặp túi dết to đùng nó mang lòng thòng giữa hai chân sau treo lơ lửng trên mặt đất. Đẹp đứng kế Đực trông dễ thương hơn với cặp sừng ngắn nhỏ xíu và cái đuôi cong xoắn.

Tôi chưa kịp đóng vai ông mai xe duyên cho đôi trẻ thì Đực đã có hành vi lãng mạn ló mòi dê. Chưa gì chàng ta đã nhún nhảy cà tưng chộn rộn, lăng xăng lít xít nhắng cả lên. Đến khi chàng xoa cằm đầy râu vào mông nàng, nàng không chịu nên xoay người qua hướng khác. Và cứ mỗi lần chàng ta dự định “lên ngựa”, nàng chạy tránh đi.

Tôi thường tự cho mình là một người kiên nhẫn, và thế là tôi bắt ghế ngồi dưới mái hiên, thưởng thức một vài lon bia sau một ngày làm việc và theo dõi sự thể đã đi tới đâu rồi, cặp dê đã làm ăn gì chưa. Nhưng sau nhiều ngày thấy cô dê vẫn làm khó “em chả”, tôi thấy như vậy là quá đủ rồi và nghĩ tôi cần phải giúp thằng Đực một tay. Dẹp mấy lon bia qua một bên, tôi bước ra nhà chuồng, dùng hai tay kềm chặt sừng con Đẹp cho nàng đứng yên một chỗ. Chỉ chờ có thế, Đực phô bày bản lĩnh giống đực, áp vào làm phận sự liền, nhoáng một cái là xong.

Tôi tự bào chữa cho hành động tiếp tay của mình rằng bây giờ tôi đã là một nông dân, nhân danh trời đất, tôi phải làm sao cho dê tôi nuôi sinh con đẻ cái chớ. Xong! Bây giờ tôi chỉ việc chờ một bầy dê con ra đời. Ủa mà chu kỳ dê mang thai là bao lâu cà?

Nhưng tôi đúng là một gã nông dân bất đắc dĩ khờ khạo cù lần chẳng hiểu gì nhiều về loài dê. Số là sau lần được tôi giúp cho việc giao phối, con dê đực của tôi lại tiếp tục có hành vi lãng mạn tìm cách làm chuyện ấy với Đẹp nữa.

Dù sao nó làm mới có một lần (nhờ có tôi giúp đỡ), coi bộ chưa thấm thía gì. Nó cứ bám theo Đẹp để sẵn sàng tiếp tục “làm” nữa nếu có cơ hội. Nhưng chẳng lẽ tôi theo phụ nó hoài? Tội nghiệp Đẹp phải liên tục né tránh sự tấn công quấy nhiễu tình dục của thằng cha Đực dê xồm. Đẹp chạy khắp nơi trên đồng cỏ đến cái mức thậm chí tôi bắt đầu cũng thấy bị làm phiền! Tôi suy nghĩ, có thể dê là một trong những loài động vật suốt đời chỉ giao phối với một bạn tình như người ta không? Tôi nghĩ biết đâu nàng ta đã có bạn đời ở nơi cư ngụ cũ trước khi nàng đi lạc tới đây? Nàng chung thủy với mối tình xưa? Hay là vào lúc ban đêm nàng đã bị thằng Đực râu xồm hành hạ tơi bời rồi nên ban ngày nàng chạy dài?

Unbenannt

Trong khi đó, vì không có chỗ giải quyết, chàng Đực nhà ta xuất tinh và nước tiểu rồi dùng râu cằm thay cho cây cọ quẹt mùi hôi đánh dấu bất cứ đâu: mỗi cột hàng rào, vách chuồng, cái bơm nước giếng, bể chứa nước và máng ăn. Chẳng bao lâu, toàn bộ trang trại của vợ chồng tôi bắt đầu có mùi tinh dịch và nước tiểu dê đực! Nó tệ đến nỗi khi tôi ngồi nơi bàn ăn một buổi tối nọ với gia đình gồm vợ chồng tôi, đứa con gái 3 tuổi, và má vợ tôi –cũng là người bảo lãnh cho tôi tới Canada-, mọi người nhăn mặt bảo sao tôi hôi dê quá. Hóa ra là tôi hay dựa vách chuồng nhâm nhi lon bia và tự hỏi Đẹp sẽ còn tránh né sự gạ gẫm của chàng Đực dê xồm được bao lâu nữa?

Đến Ngày Cha Hiền Father’s Day vào khoảng giữa Tháng Sáu, vợ tôi mua cho tôi một món quà. Tối hôm đó, khi chúng tôi đã ngồi vào bàn ăn, nàng trao cho tôi một cái hộp không lớn lắm gói giấy hoa có cột dây ruy băng xung quanh bốn phía tử tế. Nói thật, tôi không kỳ vọng nhiều ở món quà, đúng ra là tôi không mong đợi gì cả. Nhưng khi tôi mở món quà và liếc nhìn vợ yêu của tôi, cặp mắt xanh của nàng ngời sáng lấp lánh và một nụ cười nghiêm trọng nhưng vui tươi trên khuôn mặt. Tôi quay lại nhìn món quà nhỏ của tôi và thử đoán xem nó mang ý nghĩa gì. Và tôi đã hiểu! Tôi cười ngượng ngùng:

“À… Thì ra Ngày Mẹ Hiền anh tặng em con dê hôi rình nên Ngày Cha Hiền em tặng lại anh chai dầu thơm! Cám ơn em.”

Thế rồi bạn có biết sao không? Sau bữa ăn, tôi xách lọ nước hoa ra chuồng dê. Tôi xịt tưới xượi vô hạ bộ của con dê đực hôi rình đó. Tôi còn mở luôn nắp chai và rưới nước hoa lên đầu của nó nữa.

Nếu như có bất cứ thứ chìa khóa nào để mở cho tất cả các quỷ dữ từ địa ngục thoát ra cùng một lúc thì chính tôi vừa thực hiện hành động đó. Khi nước hoa nhỏ giọt chảy từ đầu của Đực xuống hai lỗ mũi, nó thè đôi môi và chìa cằm ngướng cổ ra phía trước như nó từng làm kể từ ngày tôi đưa nó về đây. Nhưng rồi, tôi đoán mùi nước hoa đã thấm vào thân mình nó và thay đổi thực thể của nó, và nó bắt đầu hành động như bị bùa ám, thốt ra tiếng kêu kỳ lạ mà cho đến nay tôi vẫn không thể mô tả chính xác như thế nào. Tôi nghĩ rằng nó có vẻ giống như một sự kết hợp giữa tiếng mụ phù thủy quỷ quyệt rên khi bị “Wizard of Oz” chế nước, và tiếng kêu của một con lợn rừng bị thổ dân người lùn Phi Châu săn giết mà tôi đã xem trên chương trình truyền hình đặc biệt của National Geographic.

Nó bắt đầu tung vó nhảy bổng cà tưng vừa chạy lung tung và lăn trên mặt đất, đồng thời phun chất nhờn của nó khắp mọi hướng. Tôi chạy khỏi chuồng ra ngoài cánh đồng cỏ với Đực đuổi theo phía sau! Tôi chỉ kịp đóng cái cổng rào vài giây trước khi Đực tông sừng vào, sau đó nó tiếp tục húc sừng vào bất cứ vật gì trong tầm nhìn của nó, cứ như vậy trong suốt ba mươi phút hoặc lâu hơn. Đực chỉ ngừng khi nó đã phun ra đủ mùi dê để tự nhận ra mùi này mới chính là mùi của mình. Sau cái màn đó, vợ tôi đồng ý rằng đã đến lúc phải tống khứ “món quà” đó đi; sự chào đón dành cho nó nơi trang trại của chúng tôi đã mòn nhẵn cạn kiệt hết cả rồi.

Trong thời gian đó, con chó cái thuộc loại chó chăn cừu có tên gọi theo tiếng Anh là Border Collie của chúng tôi đẻ ra một lứa chó con đầu tiên. Tôi đăng một mẫu quảng cáo trên tờ báo địa phương và một phụ nữ từ thành phố Kitchener đã gọi và hẹn muốn tới xem. Đến khi biết ra bà ta là một bác sĩ thú y chuyên loại thú nhỏ, tôi mới nói với bà ấy về nỗ lực của chúng tôi muốn cho Đẹp sinh con. Bà đề nghị để bà khám xem chúng tôi phải đợi bao lâu nữa cho đến khi Đẹp sinh con.

Thế là chúng tôi tạm dẹp đám chó con sang một bên và đi trở lại nhà chuồng. Tôi phải thừa nhận rằng tôi cảm thấy rất tự hào về sự gìn giữ ngăn nắp của nông trại khi chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, được một bác sĩ thú y từ thành phố ngỏ lời khen ngợi nói rằng bà thích những gì bà nhìn thấy. Điều đó bảo đảm với tôi rằng chúng tôi đã quyết định đúng khi mua trang trại này. Có lẽ một số bạn đọc cũng có liên quan đến quyết định tương tự khi còn trẻ và phải chọn lựa một quyết định lớn, chẳng hạn như cưới vợ khác chủng tộc, dời nơi sinh sống, mua một trang trại, hoặc một chiếc xe hơi mới, bạn muốn chắc chắn rằng bạn đang quyết định đúng đắn.

Nếu ba vợ tôi còn sống thì tôi sẽ hỏi ý kiến của ông về những việc quan trọng cho chắc ăn, nhưng ông chết hai năm nay rồi vì bịnh tim. Không có ông, tôi được một bác sĩ thú y khen trang trại đầu tiên của tôi, tôi cũng vui sướng lắm. Đang còn lâng lâng trong niềm vui sướng về thành đạt của mình, bỗng tôi nghe bà bác sĩ thú y vừa nói cái gì đó, tôi xin bà lặp lại cho. Bà nói: “Con dê này không phải là một con dê cái, mà là một con dê đã thiến.”

Đột nhiên tôi nghe quặn thắt trong lòng. Tôi đáp lại câu tuyên bố của bà bằng cái nhìn trống rỗng trong khi tâm trí tôi quay ngược nghĩ về lần tôi đã uống bia hơi say và đã tiếp tay giúp cho Đực dê xồm cưỡng hiếp Đẹp. Lúc đó tôi thấy mình đứng là một thằng đần. Cho đến ngày nay, tôi tự hứa sẽ không bao giờ vừa uống bia vừa chăm sóc gia súc nữa.

Bà bác sĩ thú y ra về, không một lần quay lại và cũng chẳng còn quan tâm đến đàn chó con của tôi. Thậm chí cuối cùng chúng tôi cũng phải mang Đẹp đi cho chủ khác vì nàng/chàng/nó dê ấy không bao giờ trở lại bình thường như trước nữa. Trước khi tôi mang Đực -con dê xồm quái quỉ- về trang trại, Đẹp là một con dê rất hiền lành ngoan ngoãn, luôn chạy tới mừng chào đón chúng tôi khi chúng tôi mang cho nó một khúc cà rốt hay miếng táo. Và, mặc dù người ta có thể nghĩ rằng một khi con dê đực dâm dục đã vắng bóng, mối đe dọa không còn nữa, Đẹp sẽ trở lại bình thường như trước. Nhưng không. Dường như Đẹp vẫn còn bị kinh nghiệm đáng ghê tởm một lần ám ảnh mãi mãi.

Giờ đây khi tôi bước vào cánh đồng cỏ, thoạt đầu nó cũng chạy đến tôi như mọi khi, nhưng rồi nó khum đầu xuống và muốn cụng sừng vào người tôi. Tôi đoán con dê đã mang theo một mối hận vì sự đồng lõa của tôi với con dê xồm háo dâm, mặc dù lúc đó tôi đâu có biết Đẹp là một con dê trung tính và tôi chỉ có ý tốt muốn giúp cho chúng giao phối mà thôi.

Sau đó không lâu, tôi mang Đẹp đi cho người khác vì tôi không thể chịu đựng nổi sự dày vò ân hận và mặc cảm tội lỗi của tôi mỗi khi nhìn thấy nó nữa.

Phan Hạnh
(phóng tác theo một câu chuyện thật).

Con dê trong anh ngữ, Phan Hạnh

cdtan2

Năm ngoái con ngựa Giáp Ngọ, người viết tìm thấy khá nhiều tài liệu liên quan đến “horse” để tham khảo, năm kế tiếp sau con ngựa là con dê, muốn tìm chữ “goat” coi bộ hơi hiếm, thôi thì có bao nhiêu xài bấy nhiêu vậy bạn nhá.

CDTAN_-_H.1

Goat mà không phải dê.
Khi bạn dùng cellphone “text” hỏi ai “How are you”, có bao giờ bạn nghe người đó trả lời “I feel goat” chưa? Người đó dùng một chữ viết gộp lại (acronym) với bạn đấy. Trong trường hợp này “goat” là “g.o.a.t.”, gộp tắt của 4 chữ “greatest of all time”, đại khái có nghĩa là “khỏe chưa từng thấy” chớ không phải “tôi cảm thấy dê” (Hả? Cái gì?). Hóa ra nó chẳng dính líu gì đến con dê cả. Chữ viết gộp G.O.A.T trở nên phổ thông kể từ khi ca sĩ hát nhạc rap nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ có nghệ danh Eminem hay tục danh Slim Shady (tên thật Marshall Bruce Mathers III) dùng trong một bài hát của anh có cùng tên với những câu mở đầu là:

I’m a goat
and for those of y’all who don’t know what a goat is
it means the greatest of all time
and I consider myself one of those
so thank you very much, here it goes!

(khỏi cần dịch bạn cũng biết nó có nghĩa gì rồi, phải không ạ?)

Các album nhạc rap của Eminem là The Slim Shady LP, The Marshall Mathers LP và The Eminem Show đều là những thành công vang dội và đã mang lại cho Eminem 9 giải Grammy. Năm 2002, Eminem trở thành rapper đầu tiên đoạt giải Oscar cho bộ phim anh tham gia đóng vai chính với bài hát Lose Yourself. Sau khi tạm rời xa sân khấu vào cuối đợt tour năm 2005, Eminem đã cho ra album thứ 5 của mình là Relapse vào ngày 19 tháng Năm năm 2009, đánh dấu bước đầu trong sự trở lại của anh. Tính đến đầu 2011, Eminem đã bán được gần 90 triệu album khắp thế giới, và hơn 41 triệu album tính riêng tại Hoa Kỳ, trở thành rapper có số lượng album bán chạy nhất trong lịch sử. Eminem được các độc giả của tạp chí Vibe bình chọn là “the best rapper alive”. Tính đến cuối năm 2011, Eminem đã giành được 13 giải Grammy trong số 38 đề cử.

CDTAN_-_H.2

Cỏ râu dê.
Ngắm tấm hình này, bạn có thấy loại hoa xinh đẹp không. Hoa từng chùm trắng muốt nở bung có những sợi tua như lông măng. Đó là hoa dại mà người Việt mình gọi là cỏ râu dê, một thứ bụi cây thảo mộc giàu dược tính. Thật tội nghiệp, hoa đẹp thế mà bị mang tên xấu. Tên khoa học là Filipendula-ulmaria và các tên tiếng Anh dễ thương như meadowsweet, Queen of the Meadow, Pride of the Meadow, Meadow-Wort, Meadow Queen, Lady of the Meadow, Dollof, Meadsweet, và Bridewort. Nó có mùi thơm ngọt ngào nồng nàn làm sảng khoái tinh thần được mọi người ưa chuộng, kể cả nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất. Hoa cỏ râu dê phơi khô được dùng làm chất xông hương (potpourri) để trong nhà thờ, phòng cô dâu… và được sử dụng như một loại hương liệu trong thực phẩm. Trong y học truyền thống Âu châu, cỏ râu dê được dùng để điều trị bệnh nhức đầu, viêm khớp, bệnh gút, nhiễm trùng dạ dày, hen suyễn và nóng sốt.

CDTAN_-_H.3

CDTAN_-_H.4

Horny goat weed.
Horny goat weed, Cỏ sừng dê là một loại thảo dược có tên khoa học là Epimedium, với lá được dùng làm thuốc. Có tới 63 loài cỏ sừng dê được gọi bằng cái tên kỳ cục là “dâm dương hoắc” (yin yang huo) trong y học Trung Quốc. Nó còn có các tên Anh ngữ khác là barrenwort, bishop’s hat, fairy wings, rowdy lamb herb, randy beef grass.

Chi Dâm dương hoắc là một chi thực vật thuộc Họ hoàng mộc. Chi này có khoảng 63 loài, phần lớn đều là đặc hữu của miền nam Trung Hoa, với một số loài phân bố xa tận châu Âu. Chi này có một số loài dâm dương hoắc có tính chất kích thích tình dục và được sử dụng làm thuốc. Cây này có nhiều loài khác nhau đều được dùng làm thuốc. Người ta dùng kéo cắt hết gai chung quanh biên lá, cắt nhỏ như sợi tơ to, rây sạch mảnh vụn rồi dùng. Người ta cũng dùng rễ và lá, cắt hết gai chung quanh rồi dùng mỡ dê, đun cho chảy ra, gạn sạch cặn, cho Dâm dương hoắc vào, sao qua cho mỡ hút hết vào lá, lấy ra ngay, để nguội là được. Hoặc rửa sạch lá, xắt nhỏ, phơi khô, sao qua, nếu tẩm rượu trước khi sao qua càng tốt.

Horny goat weed được sử dụng để chữa trị đau khớp, viêm xương khớp, mệt mỏi tinh thần và thể chất, mất trí nhớ, huyết áp cao, bệnh tim, viêm phế quản, gan bệnh, HIV / AIDS, bại liệt, chứng rối loạn máu gọi là giảm bạch cầu mãn tính, nhiễm vi khuẩn, loãng xương, và được dùng như một loại thuốc bổ. Cỏ sừng dê cũng được dùng cho các trục trặc hoạt động tình dục bao gồm cả rối loạn cương dương (ED) và xuất tinh ngoài ý muốn. Nó cũng được sử dụng để khơi dậy ham muốn tình dục.

CDTAN_-_H.5

Goatee (râu dê).
Người Việt mình hay bảo “nam tu nữ nhũ” với ý nói râu tiêu biểu cho phái nam và “núi đôi” tiêu biểu cho phái nữ. Nhưng đối với loài dê thì dê cái, dê đực gì cũng đều có râu cả.

Râu cũng có nhiều thứ râu, cũng phải được chăm sóc o bế cắt tỉa gọn ghẽ mới đẹp. Râu để mọc bừa bãi trông bê bối không hấp dẫn tí nào, nhất là râu dê luôn dính liền với ý nghĩa không tốt. Nam diễn viên Brad Pitt 46 tuổi bắt đầu “nuôi” râu từ tháng 9 năm 2013 tới nay bị khách hâm mộ chê xấu, nhưng chàng có lý do chính đáng: chuẩn bị đóng phim mới trong vai đại tá Percy Harrison Fawcett, nhà thám hiểm người Anh đã mất tích ở Amazon vào năm 1925 trong một chuyến đi tìm kiếm một nền văn minh cổ đại.

CDTAN_-_H.6

Scapegoat: Dê tế thần
Dê tế thần theo nghĩa đen dĩ nhiên là một con dê bị dùng làm lễ vật tế thần. Thần thoại Hy lạp, La mã ghi lại Zeus- Jupiter chúa tể các vị thần, lúc sinh ra bú sữa dê pha với mật ong. Khi tế thần người ta phải dâng dê bò “barbecue” nguyên con, chắc là sau đó mọi người sẽ đánh chén. Vào thời cổ La Mã, trong lễ hội Lupercalia cử hành vào ngày 15 tháng Giêng đầu năm, các thầy tế dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội. Da dê sau đó được chia ra từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang trong mình như lá bùa giúp mùa màng tươi tốt. Phụ nữ La Mã cũng tìm đủ cách để chạm được tay vào miếng da dê tế thần vì họ tin tưởng rằng làm như vậy sẽ sinh nở dễ dàng hơn. Vì vậy, sau hội Lupercania, nhiều đôi trai gái nên duyên nhờ miếng da dê.

Trong Thiên Chúa Giáo, hình ảnh con chiên, con dê rất gần gũi với người Do Thái từ mấy ngàn năm nay. Đức chúa Giêsu chào đời trong máng cỏ tại một hang có nhiều dê, chiên, lừa… thở hơi ấm. Ngoài ra, hình ảnh con chiên, con dê hy sinh, nhận lãnh làm của đền tội cho dân Do Thái không một lời than van thực ra là hình ảnh của chúa Giêsu gánh nhận trên vai mọi tội lỗi của nhân loại, như lời tiên tri Isaia đã nói trước 700 năm: “Người đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình”. Cũng chính vì sự so sánh này mà hàng ngày các giáo dân thường cầu nguyện “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng tôi…”

Trong nghi thức tôn giáo Do Thái cổ xưa, vào Ngày Chuộc Tội (Day of Atonement, Yom Kippur), vị tư tế sẽ sát tế “con dê cho Chúa” làm lễ tạ tội cho toàn dân (con dê tạ tội). Sau một vài nghi thức thánh hiến trên bàn thờ, xác con dê tế hiến được đem ra ngoài trại xa mà đốt đi. Kế đến, người ta dẫn con dê thứ nhì tế hiến cho quỉ Azazel tới. Vị tư tế đặt hai tay lên đầu con dê này và “bàn giao” tất cả tội lỗi của toàn dân cho nó, dĩ nhiên là oan, nên người Việt mình còn gọi con dê tế thần là “oan dương”. Xong lễ, con dê này bị dắt vào sa mạc bỏ lạc lõng đói khát, số phận của con dê gánh tội coi như đã được định đoạt.

CDTAN_-_H.7

Scapegoat, Dê tế thần theo nghĩa bóng.
Danh từ “scapegoating” dùng để chỉ sự đổ tội cho người khác thay vì chấp nhận những hậu quả do hành động của chính mình. Người bị chọn làm vật tế thần, “scapegoat”, thường là một người hoặc một nhóm người thấp cổ bé miệng, dễ ăn hiếp và khinh miệt hơn. Hitler đổ thừa bác sĩ Eduard Bloch gốc Do Thái đã chữa trị dở khiến cho mẹ của Hitler là Klara chết. Từ ác cảm cá nhân, Hitler đổ lỗi dân Do Thái là một trong những nguyên nhân làm Đức thua trận năm 1918. Và Hitler đã giết 6 triệu người Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai như là những con dê tế thần. Dê tế thần có thể trong tất cả mọi giới: chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, thể thao. Adam đổ lỗi Eve cám dỗ; Eve đổ lỗi cho con rắn. Stalin đổ lỗi Trotsky. Trả lời phỏng vấn của đài BBC cuối năm 2013, nhà văn Vũ Thư Hiên cho rằng ông và ông Nguyễn Kiến Giang -nhà lý luận về chủ nghĩa Marx, cựu đảng viên lão thành mới qua đời- cùng nhiều người khác bị bắt và bị bỏ tù trong vụ án “Xét lại chống Đảng” trước đây chỉ là những con dê tế thần của một âm mưu trong nội bộ Đảng Cộng sản khi đó, mà theo ông là để hạ uy tín của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Scapegoat” còn là nạn nhân bị tập thể hoặc cấp trên đổ lỗi để gánh chịu trừng phạt. Vì muốn thoát hiểm an toàn, phủi tay tránh né trách nhiệm, biện minh cho hành động sai trái, tập thể hoặc cấp trên đó thường chọn người dưới quyền hay yếu thế làm vật hy sinh chịu tội thế cho mình. Đại úy Nguyễn Văn Nhung, sĩ quan tùy viên của trung tướng Dương Văn Minh, vâng lệnh nhóm đảo chánh bắn chết tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu ngày 1-11-1963 để rồi sau đó bị làm dê tế thần, bị quy tội, bị tra tấn chết nhưng phao gian là chết do tự tử. Ngày nay trong nước xảy ra không ít những trường hợp dê tế thần tương tự khi công an nặng tay khiến người tình nghi tử vong trong lúc thẩm vấn. Nguyễn Tấn Dũng đổ lỗi cho Phạm Thanh Bình đã làm tập đoàn Vinashin sập tiệm; Bình bị bắt giam, bị xử án 20 năm tù nên đã thắt cổ tự tử.

