VIỆT NAM CỘNG HÒA

Archive for April, 2015

Những Dòng Thơ Mùa Quốc Hận của Trần Văn Lương

ngtmqh

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Các bài thơ này khởi đăng trên Blog LNTH kể từ ngày 15.4.2015 và sẽ được cập nhật hàng ngày.
Xin trân trọng giới thiệu.
Lê Ngọc Tuý Hương

MỤC LỤC
Bấm vào từng tựa bài để vào đọc

“Hoang Đảo Lối Về Qua”  –  Thơ Trần Văn Lương

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Hoang Đảo Lối Về Qua” được sáng tác ngày 30 tháng 4, 2015
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:

Trở về thăm lại đảo hoang,
Ngậm ngùi lối cũ, mênh mang lưới sầu.

Hoang Đảo Lối Về Qua

Bờ biển vắng, gió vờn buốt mặt,
Bóng người già héo hắt lặng câm.
Mấy mươi năm khóc âm thầm,
Cuối đời may được một lần về thăm.

Đảo tỵ nạn bao năm về trước,
Rộn rịp người bỏ nước ra khơi,
Ngày nay đã biến thành nơi
Cây rừng cỏ dại tranh phơi nắng tà.

Nhà tạm trú xưa đà đổ nát,
Bến tàu hoang bụi xác xơ bay.
Bùi ngùi khóe mắt chợt cay,
Người quen cảnh cũ giờ đây không còn.

Xác thuyền cũ mỏi mòn ngậm cát,
Khách năm nào tản mác nơi đâu.
Sương dày, nắng dạn, mưa sâu,
Từng manh gỗ mục lo âu ngóng chờ.

Mồ tập thể mờ mờ con số,
Hồn không tên buồn khổ lang thang.
Từ khi định mệnh lỡ làng,
Mịt mù tin tức, võ vàng người thân.

Bia tưởng niệm qua lần đục bỏ,
Ngẩn ngơ trong mưa gió phũ phàng.
Bước chân lữ thứ ngỡ ngàng,
Thương cho số phận trăm ngàn thuyền nhân.

Người sửng bước tần ngần trước mộ,
Nhớ lại thời khốn khổ đã qua.
Những âm thanh tưởng nhạt nhòa,
Bỗng trong phút chốc xót xa vang lừng.

Tiếng tở mở reo mừng huyên náo,
Khi con thuyền đến đảo bình an,
Người ôm hy vọng hỏi han,
Kẻ nghe tin dữ khóc than dậy trời.

Tiếng thổn thức của người thiếu nữ,
Sa tay bầy thú dữ Thái Lan,
Đành cam ngọc nát hoa tàn,
Khúc dây oan nghiệt xóa tan nợ đời.

Tiếng thét lẫn tiếng cười lạnh ngắt,
Của chàng trai bị bắt hồi hương,
Lưỡi dao rạch nát can trường,
Xác thân tạm gửi nhờ phương trời này.

Trong tiếng gió cuối ngày lồng lộng,
Tưởng còn nghe vang vọng câu thề:
– Ra đi quyết chẳng trở về,
Khi còn lũ giặc trên quê hương mình.
*
*     *
Người sực tỉnh ngước nhìn biển rộng,
Biết nơi nào là bóng quê huơng.
Men theo kỷ niệm tìm đường,
Ngậm ngùi chỉ thấy đại dương thét gào.

Thăm chốn cũ, nghẹn ngào tê tái,
Thương những người sớm phải xuôi tay.
Đưa chân mong được có ngày,
Ngờ đâu xương trắng chốn này bơ vơ.

Dân Nam vẫn mong chờ trời sáng,
Bốn mươi lần đếm tháng Tư qua.
Tay run, chân mỏi, mắt lòa,
Con đường phục quốc vẫn xa tít mù.

Đất nước mất, mối thù chưa trả,
Nhưng lòng người sớm đã đổi thay.
Đuôi chồn đú đởn tung bay,
Xoay chiều đón gió loay hoay vầy đoàn.

Quê mẹ đó giờ toàn trái đắng,
Khắp cây cành trĩu nặng buồn đau.
Nơi nơi oán khí ngập đầu,
Nhọc nhằn tóc trắng, dãi dầu tuổi xanh.

Nhà giam lớn sặc tanh mùi máu,
Của những người theo dấu tiền nhân,
Gióng lên tiếng nói lương tâm,
Nên thầm gánh chịu đòn ngầm đớn đau
*
*     *
Nhìn quá khứ, lệ sầu tuôn đổ,
Ngẫm tương lai, thống khổ đoanh tròng.
Mưa đông nắng hạ xoay vòng,
Nỗi hờn vong quốc mãi không phai tàn.