Giáo sư Ron Rolheiser người Canada, tác giả của hàng chục quyển sách thần học và triết học cho rằng Scapegoat còn có thể hiểu một cách bình thường hơn trong giao tiếp hàng ngày; đó là tạo đồng minh bằng cách nói xấu một người thứ ba. Hãy tưởng tượng trong một nhóm bạn, A và B tuy không thân thiện nhau lắm nhưng đều cùng không thích X. Thế là A và B kết thân để tạo một liên minh loại bỏ X ra khỏi vòng bạn bè. Trong trường hợp này, X trở thành con dê tế thần. Dê tế thần thường là những người vắng mặt, không được ưa: một ông xếp khó chịu, một bạn học khó tính, một đồng nghiệp khó ưa, v.v. Đó là đặc tính của con dê bị tế thần. Chúng ta xây dựng mối giao thiệp với nhau bằng cách đẩy căng thẳng giữa chúng ta qua người khác. Khi loại trừ người đó khỏi nhóm mình, chúng ta tạo ra được mối quan hệ mới, một liên minh mới, nhưng như thế, sự hòa hợp giữa chúng ta dựa vào điều mà chúng ta cùng nhau chống lại hơn là dựa vào những gì chúng ta hướng đến.

Tất cả mọi nhóm, cho đến khi đạt được một mức độ trưởng thành nhất định, đều làm như thế cả. Và khi đối diện với căng thẳng trong đời sống riêng của mình, chúng ta cũng làm như thế. Cách xử thế này hoạt động như sau: Một buổi sáng, chúng ta thức dậy và, vì vô số lý do, chúng ta cảm thấy rối bời, nặng trĩu do một đống tạp nhạp chán nản, lo lắng, giận dữ. Vậy chúng ta làm gì đây? Chúng ta tìm một ai đó để đổ lỗi. Luôn luôn chúng ta nhanh chóng chọn được người (trong gia đình, nơi làm việc, một chính trị gia, hay một giới chức tôn giáo) để trút căng thẳng vào người đó. Một người mà chúng ta xem là khó tính, ngu đần, sai lầm về chính trị, hủ bại về đạo đức, hay xấu xa về mặt tôn giáo, người đó sẽ sớm phải lãnh gánh nặng căng thẳng và phẫn uất của chúng ta.

Hơn nữa, chúng ta không chỉ đẩy căng thẳng về phía một ai đó, mà chúng ta còn luôn “sát tế” nỗi căm phẫn mà chúng ta đang cảm nhận, chúng ta sẽ đẩy căng thẳng và giận dữ của mình về phía người đó không chỉ vì người đó khác chúng ta hay chúng ta xem họ là khó tính, ngu đần, biếng nhác, nhưng chúng ta làm thế, đặc biệt là vì chúng ta cảm thấy mình vượt trội họ về mặt đạo đức, chúng ta đúng, còn họ sai, chúng ta tốt còn họ thì xấu. Như thế phẫn uất mà chúng ta nhắm vào người đó được xem là một phẫn uất thánh thiện và cần thiết vì danh Chúa, vì sự thật và sự thiện, cũng như tất cả những việc hành hình bằng đóng đinh, treo cổ, và rút phép thông công vậy.

CDTAN_-_H.8

Randy Old Goat
Randy Old Goat có nghĩa là dê cụ, ông già dê, thằng cha dê xồm… Một ông già dê không nhất thiết phải có râu dê, nhưng có thể hay cười be he theo kiễu kép hài Văn Chung hay Thanh Việt. Một người để râu dê không nhất thiết có tánh dê xồm. Đại tướng Nguyễn Khánh được biết suốt đời chỉ có một vợ và 6 người con. Lại nữa, không phải ai tuổi Mùi cũng có tính dê hay máu dê. Những người tuổi con vật khác khi dê là vẫn cứ dê như thường.

Chẳng biết do đâu mà tiếng kêu be he của con dê lại bị liên kết với tiếng cười của mấy ông già dê cứ thấy đàn bà con gái là để lộ thái độ ve vãn và cử chỉ hành vi sàm sỡ. Câu nói “Let go you randy old goat!” có nghĩa như “Buông tao ra, đồ dê già mắc dịch!” Trong văn hóa Việt nam, hình ảnh con dê thường bị nhìn dưới một khía cạnh châm biếm cười chê. Dê đực có khả năng truyền giống rất mạnh là lẽ tự nhiên chứ nó có muốn như vậy đâu. Người ta ví những ông có máu 35 có tánh hay ve vãn đàn bà con gái với dê là oan cho nó. “Bươm bướm mà đậu cành bông. Ðã dê con chị, lại bồng con em” để chỉ các tay dê thứ dữ đó. Tính dê xồm dĩ nhiên là xấu rồi, bị người đời coi khinh vì không theo khuôn phép thuần phong mỹ tục. Bởi vậy người ta mắng dê xồm bằng 2 câu thơ là “Phượng hoàng đậu nhánh sa kê, Ông thần vật mấy thằng dê cho rồi!” Cho dù ông thần làm việc ô-vơ-thai đốp-bồ-síp (overtime double shift) đi chăng nữa cũng không thể vật hết người dê. Thế là dê xồm vẫn đi đầy đường, từ trong sở làm ra tới quán bia ôm, kể cả trong chòm xóm. Thiên hạ tức quá rủa tiếp “Dê xồm ăn lá khổ qua. Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm!”

CDTAN_-_H.9

– Cô gái xinh đẹp ơi, em làm việc ở bệnh viện này à?
– Dạ, đúng rồi anh!
– Thế công việc chính của em là gì?
– Dạ, em tắm rửa rồi thay quần áo cho bệnh nhân ạ.
– Nếu anh vào nằm viện thì em cũng làm cho anh như thế chứ?
– Dạ, lúc nào em cũng sẵn sàng ạ.
– Vậy, làm sao anh tìm gặp được em khi vào viện nhỉ?
– Anh cứ hỏi thăm “Cô Mai nhà xác” là ai cũng biết và chỉ cho anh ạ!
– Hả…!?!?

Get someone’s goat: đây là thành ngữ về dê thường dùng nhất với nghĩa bóng là làm cho ai bực mình, khó chịu, nổi sùng. Ví dụ:
CDTAN_-_H.10
– “I’m sorry. I didn’t mean to get your goat.” (Tôi xin lỗi. Tôi không cố ý làm cho bạn bực mình).
– “It really gets my goat when inconsiderate people litter.” (Tôi thật khó chịu khi thấy người bất lịch sự xả rác).
– “His wife’s constant whining gets his goat.” (Sự lải nhải càu nhàu của vợ hắn làm cho hắn bực mình).
Chữ “goat” dùng trong thành ngữ này là một ẩn dụ chỉ trạng thái an bình. Khi goat đang với ta, ta an hòa và ổn định. Khi goat của ta bị lấy đi, ta nổi sùng cáu gắt. “Get someone’s goat” thường không do một hành vi vô tình mà là một sự cố ý chủ mưu chọc giận.

Ví dụ:
Tí: “Mầy mới chửi tao hả Tèo?”
Tèo: “Mầy nói gì kỳ vậy? Tao chửi mầy hồi nào?
Tí: “Mầy mới chửi tao tức thì. Tao nghe rõ ràng mà còn chối!”
Tèo: “Trời đất! Tự dưng sao mầy dựng chuyện kỳ cục vậy?”
Tí: “Bây giờ mầy nói tao nói láo nữa hả?”
Tèo chịu hết nổi nên tức quá bỏ đi và lẩm bẩm. Tí nói vói theo:
“Đó thấy chưa! Mầy chửi tao rõ ràng!”

“Tí has got Tèo’s goat.” Tí đã đoạt trạng thái an bình của Tèo, đã làm cho Tèo bực dọc khó chịu. Thế là có câu khuyên dành cho Tèo: “Don’t let him bother you, he’s just trying to get your goat.” (Đừng thèm để ý tới nó. Nó đang muốn chọc cho mầy nổi sùng đó).

Nguồn gốc của thành ngữ này vẫn còn là đề tài gây tranh cãi. Có người bảo nó bắt nguồn từ giới nuôi ngựa đua. Ngựa vốn là con vật dễ bị giao động, nổi chứng, trong khi con dê là con vật được biết rất trầm tĩnh nhu hòa. Vì vậy, trước ngày ngựa đua, người ta bỏ một con dê vào chuồng con ngựa sắp đua với mục đích sự hiện diện của con dê sẽ giúp làm dịu tính khí của con ngựa. Con ngựa trở nên gắn bó với con dê, một đứa bạn đồng hành hiền hậu và chịu đựng.

Thế là đối thủ trong cuộc đua tung đòn chơi bẩn, lén tìm cách bắt con dê đó đi. Sự vắng mặt của con dê có thể làm cho con ngựa đó cáu tính trở lại và sẽ trở chứng trong cuộc đua. Do đó khi một người than “Someone has got my goat” thì người đó ví mình như con ngựa đã mất dê, và mất điểm tựa ảnh hưởng nhu hòa.

Cách giải thích thứ nhì cho thành ngữ “Get someone’s goat” là có sự phát âm nhầm lẫn giữa chữ “goad” và chữ “goat”. Có thể thành ngữ đó phát sinh từ “Get your goad” dùng từ lâu bên Anh. “Goad” là một cây roi dài nhọn dùng để lùa gia súc. Ngày nay người ta thay thế món dụng cụ “goad” bằng “prod”.

CDTAN_-_H.10Hình một cao-bồi dùng goad (gậy dài) để lùa bò

Một giả thuyết khác cho rằng “goat” là tiếng lóng của tù nhân dùng vào đầu thế kỷ 20 để chỉ cơn giận.

Thành ngữ “to take the goat” có thể do dịch từ chữ Pháp “prendre la chèvre” với nghĩa lấy mất nguồn lợi. Đối với những nông dân nghèo, con dê của họ bị ăn cắp mất thì coi như họ mất nguồn cung cấp lương thực sữa và thịt dê. Tuy nhiên đây cũng chỉ là sự phỏng đoán diễn dịch mà thôi.

Một số thành ngữ châm ngôn khác
Để ám chỉ một người có mùi hôi cơ thể, người ta dùng thành ngữ “He got a goat under his arms”(Hắn có nguyên một con dê dưới nách hắn), nhưng nó không thịnh hành cho lắm.

Put silk on a goat and it is still a goat: Dù có đắp lụa lên một con dê thì nó vẫn là dê.

It’s no use going to the goat’s house to look for wool: Đến nhà dê để tìm len cũng vô ích. Đến không đúng chỗ.

Don’t approach a goat from the front, a horse from the back, or a fool from any side: Đừng đến gần một con dê từ phía trước, một con ngựa từ phía sau, hoặc một kẻ ngốc từ bất kỳ phía nào. Các bạn biết tại sao rồi phải không. Con dê hay dùng sừng để húc; con ngựa hay dùng chân sau để đá; thằng ngốc thì chuyện gì nó cũng làm, chẳng biết đâu mà lường.

He who lets the goat be laid on his shoulders is soon after forced to carry the cow: Kẻ nào để yên cho người ta đặt một con dê lên vai thì sau đó thế nào cũng bị bắt cõng một con bò. Ý nghĩa câu này cũng tương tự như câu “Give him an inch and he will take a yard”, tương tự như câu “Được đàng chân, lân đàng đầu” của Việt Nam ta.

It doesn’t take a genius to spot a goat in a flock of sheep: Không cần phải là một thiên tài mới nhận ra một con dê trong một đàn cừu.

If you enter a goat stable, bleat; if you enter a water buffalo stable, bellow: Vào chuồng dê thì kêu be he; vào chuồng trâu thì kêu nghé ngọ. Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc.

Một số từ ngữ khác liên quan đến dê
Brush Goat: thuật ngữ dùng ở Mỹ để chỉ con dê đã nuôi trong nhiều năm ở mà không xác định thuộc giống loại nào. Những con dê này thường không cần được chăm sóc gì cả, chủ cứ thả rong chúng trong phạm vi nông trại cho chúng ăn dọn sạch bụi cỏ (brush).
Buck hay Billy: dê đực đã đủ trưởng thành về mặt sinh lý để giao phối và gây giống.
Buckling: dê đực còn trẻ chưa trưởng thành về mặt sinh lý để giao phối và gây giống.
Doe hay Nanny: dê cái đã đủ trưởng thành về mặt sinh lý để giao phối và gây giống.
Doeling: dê cái còn trẻ chưa đủ trưởng thành về mặt sinh lý để giao phối và gây giống.
Open: dê cái chưa mang thai.
Settled: dê cái đã mang thai.
Yearling: dê con từ một tới hai tuổi.
Kid: dê con dưới một tuổi.
Polled: dê không có sừng.
Chevon: Chevon là từ ngữ Pháp nghĩa là dê con, dùng để chỉ dê non còn bú hoặc mới vừa dứt sữa bị mang đi giết để lấy thịt.
Weaner hoặc Weanling: dê con dứt sữa.
Wether: dê đực đã thiến.

Để kết thúc bài viết lan man này, người viết cầu mong quý bạn đọc năm Ất Mùi 2015 sống hiền lành thảnh thơi vô tư lự như dê (chưa chắc), biết hòa thuận nhường nhịn không như dê (cũng chưa chắc). Nếu có muốn cụng sừng nhau thì cũng trong tinh thần thể thao giao hữu thôi nha. Mời quý bạn đọc bài thơ Hai con dê qua cầu.

Bắt qua sông một cây cầu rất hẹp
Có một lần hai dê nọ cùng qua
Ngược chiều nhau nên kẹt đứng giữa cầu
Một con bảo: “Mầy phải lùi lại đã”

Con kia đáp: “Tại sao kỳ vậy hả?
Tôi bước lên cầu trước kia mà?”
– “Nhưng tao mạnh hơn mầy! Hãy tránh ra!”
>- “Tôi không tránh! Anh làm gì tôi chứ?”

– “Vậy mầy hãy cụng sừng đọ sức
Xem thằng nào ngán sợ thằng nào!”
– “Khoan! Nếu đứng đây ta lại đánh nhau
Chắc sẽ rớt xuống sông hết cả.

Thôi thì tôi đề nghị như vầy nhá
Tôi nằm xuống cho anh bước qua.”
Nhường nhịn nhau một chút thôi mà
Nhưng nhờ vậy cả hai còn sống sót.
(phỏng dịch truyện răn đời “Two Goats”)

Phan Hạnh.

Câu thơ theo mãi, Phan Hạnh (Toronto)

cttm

Câu thơ ấy ghim trong trí nhớ tôi từ thời trung học. Trí nhớ hao mòn theo năm tháng; câu thơ ấy vẫn còn nguyên đó nằm lòng.Đồng văn Nam, ông thầy dạy Pháp văn sinh ngữ 1 suốt 3 năm các lớp Đệ Lục, Ngũ, Tứ, chỉ khoảng trên 50 tuổi nhưng trông già hơn, dáng gầy gò khắc khổ, nét mặt nghiêm nghị, dáng bước phất phơ. Mỗi khi ông dõng dạc cất tiếng, tuy đôi mắt ông không cố mở to, bọn học trò chúng tôi im ngay. “Silence!” “Allez au tableau!” “Sur vos genoux!” (Im lặng! Lên bảng! Quì gối!) Đôi khi ông nổi nóng hét mắng “Ferme ta gueule!” (Câm cái mõm mầy lại!). Chúng tôi tuân phục mệnh lệnh thầy với sự kính nể chứ không thù ghét.Đến bây giờ nghĩ lại, tôi biết đó là sự tận tụy của thầy muốn dạy cho đám học trò học hành tử tế. Nhờ ông khó mà bọn con trai lười biếng học như tôi ngày nay còn một mớ tiếng Tây ghim lại trong đầu, như câu thơ “Un seul être vous manque et tout est dépeuplé” trong bài thơ L’Isolement của Alphonse de Lamartine chẳng hạn.Theo lẽ thường, người ta chỉ nhớ một hay hai câu đầu của bài thơ chứ ít khi nào nhớ những câu nằm ở giữa. Vừa nghe “Trăm năm trong cõi người ta…” là biết ngay đó là câu thơ mở đầu của Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tương tự, “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…” là Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, “Trước đèn xem chuyện Tây Minh…” là Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, “Nàng có ba người anh đi bộ đội…” là Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, “Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn…” là Hai Sắc Hoa Ti Gôn của TTKH, v.v… Vậy mà học bài thơ L’Isolement dài 52 câu (13 phân đoạn, mỗi phân đoạn 4 câu) của Alphonse de Lamartine, hầu như ai ai cũng chỉ nhớ nhất câu thứ 28 (cuối phân đoạn 7). Thầy thách thức cả lớp học xem có đứa nào dịch được câu này cho thật đúng; đám con trai ngồi há hốc trơ mắt ếch. Một thằng liều mạng:”Chỉ vắng một người thôi là chẳng còn ai hết

Trong lớp có vài tiếng cười khúc khích nổi lên; thầy lại quát “Silence!” Một đứa khác đưa tay lên:

Chỉ một vật thôi mà bạn thiếu thì tất cả không có người

Thầy Nam lại phải giảng thêm ý của câu thơ đó là, “nếu người nào đó (hay cái gì đó hay vật gì đó) mà ta thiếu mất đi rồi thì bấy giờ đối với ta cả thế gian này không còn nghĩa lý gì nữa cả; tất cả xem như vắng tanh trống rỗng.”

Dù ý tổng quát của câu thơ tôi nắm vững nhưng làm sao dịch thành thơ cho nổi nên tôi ngồi im và chỉ sợ thầy gọi tên mình thì khổ đời. Một số học sinh khác bạo gan đưa tay lên xin dịch, phần nhiều là con gái. Sau cùng, một chị dịch:

“Một người mà thiếu trong ta
Thế gian đông mấy cũng là vắng hoang.”

Thầy khen “Très bien!” và cả lớp cũng công nhận câu dịch hay. Chị đó là con lai có mẹ Việt cha Pháp, thảo nào.

Câu thơ đã dán keo dính chặt trong trí nhớ tôi, cứ lâu lâu nổi lên như trêu ghẹo. Cứ mỗi lần tôi nghe câu tiếng Việt nào mang ý nghĩa giống ý của câu “Un seul être vous manque et tout est dépeuplé!” thì tôi lại đoán già đoán non. Ví dụ như mỗi khi nghe ca sĩ Lệ Thu hoặc Thế Sơn hát bản nhạc Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta của Hoàng Thi Thơ, trong đó có câu “Và hỏi tại sao thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng ta…?“, tôi không khỏi thầm nghĩ: “L’Isolement của Lamartine đây!”

Bị kết án 4 năm tù vì giảng dạy bài thơ L’Isolement

Tình cảm lãng mạn chẳng giúp mang lại bạc tiền vật chất nhưng nó là một trạng thái tự nhiên của tâm hồn con người rất hấp dẫn. Nhưng người cộng sản miền Bắc từng cho đó là ủy mị, là sản phẩm độc hại làm bạc nhược tinh thần. Qua quyển hồi ký Pháp ngữ “Un Excommunié” (bản dịch Việt ngữ “Kẻ bị mất phép thông công” của Nguyễn Quốc Vỹ đăng trên Thông Luận 2009), luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) có kể vụ cộng sản xử án một giáo viên dạy văn (“Procès d’un intellectuel“, phiên xử một người trí thức).

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhận định rằng đấy là một phiên xử quái đản duy nhất được biết trong lịch sử ngành tư pháp văn minh ngày nay. Ông kể rằng sau khi cộng sản tiếp quản Hà Nội năm 1954, giới lãnh đạo cao cấp ra lệnh triệu tập một phiên tòa để kết án một giáo sư dạy văn về tội “đã đầu độc tâm hồn sinh viên” qua việc giảng dạy bài thơ L’Isolement) của Lamartine. Quan tòa là đảng viên cộng sản; bị cáo là một giảng viên đại học tại Hà Nội không chịu đi theo kháng chiến.

Tại phiên xử, quan tòa cộng sản nói “Sự việc đã hiển nhiên. Có hay không có việc ông giảng dạy cho sinh viên tác phẩm Cô đơn (L’Isolement) của tác giả Lamartine và ca tụng nhà thơ này? Có hay không có việc ông tán tụng những vần thơ chán chường, mất hy vọng và bi quan yếm thế và hậu quả là đầu độc tâm hồn của giới trẻ đã nghe theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản của chúng ta mà đứng lên muôn người như một để xây dựng lại nền Tự do, Độc lập và Tự hào Dân tộc?

Bị cáo đáp rằng ông không có ý chống phá chủ nghĩa cộng sản và ông cũng không tán tụng bài thơ L’Isolement của Lamartine. Chính trị và luật là hai lãnh vực khác nhau như sự trái ngược giữa ước mơ và sự thật vậy. Mơ ước là điều cho phép nhà chính trị làm khi mà những việc làm của họ là nhắm tới tương lai, nhưng luật là được xây dựng vững chắc trên những cơ bản vững chắc, của hiện tại và cụ thể. Không thể lẫn lộn giữa mơ và thực, giữa chính trị và luật. Lời buộc tội là một sự lạc đề, là một hành động hạ nhục và xúc phạm đến lòng tự trọng của người trí thức. Bị cáo nói:

Tôi không tán dương một ai dù người đó là người được mọi người ca tụng. Tôi không đứng ra bào chữa cho một chủ thuyết nào, ngay cả khi có hàng triệu người theo nó và ca tụng nó. Không, tôi chỉ phân tích, giải thích, cố gắng làm cho sinh viên hiểu cái trạng thái tình cảm mà không một kẻ độc tài nào, không một chế độ độc tài nào có thể xoá bỏ, khi mà tác phẩm ấy đã có mặt hơn một thế kỷ nay. Con người ai cũng liên tục mơ mộng cho đến một tuổi nào đó và trong một hoàn cảnh sống nào đó. Chỉ có những người cộng sản lão đời, những người khắc khổ không còn nước mắt mới cho rằng không thể có những giọt nước mắt khốn cùng của loài người, để tự nâng mình thành một loại siêu nhân.”

Chẳng ai bị cộng sản lôi ra tòa mà được tha bao giờ. Vị giảng viên đại học bị kết án 4 năm tù.

Dịch L’Isolement xong rồi vứt sọt rác

Trong bài viết Một Thời Rất Xưa đăng trên Đặc San Ái Hữu Đại Học Đà Lạt, Giáo sư Vương Văn Bắc có nhắc một giai thoại thú vị như sau:

Trích:

Tôi đặc biệt ưa thích mấy tập thơ của thi sĩ Lamartine. Tôi đã cặm cụi ngồi dịch bài thơ ‘L’Isolement’ (Cô Đơn) trong tập ‘Méditations Poétiques’ của tác giả này.Thấy tôi yêu thơ Lamartine như vậy, bà chị ruột của tôi, chị Giang, đã cố công đi mượn cho tôi bản dịch Việt ngữ của bài thơ nổi danh nhất của Lamartine, bài ‘Le Lac’ (Hồ Xưa). Phải nói là hai chị em tôi rất thương quý nhau, không những vì cha mẹ chỉ còn hai người con nhưng còn vì tính nết chị tôi rất đáng kính mến. Gia đình tôi cũng như phần lớn gia đình Việt Nam thời ấy có thói trọng nam khinh nữ. Khi tài sản trong nhà trở nên eo hẹp, chỉ có thể cho một người con đi học ở thủ đô Hà Nội mà thôi, cha mẹ tôi đã để cho tôi một mình đi học ở Trường Bưởi, còn chị tôi phải ở lại nhà giúp đỡ gia đình. Vậy mà chị tôi không bao giờ tỏ ý oán hờn ganh ghét, trái lại chị vẫn luôn luôn yêu quý tôi và coi những thành tựu sau này của tôi như những thành tựu của chính chị.Riêng về chuyện bản dịch bài Le Lac của Lamartine, cử chỉ ân cần của chị Giang đã có phản-tác-dụng. Không phải vì bài dịch dở quá mà là vì hay quá. Các bạn hãy thử xét xem. Đây là bốn câu đầu của nguyên bản Le Lac:Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,

Dans la nuit éternelle emportés sans retour,
Ne pourrons-nous jamais sur l’océan des âges
Jeter l’ancre un seul jou?