Buồn nghĩ chuyện giang san đất nước,
Biết làm sao đổi được cơ trời.
Tháng Tư rồi đó ai ơi,
Bao nhiêu nước mắt còn rơi trên đường.

Trần Văn Lương
Cali, ngày Quốc Hận 2015

“Đừng Bắt Con Quên”  –  Thơ Trần Văn Lương

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Đừng Bắt Con Quên” được sáng tác trongmùa Quốc Hận thứ 40  tháng 4/2015
Lê Ngọc Tuý Hương

DungBatConQuen

Dạo:

Buồn nhìn ngọn cỏ gió xoay,
Biết ai còn nhớ ngày này năm xưa.

Đừng Bắt Con Quên

Kính lạy Chúa, con là người tội lỗi,
Trong lòng luôn sôi sục mối hờn căm,
Nhìn quê nhà ròng rã mấy mươi năm,
Đau đớn chịu cảnh lầm than tủi nhục.

Kính lạy Phật, con là người phàm tục,
Thân u mê, đủ lục dục thất tình,
Nên lòng luôn oán hận lũ yêu tinh,
Đang tàn hại bao sinh linh đất Việt.

Nửa thế kỷ người dân con rên siết,
Chốn cao xanh nào có biết cho chăng.
Thân trâu ngựa nhọc nhằn,
Trong bóng tối trôi lăn chờ giải thoát.

Dưới chế độ phi nhân đốn mạt,
Quê hương giờ tan nát tả tơi.
Người dân con chẳng được sống ra người,
Kiếp nô lệ giữa dòng đời khắc nghiệt.

Bọn thống trị đang xóa dần dấu vết
Mấy mươi năm chúng giết hại dân lành.
Tết Mậu Thân tội ác đã rành rành,
Chúng vẫn giở trò lưu manh chối biến.

Đám đầu sỏ gây nên cuộc chiến,
Đem máu xương dân Việt hiến quan thầy.
Triệu người trai còn lứa tuổi thơ ngây,
Bị nướng sạch đêm ngày do lệnh Đảng.

Rồi nhờ Mỹ bắt tay Tàu buôn bán,
Chúng cuối cùng được gán trọn miền Nam.
Và thay vì chung sức dựng giang san,
Chúng hành hạ dã man người thất thế.

Chúng áp đặt nền độc tài chuyên chế,
Chà đạp lên máu lệ của toàn dân,
Nhưng lại ngu si hèn hạ bội phần,
Làm đầy tớ quỳ dưới chân lũ Chệt.

Người yêu nước bị dập vùi đến chết,
Kẻ thương quê nằm rũ liệt trong tù.
Chúng đọa đày cả những bậc chân tu,
Khi họ chẳng đui mù vâng ý chúng.
*
*     *
Con không là thánh sống,
Nên hờn căm cứ mãi đọng trong lòng.
Mỗi lần nhìn chúng tàn hại non sông,
Là dân Việt, làm sao không oán giận?

Ngoài mặt chúng hô hào quên thù hận,
Nhưng bên trong, chúng vẫn chẳng hề ngơi,
Lo bày mưu tính kế hại những người
Khác chiến tuyến mấy mươi năm về trước.

Làm sao “hòa hợp” được,
Với bọn người bạo ngược không tim,
Sống xa hoa trên của nổi của chìm,
Mặc dân chúng chịu trăm nghìn khổ ải.

Con dẫu biết chữ “từ bi”, ” bác ái”,
Nhưng làm sao “hòa giải” với “yêu thương”,
Khi chúng còn mãi gieo rắc tai ương,
Và đem cả quê hương dâng giặc Bắc.

Chúa Phật hỡi, lòng con hằng tin chắc,
Lúc chưa thành Phật tử hoặc “con chiên”,
Con đã là người dân Việt trước tiên,
Giây phút được mẹ hiền cho hơi thở.

Con lạy Chúa, đừng bắt con tha thứ,
Và thương yêu đám quỷ dữ hung tàn.
Nếu đó là điều kiện đến Thiên đàng,
Thì con sẽ sẵn sàng sa hỏa ngục.

Con lạy Phật, nếu bắt con nhẫn nhục,
Thôi hận thù bầy súc vật gian tham,
Để được mon men đến cửa Niết Bàn,
Ngục Vô Gián con đành cam chấp nhận.

Tháng Tư mãi mãi là ngày Quốc Hận,
Ngày đau thương cho số phận dân Nam.
Nên bao lâu còn sống ở trần gian,
Mối thù đó, muôn vàn con phải nhớ.