Và đây là bản dịch mà chị tôi đã mượn được cho tôi xem, như tôi còn nhớ lõm bõm sau hơn nửa thế kỷ:

Kiếp phù thế thuyền trôi, trôi mãi
Qua bờ này lại tới bến kia
Trong đêm vô tận dài ghê
Biển đời một buổi khôn bề buông neo

Tuy không thoát khỏi được thường tình, quá ưa chuộng thơ văn của chính mình, nhưng trước những câu thơ, dù là thơ dịch, vẫn giữ nguyên vẹn được âm hưởng, ý nghĩa và dáng dấp Việt Nam, tôi cũng còn đủ lương thiện trí thức để thấy rằng thơ người là hay còn thơ mình dở quá, gượng gạo như anh lính Pháp thử nói tiếng ta, nên không ngần ngại, tôi liệng ngay bản dịch bài thơ “L’Isolement” của mình vào sọt rác, và từ đấy tôi cũng không hoài công cố gắng phiên dịch những bài thơ ngoại ngữ bất hủ sang tiếng nước mình nữa. Về sau nghĩ lại, có lúc tôi cũng cảm thấy hơi tiếc, nhưng không sao nhớ lại nổi những gì mình đã vứt bỏ. Tôi còn nhớ mang máng là mình đã dịch câu lừng danh nhất trong bài L’Isolement: ‘Un seul être vous manque et tout est dépeuplé’ như sau:

‘Vắng ai khắp cả đất trời quạnh hiu’.

Giáo sư Vương Văn Bắc
Nguồn: http://dshoihuu.blogspot.ca/2008/12/mt-thi-rt-xa_08.html
(Ngưng trích)

Câu thơ ‘Vắng ai khắp cả đất trời quạnh hiu’ được Giáo sư Vương Văn Bắc, cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao VNCH, dịch cũng hay quá, thế mà ông chê dở và vứt vào sọt rác.

Tra cứu Internet, tôi tìm thấy có bốn bản dịch Việt ngữ khác của bài thơ L’Isolement tại các nối kết dưới đây.

Phạm Nguyên Phẩm. Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=18751
Câu 28: “Vắng một bóng mà đất trời yên lặng.”

Billy Nguyen. Nguồn: http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=7930
Câu 28: “Với hồn tôi sa mạc, khi nàng vắng bóng.”

Trần Đông Phong. Nguồn: http://www.thivien.net/Alphonse-de-Lamartine/C%C3%B4-%C4%91%C6%A1n/poem-5bLsct5jUaIayNihGkVz7Q
Câu 28: “Thiếu dù chỉ một thảy đều vắng không.”

Tôn Thất Phú Sĩ. Nguồn:
http://tonthatphusi.eklablog.fr/76-l-isolement-ton-that-phu-si-phong-dich-a94827939
Câu 28: “Đã mất hẳn trong lòng tôi chai đá.”

Còn tôi, bề nào mình đã ở tuổi xế chiều nên không ngại tài hèn dịch bài thơ của Lamartine gọi là góp mặt với bạn thơ trên diễn đàn. Triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson ở thế kỷ 19 đã nói “It is one of the blessings of old friends that you can afford to be stupid with them“, đại khái có nghĩa là “May phước là giữa bạn cũ/xưa/già với nhau thì dù mình có ngu ngốc với họ cũng chẳng sao.

L’Isolement

Souvent sur la montagne, à l’ombre du vieux chêne,
Au coucher du soleil, tristement je m’assieds;
Je promène au hasard mes regards sur la plaine,
Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.

Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes;
Il serpente, et s’enfonce en un lointain obscur;
Là le lac immobile étend ses eaux dormantes
Où l’étoile du soir se lève dans l’azur.

Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres,
Le crépuscule encor jette un dernier rayon;
Et le char vaporeux de la reine des ombres
Monte, et blanchit déjà les bords de l’horizon.

Cependant, s’élançant de la flèche gothique,
Un son religieux se répand dans les airs:
Le voyageur s’arrête, et la cloche rustique
Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.

Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente
N’éprouve devant eux ni charme ni transports;
Je contemple la terre ainsi qu’une ombre errante
Le soleil des vivants n’échauffe plus les morts.

De colline en colline en vain portant ma vue,
Du sud à l’aquilon, de l’aurore au couchant,
Je parcours tous les points de l’immense étendue,
Et je dis: “Nulle part le bonheur ne m’attend.”

Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières,
Vains objets dont pour moi le charme est envolé?
Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères,
Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!

Que le tour du soleil ou commence ou s’achève,
D’un oeil indifférent je le suis dans son cours;
En un ciel sombre ou pur qu’il se couche ou se lève,
Qu’importe le soleil? je n’attends rien des jours.

Quand je pourrais le suivre en sa vaste carrière,
Mes yeux verraient partout le vide et les déserts:
Je ne désire rien de tout ce qu’il éclaire;
Je ne demande rien à l’immense univers.

Mais peut-être au-delà des bornes de sa sphère,
Lieux où le vrai soleil éclaire d’autres cieux,
Si je pouvais laisser ma dépouille à la terre,
Ce que j’ai tant rêvé paraîtrait à mes yeux!

Là, je m’enivrerais à la source où j’aspire;
Là, je retrouverais et l’espoir et l’amour,
Et ce bien idéal que toute âme désire,
Et qui n’a pas de nom au terrestre séjour!

Que ne puîs-je, porté sur le char de l’Aurore,
Vague objet de mes voeux, m’élancer jusqu’à toi!
Sur la terre d’exil pourquoi resté-je encore?
Il n’est rien de commun entre la terre et moi.

Quand là feuille des bois tombe dans la prairie,
Le vent du soir s’élève et l’arrache aux vallons;
Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie:
Emportez-moi comme elle, orageux aquilons!

Alphonse de Lamartine (1790 – 1869)

NoiCoDon
Ngồi dưới bóng sồi già trên đỉnh núi
Lúc chiều vàng tôi buồn bã lâng lâng
Dõi mắt nhìn cánh đồng ở dưới chân
Đang đổi sắc thay màu khi nắng xuống.

Này dòng suối rạt rào tung nước cuốn
Uốn cong rồi khuất dạng ở đàng xa
Kìa mặt hồ nước phẳng lặng bao la
Sao hôm mọc trên nền trời thẩm tú.

Trên dãy núi với rừng cây bao phủ
Trời nhá nhem chiếu tia nắng cuối cùng
Màn sương chiều ngự trị bóng mông lung
Tỏa màu trắng đường chân trời nhuốm bạc.

Bỗng từ nóc giáo đường vang tiếng nhạc
Trong thinh không vang dội một hồi chuông
Khách bộ hành dừng bước ở bên đường
Lòng rộn bởi thánh âm đêm vừa xuống.

Cảnh lịm ngọt nhưng lòng không lôi cuốn
Tôi dửng dưng hờ hững mãi suy tư
Quả đất này như bóng tối ảo hư
Dù nóng cũng không sưởi người đã mất.

Chập chùng núi bao gồm trong tầm mắt
Khắp bốn phương khắp trời đất bao la
Từ bình minh cho đến mãi chiều tà
Tôi chẳng thấy ở đâu là sung sướng.

Thung lũng núi đồi tôi nào muốn hưởng
Cung điện huy hoàng biệt thự nguy nga
Sông, đá, rừng, niềm cô quạnh mình ta,
Thiếu chỉ một, thế gian thành hoang vắng.

Sáng mặt trời lên rồi chiều tắt nắng
Cứ xoay quanh cho tròn một chu kỳ
Mọc rồi lặn tôi nào thiết tha chi
Mặt trời ư? Tôi không còn chú ý.

Khi nó quay một vòng quay hoành vĩ
Mắt tôi nhìn xuyên khoảng trống mênh mông
Chẳng muốn gì, tôi thấy chỉ là không
Chẳng đòi hỏi điều chi từ vũ trụ.

Có thể vượt ngoài thái dương tinh tú
Còn mặt trời khác chiếu sáng không gian
Tôi sẽ gửi thân ở lại trần gian
Điều tôi mộng sẽ hiện ra trước mắt.

Ở nơi đó tôi có niềm khao khát;
Gặp lại mình, hy vọng và tình yêu,
Tài sản này ai cũng ước ao nhiều
Người cõi thế không có tên để gán.

Tôi sẽ chất lên chiếc xe Hừng Sáng
Những món cần rồi sẽ vút bay đi
Cuộc sống lưu đày ở lại làm gì
Chốn trần thế tôi còn chi để tính?

Khi cánh đồng bị lá rừng phủ kín
Gió đêm lên cào xé khắp trũng sương
Và tôi đây như chiếc lá còn vương
Hỡi giông tố, hãy cuốn tôi theo lá!

Một người bạn từng bảo “Nó vận vào người anh rồi đấy!” Có lẽ cũng đúng thật, vì câu thơ ấy theo tôi mãi đến tận bây giờ…

Phan Hạnh. 23/12/2014.
PH-HCA

Ai khủng bố ở Việt Nam, PHAN HẠNH (Toronto)

Ai khủng bố ở Việt Nam

Tíh

Phan Hạnh

 

Khủng bố là một từ ngữ mà con người định nghĩa mỗi người một cách tùy theo họ ở phe nào. Sau biến cố 9-11, đối với hầu hết thế giới, khủng bố gắn liền với những người hồi giáo cực đoan,  đầu sỏ là Osama bin Laden, trùm khủng bố.

Thật ra theo từ điển Oxford, từ ngữ khủng bố chủ nghĩa đã được đặt ra từ năm 1798 ở Pháp để mô tả hệ thống đàn áp của chính phủ đối với dân chúng trong thời kỳ được mệnh danh là Sự Thống Trị của Khủng Bố trên đất Pháp (tiếng Pháp: la Terreur). Thời kỳ thống trị đó kéo dài từ 27 tháng 6 năm 1793 đến 27 tháng 7 năm 1794 là một thời kỳ bạo lực xảy ra trong một năm và một tháng sau khi sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Pháp, kích động bởi cuộc xung đột giữa đối thủ chính trị phe phái, những người Girondins và Jacobins, và đánh dấu bằng hành quyết hàng loạt các “kẻ thù của cách mạng.”

Con số ước tính rất khác nhau về số người đã thiệt mạng, với số lượng khác nhau, từ 16.000 đến 40.000 người, trong nhiều trường hợp, hồ sơ không được lưu giữ hoặc, nếu có thì hồ sơ này bị coi là có khả năng không chính xác. Các máy chém đã trở thành biểu tượng của một chuỗi các vụ hành quyết: Louis XVI, Marie Antoinette, những Girondins, Philippe Égalité (Louis Philippe II, Công tước của Orléans) và Madame Roland, cũng như nhiều người khác, chẳng hạn như nhà hoá học tiên phong Antoine Lavoisier, tất cả  đều bị mất mạng dưới lưỡi dao máy chém.

Qua hàng bao thế kỷ, từ ngữ quân khủng bố đã được dùng để chỉ những người vũ trang tranh đấu cho niềm tin tôn giáo, chính trị , những người được gọi là chiến đấu cho tự do, giải phóng quân, những người nổi dậy, những người đối kháng chống lại sự áp bức của nhà cầm quyền. Nhưng cộng đồng quốc tế chưa có một định nghĩa luật định minh bạch nào cho từ ngữ quân khủng bố.

Nhưng đừng tưởng dân chúng dùng phương cách bạo động chống nhà nước mới gọi là khủng bố. Nhà nước đàn áp dân cũng bị coi là khủng bố như thường. Bị coi là một chính quyền khủng bố khi chính quyền đó thống trị đất nước dựa trên sự gieo rắc sợ hãi và kinh khiếp trong xã hội. Tính đặc trưng của nó là một chính sách đàn áp hình sự có hệ thống và quy mô lớn, thực hiện bởi các cơ quan công an mật vụ nhà nước.

 

Việt Nam ngày nay xứng hợp với định nghĩa này. Nhà cầm quyền CSVN có dùng hành động bạo lực đối với dân chúng hay không? Tuy Việt Nam ngày nay không do một bạo chúa cai trị nhưng do đảng cộng sản thì cũng vậy thôi. Người dân có thể  vô cớ bị công an hăm dọa, hành hung, đánh đập, ép buộc nhận tội, tra tấn hay giết chết.

Thứ bảy, ngày 28 tháng tư năm 2012, người viết nhật ký mở lớn tuổi nhất trong nước là nhạc sĩ Tô Hải qua bài “Lực bất tòng tâm mất rồi các bạn của tôi ơi!” phải kêu lên: “Khủng bố! Khủng bố tinh thần, khủng bố bằng võ lực! Khủng bố các kiểu, cà-rốt –cây gậy chán rồi chăng nên lần này sau khi dán băng keo các cái miệng lắm điều về vụ Tiên Lãng thì nay đến vụ Xuân Quan -Văn Giang “lực lượng thù địch” đã công khai trải cả ngàn quân đủ loại để tấn công nhân dân ủi đất, cướp ruộng đồng của dân để biến một vùng trồng cây cảnh nổi tiếng trở thành cái tên Ê-Cô-Pắc đậm đà bản sắc… ngoại lai, sửa soạn chỗ ăn chơi cho mấy người dân không phải là người Việt!?”

Đảng CSVN và nhà cầm quyền Hà Nội chủ trương và đỡ đầu chủ nghĩa khủng bố để tiêu diệt các đảng phái không cùng đường lối như Đại Việt và VNQDĐ, đàn áp mọi đối kháng từ dân chúng ngay kể từ khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập ngày 02/09/1945. Trong bí mật, Hồ Chí Minh cho thi hành một chính sách khủng bố bằng bạo lực một cách dã man, áp dụng đúng theo sách lược của Lênin trong thời cách mạng vô sản ở Nga. Chính sách đó là “bắt cóc, ám sát, thủ tiêu, mổ bụng, cắt tiết, buộc đá thả trôi sông, xảy ra như cơm bữa từ thành thị đến thôn quê”. Các ban ám sát Việt Minh đêm ngày lùng sục bắt bớ thủ tiêu những cán bộ các đảng phái yêu nước theo chủ nghĩa Dân tộc, những người có chút tiếng tăm hay gia sản, chụp cho họ cái mủ “Việt Gian” để biện minh cho những vụ thảm sát vô nhân đạo ấy. CSVN không bao giờ ngưng chính sách khủng bố ấy trong suốt 70 năm qua. Hồ Chí Minh cũng chính là một trùm khủng bố chẳng khác gì Osama bin Laden.

Trong những năm tháng trong cuộc chiến kháng Pháp, các cuộc thanh trừng, khủng bố diễn ra từ Nam chí Bắc, không những chỉ đối với các phe phái đối lập, mà còn xảy ra đối với chính các đồng chí trong cùng nội bộ. Dưới thời VNCH, hoạt động khủng bố của VC càng tinh vi và tàn bạo hơn. Thế cho nên một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, ông Bill Laurie khi đem so sánh thời gian và tính chất giết người của khủng bố VC với bọn khủng bố Al-Qaeda, đã thốt lên rằng “Việt Cộng chính là sư tổ của bọn khủng bố” (mother of all terrorists).

Sư tổ khủng bố Việt Cộng Hồ Chí Minh học từ sư tổ khủng bố Nga Cộng Lenin, chủ trương là phải tra tấn, phải giết thật man rợ để những người ở cách đó cả trăm dặm cũng phải run sợ. Hồ Chí Minh, đảng viên đệ tam quốc tế cộng sản, đã học cái tàn bạo dã man của Nga, cái thâm hiểm và độc ác của Tàu để đem về áp đặt trên đầu dân tộc Việt Nam. Chính vì cái xấu (CSBV man rợ) chiếm đoạt và thay thế cho cái tốt (VNCH tự do dân chủ) đã làm cho hàng triệu người uất ức. Sau ngày 30-4-1975, khi Dương Thu Hương theo đoàn quân CSBV vào chiếm Saigon, bà đã khóc. Vì sao? Bà kể: “Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ… nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.”

Việt Nam ngày nay nằm trong danh sách những nước được gọi là quốc gia công an trị hay cảnh sát trị. Theo Bách Khoa Từ Điển Mở Wikipedia, thuật từ “police state” trong Anh ngữ  được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó thực hiện các biện pháp kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân. Nhà nước cảnh sát thường thường bộc lộ các yếu tố của chủ nghĩa toàn trị và kiểm soát xã hội. Thông thường, có ít hoặc không có khác biệt giữa luật pháp và việc thực thi quyền lực chính trị của người cầm quyền trong một nhà nước cảnh sát. Các nuớc cộng sản, độc tài toàn trị, phát xít, thường dùng đến một lực lượng cảnh sát công an mật vụ lớn lao hoạt động vượt qua phạm vi hiến định để kềm chế, đàn áp, ngăn chận các quyền tự do báo chí, phát biểu hay truyền đạt quan điểm chính trị cũng như những quan điểm khác như tôn giáo, niềm tin và khác biệt chủng tộc.

Qua định nghĩa trên, rõ ràng Việt Nam ngày nay là một nước công an trị khủng bố người dân. Nghĩ cũng buồn cười khi nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội ngày nay bảo rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn không có nạn khủng bố. Càng buồn cười hơn khi họ bảo “Nếu có khủng bố thì đó chính là những người Việt lưu vong.”  Nếu sách Kỷ Lục Thế Giới Guinness có đề mục kỷ lục nói láo và nói ngược, chắc chắn CSVN sẽ đứng đầu. Các sư tổ khủng bố VC hồi trước 1975 bây giờ đã tóm hết giang sơn vào một mối rồi và đang trị vì thiên hạ bằng hệ thống công an khổng lồ “hoành tráng” chuyên bóp cổ đá đít dân thì làm sao dân có thể khủng bố được chứ. Mới sáng hai bản nhạc yêu nước để hát mà nhạc sĩ Việt Khang bị ghép tội là “phản động chống phá nhà nước” và bị tống vô nhà giam Phan Đăng Lưu thì thử hỏi ai là khủng bố đây hở bà “người phát ngôn” Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga?

Công an CSVN nhiều khi còn giả dạng côn đồ hoặc đóng kịch làm thường dân bất bình để khủng bố nạn nhân bị nhắm mục tiêu như trường hợp đã xảy ra với cụ bà Lê Hiền Đức (sinh năm 1932), một giáo viên về hưu và là người tích cực đấu tranh bênh vực dân oan và chống tham nhũng, là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 (2007 Integrity Awards) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International). Bà Đức cho biết trong tháng Ba 2012, bà bị công an khủng bố bằng cách gọi điện thoại nặc danh rồi dùng lời lẽ thô tục chửi mắng và hăm dọa đến tính mạng của bà.

Sau vụ cưỡng chế đất ở diện rộng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm thứ Ba ngày 24/4 khiến hàng chục nông dân bị bắt giữ, ngày hôm sau Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012, trang mạng Đài BBC Luân Đôn đăng bài viết tựa đề Dùng vũ lực mạnh với dân Văn Giang tường thuật:

Chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã huy động lực lượng hùng hậu gồm hàng ngàn cảnh sát cưỡng chế các nông dân kiên quyết bám trụ không giao đất để xây dựng khu đô thị thương mại-du lịch Ecopark. Một số hình ảnh video được đưa lên mạng sau đó cho thấy đã có hành động bạo lực mạnh tay của lực lượng cưỡng chế đối với những người nông dân phản kháng. Trong một video gần 10 cảnh sát và những người mặc thường phục đeo băng đỏ đã xông vào dùng dùi cui và tay chân đánh hội đồng một nông dân không vũ khí. Sau đó có nhiều tiếng ổn ào và có tiếng nổ.”

 

Một đám công an mặc sắc phục lẫn thường phục đang đánh một người dân ở Văn Giang ngày 24-4-2012.

      

   Một đám công an khác đang nắm đầu đánh một phụ nữ ở Văn Giang ngày 24-4-2012.

 

Cụ bà Lê Hiền Đức có mặt và chứng kiến cuộc đàn áp kể lại: Tôi nhìn thấy cảnh sát cơ động chi chít. Cảnh sát địa phương áo xanh lá mạ cũng đầy ra.Tôi đứng đấy, tôi gặp tất cả bà con. Bà con đang khóc ầm ĩ kêu gào. Nghe những tiếng khóc của các cụ già tám, chín mươi tuổi, thương lắm. Chỉ có súc vật mới không động lòng thôi. Tôi cảm tưởng như đang trong trận chiến đấu ác liệt cách đây nửa thế kỷ mà tôi đã từng phải chiến đấu …lửa cháy ngút trời. Các lực lượng đã dùng súng hơi cay đánh đập dân rất dã man. Đây rõ ràng là lực lượng ấy đang cưỡng chế dân. Tôi ngồi tôi khóc. Tôi ức quá mà tôi khóc vì tại sao tôi không bênh vực được những con người như thế. Tôi gọi đó (thanh niên bị đánh) là những thanh niên dũng cảm, dám đối mặt với lực lượng công an. Họ đàn áp vô cùng tệ hại. Bắn súng, đánh đập một cách rất dã man.”

Bà Đức kể tiếp:Tôi nhục nhã đến mức là, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của tôi, tôi đã chiến đấu đủ mọi hình thức, mọi ngả đường nhưng bây giờ hoà bình rồi, mà tôi phải cải trang. Hôm qua, tôi phải mượn cái nón rách, cáo áo nâu, quần sắn móng lợn để trà trộn vào với nhân dân. Nếu không nó nhìn thấy mình, nó thay đổi thái độ ngay. Có như thế thì mới chứng kiến được hành động của họ đối với những người dân lành. Có những người ngày hôm qua là trắng tay rồi, không còn gì cả, thì cuộc sống ngày mai đây họ sẽ ra sao? Đây là dấu hỏi rất to, tôi mong công luận sẽ đánh dấu hỏi cho những người dân Văn Giang hôm qua.”

Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân nói ông tin rằng chính quyền địa phương đã có ‘vi phạm nghiêm trọng’ khi ‘sử dụng vũ lực trái pháp luật’ trong hành động đàn áp dân để cưỡng chế đất đai này. Qua các hình ảnh video mà ông xem được, ông Quân cho biết lực lượng công cả mặc đồng phục lẫn không mặc đồng phục và đeo băng đỏ ‘cùng nhau vây dân lại bắt dân và đánh dân’.

Luật sư Quân nói Họ đánh rất nặng và dã man. Điều này hoàn toàn sai pháp luật vì pháp luật quy định quyền tự do thân thể rất rõ. Nếu tôi gặp một kẻ cắp thì việc ăn cắp có thể bắt giữ hoặc tri hô nhưng nếu đánh người ăn cắp đó thì tôi cũng phạm tội.” Ông nói những nông dân bị đánh đập hoàn toàn có thể kiện lực lượng cưỡng chế về tội ‘cố ý gây thương tích’.

Ông cũng không cho rằng người dân Văn Giang phản kháng chống đối người thi hành công vụ vì theo như ông thấy qua hình ảnh được quay lại thì có đến hàng chục cảnh sát mặc quân phục lẫn không mặc quân phục vây vào đánh chỉ một người.Nói họ (nông dân Văn Giang) chống (người thi hành công vụ) là hoàn toàn sai vì họ chỉ có một (đối đầu với công an) và họ rất hiền lành.” Ông cho biết pháp luật không quy định số lượng người tham gia cưỡng chế nhưng trong vụ việc ở Văn Giang thì chính quyền ‘đã huy động lực lượng quá sức’.

Dẫn chứng trên cho thấy ngày nay cũng như trong thời chiến trước năm 1975 ở miền Nam, kẻ khủng bố chính là Việt Cộng chứ không ai khác.

Bài viết với tựa đề “Mỹ nghi từng thấy khủng bố ở VN” đăng trên trang nhà BBC Việt ngữ ngày thứ Sáu, 9 tháng Chín, 2011 có đoạn viết: Trước nỗi quan tâm của Hoa Kỳ về sự hoạt động lén lút của các tiểu tổ khủng bố Hồi giáo, Hà Nội trấn an rằng hiểm họa “khủng bố Hồi giáo” ở Việt Nam rất thấp và hầu như không có, nhưng nguy cơ lớn là từ các tổ chức người Việt lưu vong.”

Tại buổi họp báo hôm 3/05 khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước cái chết của Bin Laden, bà Nga đã trả lời một cách chung chung: Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức. Những kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình và cần phải bị nghiêm trị”.

Một mặt phản đối và lên án nạn khủng bố, một mặt nhà cầm quyền Hà Nội do đảng cộng sản lãnh đạo luôn triệt để áp dụng những biện pháp khủng bố như đàn áp, gán tội, đánh đập, bắt bớ, giam cầm nhằm tạo nên sự kinh hoàng sợ hãi trong dân chúng và triệt tiêu mọi đối kháng. Ở Việt Nam ngày nay, nói đến công an Việt Cộng là người dân đen ghê sợ những đòn phép khủng bố của họ.

Trong một cuộc gặp với quan chức của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Frank Jannuzi, ông Trần Kim Tuyến, Phó Cục trưởng Cục chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam chưa phát hiện các tổ chức khủng bố ở trong nước và chưa bị tấn công khủng bố. Ông ta nhấn mạnh: Khủng bố ở đây là người Việt lưu vong. Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Tự do là hai tổ chức đã gửi tiền, người và vũ khí vào Việt Nam với mục tiêu gây bất ổn và lật đổ chế độ.”

Ông Tuyến nói Các tổ chức này đã ủng hộ hay tiến hành các cuộc tấn công ở bên trong Việt Nam và đối với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể là ở Manila và Bangkok.” Ông cũng cho biết “hàng chục” thành viên của các tổ chức này đã bị bắt với thuốc nổ và “các thiết bị khủng bố khác”. Ông nói các nhóm “khủng bố” này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Việt Nam và ông “không hiểu tại sao họ lại được phép hoạt động ở Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay.”

À thì ra ông ta mắng vốn Hoa Kỳ với ngầm ý bảo rằng Những người khủng bố là công dân của Hoa Kỳ xuất phát từ Hoa Kỳ, tại sao Hoa Kỳ lại làm ngơ cho họ vào Việt Nam vậy, phải đàn áp họ đi chứ, có cần chỉ dẫn cách thức đàn áp không thì chúng tôi cố vấn cho. Đàn áp là món nghề của chúng tôi mà.”

Đảng cộng sản Việt Nam vốn thoát thai từ một tổ chức khủng bố với nửa thể kỷ kinh nghiệm. Chính họ là loại khủng bố tàn độc nhất. Trước biến cố 30 tháng Tư 1975, họ đã tổ chức không biết bao nhiêu vụ khủng bố ở Miền Nam Việt Nam nhắm vào tất cả mọi mục tiêu quân cũng như dân, đồng bào hay người ngoại quốc. 

Sau khi đã chiếm được Miền Nam, họ càng khủng bố mãnh liệt hơn để đàn áp mọi nhen nhúm đối kháng. Họ đàn áp đến mức độ ít còn ai dám hó hé gì nữa để được sống yên thân. Lực lượng an ninh Việt Cộng gồm cảnh sát công an và tai mắt đông như ruồi theo dõi nhất cử nhất động của người dân khắp nẻo đường đất nước. Có một câu chuyện vui cười như thế này cho thấy lý do tại sao nạn khủng bố khó xảy ra trong nước dưới sự cai trị của Việt Cộng: 

Một điệp viên của một tổ chức chống Cộng ở hải ngoại bí mật về Việt Nam để đặt bom khủng bố. Đến thời hạn điệp viên trở về, thủ lãnh tổ chức hỏi:

– Công tác thi hành thế nào? Có thành công không? Sao tôi chẳng nghe tin tức trong nước nói có vụ nổ bom nào xảy ra cả. 

– Báo cáo với thẩm quyền là tôi có làm đúng theo kế hoạch đặt bom. Chẳng may lực lượng công an mặc thường phục giả trang người đi thu nhặt ve chai hè phố đông quá. Tôi vừa đặt bom xong là cả bọn nhào đến, đứa tháo lấy giây điện, đứa lấy đinh sắt, đứa lấy chất nổ. May mà tôi chạy thoát. 

Vẫn biết đó là chuyện đùa cho vui thôi nhưng nó cũng không khác xa sự thật lắm đâu.

 

Tính chất dã man của các vụ Việt Cộng khủng bố

Trong hồi ký “Deliver us from Evil”, y sĩ Hải Quân Hoa Kỳ Tom Dooley đã mô tả nhiều tội ác kinh hoàng của Cộng sản gây ra cho người dân đang cố gắng rời bỏ miền Bắc để vào Nam. Ông kể: Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói gập ra sau lưng. Hai cán binh Cộng Sản đi đến từng đứa trẻ. Một nguời dùng hai tay kèm chặt lấy đầu đứa bé, nguời kia đặt chiếc đũa bằng tre đóng mạnh sâu vào hai lỗ tai, tiếng kêu la thất thanh vang dội cả làng, máu trào ra lênh láng… ” 

(Ghi chú: Bác sĩ Dooley theo tàu chuyển vận người di cư đến Hải Phòng năm 1954. Ông được mời lên bờ để cứu giúp bệnh nhân, sau đó đã quyết định rời khỏi Hải quân và ở lại Việt Nam trong nhiều năm cuối thập niên 1950 để mang lại sự chăm sóc y tế cho dân làng ở những vùng xa xôi nơi mà người da trắng chưa hề đặt chân đến cho tới khi ông trở về Mỹ trước khi qua đời vì bệnh ung thư đầu năm 1961 ở tuổi 34.) 

Uwe Siemon-Netto, ký giả nổi tiếng người Đức từng trải qua 5 năm phục vụ chiến trường VN, sau khi theo một đơn vị QLVNCH hành quân giải vây một ngôi làng tỉnh Định Tường bị Việt cộng bố ráp năm 1965, tường thuật: Treo trên các cành cây sào trong sân làng là xác xả trưởng, nguời vợ và 12 đứa con vừa trai, vừa gái kể cả cháu bé. Tất cả nạn nhân phái nam đều bị cắt bộ phận sinh dục nhét vào mồm, còn phụ nữ thì bị cắt nhũ bộ. Dân làng kể họ bị VC bắt gom lại để chứng kiến cảnh tàn sát. Việt cộng bắt đầu giết em bé nhất rồi bằng một màn trình diễn, chậm rãi ra tay lần lượt giết các em lớn hơn, tới nguời mẹ và sau cùng là nguời cha, viên xả trưởng. Việt cộng đã giết cả nhà 14 nguời, giết một các lạnh lùng như thể bấm cò súng đại liên bắn máy bay. Việc VC tàn sát thế này là việc bình thuờng hàng ngày… Vì với chúng tôi nó đã trở thành bình thường nên chúng tôi không tường thuật tới, tuờng thuật tới lui mãi. Chúng tôi chỉ tường thuật điều bất thường như vụ thảm sát ở Mỹ Lai mà thôi.” 

(Ghi chú: Qua bài viết “A German Remembers Vietnam”, Uwe Siemon-Netto nói rằng VC thắng không phải vì chiếm được cảm tình của dân chúng mà vì những hình thức khủng bố tàn bạo vô nhân. Dân làng kể với ông là VC thường vào làng hăm dọa dân không được hợp tác với chính quyền, nếu không sẽ lãnh lấy hậu quả nghiêm khắc. Xả trưởng không nghe nên nửa đêm VC bắt dân làng thức dậy để chứng kiến tận mắt cảnh hành hình. Ông Netto nói rất tiếc là ông không còn nhớ tên làng, nhưng điều đó chẳng quan trọng vì những vụ VC khủng bố dân như vậy xảy ra rất thường hàng đêm ở miền Nam trong thời chiến tranh. Tiến sĩ Netto hiện là cư dân ở Laguna Woods, California, Hoa Kỳ và hay giao tiếp với bạn bè người Việt. Địa chỉ trang blog:
http://uwesiemon.blogspot.ca/2012/04/german-remembers-vietnam.html)

 

Trong quyển “The Soldiers’ Story”, phóng viên Hoa kỳ Ron Steinman ghi lại lời kể về kinh nghiệm chiến trường ở VN của 77 chiến binh Mỹ: “Tôi còn nhớ đã từng đi ngang qua các nghĩa địa nơi Bộ đội miền Bắc giết hàng nhóm nguời dân lành. Họ đào hầm, rãi vôi rồi bắn nguời dân quăng xuống… Những hầm (chôn tập thể) rất khó nhận ra… Vài cán binh Bắc Việt và Việt Cộng đã cắt rời những bộ phận sinh dục của nạn nhân rồi đánh dấu thi thể những nạn nhân đó.” (trang176, The Soldiers’ Story  – Ron Steinman). 

 Vì Việt Cộng đã từng là vua khủng bố trong suốt hơn nửa thế kỷ nên họ có kinh nghiệm đầy mình để ngăn chận khủng bố. Theo dữ liệu của Bách khoa Tự điển mở Wikipedia, lịch sử Việt Nam chưa ghi nhận những vụ khủng bố có quy mô lớn, nhưng các âm mưu khủng bố rất nhiều. Trong Chiến tranh Việt Nam, tại miền Nam từng xảy ra nhiều vụ đặt bom nhằm mục đích phá hoại các cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Việt Cộng thực hiện. 

Tại Việt Nam ngày nay, các điều khoản về khủng bố được quy định trong Bộ luật Hình sự ra đời sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 tại New York. Các hoạt động mang tính đối kháng bằng bạo lực với Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thường bị chính quyền Việt Cộng liệt vào dạng “khủng bố” và đều bị lực lượng an ninh Việt Nam phát hiện và ngăn chặn. Ngăn chận để dành độc quyền. 

Như vậy rõ ràng là Việt Cộng vừa ăn cướp vừa la làng, vừa ra tay khủng bố cả nước vừa la làng lên là bị người Việt hải ngoại về nước khủng bố, thật đúng với bài bản của quan thầy Trung Cộng. Tàu Cộng giỏi nghề Sơn Đông mãi võ bán thuốc dán thường la làng. Tàu Cộng nói: 

– “Tranh chấp liên tục trên Biển Đông chủ yếu bắt nguồn từ Việt Nam”,

– “Thách thức lớn nhất đối với sự nhấn mạnh về một giải pháp hòa bình của Trung Quốc cũng có thể do Việt Nam”,

– “Việt Nam ngày càng gây sự trong việc thu tóm các đảo làm của riêng mình, không đếm xỉa đến chính sách truyền thống của Trung Quốc”, v.v. 

Sự thật ra sao chúng ta ai cũng biết là chính Trung Cộng ra sức ăn cướp trắng trợn đất biển của Việt Nam, cố tình gây căng thẳng nhằm biến khu vực không có tranh chấp và thuộc chủ quyền của Việt Nam thành vùng có tranh chấp để thực hiện kế hoạch “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” trên Biển Đông. 

Qua bài “Khủng Bố: Xưa và Nay”, tác giả Lê Minh ở Úc châu viết:Nạn khủng bố của Việt Cộng đã có từ lâu, có từ thời ông Hồ Chí Minh mới đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Các vụ ám sát khủng bố do các đảng viên, cán bộ cộng sản thực hiện đã xảy ra từ những năm tháng trước thời điểm 1945. Từ sau thời điểm 8/1945 thì các vụ ám sát, khủng bố lại diễn ra với hình thức quy mô, rộng lớn hơn. Những đối thủ chính trị của các đảng phái khác khi bị ám sát thì được chụp cho cái mũ “Việt gian, phản động” hay “tay sai”. Đây là những thủ thuật được dùng để che mắt quần chúng và giúp kẻ nhận nhiệm vụ ám sát có thể ra tay dễ dàng, dã man và dứt khoát hơn. Những năm tháng trong cuộc chiến kháng Pháp, các cuộc thanh trừng, khủng bố vẫn diễn ra từ Nam chí Bắc, không những chỉ đối với các phe phái đối lập, mà còn xảy ra đối với chính các đồng chí trong cùng nội bộ.” 

Những vụ khủng bố do VC gây ra trong thời chiến, kể ra thì có hàng ngàn đã được kiểm tra và đúc kết hồ sơ đầy đủ bởi các cơ quan chính phủ Mỹ; người viết xin liệt kê nơi phần liệt kê ở cuối bài. 

Thông thường, kẻ giết người luôn tìm cách che đậy hành vi tội ác ghê tởm. Hành động lén lút ám sát giết người thường là do lệnh của tổ chức đảng phái chính trị, là một thứ công tác sứ mạng điệp vụ. Đàng sau sứ mạng đó, cho dù thành công thì vẫn là chết chóc đau thương cho một người hay nhiều người có khi vô tội và bị giết oan khuất. Đối với lương tâm con người, hành động đó là việc làm bắt buộc và đáng lý ra không có gì vinh quang để kiêu hãnh. Nhưng đối với những con người cộng sản khát máu, họ lại xem đó như một thứ hào quang đáng tự hào khoe khoang và hãnh diện.

 

Xe hơi chở giáo sư Nguyễn Văn Bông bị hư hại sau khi trúng bom chất nổ của khủng bố VC ngày 10 tháng 11 năm 1971. Tổ trinh sát vũ trang Ban An ninh T4 gồm có Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu ám sát giáo sư Bông, (Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, lãnh đạo của đảng Tân Đại Việt, người thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến) tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản bằng 4kg chất nổ C4 được liên kết với ba trái lựu đạn.

Vũ Quang Hùng, người đã đặt bom giết chết giáo sư Nguyễn Văn Bông, từng là phó Tổng biên tập báo Công an TP. HCM. Hùng khoe khoang thú nhận “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” ca ngợi chiến công hiển hách của 2 biệt động Sài Gòn là Hùng và Châu. Giáo sư Bông bị sát hại khi 42 tuổi, là một trí thức cấp tiến có khả năng trở thành thủ tướng của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc mất ông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, cố vấn cho Tối cao Pháp viện, ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cùng thiệt mạng với ông còn có 3 người khác là vệ sĩ là lái xe. Ông để lại người vợ góa 30 tuổi và 3 con nhỏ. 

Một kẻ khủng bố Việt Cộng khác khoe thành tích là Trịnh Thị Thanh Mão. Bà Mão khoe là từng đã nhúng tay vào một vụ mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. 

Bài viết “Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” trên báo trong nước tiết lộ rằng Tháng 9/1970, trong một lần đi kinh lý bên dòng sông Thạch Hãn, ông tổng thống VNCH suýt chết trước nòng súng của nữ du kích Trịnh Thị Thanh Mão. Hiện tại, cựu nữ du kích Mão đang cư ngụ ở làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với cái gọi là “Ký ức hào hùng”, bà Mão kể lại năm 1964 khi 14 tuổi, Lợi dụng sự sơ hở của địch ít chú ý tới trẻ con, tôi đã “chuyển vũ khí, thuốc men vào căn cứ cách mạng; hóa thân vào làm người bán hàng rong trà trộn vào lòng địch cài bom hẹn giờ nổ đánh xe, tiêu diệt địch”. Sau một loạt thành tích đặt bom, năm 18 tuổi tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Việc ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tôi thực hiện vào năm 1970 trong buổi khánh thành hệ thống “ấp chiến lược”, tôi bắn 2 viên đạn nhưng không viên nào nổ.“Tiếc thật nếu sau cái bóp cò đó súng nổ thì Thiệu đã tiêu rồi”.

 

Ảnh: Bác sĩ Lê Minh Trí, Bộ Trưởng Giáo Dục VNCH đẫm máu vì bị thương nặng (và sau đó chết) đang nằm trên mặt đường và vệ sĩ của ông cũng bị thương đang ngồi trên lề đường trước sự canh gác của một quân cảnh Mỹ. Tài xế của ông chết trong chiếc xe đang bốc cháy sau khi khủng bố VC tung lựu đạn vào xe trên đường phố Sài Gòn ngày 6 tháng 1, 1969.

 

Nếu việc khủng bố chỉ được đảng CS thi hành trong chiến tranh thì cũng chưa phải là điều đáng nói. Thực tế, sau 36 năm thống nhất đất nước, họ vẫn tiếp tục hành động khủng bố của mình bằng nhà tù, bằng còng số 8 thông qua điều 88 và 79 của bộ luật Hình sự. Phương tiện họ dùng khủng bố không phải là bom ba càng, mìn hẹn giờ mà dùng chính Hiến pháp, thông qua điều IV và lực lượng công an, an ninh dày đặc để đàn áp những người bất đồng chính kiến. 

Hàng loạt các trí thức, nhân sĩ yêu nước bị bỏ tù vì đòi hỏi thực thi dân chủ nhân quyền đã bị cầm tù như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, LM Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Paulus Lê Sơn, Huỳnh Thục Vy, Việt Khang, v.v. Đó chính là sự tiếp tục chủ nghĩa khủng bố từ những năm xưa. Những trí thức trên và còn nhiều người khác nữa bị kết những bản án từ vài năm tới cả chục năm tù chỉ vì quan điểm của mình qua phỏng vấn hay các bài viết, bài nhạc. Vậy không là khủng bố thì sao?

 

Một số những vụ khủng bố của VC ở miền Nam VN
từ 1960 đến 1969 ghi nhận được:

 Ngày 2 tháng Hai 1960: VC phá và đốt chùa Phật giáo ở làng Phước Thành tỉnh Tây Ninh, đâm chết thiếu niên 17 tuổi tên Phan Văn Ngọc do em này kháng cự. 

Ngày 22 tháng Tư 1960: Khoảng 30 cán bộ võ trang VC ruồng bố làng Thới Long tỉnh An Xuyên định bắt Cao văn Nành 45 tuổi. Dân làng tụ lại phản đối. Việt Cộng nổ súng giết chết một thiếu niên 16 tuổi. 

Ngày 23 tháng Tám 1960: Việt Cộng đang đêm bắt hai giáo viên Nguyễn Khoa Ngôn và Nguyễn Thị Thiệt đến trường Rau Ran tỉnh Phong Dinh để chứng kiến cảnh chúng xử tử hai người đàn ông tên Cảnh và Văn để răn đe và gây khiếp đảm. 

Ngày 24 tháng Chín 1960: Một toán VC lục phá và đốt cháy tiêu trường An Lạc tỉnh An Giang. 

Ngày 28 tháng Chín 1960: VC chận xe của Cha xứ Hoàng Ngọc Minh, giáo phận Kontum, dùng súng máy bắn ông chết, xong còn cắm cọc tre vào người ông. Tài xế Huỳnh Hữu, cháu cha Minh, bị thương nặng. 

Ngày 30 tháng Chín 1960: Một toán VC bắt nông dân Trương văn Đáng 67 tuổi ra trước một phiên “tòa án nhân dân”, cáo buộc tội ông mua hai mẫu ruộng mà trái lệnh chúng không giao cho người khác. Ông bị VC bắn chết trên mảnh ruộng của ông sau phiên xử. 

Ngày 6 tháng Mười Hai 1960: VC đặt chất nổ nhà bếp Sân Cù Sài Gòn làm chết một phụ bếp và làm bị thương hai đầu bếp. 

Báo cáo tổng kết các vụ VC khủng bố năm 1960 của chính phủ VNCH nạp trình cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến gồm có 284 chiếc cầu bị phá hoại, 60 trạm y tế bị đốt. Và do hậu quả của những trường học bị VC phá hủy, việc học của 25,000 học sinh bị ảnh hưởng. 

Ngày 22 tháng Ba 1961: 20 nữ sinh đi xe đò trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu sau khi tham dự Lễ Hai Bà Trung bị VC giật mìn và xả súng bắn làm thiệt mạng hai nữ sinh và làm bị thương 10 em khác. 

Ngày 15 tháng Ba 1961: 12 sơ nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đi xe đò từ Tây Ninh đi Sài Gòn bị VC phục kích chận lục soát hành lý. Sơ Theophile phản đối nên bị chúng bắn chết tại chỗ và sơ Phan thị Nở bị thương. 

Ngày 26 tháng Bảy 1961: Hai dân biểu gốc người Thượng tên Rmah Pok and Yet Nic Bounrit bị VC phục kích bắn chết gần Đà Lạt cùng với một giáo viên cùng đi thăm viếng một làng định cư. 

Ngày 20 tháng Chín 1961: Một lực lượng hàng ngàn VC tràn ngập thị xã Phước Vinh tỉnh Phước Thành, đốt phá mọi cơ sở hành chánh, chặt đầu hầu hết công chức trong thị xã, chiếm giữ trọn ngày trước khi rút lui. 

Tháng Mười 1961: Nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ước đoán số lượng dân chúng VNCH bị VC giết mỗi tháng là một ngàn năm trăm người.

Ngày 13 tháng Mười Hai 1961: Cha Bonnet người Pháp thuộc giáo phận Kontum bị quân khủng bố VC ám sát trong lúc ông viếng thăm giáo dân ở Ngok Rongei. 

Ngày 20 tháng Mười Hai 1961: kỹ sư S. Fuka người Nhật làm việc cho dự án đập thủy điện Đa Nhim bị VC chận đường bắt cóc. Số phận của ông ra sao không bao giờ được rõ. 

Ngày 1 tháng Giêng 1962: VC chém chết ông Lê văn Thiều 63 tuổi, thủ lãnh lao công tại đòn điền cao su nơi ông làm việc.

Ngày 2 tháng Giêng 1962: VC giết chết hai nhân viên tên Pham văn Hải và Nguyễn văn Thạch trong đoàn diệt trừ sốt rét đang làm việc ở địa điểm cách khoảng 20km về phía nam Sài Gòn.

Ngày 20 tháng Hai 1962: VC ném 4 quả lựu đạn vào một đám dân làng đang xem hát ở Cần Thơ, giết chết 24 phụ nữ và trẻ con và làm cho 84 người khác bị thương. 

Ngày 8 tháng Tư 1962: VC xử tử hai tù thương binh Hoa Kỳ gần làng An Châu Trung phần Việt Nam. Hai thương binh Mỹ này bị trói và bị bắn vào mặt vì họ không đi theo kịp toán VC đang rút lui. 

Ngày 19 tháng Năm 1962: Khủng bố VC ném lựu đạn vào nhà hàng Aterbea ở Sài Gòn làm bị thương viên quản lý đoàn xiệc đến từ Bá Linh và tham vụ văn hóa Tòa Đại Sứ Tây Đức ở Sài Gòn. 

Ngày 20 tháng Năm 1962: VC đánh bom trước khách sạn Hưng Đạo Sài Gòn, nơi cư ngụ của quân nhân Hoa Kỳ, làm bị thương 8 người Việt và 3 quân nhân Mỹ đang đứng bên ngoài khách sạn. 

Ngày 12 tháng Sáu 1962: VC phục kích xe đò hành khách gần Lệ Tri tỉnh An Giang giết chết tất cả người trên xe gồm tài xế, người phụ lơ và hành khách.

 

Thi thể của hai thiếu niên trai và một người đàn ông nằm trên đường phố trong vụ VC tung lựu đạn trước Tòa Đô Chính Sài Gòn Ngày Quốc Khánh 26 tháng Mười năm 1962.

 

Ngày 20 tháng Mười 1962: Đội Biệt động 159 của Việt Cộng tung lựu đạn giết chết 7 người và làm bị thương 47 người đang đứng xem một cuộc triển lãm có trưng bày một phi cơ trực thăng cùng một số chiến lợi phẩm tịch thu được của địch quân trước Tòa Đô Chính Sài Gòn và một đoạn dài của đại lộ Nguyễn Huệ. 

Theo lời thuật có tính cách tuyên truyền khoác lác của báo chí VC, nữ du kích nội thành Lê Thị Thu Nguyệt giả dạng nữ sinh đảm nhận công tác mang thuốc nổ vào Sài Gòn. Trong bộ quần áo dài trắng giả trang một nữ sinh từ quê lên Sài Gòn học, Nguyệt mang theo hai chậu kiểng được ngụy trang dưới lớp đất là những quả lựu đạn. Bài báo kể Nguyệt bị chận xét nơi trạm kiểm soát như sau. 

(Trích: Tim chị cơ hồ nhảy ra khỏi lồng ngực khi tên lính xét giấy tờ đòi đập vỡ hai chậu kiểng xem có chất nổ không. Quá bất ngờ, Thu Nguyệt òa khóc, nói rằng ông bà ngoại sẽ đánh chết cô nếu đem hai chậu kiểng về nhà không còn nguyên vẹn. Vẻ đẹp tinh khiết và nước mắt cô nữ sinh làm mềm lòng tên lính. Hắn ta khoát tay ra hiệu đồng bọn bỏ đi. 8 giờ sáng ngày 26/10/1962, Nguyệt chọn bộ quần áo dài đẹp nhất cùng Tùng, Quang giả làm thường dân đi xem triển lãm. Trong chiếc khăn mùi soa của Thu Nguyệt là quả lựu đạn. Tới nơi, thấy địch để bên cạnh chiếc trực thăng Mỹ là súng, mìn “chiến lợi phẩm”, Quang định ném trái lựu đạn vào đống mìn nhưng Thu Nguyệt ngăn lại. Chị giải thích hành động của mình lúc ấy: “Chỗ đó quá đông người, tôi sợ mìn nổ làm chết dân. Nơi chiếc trực thăng đậu vắng người hơn. Tôi bí mật chuyển “chiếc khăn mùi soa” qua cho Quang. Anh hiểu ý nhanh tay ném vào mục tiêu này”. Một tiếng nổ vang lên, chiếc máy bay sụm xuống, bốc cháy mù mịt. Mọi người hỗn loạn tranh nhau thoát ra khỏi khu vực triển lãm. Lợi dụng thời cơ đó, các chiến sĩ biệt động hòa vào đám đông, thoát ra ngoài an toàn. Sáng hôm sau đọc báo, chị biết được kết quả trận đánh. Vậy là với chiếc khăn mùi soa trắng mỏng manh trong bàn tay bé nhỏ của Thu Nguyệt, quả lựu đạn đã phá hỏng 1 trực thăng HU1A, làm chết 3 tên, 2 tên bị thương và chiến công lớn hơn của trận đánh là đã phá vỡ được cuộc triển lãm của địch dự định kéo dài trong bảy ngày, làm thất bại âm mưu chính trị của ngụy quyền Sài Gòn.” Ngưng trích). 

Bạn đọc ắt thấy bài báo trên đây kém trung thực. Hình ảnh tài liệu cho thấy rõ ràng là các nạn nhân của vụ khủng bố này cũng chỉ là thường dân, trong đó có trẻ em. 

Ngày 4 tháng Mười Một 1962: VC ném lựu đạn trong một đường hẽm tại Cần Thơ, giết chết một quân nhân Hoa Kỳ và 2 trẻ em Việt Nam và làm một em khác bị thương nặng. 

Ngày 25 tháng Giêng 1963: VC đặt chất nổ xe lửa chở gạo gần Qui Nhơn, giết chết 8 hành khách và làm bị thương 15 người khác.

Ngày 4 tháng Ba 1963: VC chận xe trên đường Sài Gòn Đà Lạt, bắn chết 2 nhà truyền giáo Tin Lành là Elwood Forreston, người Mỹ, và Gaspart Makil, người Phi Luật Tân. Hai đứa con song sinh của Makil bị bắn và bị thương. 

Ngày 16 tháng Ba 1963: VC ném lựu đạn vào một ngôi nhà của một gia đình người Mỹ đang tiếp khách ăn tối ở Sài Gòn, giết chết một thương gia người Pháp và làm bị thương 4 người khác. 

Ngày 25 tháng Ba 1963: Cơ sở nội tuyến của Đội biệt động 159 (do Mười Luân, bí số 8E, và Lê Thị Thu Nguyệt, đóng vai người yêu của Mười Luân) đã gắn một quả mìn hẹn giờ vào chiếc máy bay Boeing 707 cho chuyến bay từ Sài Gòn đi Mỹ. Chiếc máy bay vừa đáp xuống phi trường Honolulu thì mìn phát nổ nhưng không làm ai bị thương vong vì tất cả hành khách đã di chuyển vào nhà ga sân bay. Nguyên nhân mìn phát nổ chậm là do áp suất trên cao làm đồng hồ hẹn giờ của quả mìn thay đổi. 

Vụ khủng bố này lại cũng có sự nhúng tay của nữ khủng bố Lê Thị Thu Nguyệt. Báo Việt Cộng viết: (Trích) Cũng không ai nghĩ, người phụ nữ bé nhỏ, dịu dàng ngồi trước mặt tôi nói những chuyện đời thường về cơm ăn áo mặc, mối lo toan thường tình như bao phụ nữ khác là nữ biệt động Đội 159 đưa được mìn nổ chậm, một loại vũ khí do Quân giới Quân khu sản xuất từ Củ Chi vào sân bay Tân Sơn Nhất, gài được mìn hẹn giờ trên máy bay Boeing 707.  

Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, Đội Biệt động 159 trước đó đã tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí số 8E, tức Mười Luân; đồng thời đưa Thu Nguyệt đóng vai người yêu của Mười Luân ra vào sân bay để điều nghiên mục tiêu. Ngày 25/3/1963, một gói thuốc nổ mạnh C4 cài đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang trong một chiếc túi du lịch, giống y hệt chiếc túi du lịch mà bọn cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác “túi du lịch” đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo túi du lịch của một tên Mỹ trong phòng đợi.

Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút. Nhưng chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được 2 phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Thoát chết trong gang tấc, bọn cố vấn Mỹ vô cùng kinh hoàng. Nếu như hôm ấy, chiếc đồng hồ hẹn giờ không bị trục trặc do máy bay lên độ cao 10.000 mét, áp suất không khí khiến nó chạy chậm lại, thì 80 cố vấn Mỹ xâm lược đã đền mạng. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về trận đánh này, trong đó có lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch. Quả mìn ấy tuy không nổ đúng giờ nhưng có sức “công phá” lớn trong dư luận, gây kinh hoàng cho quân đội Mỹ ngay phía bên kia bờ Thái Bình Dương: “Không chỉ Việt cộng đánh chúng ta trong thành phố, mà ngay cả bên Mỹ”. (Ngưng trích). 

Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện VC kể này, xin để đọc giả tự thẩm định. 

Ngày 3 tháng Tư 1963: Khủng bố VC tung hai quả lựu đạn vào một trường học ở Long Xuyên, giết chết một giáo viên và hai người lớn đang xem học sinh trình diễn ca nhạc hàng năm. 

Ngày 4 tháng Tư 1963: VC ném lựu đạn vào khán giả đang xem chiếu bóng ở một làng quê quận Cao Lãnh tỉnh Định Tường, giết chết 4 người và làm bị thương 11 người khác. 

Ngày 23 tháng Năm 1963: VC đánh bom bằng hai chiếc xe đạp có gài chất nổ trên đường phố Sài Gòn giết chết hai người và làm bị thương 10 người khác. 

Ngày 12 tháng Chín 1963: Cô giáo Võ Thị Lộ 26 tuổi ở An Phước tỉnh Kiến Hòa sau 3 ngày bị VC bắt cóc, đã bị VC cắt cổ chết và vứt thây ở rìa làng. 

Ngày 16 tháng Mười 1963: Hai chiếc xe đò ở Kiến Hòa và Quảng Tín bị trúng mìn VC khiến cho 18 hành khách tử vong và 23 người khác bị thương. 

Ngày 9 tháng Mười Một 1963: Trong một ngày 3 vụ ném lựu đạn xảy ra tại 3 địa điểm khác nhau tại Sài Gòn làm bị thương 16 người. 

Ngày 9 tháng Hai 1964: VC kích nổ bom tại một sân vận động thể thao nơi người Mỹ chơi banh làm cho 2 chết và 41 bị thương trong đó có 4 phụ nữ và 5 trẻ em. Một phần bom khác không nổ, nếu không, số người tử thương sẽ cao hơn nhiều. 

Ngày 16 tháng Hai 1964: Khủng bố VC kích nổ bom tại rạp chiếu bóng Kinh Đô ờ Sài Gòn gây tử thương 3 người Mỹ và làm bị thương 32 người khác. 

Ngày 14 tháng Bảy 1964: Phạm Thảo, chủ tịch ủy ban hành động Công giáo tỉnh Quảng Ngãi bị VC xử tử khi ông về thăm sinh quán làng Phổ Lợi Quảng Ngãi.

Tháng Mười 1964: Giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết từ đầu năm đến tháng Mười 1964 VC đã giết chết 429 viên chức địa phương của VNCH và bắt cóc 482 người khác.

 

Ngày 24 tháng 12, 1964: Một vụ nổ do khủng bố VC ở cư xá Brink trong đêm Giáng Sinh. Cư xá Brinks ở Sài Gòn là nơi trú ngụ của hơn 125 sĩ quan Mỹ và dân thường bị đánh bom do một đặc công Việt Cộng đóng giả làm sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Bom được đưa vào garage của cư xá và cho phát nổ làm sập 3 tầng của tòa nhà, giết 66 người trong đó có 2 sĩ quan Mỹ và làm hơn 100 người khác bị thương. 

Ngày 6 tháng Hai 1965: Đài phát thanh VC cho biết VC đã đem hai tù binh người Mỹ ra bắn chết để trả thù cho 2 khủng bố VC vừa bị VNCH xử bắn. 

Ngày 10 tháng Hai 1965: Khủng bố VC đặt bom phá nổ trại lính ở Qui Nhơn, giết chết 23 binh sĩ Mỹ.

 Quang cảnh bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ cũ trên đại lộ Hàm Nghi trong vụ VC khủng bố ngày 30/3/1965.

Ngày 30 tháng Ba 1965: Một toán đặc công VC phối hợp đánh bom Tòa Đại Sứ  Mỹ trên đại lộ Hàm Nghi gây thiệt mạng cho 22 người, trong đó có 19 người Việt, 2 nhân viên Mỹ và một người Phi Luật Tân, 83 người khác bị thương, trong đó có phó đại sứ Mỹ A.Johnson.

 

Lối đi vào nhà hàng nổi Mỹ Cảnh từ Bến Bạch Đằng sau khi VC giật quả mìn Claymore thứ nhì để giết hại thêm thực khách từ nhà hàng chạy lên sau vụ nổ trước.

 

Ngày 25 tháng Sáu, 1965: Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn bị đặt bom làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có 9 người Mỹ và làm hơn 50 thường dân bị thương. 

Ngày18 tháng Tám, 1965: Tổng Nha Cảnh sát bị đánh bom làm 6 người chết và 15 người bị thương. 

Ngày 4 tháng Mười, 1965: Sân vận động Cộng Hòa bị đặt bom làm 11 người thiệt mạng, 42 thường dân khác bị thương.

Ngày 5 tháng Mười, 1965: Bom nổ trên một chiếc taxi trên đường phó chính ở Sài Gòn, có thể do bom phát nổ sớm hơn giờ ấn định, làm hai người chết và 10 bị thương. 

Ngày 4 tháng 12, 1965: Bom khủng bố nổ trước một biu đing cư xá quân nhân ngoại quốc ở Saigon làm 137 người bị thương gồm 72 người Mỹ, 3 người Tân Tây Lan và 62 người Việt. 

Ngày 12 tháng 12, 1965: Hai trung đội khủng bố VC giết 23 công nhân đào kinh trong một ngôi chùa Phật giáo ở Tân Hưng tỉnh Định Tường và 7 người bị thương. 

Ngày 30 tháng 12, 1965: Ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận bị VC kê súng bắn vào đầu khi ông từ tòa soạn về nhà để ăn trưa vì trước đó ông đã cho đăng lên báo lời hăm dọa mà ông nhận được của cộng sản.

 

Ngày 7 tháng 1, 1966: Cộng sản gài và giật nổ một quả mìn Claymore tại cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, làm 2 người chết và 12 bị thương. 

Ngày 17 tháng 1,1966: Cộng sản giật mìn xe đò trên công lộ tỉnh Kiến Tường làm chết 26 thường dân, trong đó có 7 trẻ em, và 8 người bị thương. 

Ngày 29 tháng 1, 1966: VC giết chết cha xứ Phan Khắc Dậu 74 tuổi ở Thạnh Trị tỉnh Kiến Tường cùng với 5 giáo dân. Đám khủng bố xúc phạm và hủy hoại thánh kinh và tượng chúa cùng các vật dụng khác. 

Ngày 2 tháng Hai, 1966: Một toán du kích VC phục kích bắn xả vào một chiếc xe Jeep chở nhân viên ty thông tin tỉnh Hậu Nghĩa, làm 6 chết và một bị thương. 

Ngày 14 tháng Hai, 1966: VC gài nổ hai quả mìn dưới xe đò gần Tuy Hòa giết chết 48 nông dân và làm bị thương 7 người khác. 

Ngày 18 tháng Ba, 1966: Thêm 15 hành khách xe đò chết và 4 bị thương vì trúng mìn VC 8km phía tây Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. 

Ngày 22 tháng Năm, 1966: Quân khủng bố VC đang đêm tấn công một khu nhà trú ngụ của nhân công đào kinh tỉnh An Giang, giết chết 18 đàn ông, 1 phụ nữ và 4 trẻ em. 

Ngày 10 tháng Chín, 1966: Trong đêm trước ngày bầu cử Quốc Hội miền Nam, Việt Cộng tung ra 166 cuộc tấn công trên toàn quốc, phá hoại địa điểm đặt thùng phiếu, bắt cóc và ám sát. 

Ngày 11tháng Chín, 1966: Trong ngày bầu cử, khủng bố VC giết chết 19 cử tri, làm bị thương 120 người, đốt phá phòng phiếu, đặt mìn vệ đường và ám sát. 

Ngày 24 tháng Chín, 1966: Quân đội Hoa Kỳ giải cứu 11 tù nhân tại một trại giam của VC ở tỉnh Phú Yên. Có 70 tù nhân bị VC bỏ đói đến chết và 20 người khác chết vì tra tấn. 

Ngày 11 tháng Mười, 1966: Theo sự chỉ dẫn của một thiếu niên 14 tuổi, lực lượng Đồng Minh tìm thấy một nhà tù VC ở tỉnh Bình Định với 12 tử thi tù nhân đã bị VC bắn và ném lựu đạn chết trước khi chúng tẩu thoát. 

Ngày 22 tháng Mười, 1966: Một cán bộ nông thôn nửa đêm bị VC vào nhà bắn chết ở Bình Chánh tỉnh Gia Định. 

Ngày 24 tháng Mười, 1966: Một chiếc xe đò chạy tuyến đường Huế – Quảng Trị trúng mìn VC tại Phong Điền khiến 15 hành khách bị thương. 

Ngày 27 tháng Mười, 1966: VC tung lựu đạn vào nhà dân ở Ban Mê Thuột giết chết 2 người và làm bị thương 7 người gồm trẻ em và phụ nữ. 

Ngày 28 tháng Mười, 1966: Cảnh sát kịp thời bắt giữ một nữ du kích VC định đặt bom dưới khán đài lễ hội ở Khánh Hưng tỉnh Ba Xuyên. 

Ngày 1 tháng 11, 1966: VC pháo kích Sài Gòn trong Ngày Cách Mạng giết chết và làm bị thương 51 người. 

Ngày 2 tháng 11, 1966: VC ném lựu đạn vào trường đua Phú Thọ Sài Gòn làm 2 người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày một toán khủng bố VC tấn công quận châu thành tỉnh Phong Dinh, đặt chất nổ gây hư hại cầu sắt Đầu Sấu. 

Ngày 3 tháng 11, 1966: Khủng bố VC xâm nhập ngoại ô Sài Gòn và pháo kích 24 phát vào trung tâm thủ đô. Các nơi bị trúng đạn là Chợ Bến Thành, nhà thương Grall, nhà thờ Đức Bà và một số nhà dân cư; có 8 người chết và 37 người bị thương nặng. 

Ngày 4 tháng 11, 1966: VC bắn súng cối vào một làng tỉnh Hậu Nghĩa, làm một người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày VC tấn công một làng ở Tây Ninh làm 6 người chết và một số bị thương. 

Ngày 7 tháng 11, 1966: VC bắt cóc hai viên chức hành chánh trên tỉnh lộ 8 tỉnh Quảng Đức. 

Ngày 16 tháng 11, 1966: Một chiếc xe đạp chứa chất nổ do khủng bố VC gài phát nổ trên đường Nguyễn Văn Thoại Sài Gòn khiến hai quân nhân và một thường dân bị thương. 

Ngày 19 tháng 11, 1966: VC pháo kích tổng cộng 28 phát đạn súng cối ở Cần Giộc và Cần Đước tỉnh Long An gây cho 2 trẻ em chết và 17 người bị thương. 

Ngày 20 tháng 11, 1966: Hai cảnh sát viên bị thương khi gỡ băng rôn VC có gài chất nổ. 

Ngày 23 tháng 11, 1966: VC mặc quân phục giả dạng binh sĩ VNCH giết chết cảnh sát gác cầu ở Khánh Hưng tình Ba Xuyên và ném 2 quả lựu đạn làm 2 binh sĩ và 7 thường dân bị thương.

Ngày 26 tháng 11, 1966: VC gài mìn Claymore ở sân chơi trường tiểu học Trịnh Hoài Đức ở An Thạnh tỉnh Bình Dương cạnh một địa điểm huấn luyện của một đơn vị Đại Hàn. Mìn nổ giết chết 3 binh sĩ Đại Hàn và làm bị thương một học viên người Việt. 

Ngày 30 tháng 11, 1966: VC pháo kích chợ Tân Uyên tỉnh Biên Hòa giết chết 3 thường dân và làm bị thương 7 người khác. 

Ngày 4 tháng 12, 1966: Một đơn vị đặc công VC phá thủng chu vi phòng thủ 20,8 cây số xung quanh Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt và pháo kích khu vực trong 4 giờ. Lực lượng bảo vệ Mỹ và VNCH sau đó đã đẩy lui toán đặc công này, giết chết 18 người. Một máy bay trinh sát 101 của Mỹ bị thiệt hại nặng. Quân du kích quay lại trong đêm cùng ngày, nhưng lực lượng phòng thủ một lần nữa đã đẩy lui, giết thêm 11 đặc công Việt Cộng. 

Ngày 7 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng dùng súng lục Đông Đức ám sát dân biểu Trần Văn Văn khi ông đang trên đường đi đến trụ sở Quốc Hội. Hai tên du kích bị bắt. 

Ngày 10 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng ném lựu đạn vào sân chơi của ty Chiêu Hồi tỉnh Bình Dương làm cho 3 trẻ em bị thương nặng. Cùng ngày, một xe đò trúng mìn Việt Cộng ở Phong Dinh khiến 5 hành khách toàn phụ nữ thiệt mạng và làm tài xế bị thương nặng. 

Ngày 27 tháng 12, 1966: Dân biểu bác sĩ Phan Quang Đán may mắn thoát chết khi xe ông phát nổ ở Gia Định. Bánh chất nổ gắn dưới lườn xe của ông kích nổ khi ông mở cửa xe bước ra. Bác sĩ Đán bị thương nhưng một phụ nữ đi đường tử thương và 5 người bộ hành khác bị thương.

 

Ngày 6 tháng 1, 1967: Một cảnh sát viên ở quận Tân Châu tỉnh Kiến Phong bị Việt Cộng hành quyết trước sự chứng kiến của gia đình. 

Ngày 7 tháng 1, 1967: Việt Cộng đặt chất nổ phá sập một lớp học và một trạm y tế quận Hồng Ngự tỉnh Kiến Phong. 

Ngày 8 tháng 1, 1967: Việt Cộng ném lựu đạn vào nhà một xã trưởng tỉnh An Xuyên làm một đứa con của ông ta chết và làm bị thương 3 thành viên khác trong gia đình. 

Ngày 12 tháng 1, 1967: VC phục kích xe đò trên Quốc lộ 14 ở Tân Cảnh giết chết 3 thường dân và làm bị thương 3 quân nhân. 

Ngày 21 tháng 1, 1967: VC đột nhập làng Buôn Hô tỉnh Darlac gom dân tuyên truyền và bắt đi 6 thanh thiếu niên. 

Ngày 6 tháng 2, 1967: VC bố ráp Liêu Trì tỉnh Quảng Tín bắt cóc giáo viên và viên chức . Giáo viên bị giết sau đó. Cùng ngày VC ném lựu đạn một buổi tiếp tân của Phó Tỉnh trưởng Kontum, giết chết Trưởng Ty Giáo Dục và 2 viên chức khác cùng 8 người bị thương nặng. 

Ngày 4 tháng 3, 1967: Biết tin một đơn vị VNCH hành quân giải cứu, toán canh tù VC trói 12 tù nhân VNCH xong bắn, đâm và cắt cổ. Chỉ có hai người được cứu sống. 

Ngày 5 tháng 3, 1976: VC mở 2 vụ đột kích ban đêm giết hai cán bộ xây dựng nông thôn ở Vĩnh Phú tỉnh Phú Yên. Trong một vụ khác, thêm 7 người khác bị giết và 4 người bị thương.

Ngày 30 tháng 3, 1967: VC pháo kích trại gia binh tỉnh lỵ Bạc Liêu, phá hủy 200 căn nhà, giết chết 32 người. 

Ngày 13 tháng 4, 1967: VC nhắm mục tiêu khủng bố ban đêm vào một đoàn văn nghệ trình diễn ở Lữ Sơn gần Đà Nẵng. Trưởng và phó đoàn đều bị giết, 2 đoàn viên bị thương. 

Ngày 14 tháng 4, 1967: Du kích VC bắt cóc Nguyễn Văn Sơn, người ra ứng cử hội đồng làng thuộc quận Bình Chánh tỉnh Gia Định. 

Ngày 16 tháng 4, 1967: VC ám sát một ứng cử viên hội đồng làng Cẩm Hà tỉnh Quảng Nam. Thân nhân trong gia đình cũng bị vạ lây gồm 1 em bé chết và 3 người lớn bị thương.

Ngày 18 tháng 4, 1967: VC tấn công vào ấp Suối Chồn thuộc tỉnh Long Khánh đông bắc Sài Gòn, giết chết 5 cán bộ xây dựng nông thôn, làm bị thương 3 người và bắt cóc 7 người. Trong số 5 người bị giết có 3 cô gái trẻ bị trói và bắn vào đầu. Một phần ba nhà cửa trong ấp bị VC đốt cháy rụi. 

Ngày 26 tháng 4, 1967: Nguyễn Cầm, trưởng ấp Ba Đàn tỉnh Quảng Nam bị VC giết. 

Ngày 10 tháng 5, 1967: Một chiếc xe đò cán trúng mìn VC ở tỉnh Phú Bổn làm một hành khách chết, tài xế và 5 hành khách khác bị thương. 

Ngày 11 tháng 5, 1967: Bác sĩ Trần Văn Lữ Y, bộ trưởng Y Tế tường trình trước Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Geneva rằng trong 10 năm qua có hơn 200 nhân viên y tế bị VC giết hại. Con số chính xác là 211 người gồm bác sĩ và y tá đã bị VC giết hoặc bắt cóc; 174 bệnh xá, bệnh viện và nhà bảo sanh bị phá hủy, 40 xe cứu thương bị trúng mìn hoặc bị bắn bằng súng máy. 

Ngày 16 tháng 5, 1967: VC mở hai vụ khủng bố ở hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Trị giết chết 8 cán bộ xây dựng nông thôn và làm 5 người bị thương. 

Ngày 24 tháng 5, 1967: VC tung lựu đạn vào nhà trưởng ban thông tin Phú Thạnh tỉnh Biên Hòa giết chết ông cùng với hai đứa con lúc 3 giờ sáng. 

Ngày 29 tháng 5, 1967: Đặc công người nhái VC từ dưới Sông Hương ở Huế làm nổ một khách sạn nơi các thành viên của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến thường trú ngụ. Không có thành viên nào của 3 nước hội viên là Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan bị nguy hại; Vụ tấn công của VC làm cho 5 thường dân người Việt tử thương và 15 bị thương. 80% khách sạn bị hư hại. 

Ngày 2 tháng 6, 1967: Hai trung đội VC có trang bị súng máy giữa khuya tấn công Trung Tâm Chiêu Hồi tỉnh Long An làm 5 binh sĩ và 5 thường dân bị thương. 

Ngày 27 tháng 6, 1967: Một xe đò đầy hành khách cán phải mìn VC ở đông nam Lai Khê tỉnh Bình Dương khiến 23 người trên xe đều chết. 

Ngày 6 tháng 7, 1967: 7 trẻ em đi bộ trên đường lộ để đến chùa tại xã Cẩm Phổ tỉnh Quảng Nam nhằm lúc một xe hàng chạy ngang làm nổ một quả mìn chống tăng do VC gài khiến một em chết vầ em bị thương.  

Ngày 13 tháng 7, 1967: Một nhà hàng ở Huế bị VC gài bom nổ làm chết 2 thực khách người Việt, làm bị thương 12 người Việt, 7 người Mỹ và 1 người Phi Luật Tân. 

Ngày 14 tháng 7, 1967: VC giả dạng binh lính VNCH tấn công một trại tù tỉnh Quảng Nam, giải thoát cho 1,000 trên tổng số 1,200 tù nhân, xử tử 30 người tại sân trại. 10 thường dân bị giết và 29 thường dân khác bị thương khi VC mở đường rút lui.  

Ngày 25 tháng 7, 1967: VC vào nhà dân ở Bình Triệu tỉnh Long An bắt đi 4 đàn ông, 1 phụ nữ và đứa con trai 16 tuổi của bà. Sáng hôm sau trên tỉnh lộ 13, người ta tìm thấy thi thể 6 người này với hai tay bị trói sau lưng và mỗi người có một vết đạn bắn vào đầu.

Ngày 5 tháng 8, 1967: Khủng bố VC bắt một bé gái học sinh cầm một quả lựu đạn đã rút chốt sẵn dặn em đưa cho thầy cô giáo của em. Em học sinh này đi đến trường em thuộc tỉnh An Xuyên đang có chương trình đặc biệt cổ động cho chiến dịch Rủ Nhau Đi Bầu Tháng Chín. Vừa tới cửa lớp học, em học sinh buông tay thả lựu đạn khiến cho em chết và làm 9 em học sinh ngồi trong lớp bị thương.  

Ngày 24 tháng 8, 1967: VC ném bom vào nhà một cảnh sát viên ở Cần Thơ làm một người chết và 4 người bị thương. 

Ngày 26 tháng 8, 1967: Xe đò chở hành khách cán trúng mìn trong tỉnh Kiến Hòa làm cho 22 người chết và 6 người bị thương. 

Ngày 27 tháng 8, 1967: VC gia tăng các vụ khủng bố bằng pháo kích một tuần trước ngày bầu cử tổng thống và thượng nghị viên. 46 chết và 227 bị thương ở Cần Thơ. 10 chết và 10 bị thương trong tỉnh Phước Long. 9 thường dân và 5 trẻ em bị thương ở Ban Mê Thuột. 2 chết và 1 bị thương ở Bình Long. 6 người bị bắt cóc ở làng Phước Hưng tỉnh Thừa Thiên. 

Ngày 29 tháng 8, 1967: VC xâm nhập 4 xã thuộc quận Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, giết chết 2 và bắt đi 6 người.

Ngày 1 tháng 9, 1967: VC phá quốc lộ 4 trong tỉnh Định Tường với 6 hố bom khiến mọi lưu thông tắt nghẽn ngoại trừ một xe cứu thương quân đội cán trúng mìn áp suất khiến 13 hành khách chết và 23 bị thương. 

Ngày 3 tháng 9, 1967: Trong ngày bầu cử, vụ khủng bố VC đầu tiên xảy ra tại một địa điểm bỏ phiếu ở Tuy Hòa Phú Yên khiến 3 chết và 42 bị thương. Tính chung trong buổi sáng ngày bầu cử. có tổng cộng 48 cử tri bị VC sát hại.

Ngày 8 tháng 11, 1967: Trung tâm tị nạn Kỳ Chánh tỉnh Quảng Tín bị VC xâm nhập giết chết 4, làm bị thương 9 và bắt đi 9 người khác, lớp học bị đốt.

 

Ấp tân sinh Đắc Sơn bị VC dùng súng phun lửa hủy diệt, giết 114 dân làng và làm bị thương 47 người (AP Photo)

 

Ngày 5 tháng 12, 1967: Một trong những vụ VC khủng bố tồi tệ nhất gây tiếng vang lớn là cuộc thảm sát ở Dak Son tỉnh Phước Long. Người Mỹ ví nó như vụ thảm sát làng Lidice ở Tiệp Khắc dưới thời nước này bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Dak Son là một làng người Thượng với khoảng 2,000 dân. Vì ngôi làng này gần một căn cứ quân đội Mỹ và được dân làng có thiện cảm, VC căm thù muốn tiêu diệt. Hơn 300 VC trang bị 60 súng phun lửa đang đêm tấn công định thiêu sống tất cả: người già trẻ lớn bé, gia súc, thực phẩm, nhà cửa… Sáng hôm sau, một cảnh hoang tàn với từng đống thây người chết cháy thành than cùng với mọi vật. Tổng cộng có 252 người chết, hai phần ba là phụ nữ và trẻ em. 200 người bị bắt đi và không bao giờ trở lại. Số người còn sống sót là vì cư trú trong các dãy nhà khác và VC đã xài cạn hết súng phun lửa. 

Ngày 14 tháng 12, 1967: Dân biểu Bùi Quang San bị VC xông vào nhà ám sát. Hai ngày trước khi bị giết, ông San cho biết có nhận được thư VC hăm dọa tính mạng. Cả gia đình ông ở Hội An từng bị VC sát hại gồm mẹ, vợ và 6 đứa con. Cùng ngày, thông cáo Bộ Thông Tin cho biết trong  tuần lễ qua có 232 người chết vì các vụ VC khủng bố. 

Ngày 16 tháng 12, 1967: VC cướp máy vi âm trong một buổi diễn kịch trong trường Đại Học Sài Gòn để tuyên truyền và nổ súng làm 3 người bị thương khi bị ngăn cản, xong tẩu thoát.

 

Ngày 20 tháng 1, 1968: Một toán du kích VC có võ trang cưỡng bức khoảng 100 dân cư quận Tam Quan tỉnh Bình Định tập họp để nghe chúng tuyên truyền. Một người lớn tuổi lên tiếng phản đối liền bị VC bắn chết.

 

Một cuộc khai quật mồ chôn tập thể thảm sát Mậu Thân Huế

 

Ngày 30 tháng 1, 1968: Trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân, một lực lượng Cộng quân khoảng 12,000 người đã thừa dịp hưu chiến xâm nhập thành phố Huế và tức khắc biến Huế trở thành một trong những thành phố buồn nhất trên quả địa cầu. Thành phố bị VC chiếm đóng 26 ngày, xử tử gần 6,000 nạn nhân không vũ khí mà VC cho là kẻ thù của CS. Sau khi thành phố được giải cứu, người ta tìm thấy nhiều mồ chôn tập thể hàng ngàn người bị VC trói, giết cà chôn vội vã trên đường rút lui. Dấu hiệu cho thấy có cả nạn nhân bị chôn sống. 

Ngày 6 tháng 4, 1968: Một toán du kích VC vào làng Thất Vinh Đông tỉnh Tây Ninh bắt dân mua trái phiếu và bắt đi một giáo viên, 2 người con gái và một người cháu trai của xả trưởng cùng 6 thiếu niên 15, 16 tuổi. 

Từ 5/5 đến 22/6, 1968: VC pháo kích 417 quả đạn hỏa tiễn 107 ly của Trung Cộng và 122 ly của Sô Viết vào Sài Gòn,  làm chết 115 người và 528 người bị thương, phần lớn là cư dân Quận Tư. 

Ngày 29 tháng 5, 1968: VC chận đường lộ 155 ở tỉnh Vĩnh Bình, đốt 2 xe đò và 28 xe lam 3 bánh, bắt đi 50 hành khách thường dân gồm một mục sư Tin Lành. 

Ngày 28 tháng 6, 1968: VC tấn công bằng vũ khí nặng, chất nổ và lựu đạn vào trung tâm tị nạn và làng chài Sơn Trà, phía nam Đà Nẵng làm 88 người chết và 103 bị thương. 450 ngôi nhà bị phá hủy khiến cho hàng ngàn dân không nhà ở. Sau đó VC lại phục kích tấn công bắn vào đám người đi đốn tre để cất lại nhà tị nạn. 

Ngày 28 tháng 7, 1968: Một tốp 4 đặc công VC gồm 2 nam 2 nữ đột kích cơ sở nhật báo Chợ Lớn, đuổi hết mọi người, đặt 60 cân Anh chất nổ dẻo làm nổ tung tòa nhà 

Ngày 1 tháng 9, 1968: Các bác sĩ bệnh viện dã chiến 27 Hoa Kỳ cho biết có 2 phụ nữ người Thượng được đưa vào bệnh viện với chứng thiếu máu trầm trọng. Các bác sĩ khám phá ra rằng 2 phụ nữ này đã bị cán binh VC rút máu để sang cho thương binh của họ. 

Ngày 12 tháng 9, 1968: Một tài liệu của VC do chính quyền tịch thu được ở quận châu thành tỉnh Bình Dương cho biết rằng VC ra lệnh giết 7 tù binh của họ để khỏi vướng bận trên đường rút lui. 

Ngày 26 tháng 9, 1968: VC ném lựu đạn vào Chợ Bến Thành làm 1 người chết và 11 người bị thương. 

Ngày 11 tháng 12, 1968: VC vào nhà trưởng toán nhân dân tự vệ quận Tri Tôn tỉnh Châu Đốc bắt trói ông lôi ra ngoài sân rồi dùng súng liên thanh ria nát người ông. 

Ngày 6 tháng 1, 1969: Hai đặc công VC cỡi xe gắn máy áp xe hơi của Bộ Trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí rồi ném lựu đạn vô xe khiến ông và tài xế tử thương và cận vệ bị thương. 

Ngày 7 tháng 2, 1969: VC cho nổ một túi mìn gài ở chợ Cần Thơ làm 1 người chết và 3 người bị thương. 

Ngày 16 tháng 2, 1969: Du kích VC vào làng Phước Mỹ tỉnh Quảng Tín tung lựu đạn nhiều nhà giết chết một số cư dân gồm người già và trẻ em không chạy kịp. 

Ngày 19 tháng 2, 1969: VC gài bom trong xe đạp và cho nổ tại một tiệm đông người ở thị xã Trúng Giang tỉnh Kiến Hòa làm chết 6 thường dân và 16 người bị thương. 

Ngày 24 tháng 2, 1969: VC vào nhà thờ Thiên Chúa giáo tỉnh Quảng Ngãi ám sát một linh mục và một thiếu sinh. 

Ngày 4 tháng 3, 1969: VC đi xe gắn máy bắn chết giáo sư Trần Anh, viện trưởng đại học Sài Gòn. Trước đó ông đã nhận được thư hăm dọa của Biệt đội Cảm tử Nội thành Sài Gòn của VC. 

Ngày 5 tháng 3, 1969: VC định quăng túi chất nổ vào xe hơi để ám sát Thủ tướng Trần Văn Hương nhưng thất bại và đa số VC can dự trong vụ này đã bị bắt.  

Ngày 6 tháng 3, 1969: VC đặt chất nổ tại bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi làm hư hại 2 xe cứu thương và một bệnh nhân sản khoa chết. 

Ngày 9 tháng 3, 1969: VC vào nhà bà Phan thị Trí ở Xóm Láng tỉnh Gò Công bắt bà chặt đầu vì chồng bà đã bỏ VC và ra đầu thú với chính quyền. Cùng ngày trong tỉnh Quảng Nam, VC bố ráp các làng Lộc An, Lộc Mỹ và Lộc Hưng giết hai thường dân và bắt đi 10 thiếu niên theo chúng. 

Ngày 13 tháng 3, 1969: VC tấn công vào hai làng người Thượng Kon Sitiu và Kon Bobanh thuộc tỉnh Kontum, giết chết 15 người, bắt đi 23 người, 2 người trong số này sau đó bị VC xử tử. 3 nhà dài, 1 nhà thờ, 1 trường học bị đốt. Một trưởng làng bị đánh chết. Những người sống sót kể lại VC hăm dọa họ không được hợp tác với chính quyền.

Ngày 21 tháng 3, 1969: VC tấn công một trung tâm tị nạn lần thứ hai bằng súng cối và B-40 giết chết 17 thường dân  và làm bị thương 36 người khác, phần nhiều là phụ nữ và trẻ em. 

Ngày 4 tháng 4, 1969: VC đặt mìn một ngôi chùa trong tỉnh Quảng Nam làm 4 người chết và 14 người bị thương. 

Ngày 9 tháng 4, 1969: VC tấn công trại tị nạn Phú Bình tỉnh Quảng Ngãi đốt cháy 70 căn nhà, bắt cóc 4 người, làm cho 200 dân không còn nơi cư ngụ. 

Ngày 11 tháng 4, 1969: VC gài túi chất nổ ở đình làng Long Thạnh tỉnh Phong Dinh làm 4 trẻ em bị thương. 

Ngày 15 tháng 4, 1969: VC đột nhập trung tâm tị nạn An Kỳ tỉnh Quảng Ngãi để tuyên truyền và cưỡng bức đuổi người tị nạn về nhà. Khi dân phản đối, VC xả súng giết chết 9 người và làm bị thương 10 người khác. 

Ngày 16 tháng 4, 1969: Du kích VC có võ trang vào trại tị nạn Hòa Đại tỉnh Bình Định tuyên truyền kêu gọi người tị nạn hồi cư. Bị từ chối, VC đốt sạch 146 căn nhà tạm trú. 

Ngày 19 tháng 4, 1969: VC vào trại tị nạn Hiếu Đức tỉnh Quảng Nam bắt đi 10 người. 

Ngày 22 tháng 4, 1969: VC tấn công một trung tâm chiêu hồi trong tỉnh Vĩnh Bình làm 5 người chết và 11 người bị thương. 

Ngày 23 tháng 4, 1969: VC tấn công khủng bố trại tiếp cư ở Sơn Tịnh Quảng Ngãi, bắn chết 2 phụ nữ và bắt đi 10 người. 

Ngày 6 tháng 5, 1969: VC bắt cóc và giết ông Lê Văn Giáo 37 tuổi ở làng Vĩnh Phú tỉnh An Giang vì ông này từ chối đóng thuế cho VC.

 

Cảnh đổ nát bên trong Bưu Điện Sài Gòn do VC đặt bom ngày 8-5-1969.

Ngày 8 tháng 5, 1969: Đặc công VC đặt bom trong trụ sở Bưu Điện Sài Gòn làm 4 thường dân chết và 19 người bị thương. 

Ngày 10 tháng 5, 1969: VC giật chất nổ ở Dương Hồng tỉnh Quảng Nam giết chết 8 thường dân và làm 4 người bị thương. 

Ngày 12 tháng 5, 1969: Đặc công VC tấn công Phú Mỹ tỉnh Bình Định làm chết 10 thường dân và làm bị thương 19 người. 87 nhà bị hư hại. 

Ngày 14 tháng 5, 1969: VC pháo kích 5 phát đạn hỏa tiễn 122ly vào khu dân cư thành phố Đà Nẵng làm 5 người chết và 18 người bị thương. 

Ngày 18 tháng 6, 1969: 3 trẻ em ở Quản Long An Xuyên bị thương khi chạy giỡn gần nhà đạp trúng mìn VC. 

Ngày 19 tháng 6, 1969: VC bắt cóc và bắn chết đoàn viên nhân dân tự vệ Lương văn Thành ở Tân Thuận Đông tỉnh Định Tường. Cùng ngày tại Phú Mỹ Thừa Thiên, VC ám sát chết một người đàn ông 51 tuổi và bà mẹ 70 tuổi. 

Ngày 24 tháng 6, 1969: VC pháo kích hỏa tiễn 122 ly vào bệnh xá Thanh Tâm ở Hố Nai Biên Hòa làm một bệnh nhân tử thương. 

Ngày 30 tháng 6, 1969: VC pháo kích chùa Phước Long tỉnh Bình Dương làm một nhà sư tử thương và 10 khách viếng chùa bị thương. Cùng ngày, 3 đoàn viên nhân dân tự vệ bị bắt cóc ở Phú Mỹ Biên Hòa. 

Ngày 30 tháng 6, 1969: Trung tâm tiếp cư Hưng Mỹ tỉnh Bình Dương trúng đạn hỏa tiễn VC làm 76 người bị thương. 

Ngày 2 tháng 7, 1969: VC đột nhập văn phòng xã Thái Phú tỉnh Tây Ninh ám sát xả trưởng và người phụ tá. 

July 17 tháng 7, 1969: VC tung lựu đạn vào Chợ Cồn Đà Nẵng làm bị thương 13 người, phần lớn là phụ nữ. 

Ngày 5 tháng 8, 1969: VC tung 2 quả lựu đạn vào trường tiểu học Vĩnh Châu tỉnh Quảng Nam trong lúc trường đang có một buổi họp mặt, làm 5 người chết và 21 người bị thương. 

Ngày 7 tháng 8, 1969: Đặc công VC gài và cho nổ 30 thỏi chất nổ Bệnh Viện Dã Chiến 6 của Hoa Kỳ ở Vịnh Cam Ranh, gây 2 tử vong và 57 bị thương, phần nhiều là bệnh nhân. 

Ngày 13 tháng 8, 1969: Khủng bố VC tấn công hai trạm tiếp cư dân chạy loạn ở Quảng Nam và Thừa Thiên làm 23 người chết và 75 người bị thương, một số lớn nhà cửa bị phá sập hoặc hư hại.  

Ngày 26 tháng 8, 1969: Một gia đình 8 người gồm cả trẻ sơ sinh mới 9 tháng đều bị VC giết bằng súng bắn vào gáy ở Hòa Phát tỉnh Quảng Nam. 

Ngày 6 tháng 9, 1969: VC pháo kích Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến ở Đà Lạt  khiến 5 học viên chết và 26 bị thương. 

Ngày 9 tháng 9, 1969: Chính phũ VNCH đưa ra con số tổng kết trong 8 tháng đầu của năm 1969 có gần 5 ngàn thường dân bị VC sát hại. 

Ngày 20 tháng 9, 1969: VC tấn công Trung Tâm Tị Nạn Từ Vân tỉnh Quảng Ngãi giết chết 8 người và làm 2 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều là vợ con của các đoàn viên Nhân Dân Tự Vệ. Tại Bình Sơn, toàn thể 8 người trong gia đình một viên chức cảnh sát đều bị giết. 

Ngày 24 tháng Chín, 1969: Một chiếc xe đò trúng mìn Việt Cộng trên Quốc Lộ 1 về phía bắc Đức Thọ Quảng Ngãi làm 12 hành khách thiệt mạng. 

Ngày 13 tháng Mười, 1969: Việt Cộng bắt cóc một linh mục Thiên Chúa Giáo và một phó tế tại nhà thờ Phú Hội tỉnh Biên Hòa. Cùng ngày, Việt Cộng ném lựu đạn vào Trung Tâm Chiêu Hồi Vị Thanh tỉnh Chương Thiện giết chết 3 thường dân và làm cho 46 người khác bị thương, khoảng phân nửa số người đó là thân nhân của các hồi chánh viên gồm phụ nữ và trẻ em.

 

Những vụ khủng bố liệt kê trên đây chỉ là một phần của những tội ác chiến tranh mà Việt Cộng gây ra đối với dân lành miền Nam, dư đủ để dùng làm bằng chứng truy tố và kết tội Đảng Cộng Sản Việt Nam trước Tòa Án Quốc Tế.

Tiến sĩ Carol Winkler, giáo sư Trường Đại Học Maryland qua quyển sách In The Name of Terrorism cho biết rằng giữa khoảng thời gian từ 1965 đến 1972, khủng bố VC đã giết chết hơn 33 ngàn người và bắt cóc 57 ngàn người khác trên toàn quốc VNCH. Riêng tại thủ đô Sài Gòn, các vụ khủng bố tàn độc quyết liệt hơn và giết hại nhiều sinh mạng hơn cả. Riêng trong năm 1964 không thôi có 19 ngàn vụ khủng bố VC, trong đó có vụ ám sát hụt thủ tướng Trần Văn Hương.

Douglas Pike, chuyên gia uy tín về Chiến Tranh Việt Nam và là người bỏ công sưu tầm nguồn tài liệu khổng lồ về đề tài này cho Trung Tâm Việt Nam tại Trường Đại Học Kỹ Thuật Texas ở Lubbock, cho rằng vụ thảm sát năm Mậu Thân ở Huế của VC là vụ khủng bố tàn độc nhất trong suốt cuộc chiến với số người bị giết dã man lên đến cỡ 5 ngàn người. VC Hoàng Phủ Ngọc Tường nhúng tay vào vụ thảm sát này bào chữa cho rằng số nạn nhân trên do Mỹ dội bom khi chiếm lại nội thành nhưng ai cũng biết các mồ chôn tập thể nằm ở ngoại vi trên đường VC rút quân. 

Phe Cộng sản tuyên truyền tạo cho thế giới cảm tưởng rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc nổi dậy của dân chúng chống ngoại xâm. Trên thực tế, đa số những người thiệt mạng do Việt Cộng khủng bố là thường dân người Việt, nạn nhân của các vụ phục kích khi di chuyển trên xe đò. Nhà cửa vùng quê xa xôi bị đốt, thanh thiếu niên bị cưỡng bức theo VC. Có sự hiện diện của ngoại nhân trên quê hương hay không, chính sách khủng bố để tạo khiếp đảm kinh hoàng sợ hãi của VC vẫn là một. Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, hàng triệu người liều chết bỏ nước ra đi đủ nói lên điều đó. 

Phan Hạnh Toronto.

Nguồn tham khảo:

http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=50462

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/09/110909_wikileaks_hanoi_embassy_post_911.shtml

https://hoalaivn.wordpress.com/2011/05/04/chuy%E1%BB%87n-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam/

http://www.11thcavnam.com/education/namterror.htm

http://en.wikipedia.org/wiki/State_terrorism

http://en.wikipedia.org/wiki/Communist_terrorism

http://vnafmamn.com/VNWar_atrocities.html

http://letungchau.blogspot.ca/p/tin-van.html

Một lần đi là một lần vĩnh biệt, PHAN HẠNH (Toronto)

Một Lần Đi Là Một Lần Vĩnh Biệt

Phan Hạnh (Toronto)

Viết cho những người một ra đi thề không trở lại

Khởi đi từ một ngày 30-4-1975 đau thương… 

 Những năm tháng đầu của cuộc đời tị nạn, chúng ta không ngừng những nỗ lực tích cực dấn thân đấu tranh chống bạo quyền Hà Nội xâm lăng cưỡng chiếm miền Nam. Ngoài các sinh      hoạt chính trị như  tổ chức biểu tình chống Việt Cộng chà đạp nhân quyền, vận động với chính quyền sở tại để được tổ chức lễ thượng kỳ hàng năm trước tòa đô chính của thành phố, chúng ta còn tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ giữ lửa. Các ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, Khánh Ly, Phạm Duy được mời đến thành phố này để trình bày những sáng tác ca khúc mới, giữ cho ngọn lửa đấu tranh đừng nguội lạnh trong tim người tị nạn đang phải chật vật với cuộc sống đầy khó khăn nơi xứ lạ.

Nguyệt Ánh với Một Lần ĐiAnh Vẫn Mơ Một Ngày Về rót giọt đắng cay cho thân phận mất nước và căm hận giặc Cộng đã cướp mất quê hương thân yêu.

 

“Saigon ơi ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mòn lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau.”
 

 

Tháng 11 năm 1975, Nam Lộc vừa rời khỏi trại tị nạn Pendleton, với cõi lòng còn tê điếng niềm đau ly hương đã xuất thần sáng tác bài Saigon Ơi Vĩnh Biệt; và nó đã trở thành một nhạc phẩm bất hủ mãi cho đến ngày nay. Khánh Ly cất tiếng hát:

“Saigon ơi! Tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi! Anh xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên”

Lúc bấy giờ, với niềm đau còn nóng hổi trong lòng ngực, hầu như bất cứ người tị nạn nào cũng xem đó như chính là lời từ cửa miệng mình thốt ra. Nam Lộc thốt ra lời giản dị đó bằng giai điệu nhạc khiến cho nó trở nên bi thương xúc động hơn. Bài Người Di Tản Buồn Nam Lộc viết sau đó cũng trở thành một kinh tụng gối đầu giường của nhiều người tị nạn ở hải ngoại hay tị nạn trên chính quê hương Việt Nam.

“Cho tôi xin một lần chào
Chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần
Bên ngàn chiến hữu của tôi.”
 

Ba năm sau, Việt Dzũng tung ra nhạc phẩm Một Chút Quà Cho Quê Hương đánh thêm một cú vang dội thứ hai trong trái tim thổn thức của cộng đồng người Việt tị nạn. Nước mắt thành dòng trên má kẻ lưu vong và cũng lặng lẽ tuôn bên chiếc radio nghe lén hằng đêm ở quê nhà. Giọng ca khàn đục đầy ma lực của Khánh Ly hát lần đầu tiên năm sau đó thiết tha quá và chất chứa đầy những nỗi xót xa.

“Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy…”
 

Cũng trong thời gian này, Phạm Duy từ Fort Walton Beach, Florida dọn về Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City) giữa lòng thủ đô Little Saigon và viết ra Tị Nạn Ca gồm những ca khúc tuyên ngôn như Tháng Tư Đen, Quê Hương Ruồng Bỏ Giống Nòi Khinh, 54 Cha Bỏ Quê 75 Con Bỏ Nước, v.v. bi hùng thiết tha, tưởng chừng như có thể ôm mối hận Cộng sản mãi mãi nghìn đời. Tháng Tư Đen. Xin cúi đầu tưởng niệm. Khóc quê hương đang rên siết dưới ách giặc cộng bạo cường. Thề không quên ngày quốc hận.

“Này người Việt ở trên thế giới!
Nào cùng nhau họp chung khí giới
Cất tiếng đòi tự do cho triệu đồng bào ta.
Hãy đoàn kết lại!”
 

Cuối năm 1977, khi người tị nạn trong đợt di tản đầu tiên cảm thấy đường về lại quê hương còn quá xa xăm, bài thơ Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển của Du Tử Lê được phổ biến và được hưởng ứng nồng nhiệt. Bài thơ đi thẳng vào tim gan người nghe, gây xúc động chất ngất, nhất là những người có tuổi hay suy tưởng về cái chết. Cuộc sống tự do, dư thừa cơm áo, nhà cao cửa rộng, xe ngựa thênh thang, tất cả những thứ ấy không làm cho người ta vơi được nỗi buồn xa quê hương. Trong khi đó, nhà cầm quyền cộng sản trong nước vẫn còn loay quay lúng túng trong cuộc quản trị một đất nước bỗng chốc tăng đôi lãnh thổ và dân số.

Quản trị lãnh thổ và tài sản quốc gia đồ sộ đã khó, quản trị mấy chục triệu dân miền Nam đã có hơn hai mươi năm phát triển tự do dân chủ và tiến bộ lại càng khó hơn. Và cộng sản đã chọn con đường dùng bạo lực đàn áp và triệt tiêu ý chí người thua trận. Cả đất nước đắm chìm trong lưới sắt tối tăm cô lập với thế giới bên ngoài. Người ở lại tuyệt vọng dõi mắt trông chờ người thân đã ra đi. Người ra đi cũng tuyệt vọng tưởng chừng như không bao giờ có ngày trở về.

Trong bối cảnh đó và thời điểm đó, người ta nghe bài thơ KTCHĐTRB trong thổn thức ngậm ngùi. Khi được Ngô Văn Tín phổ thành nhạc, bài thơ như có thêm mười thần công lực chắp cánh bay vút và xoáy thẳng vào tâm thức người nghe vốn vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cơn địa chấn Tháng Tư Đen.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà.
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
Cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
Biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi.
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.
 
 

Nhưng đời lưu vong thời đổi mới trở thành ra chưa tận tuyệt với linh hồn. rồi Cộng sản thay đổi đường lối quản trị đất nước để tận dụng và khai thác tối đa nguồn tài lực tiềm ẩn trong nước và dồi dào của tập thể người Việt ngoài nước. Nhà cầm quyền Hà Nội mở rộng vòng tay chào đón Việt kiều mang về cho họ nguồn ngoại tệ lớn lao. Nỗi nhớ nhà của những người con tha hương lớn hơn mọi lý tưởng. Người ra đi trở về, chấp nhận mọi điều trái tai chướng mắt, chấp nhận tuân hành theo luật không minh bạch của cộng sản. Người tị nạn với lòng dạ xốn xang thổn thức những năm đầu nay lần lượt vui mừng hớn hở trở về thăm lại quê hương, bỗng nhận thấy bài hát ấy không còn “ấn tượng” nữa.
Và họ lục đục trở về, nhiều lắm, trong số đó có cả các tác giả của Tháng Tư Đen, của KTCHĐTRB. Thôi, chúng ta trách móc họ cũng chẳng ích gì. Sống trong đất nước tự do, chúng ta cũng hãy để yên cho họ hành xử quyền tự do của họ. Chuyện của họ làm đã có dư luận phán xét. Nhưng niềm mến phục của chúng ta dành cho họ không còn như xưa, có khi còn được thay thế bằng sự khinh bỉ.

Chữ chúng ta được dùng ở đây là những người Việt tị nạn thầm lặng trung thành và thủy chung với lý tưởng và lời thề không sống chung với cộng sản. Khi họ thốt lên câu Saigon ơi vĩnh biệt, khi họ tự nhận mình là người di tản buồn, khi họ đã gọi ngày mất nước là ngày Tháng Tư Đen, khi họ ước nguyện khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, họ cương quyết sẽ giữ lời bằng danh dự. Họ thề sống ngoài quê hương ngày nào quê hương còn cộng sản. Một khi đã chết, họ ước ao thân xác hoặc tro cốt được trở về đất mẹ, được chôn cất bên cạnh phần mộ người thân hay đồng đội, được hưởng nghi lễ tống táng như một tử sĩ đền xong nợ nước.

Khi Tôi Chết Đừng Đưa Tôi Ra Biển (của cựu Trung Tá TQLC Nguyễn Văn Phán)

Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi ! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá.

Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Ben-Hét, Đắc-Tô
Nơi bạn bè tôi, xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ dãy Trường Sơn yêu quý.

Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả, Chiến Khu “D”
Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
Thân chiến sĩ, nguyện xin đền nợ nước.

Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Nước, Đầm Dơi
Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc.

Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gói thân tôi ba sọc đỏ màu vàng
Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi.

 

Và chúng ta, những người con của tổ quốc không cờ máu, cũng thà chết lưu vong còn hơn là nuốt nhục trở về nhìn quê hương thân yêu đang bị tàn phá bởi kẻ cướp cộng sản gian manh quỉ quyệt. Từ ba mươi lăm năm nay, chúng ta vững lòng âm thầm theo đuổi lý tưởng một cách kiên trì không suy suyển. Chúng ta không về vì chúng ta không muốn chối bỏ căn cước tị nạn chính trị, lý do nguyên thủy của sự bỏ nước ra đi. Về làm gì để chứng kiến cảnh nhân phẩm bị chà đạp, bất công xã hội đầy dẫy tràn lan, thiểu số thống trị cười cợt trên nỗi lầm than của đại chúng. Về làm gì để bị đối xử thiếu văn minh và lễ độ. Về làm gì để bị làm đối tượng của rình rập theo dõi, tống tiền và âm mưu ám hại. Về làm gì khi sự an toàn bản thân không được bảo vệ bởi luật pháp. Về làm gì để nhìn thấy lá cờ máu ngự trị khắp quê hương, hình tượng kẻ tội đồ ngang nhiên trưng bày chung với các đấng chí tôn và anh hùng dân tộc.  Chúng ta tự hào và hãnh diện với thái độ và sự lựa chọn của chúng ta. Đã từng nghe lời thề vang vang “Quì xuống các khóa sinh! Đứng dậy các tân sĩ quan!” tại vũ đình trường trong buổi lễ mãn khóa ngày nào, đã từng đội trên đầu chiếc mũ kết với huy hiệu “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm”, đã từng bị cộng sản bức hại trả thù dã man cá nhân và gia đình chúng ta, đã từng chịu cảnh nước mất nhà tan, chúng ta làm sao nuốt nhục để trở về cơ chứ?

Chúng không ngừng tìm đủ mọi cách bóc lột đàn áp người dân trong nước và lợi dụng khúc ruột ngàn dặm mang chất xám và tài nguyên về nuôi béo chúng. Ít ra chúng ta không để bị phĩnh gạt một lần nữa và không tủi thẹn với chính lương tâm của mình. Một lần đi là một lần vĩnh biệt, trừ phi cộng sản không còn trên quê hương.

Một đồng đội thuở xưa vừa liên lạc
Nhắc lại ngày trận mạc có bên nhau
Hỏi tôi biết có ngày nao
Tôi về thăm lại chiến hào nắng mưa?
Bạn tôi nhắc quê hương ngày tháng cũ
Kỷ niệm xưa ấp ủ vẫn chưa nhòa
Quê hương nào có đâu xa
Quê hương ngay ở hồn ta dạt dào.       
Xa quê hương đâu phải là cách trở
Nói làm chi chuyện ở với chuyện về
Không về không phải bội thề
Không về nhưng vẫn một bề yêu quê.
Thôi bạn nhé quê hương ta tìm lại
Hồi tưởng hoài cho hết kiếp nhân sinh
Không về đâu phải vô tình
Cần chi ai biết chỉ mình ta hay.

Phan Hạnh, Toronto.

Tiếng gọi của lương tâm, PHAN HẠNH (Toronto)

Xin giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà văn  Phan Hạnh  (Toronto) dành riêng cho Blog Lê Ngọc Túy Hương.

Tiếng Gọi Của Lương Tâm

Phan Hạnh

Lồng trong bối cảnh của bài thơ Le Lac của thi sĩ Pháp Lamartine, có một câu chuyện liên quan đến tình yêu và lương tâm. Câu chuyện kể rằng trong một lần đi nghỉ mát ở Aix-les-Bains thuộc vùng núi Savoir thơ mộng của nước Pháp, Lamartine gặp Julie Charles, một phụ nữ lớn tuổi hơn và đã có chồng. Julie đến đó, nơi có suối nước khoáng để dưỡng bệnh. Một hôm Julie dạo thuyền ở hồ Bourget nối liền với sông Rhône qua kênh đào Savière. Julie gặp nạn suýt chết đuối nhưng may nhờ Lamartine cứu kịp và tận tình chăm sóc. Sau đó hai người gặp nhau và yêu nhau trong ngang trái nên phải xa nhau. Chàng thi sĩ đành chấm dứt mối tình ngang trái để rồi đau khổ hơn nữa khi năm sau, chàng hay tin nàng đã chết. Và chàng đã viết lên bài thơ Le Lac bất hủ đưa chàng đi vào văn học.

Chúng ta hãy tưởng tượng ra màn kịch trái ngang này như sau:

Lamartine nói với Julie: “Không, anh không thể nào xa em được. Em là lẽ sống, là nguồn an ủi duy nhất của anh. Thiếu em, cuộc đời của anh sẽ hoàn toàn thiếu tất cả và không có nghĩa lý gì nữa. Em đừng bảo anh phải làm một điều mà nhất định là anh không thể nào nghe theo em được.”

Julie vẫn lắc đầu: “Nhưng chúng ta đã gặp nhau quá muộn rồi! Em đã có chồng; em lại lớn tuổi hơn và đang bệnh tật, làm sao chúng ta có thể sống yên mà không bị cắn rứt bởi ….”

“Lương tâm?”

“Đúng thế. Nếu anh nói một câu ‘không cần lương tâm’, em sẵn sàng theo anh đến tận cùng trái đất. Anh có thể nói được không?”

Câu hỏi ác nghiệt ấy khiến Lamartine ngồi chết lặng cả người đi. Thật vậy, chưa bao giờ chàng đương đầu với một vấn đề hết sức rắc rối như thế. Chàng có thể nào không cần đến lương tâm? Không, dầu sao trời cũng đã cho chàng có một khối óc biết nghĩ và một tấm lòng biết chuộng lẽ phải. Chàng đã yêu vợ của một kẻ khác và đó là một việc hết sức quấy, chàng không có quyền xúi giục Julie bỏ chồng để sống cùng chàng được.

Julie nói tiếp: “Anh hãy nghĩ kỹ lại đi, em là một kẻ nô lệ của anh. Anh bảo em điều gì em sẽ nghe theo điều ấy. Nhưng em chỉ khuyên anh một điều là đừng làm gì trái với lẽ phải, để sau này chúng ta khỏi phải hối hận và gánh lấy sự trừng phạt của lương tâm.”

Trong chúng ta có lẽ bạn hay tôi từng gặp phải cảnh ngộ bị lương tâm chất vấn khiến cho trằn trọc thức giấc để dự một phiên tòa phát xuất từ nội tâm trong thinh lặng giữa đêm khuya. Ta làm bị cáo nằm lắng nghe lời thầm thì của dự thẩm trình bày cáo trạng và quan tòa luận tội. “Thiếu bằng chứng buộc tội. Toà tuyên bố bị can trắng án và tha bổng!” Phải chăng ta chỉ mong đợi nghe lời ấy từ lương tâm để có thể sống với niềm thanh thản.

Qua một số các vở kịch và truyện ngắn, bác sĩ kiêm nhà văn Nga Anton Chekhov đã cố gắng tìm cách mô tả các trạng thái cảm xúc các vị bác sĩ bị lương tâm hành hạ đau đớn như thế nào khi họ gặp thất bại không cứu được mạng sống của bệnh nhân. Chekhov cũng khám phá làm thế nào người ta đã hiểu lầm tiếng nói của một lương tâm bị dày vò tra tấn. Trong truyện ngắn “The Fit”, một sinh viên y khoa tắc trách đã mô tả rằng một lương tâm bị dày vò sẽ cảm thấy đau râm ran bất định mơ hồ giống như nỗi đau đớn, nỗi sợ hãi và nỗi tuyệt vọng cấp tính trong lồng ngực ngay bên dưới trái tim. Trong một truyện ngắn khác, Chekhov cho rằng sự dày vò của lương tâm giống như một sức mạnh kỳ bí luôn hiện diện và dòm ngó ngay bên cạnh. Chính vì lương tâm thôi thúc nên ông đã chấp nhận gian khổ đi đến đảo Sakhalin để trải nghiệm, giúp đỡ và ghi lại điều kiện khắc nghiệt của những tù nhân đang bị lưu đày nơi vùng  xa xôi ấy.

Chekhov nói riêng và văn học Nga nói chung có khuynh hướng đào sâu vấn đề lương tâm. Trong trường hợp Chekhov, ông vừa bàn về lương tâm chức nghiệp của một ysĩ và lương tâm của người cầm bút. Người cầm bút chân chính cần có lương tâm trong sạch biết tôn trọng sự thật có đạo đức để không gây nguy hại đến người khác. Nói rộng hơn, mọi phương tiện truyền thông cũng đều phải tuân hành theo một số khuôn phép đạo lý.

Chắc chúng ta còn nhớ năm 1993 khi nạn đói xảy ra ở Sudan, nhiếp ảnh viên Kevin Carter chụp bức ảnh một con kên kên đậu sau lưng một đứa bé ốm đói trơ xương chực chờ cho đứa bé chết gục xuống để ăn thịt. Bức ảnh đã mang lại cho Carter giải thưởng Pulitzer cao quí nhưng đồng thời anh cũng bị dư luận kết án nặng nề vì lo chụp ảnh mà không lo cứu đứa bé. Người ta cho rằng cộng với những yếu tố cá nhân khác, qua năm sau Carter đã tìm đến cái chết vì không chịu nổi sự đày đọa của lương tâm qua bức ảnh lịch sử đó.

Lương tâm phải chống chọi với đối nghịch là cám dỗ của lợi lộc, lạc thú, quyền lực, danh vọng, tiền tài, lòng tham… Lương tâm yếu đuối sẽ bị các cám dỗ trên hất qua một bên hay đè bẹp. Họ biết làm điều trái với lương tâm là không tốt nhưng không cưỡng lại được cám dỗ lợi lộc. Có những người để cho lương tâm mờ tối nên sẵn sàng chấp nhận hành động gây hại và khổ đau cho người khác. Người cộng sản sắt máu theo con đường bạo lực cách mạng sẵn sàng dùng mọi phương tiện để đạt được cứu cánh. Họ là những con người mà lương tâm đã băng hoại. Họ không biết ăn năn. Họ là con người duy vật, thân xác còn sống nhưng tâm hồn đã chết. Họ là thú dữ chỉ biết sống và hành động theo lợi lộc ích kỷ của mình; họ gây đau khổ cho người khác hơn cả sự chết, bởi vì chết chỉ có một lần, nhưng đau khổ do người lu mờ lương tâm gây ra thì xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của họ.

Voltaire nói “Con đường an toàn nhất là không làm gì trái với lương tâm. Với bí mật này, chúng ta có thể hưởng thụ cuộc sống và không sợ chết.” (The safest course is to do nothing against one’s conscience. With this secret, we can enjoy life and have no fear from death). Jean Jacques Rousseau thì cho rằng “Lương tâm là tiếng nói của tâm hồn; Dục vọng là tiếng nói của thể xác.” (Conscience is the voice of the soul; the passions are the voice of the body).

Sách vở định nghĩa lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân. Thánh Mahatma Gandhi tiêu biểu cho tiếng nói của lương tâm khi ông đề xướng nguyên lý bất bạo lực Chấp Trì Chân Lý tranh đấu bất bạo động cho quyền làm người. Nhạc sĩ Việt Khang cũng chỉ làm một việc tương tự như vậy để bị CSVN bắt giam và con số những tù nhân lươngtâm VN lại tăng thêm một người nữa. Giống như Gandhi vì tổ chức cuộc hành trình tự đi lấy muối năm 1930 mà bị bắt cầm tù, Việt Khang chỉ vì sáng tác hai bài nhạc yêu nước mà bị CSVN cầm tù. Để bênh vực quyền lợi cho tù nhân lương tâm, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã ra đời năm 1961, hoạt động nhằm giải thoát tất cả tù nhân lương tâm; nhằm bảo đảm các tù chính trị được xử công bằng và công khai; nhằm bãi bỏ án tử hình, tra tấn, và các hình thức đối xử khác với tù nhân mà họ cho là tàn bạo; nhằm chấm dứt các vụ ám sát chính trị và mất tích cưỡng bức; và chống lại mọi sự vi phạm nhân quyền, bất kể là do chính phủ hay tổ chức khác.

Thiên Chúa Giáo quan niệm “Sâu bên trong lương tâm của mình, con người phát hiện ra một quy luật không do tự mình đặt ra, nhưng vẫn phải tuân theo. Luôn kêu gọi con người hãy yêu thương, làm điều tốt và tránh điều ác, tiếng gọi của lương tâm sẽ vang lên trong tim đúng thời điểm….Vì con  người, Thiên Chúa khắc lên tim họ một qui luật… Đối với con người, lương tâm là cốt lõi bí mật nhất và là nơi trú ẩn an toàn nhất. Ở nơi đó, con người đối diện một mình với Thiên Chúa và giọng nói của ngài sẽ vọng vang trong sâu thẳm của con người”. (Giáo Lý Công Giáo 1776 trích dẫn Gaudium et Spes 16).

Lương tâm vượt qua mọi lãnh thổ quốc gia và chủng tộc để trở thành lương lâm của thế giới và lương tâm nhân loại. Biến cố hàng triệu thuyền nhân người Việt vượt biển tìm tự do đã khiến cho lương tâm thế giới không thể ngồi yên. Hội Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins sans frontières) ở Pháp với Ủy Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam, Hội Bác Sĩ Cứu Cấp Cap Anamur ở Đức, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển sau này ở Hoa Kỳ, v.v. lần lượt được tổ chức để xuôi về vùng Biển Đông hầu xoa dịu sự khắc khoải của lương tâm trước thảm cảnh của nhân loại.

Theo Khổng Tử định nghĩa, lương tâm là đạo đức. Khổng Tử nói: “Lập đạo của trời nói âm và dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa.” Tất cả các tính khác của con người đều do nhân và nghĩa mà nên, cũng như vạn vật, vạn việc trên trời dưới đất do âm dương, nhu cương tạo thành vậy, con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, chính vì lẽ đó con người muốn được coi là “nhân” thì phải có nhân, nghĩa phải có lương tâm. Thế mà hậu duệ của bậc sư thế Trung Hoa ngày nay dường như đã vứt lương tâm và mọi giá trị đạo đức vào sọt rác. Trung Hoa ngày nay được thế giới biết đến như là một xứ sở của hàng giả, của những sản phẩm thiếu phẩm chất gây hiểm họa cho người tiêu thụ. Triết lý sống của người Hoa Lục ngày nay là làm giàu bằng mọi cách, kể cả thủ đoạn trái với lương tâm và đạo đức.

Ai đó cũng đã từng nói “Thấy việc phải mà không làm cũng chẳng khác nào đang làm điều sai.” Áp dụng câu nói này cho cuộc đời của riêng mình, tôi thấy tôi đã từng làm một số điều sai và từng thấy vô số điều phải mà không làm. Vì thế mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi cảm thấy lương tâm áy náy.

Đôi khi chúng ta làm điều sai lúc tuổi thơ vì còn non dại thiếu ý thức. Bắt một con còng dưới mương lên bẻ hết càng hết ngoe cho nó trụi lủi không còn bò được nằm một cục trên đường đi, tôi có hiểu đâu rằng làm như vậy là ác. Bây giờ khi đọc tin tức thấy những trường hợp con người không tay không chân mà vẫn vui sống hữu ích như Nick Vujicic, tôi nghe lòng trĩu nặng thương cảm.

Cũng có điều phải mà tôi không làm vì chỉ muốn bảo vệ sự an nguy của bản thân. Vào một đêm nọ đã lâu lắm, tôi rời xưởng làm tại một khu kỹ nghệ và lái xe về. Chạy một đoạn đường vắng, tôi trông thấy tại một bãi đậu xe nhỏ, ba người đàn ông đang có hành động bạo hành một phụ nữ. Tôi dừng xe lại thì một trong ba người đàn ông đó cầm cây xà beng tiến về phía tôi. Tôi sợ nguy hiểm đến bản thân nên vọt xe đi. Thuở đó chưa có điện thoại cầm tay, tìm báo cảnh sát thì tôi ngại mệt và mất thì giờ. Tôi chạy thẳng về nhà, tâm trí phân vân và ray rứt.

Có trường hợp khác tôi làm điều sai vì bổn phận bắt buộc. Trong một cuộc đụng trận, tôi không thể cãi lệnh của cấp chỉ huy, thấy địch quân mà không bắn. Đến khi nhìn mặt một cái xác Việt Cộng chừng 16, 17 tuổi, tôi ngẩn ngơ thờ thẫn như người mất hồn tuy không thể biết chiến sĩ thiếu niên đó chết là do đạn của ai bắn. Lương tâm tôi lại cắn rứt.

Văn hào Chateaubriand của Pháp thế kỷ 19 từng nói rằng ”Con sư tử sau khi giết và ăn thịt con mồi có thể nằm lăn ra ngủ, nhưng con người không thể ngủ yên sau khi giết hại đồng loại của mình”. Vậy mà những người cộng sản từng nhúng tay vào vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở cố đô Huế cũng như chủ mưu các vụ khủng bố giết hại dân lành vô tội ở miền Nam trước đây chẳng những không xấu hổ mà lại còn xem đó là thành tích để khoe khoang. Nhiều người khác vì lệ thuộc và bị cỗ máy cộng sản tuồn tuột lôi theo cuốn hút cho đến gần cuối đời mới thức tỉnh lương tâm như trường hợp nhạc sĩ Tô Hải qua tác phẩm “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”.

Nhà bác học Albert Einstein, người gọi lương tâm là Tiếng Nói của Nội Tâm, khuyên “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu.” (Never do anything against conscience even if the state demands it). Đã có biết bao nhiêu người cộng sản hành động trái với lương tâm chỉ vì được hay bị đảng yêu cầu như từng xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất đưa đến cảnh con cái chửi mắng, đặt điều tố cáo và lên án cha mẹ. Con người phải biết suy nghĩ độc lập chứ không nghe theo sự xúi giục tuyên truyền của kẻ khác.

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc xác định rằng con người hoàn toàn có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Do đó, một người không thể viện lý do là đã phạm tội ác chiến tranh chỉ vì tuân theo lệnh của thượng cấp. Cơ quan lập pháp các nước Tây Phương cho phép đại diện dân cử có quyền dùng lá phiếu lương tâm, vượt lên trên mọi giới hạn và ràng buộc của đảng chính trị trực thuộc.

Làm một việc ác trái với lương tâm cho dù vì chính quyền yêu cầu hay cấp trên ra lệnh chắc cũng không thể nào mang lại sự bình an cho tâm hồn. Vì hoàn cảnh đưa đẩy mà phạm tội ác trái với lương tâm càng đáng chê trách hơn. Năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao vì đang lâm vào tình cảnh túng quẫn ngặt nghèo mà bị cộng sản mua chuộc và phải nhận vai trò của một kẻ ám sát do cộng sản giao phó, thật đáng buồn. Những người khác bị cộng sản mua chuộc lợi dụng sa vào cảnh ngộ tương tự như nhạc sĩ Văn Cao rất nhiều để rồi phải hối tiếc ân hận lúc cuối đời. Cũng có những đảng viên cộng sản thà trả thẻ đảng hơn là theo lệnh đảng làm điều trái với lương tâm.

Người ta bảo lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Nó là tiếng nói sâu thẳm trong lòng mỗi người, nó nói nhỏ nhẹ nhưng rất mãnh liệt: nó khen thưởng ta khi làm điều lành và nó khiển trách ta khi làm điều dữ. Nó có thể làm cho chúng ta vui sướng thoải mái, nó cũng có thể cắn rứt ta, dày vò hành hạ ta, tra tấn làm cho ta ăn ngủ không yên, đau đớn đến mức có thể làm cho nhiều người phát điên lên được.

Con người có phẩm giá cao cả vì con người có lương tâm. Lương tâm là phán quyết của lý trí thực dụng về tính chất tốt xấu của một việc làm. Lương tâm là tiêu chuẩn trực tiếp của tác hành luân lý trong việc áp dụng lề luật vào các trường hợp cụ thể. Bởi vậy “thánh sống” Mahatma Gandhi nói “There is a higher court than courts of justice and that is the court of conscience. It supercedes all other courts.” (Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý, và đó là tòa án của lương tâm. Nó vượt lên trên mọi tòa án khác.)

Tôi lại nghĩ lương tâm không đóng vai tác nhân trong vụ này. Nó không cắn rứt tôi mà chính nó bị mặc cảm tội lỗi cắn rứt nó. Nó bị cắn và nó chịu đau đớn. Sự đau đớn do rắn rết cắn có thể chỉ nhất thời và chữa khỏi được nhưng nếu lương tâm bị cắn thì thật khó mà diễn tả hay đo lường cho đúng nỗi dằn vật đau đớn. Lương tâm càng lớn càng đau, người không có lương tâm dĩ nhiên sẽ không bị cắn nên chẳng thấy đau gì cả.

Lương tâm là ánh mắt vô hình tạo ra ám ảnh tội lỗi theo suốt đời ta, là kim chỉ nam soi đường dẫn lối. Đã khi nào chúng ta cảm thấy dằn vặt, day dứt trong tâm hồn chưa? Có bao giờ chúng ta cảm thấy sức nặng của một quá khứ đầy hành vi bất chính ám ảnh không?  Có bao giờ chúng ta trăn trở vì đã đánh mất một cơ hội để làm việc thiện, để thi hành một nghĩa cử tốt đẹp không?

Rút kinh nghiệm trong cuộc sống, nếu đi sâu vào trong tâm hồn, có lẽ không ai trong chúng ta thoát khỏi cái ánh mắt vô hình đang nhìn xem, đang theo dõi những hành vi trong cuộc sống của chúng ta. Tự đáy thẳm tâm hồn mỗi người luôn có một ánh mắt theo dõi từng hành vi của chúng ta. Đó là tiếng nói sâu kín thôi thúc chúng ta làm điều thiện và tránh điều ác, và cũng chính tiếng nói ấy là quan tòa xét xử mọi hành động của chúng ta.

Chắc bạn còn nhớ câu châm ngôn Pháp mà chúng ta học ngày xưa ở trường là ”Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học mà không có lương tâm thì chỉ là sự đồi bại của linh hồn). Nhưng có lương tâm mà không có học, nhất là khi làm nghề thuốc, cũng bằng thừa, nguy hiểm nữa là khác. “Tài năng và lương tâm chức nghiệp đều có liên hệ mật thiết với nhau, và giá trị nghề nghiệp phải đi đôi với giá trị đạo đức. Dốt nát và lừa bịp đều như nhau cả”.

Một trong những câu của Publilius Syrus, bậc thầy chuyên môn sáng tác châm ngôn trong thế kỷ dương lịch đầu tiên dưới thời Caesar của La Mã, là “Một lương tâm tội lỗi không bao giờ cảm thấy yên ổn.” (A guilty conscience never feels secure). Thật vậy, chính vì Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Nixon và ngoại trưởng Kissinger đã bỏ rơi đồng minh VNCH trong chiến tranh Việt Nam cho nên nhìn lại biến cố 30-4-1975, càng ngày càng có nhiều người Mỹ cảm thấy ăn năn hối lỗi và bứt rứt lương tâm. Qua cuốn hồi ký “No More Vietnams” xuất bản năm 1985, Tổng Thống Richard Nixon thú nhận rằng trong cuộc chiến đấu này Hoa Kỳ đã thất bại và phản bội đồng minh. Ông nói “Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, nhưng đã thua trong hòa bình”. Cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, trong cuộc hội thảo tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 29-9-2010 cũng  nhìn nhận “Sự thảm bại tại VN vào ngày 30-4-1975 là do Hoa Kỳ gây nên, chứ không phải VNCH”. Lời phát biểu đó của Kissinger tuy muộn màng nhưng ít ra ông còn đủ lương tri để trả lại sự công bằng và danh dự cho QLVNCH.

Còn Tướng William Westmoreland Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: “Chúng ta không thất trận tại Việt Nam, nhưng chúng ta đã không giữ lới cam kết với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thay mặt Quân Đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu chiến binh Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn” (On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys).

Món nợ lương tâm mà người Mỹ thiếu người chiến hữu VNCH lớn lắm, là cả một quốc gia dân chủ tự do bị khai tử, là hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, là hàng trăm ngàn người bỏ thây trên biển, và là cả một dân tộc bị đọa đày. Đau đớn hơn cả là những người bị bỏ lại hay không có điều kiện để vượt thoát, trong số đó là hàng triệu quân nhân cấp thấp và thành phần thương phế binh bị hất hủi bỏ mặc.

…………….
Có những món nợ chưa hề trả được
Ta đã quên hay còn giả vờ quên
Bởi người chết không bao giờ thức dậy
Kẻ sống còn không dại cũng thành điên

Ta nợ những người chết sông chết biển
Nợ những người ở lại để ta đi
Suốt đời ta luôn khôn lanh láu cá
Vẫn nợ biết bao kẻ chẳng được gì

Nợ những người phế binh lê la kiếm sống
Nợ lũ cháu ta liếm lá đầu đường
Nợ những người em thất thân làm đĩ
Nợ nỗi nhục nhằn dày xéo quê hương

….
Ôi những món nợ chẳng hề nhắc đến
Không có người sao ta có hôm nay
Lương tâm ngủ hay lương tâm còn thức
Người đang đêm sao ta lại có ngày

Lúc ta chết vẫn không hề nhắm mắt
Vì nợ nần chưa thức được lương tri
Bao người sống ở dương gian réo gọi
Bao vong hồn đứng đợi ở âm ty?

(Món Nợ Lương Tâm – Huy Phương)

Chúng ta thường biết đến Huy Phương qua những bài tạp ghi ngắn gọn súc tích của ông nên không khỏi ngạc nhiên trước bài thơ gây xúc động này. Bài thơ xoáy mạnh vào tâm thức của những sĩ quan và những viên chức chính phủ cao cấp, những người có phương tiện di tản khi làn sóng đỏ cộng sản tràn vào thủ đô Sài Gòn của miền Nam ngày đau thương ấy. Bài thơ khắc một dấu hỏi lớn trên lương tâm kẻ may mắn bắt họ tự hỏi phải làm gì để đền đáp một món nợ với đồng đội kém may mắn kẹt lại ở quê nhà. Bài thơ cũng đã gây được sự chú ý của cựu quân nhân Mỹ và đã xuất hiện trên trang mạng www.vnafmamn.com

Tôi xin ghi lại đây tâm tình của một cựu chiến binh Hoa Kỳ cảm thấy người Mỹ còn mang một món nợ lương tâm đối với thương phế binh Việt Nam đang sống lầm than và không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào của nhà cầm quyền CSVN.

Tiếng gọi của lương tâm:
cựu chiến binh Mỹ giúp thương phế binh Việt

Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ từng phục vụ chiến trường Việt Nam và nhiều người Việt hải ngoại đã trở lại thăm Việt Nam. Mỗi người đều có lý do riêng cho những chuyến đi đầy cảm xúc đó. Tuy nhiên, có một cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Việt Nam với mục địch tìm ráp lại các mảnh vỡ của lương tâm người Mỹ đã từng bị bỏ lại phía sau và đã từng bị lãng quên. Sau đây là sự giải bày tâm tư của người cựu chiến binh ẩn danh mà chúng tôi xin tạm gọi là Tom, một cư dân thành phố thủ đô Raleigh của tiểu bang North Carolina.

Tom rời khỏi chiến trường Việt Nam năm 1972 sau hai nhiệm kỳ phục vụ. Ba mươi tám năm sau, vào một ngày cuối Tháng Hai mưa lất phất, tôi từ phi cơ bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất để đặt chân trở lại lần đầu tiên trên đất nước Việt Nam. Suốt hơn hai mươi năm qua, trước tôi đã có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ khác quay trở lại đây để cố gắng chữa lành vết thương tâm tưởng của chính mình, để đặt bóng ma quá khứ vào nơi yên nghỉ, để cùng chia sẻ hồi tưởng với các cựu chiến binh đồng hành khác trong một chuyến du lịch, hoặc để chỉ cho thân nhân trong gia đình họ những nơi mà họ đã trải qua thời gian căng thẳng nhất của cuộc đời của họ, hoặc để thưởng thức vẻ đẹp của một xứ sở có rất nhiều điều hấp dẫn.

Nhưng không, Tom đi nửa vòng trái đất không phải vì bất cứ lý do nào như vừa kể. Ông nói: “Tôi sống sót sau cuộc chiến và có lẽ tôi làm lại cuộc đời tốt hơn so với nhiều cựu chiến binh khác. Khi vào lính, tôi đã khá trưởng thành và đã tìm hiểu về đất nước xa lạ này và về cuộc xung đột ý thức hệ này trong nhiều năm. Nói một cách rõ hơn là tôi đã chuẩn bị tinh thần khá kỹ càng cho kinh nghiệm phục vụ chiến trường Việt Nam. Và tôi đã rất may mắn còn sống trở về sau những trận đánh, sau khi đã chứng kiến cảnh chết chóc, mất đi những người bạn tốt gục ngã bởi đạn thù, và chính bản thân tôi cũng bị thương. Nhưng tôi không phải chịu đựng những nỗi đau quá lớn như nhiều người khác, và từ cuộc chiến mang trở về nhà ít đau thương hơn so với một số người khác.”

Tom kể tiếp: “Có một nỗi đau mà nó chỉ bắt đầu dấy lên trong tôi sau khi tôi rời Việt Nam, và đó là sự xấu hổ cứ lớn dần trong những năm đầu của thập niên 1970. Đó là lúc mà tôi nhận ra Hoa Kỳ, quê hương tôi, manh nha ý tưởng chầm chậm bỏ rơi người bạn đồng minh là nước Việt Nam Cộng Hòa trước sức mạnh của một đội quân Bắc Việt hùng hậu được trang bị bởi Liên Xô với hàng núi quân dụng vũ khí, trong khi nguồn cung cấp cho Quân Lực VNCH cứ bị cắt giảm dần khi Quốc hội Hoa Kỳ bóp nghẹn dòng chảy năm này qua năm khác.”

Theo Tom thì cũng có nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ cho rằng QLVNCH không phải là một đồng minh tốt và một phần nào sự thực, những chính phủ liên tục và quân đội miền Nam Việt Nam có nhiều vấn đề. Một số đơn vị không được huấn luyện chu đáo và cấp chỉ huy lãnh đạo kém, dính líu đến tham nhũng, thậm chí còn bị cảm tình viên VC xâm nhập trong mọi tầng lớp, cùng với những người miễn cưỡng bị gọi nhập ngũ nên thiếu động lực thúc đẩy và thiếu tinh thần chiến đấu. Nhưng cũng có một số đơn vị thực sự thiện chiến. Họ đã chiến đấu hăng say và quyết liệt, như trường hợp một tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam dự phần trên tuyến phòng thủ Căn Cứ Khe Sanh bên cạnh các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Nhưng chỉ có một ít cựu chiến binh Mỹ nhận thức được rằng kể từ sau cái gọi là cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, tình trạng đó đã hoàn toàn thay đổi. Sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn và sự  tấn công tàn bạo của các lực lượng cộng sản đã phơi bày rõ ràng chính nghĩa của những người lính VNCH phải chiến đấu để tự vệ mảnh đất tự do quê hương của họ. Những cảm tình dành cho VC giảm xuống như một hòn đá rơi. Lúc bấy giờ, hầu hết người miền Nam mới quyết định rằng họ thực sự không muốn bị rơi vào tay của miền Bắc. Những tu sĩ Phật Giáo không còn tự thiêu để phản đối chiến tranh nữa. Số lượng thanh niên gia nhập quân đội Việt Nam đã tăng gấp ba lần, sự huấn luyện đào tạo tốt hơn, vũ khí mà nước Mỹ cung cấp viện trợ cũng tối tân hơn, tình trạng tham nhũng và tình trạng khả năng yếu kém cũng được cải thiện. Tuy mất thời gian, nhưng tới năm 1970 khi kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh bắt đầu, thực tế đã chứng minh QLVNCH tân trang có thể tự đứng ra đảm nhiệm cuộc chiến đấu trong lúc các đơn vị Hoa Kỳ lần lượt rút về nước.

Và như chúng ta thấy đó, họ đã chiến đấu một cách dũng mãnh chống trả cuộc xâm lược khốc liệt của đại quân miền Bắc trong năm 1972. 200.000 quân đội Bắc Việt chính quy với các xe tăng hiện đại, pháo binh Nga tuyệt vời, và hỏa tiễn phòng không. Trận chiến khủng khiếp kéo dài trong nhiều tháng, gồm cả cuộc bao vây An Lộc tương tự như Alamo, ngoại trừ mặc dù phần lớn thành phố đã bị tàn phá, những người lính miền Nam Việt Nam vẫn kiên trì cố thủ, bám giữ từng tấc đất và cuối cùng giành chiến thắng.

Các sư đoàn chủ lực quân đội Bắc Việt rút lui trở về bên kia vùng phi quân sự và biên giới Lào sau khi đã gánh chịu thiệt hại 40% thương vong đáng sửng sốt.

Nhưng những nhà chính trị tại Mỹ đã cắt xén viện trợ cho chiến tranh, ngay cả sự cung cấp vật dụng mà chúng tôi đã hứa với miền Nam. Quân Lực VNCH đã bắt đầu thiếu hụt phụ tùng, nhiên liệu, dụng cụ y tế và đạn dược. Họ đã chiến đấu qua hai năm 1973 và 1974 một cách chật vật mỗi tháng mỗi tệ hại hơn. Cuối cùng, vì thái độ yếu mềm và do dự của Mỹ đã dẫn đến điều không thể tránh khỏi xảy ra là Sài Gòn sụp đổ.

Sự sụp đổ đó đã khiến cho miền Nam bị bao trùm trong bóng đêm của đàn áp, bức hại, đày đọa và sự trả thù hèn hạ khi những người cộng sản đã nuốt hết mọi lời hứa “giải phóng” miền Nam và cung cấp “hòa giải” cho những người đã từng chiến đấu chống lại họ. Hàng ngàn người chết, hàng trăm ngàn người bị lùa vào các trại “cải tạo”, hàng trăm ngàn người bị đưa đi “vùng kinh tế mới”, và mức sống giảm xuống một mức thấp nhất trong tất cả các nước Đông Nam Á. Đói kém lan tràn, nỗi tuyệt vọng phủ trùm, và hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi bằng mọi cách mà họ có thể kiếm được, mặc dù những rủi ro trong cố gắng tìm đường thoát đã cao, các rủi ro của cuộc hành trình tìm tự do là sự đánh đổi giữa mạng sống và cái chết.

Đây là lỗi lầm của đất nước tôi đã không giữ lời hứa đối với Việt Nam Cộng Hòa. Và chính vì lỗi lầm đó mà rất nhiều con người tốt đã phải trả một giá đắt cho sự không làm tròn bổn phận cam kết của chúng tôi. Vì không thể làm gì được để tránh chuyện đó xảy ra, tôi đã cố gắng hết sức để không nghĩ về quá nhiều về nó.

Nhưng năm ngoái, tôi nghe những câu chuyện về những người lính VNCH không thể rời khỏi Việt Nam, hay nói khác đi là bị bỏ lại, trong khi một số người khác đủ điều kiện và may mắn hơn đến được bến bờ tự do. Họ bị chính quyền mới đánh dấu vào sổ đen chỉ vì lòng yêu nước phục vụ xứ sở của họ trong quá khứ, và bị phân biệt đối xử khiến cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Và trong số này, tồi tệ nhất là những thương phế binh, những cựu chiến binh bị thương nặng, tàn tật, bị mất tay, mất chân, mù mắt, điếc tai, và bệnh hoạn. Họ không nhận được bất cứ khoản tiền hưu bổng nào, hầu như không thể kiếm được công ăn việc làm nào xứng hợp cho họ, cuộc sống của họ quả là khủng khiếp. Tưởng nghĩ về sự đau khổ này, kéo dài từ thập niên này đến thập niên khác dưới chính quyền đầy thù hận của Hà Nội, tôi cảm thấy lương tâm bứt rứt rất nhiều và tôi không còn có thể nào tránh suy nghĩ về điều đó.

Vì vậy, tôi đã đến Sài Gòn. Qua sự giới thiệu của một vài người bạn Việt của tôi ở Mỹ, tôi bắt liên lạc được với người hướng dẫn ở Sài Gòn và họ đã giúp tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ về các cựu chiến binh VNCH tàn tật.

Chỉ trong vòng vài ngày, tôi đã gặp được 21 người trong số thương phế binh bất hạnh đó. Tôi đã xem giấy tờ quân sự của họ, nhìn thấy cơ thể tàn phế của họ, nhìn các căn nhà nhỏ xác xơ tồi tàn mà họ đang cư ngụ, nghe những câu chuyện của họ qua người thông dịch. Người tôi gặp đầu tiên là một thương phế binh bị mù, bị cụt một chân và bị điếc một tai. Anh sống một mình trong một căn phòng bê tông trống trơn, lớn chỉ bằng một cái tủ quần áo của một căn nhà rộng đẹp nào đó ở Raleigh quê tôi. Anh ấy phải trông nhờ lệ thuộc vào sự giúp đỡ của bạn bè để khỏi đói.

Một người khác sống với một người vợ và một đứa con trong căn chòi tăm tối được dựng tạm bợ trong một con hẻm, nơi mà công an sở tại có thể trục xuất tống khứ họ bất cứ lúc nào. Anh ấy chật vật kiếm tiền nuôi gia đình bằng nghề vá vỏ xe gắn máy trên đường phố.

Một người khác bị mất cả hai chân sát tới hông, một cánh tay bị liệt, lưỡi bị líu nên không thể phát âm nói chuyện một cách rõ lời. Anh sống trong một căn chòi lụp xụp mái lợp bằng kim loại phế thải bên cạnh bờ sông, được vợ con chăm nuôi bằng nghề bán rau trên sông.

Tôi đã cho họ tất cả số tiền mà tôi mang theo khi vào Việt Nam, tôi còn nhắn gia đình tôi và bạn bè tôi, kể cả một số người bạn Việt Nam, gởi thêm tiền và tôi cũng đã phân phát hết. Tôi tặng một chiếc xe lăn cho một người cụt hai chân, tặng một xe đẩy cho một anh khác để anh có thể đi bán vé số, tìm cách sửa chữa nhà cho một gia đình có nhà luôn bị ngập lụt. Tôi đã tặng mỗi người một số tiền ít nhất là 500.000 đồng (tương đương với 32 USD) để họ có thể mua thức ăn, thuốc men và có thể đóng một phần tiền thuê nhà.

Vẫn biết món quà tặng đó không thấm vào đâu nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể làm, ít ra nó cũng sẽ giúp cho họ qua một thời gian. Họ đã cảm ơn tôi, có khi với những giọt nước mắt lưng tròng, không phải chỉ vì tiền, nhưng theo như một anh thương phế binh cụt chân cho biết: “Chúng tôi đã bị lãng quên và bị hất hủi ngay trên đất nước của chúng tôi trong hơn 30 năm qua, và bây giờ một người ngoại quốc xa lạ lại đi tìm giúp đỡ chúng tôi. Đồng tiền đối với chúng tôi quan trọng thật, chúng tôi cần nó vô cùng, nhưng với tôi điều quan trọng hơn mà tôi còn nhớ là đâu đó tôi vẫn còn có danh dự”.

Hai mươi mốt người mà tôi gặp và giúp đỡ chỉ là một phần rất nhỏ của tất cả cựu chiến binh tàn tật ở miền Nam. Hơn hai triệu quân nhân phục vụ trong các đơn vị của QLVNCH, và hàng nhiều ngàn người đã trở thành tàn phế. Chắc chắn rằng bất kỳ một cuộc tìm kiếm nào cũng sẽ thấy có rất nhiều cựu chiến binh tàn tật, bắt đầu từ khoảng Sài Gòn và sau đó đi vào các vùng nông thôn, và vào tất cả các thành phố khác ở miền Nam. Họ là những nạn nhân đáng buồn nhất của chiến tranh, họ và gia đình của họ đã chịu đựng và đau khổ, thậm chí sức khỏe của họ suy giảm nhanh hơn với tuổi già.

Tôi ước gì tôi có thể lôi cổ những kẻ phản chiến, những kẻ trước đây đã vênh vang hỗ trợ miền Bắc và coi thường các chiến binh Hoa Kỳ và VNCH. Tôi muốn lôi họ đến đây cho họ thấy thành quả của những gì mà họ thực sự đã đạt được.

Tôi là người Mỹ và những thương phế binh này là người Việt Nam, nhưng chúng tôi cùng chia sẻ qua cuộc đấu tranh cho tự do, và tôi cảm thấy bằng cách nào đó chúng tôi cũng liên đới chịu trách nhiệm.

Họ là những đồng minh cũ của tôi, những người đang đói khổ bệnh tật phải lo toan đương đầu với những khó khăn của cuộc sống mỗi ngày, luôn suy tính làm thế nào để qua hết cuộc đời. Tôi muốn giúp đỡ họ, và một tổ chức từ thiện nhỏ đã được khởi sự có tên là Vietnam Healing Foundation, Lập Hội Hàn Gắn Vết Thương Việt Nam nhằm mục đích quyên góp tiền để giúp đỡ thương phế binh Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng sức mình. Tôi sẽ trở lại Việt Nam một lần nữa để tìm thêm những người cần giúp đỡ nhiều hơn nữa. Tuy không thể nói như thế nào mới đủ, nhưng tôi tin rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng để cung cấp một cái gì đó để đền bù những người đồng minh từng bị phản bội, bị xao lãng và bị bỏ quên. Phải làm cho họ cảm thấy được nhớ đến, được công nhận về sự hy sinh của họ. Cung cấp cho họ đủ thức ăn cho một ngày nữa là điều rất đáng giá mà tôi cảm ơn trời đã cho tôi cơ hội để làm điều đó.

Một cựu chiến binh Quân lực VNCH.

Có người bảo tôi rằng tại sao tôi không để tâm sức lo cho những anh em cựu chiến binh Mỹ đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Xin có trời biết là tôi có hỗ trợ họ và muốn cho tất cả thương phế binh Mỹ được chăm lo càng nhiều càng tốt. Nhưng cho dù thiếu sự hỗ trợ của chúng tôi, bất cứ thương phế binh Mỹ nào sống trên đất nước này cũng hưởng được điều kiện sống một ngàn lần tốt hơn so với những thương phế binh tôi thấy ở Việt Nam. Gửi một vài đô la để giúp những người cựu chiến binh tàn phế bị lãng quên này cũng chẳng làm cho các cựu chiến binh Mỹ ở đây chịu thiệt thòi gì, nhưng chắc chắn nó sẽ tạo nên một sự khác biệt rất lớn cho họ. Các chính trị gia của chúng ta đã phản bội lời hứa đối với miền Nam Việt Nam, và chúng ta không thể khắc phục điều đó. Nhưng tôi có thể cố gắng tạo một sự khác biệt tuy nhỏ cho những chiến hữu đồng minh đã bị đối xử tệ bạc quá lâu….

Một cựu chiến binh Hoa Kỳ

Tom, người cựu chiến binh Hoa Kỳ đó đi Sài Gòn chỉ với mục đích duy nhất là xoa dịu nỗi đau khổ của những thương phế binh VNCH bất hạnh. Tom xem đó như là trả một món nợ lương tâm, thật đáng khâm phục. Trong khi đó trái ngược lại, một số người may mắn di tản từ những ngày đầu trước đây, sau khi đã có điều kiện vật chất phủ phê lại trở về Việt Nam để tìm lạc thú hưởng thụ hay bắt tay hợp tác làm ăn với kẻ cựu thù. Chính thành phần này đã làm cho những thuộc cấp hay bạn đồng ngũ đang sống lây lất ở quê nhà thêm tủi hỗ.

Chúng ta là những kẻ may mắn, nếu không thức tỉnh lương tâm như người cựu chiến binh Mỹ kia thì cũng đừng về nước ăn chơi trên sự đau khổ của đồng đội xưa. Đừng để họ oán ghét hay khinh bỉ. Biết đâu trong lúc chúng ta tung tiền tiêu pha nơi khách sạn, nhà hàng sang trọng, biết đâu người thợ tàn tật ngồi vá vỏ xe gắn máy bên vệ đường lại là một người lính trong cùng đơn vị ngày xưa.

Đừng để họ tủi nhục thêm và xem đó như là một sự phản bội. Hãy dành một phút để nghe tiếng nói của lương tâm.

Toronto, Tháng Tư 2012.
Phan Hạnh

Tag Cloud