Xin hãy lắng nghe lời con than thở,
Đừng bắt con tắt ngọn lửa trong tim,
Đừng bắt con mòn mỏi đợi chờ thêm,
Và đừng bắt con quên hờn mất nước.
*
*     *
Bốn mươi năm nguyện ước,
Biết bao giờ thấy lại được quê hương.
Tiếng than khóc đêm trường,
Vẫn từ đáy đại dương buồn vang vọng.

Trần Văn Lương
Yokohama, đầu mùa Quốc Hận
4/2015

Hứa Với Tao    –   Thơ Trần Văn Lương mùa Quốc Hận 2014

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Hứa Với Tao” được sáng tác ngày 30/4/2014
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:
Trải qua một cuộc đổi đời,
Mấy ai còn giữ được lời thề xưa.

Hứa Với Tao

Thằng bạn vàng nối khố của tao ơi,
Đã mấy chục năm trời chưa gặp lại,
Kể từ buổi hai thằng cùng xuống bãi,
Mày thoát đi, tao thất bại quay về.

Tao mừng vui, dù đói rách ê chề,
Đoán mày chửa quên câu thề năm trước,
Vì thiên hạ về ăn chơi lũ lượt,
Chưa thấy mày theo bước họ lon ton.

Nhưng mưa lâu đá núi cũng phải mòn,
Sợ mai mốt mày không còn như cũ,
Nên tao muốn gởi đôi lời nhắn nhủ,
Tạm gọi là để thủ thỉ cùng nhau.

Không cần mày gửi tiền bạc cho tao,
Chung quanh khổ làm sao tao vui sướng.
Cần mày hứa đừng phụ lòng tin tưởng
Của toàn dân đang vất vưởng trông chờ.

Hứa với tao mày sẽ chẳng bao giờ,
Nối đuôi những kẻ trở cờ theo giặc.
Và đừng để lợi danh làm tối mắt,
Mà thay lòng trở mặt với tổ tiên.

Hứa với tao đừng tính chuyện đem tiền,
Về làm chủ rồi ăn trên ngồi trước,
Trong khi đó, kẻ làm công xuôi ngược,
Hiếm khi nào kiếm được bữa cơm no.

Hứa với tao, dù cửa rộng nhà to,
Đừng bày đặt dở trò làm “từ thiện”,
Mà thực tế chỉ tạo thêm phương tiện,
Cho bạo quyền vĩnh viễn ở trên ngôi.

Hứa với tao đừng tính chuyện ăn chơi,
Trên thân xác những người con đất Việt.
Hãy nghĩ đến những đắng cay oan nghiệt,
Quanh dân ta đã siết chặt bao đời.

Hứa với tao dù vật đổi sao dời,
Phải luôn nhớ mày là người tị nạn,
Không chấp nhận lũ bạo tàn Cộng sản,
Nên xuống thuyền liều mạng bỏ ra đi.

Hứa với tao mày sẽ chỉ “vinh quy”,
Khi lũ giặc man di không còn nữa,
Khi dân chúng có tự do chọn lựa,
Khi nhân quyền về lại giữa giang san.

Hứa với tao mỗi độ Tháng Tư sang,
Hãy đứng dưới lá Cờ Vàng khấn nguyện,
Hãy nhớ đến những người cùng chiến tuyến,
Và những ai vượt biển đã không còn.

Hứa với tao mày sẽ nhắc cháu con,
Luôn nghĩ đến dải non sông nước Việt
Đang dần mất vào trong tay lũ Chệt,
Và dân mình đang xiết nỗi lầm than.

Hứa với tao đừng nghe lũ Việt gian,
Sáng “hòa hợp”, chiều oang oang “hòa giải”,
Vì mỗi bận chúng lu loa lải nhải,
Là chúng đang tính kế hại đồng bào.

Hứa với tao, mày hãy hứa với tao,
Dù thời cuộc có thế nào đi nữa,
Vẫn giữ hoài ngọn lửa,
Mai sau về thắp giữa non sông.

Mày hứa đi để tao được yên lòng,
Ngày ngày bán vé số rong kiếm sống,
Nhưng ít nhất còn tí ti hy vọng,
Chế độ này sẽ chóng bị dẹp tan.
Tao tin mình sẽ không mất giang san,

Nếu may mắn toàn dân Nam hết sợ,
Và đâu đó vẫn có người trăn trở,
Vẫn như mày luôn nhớ đến quê hương.
*
*     *
Người thương binh hãnh diện đứng rưng rưng,
Nào có biết cách chừng mươi dãy phố,
Thằng bạn cũ – “thằng bạn vàng nối khố” –
Đang xun xoe, miệng hô hố nói cười.

Trần Văn Lương
Cali, ngày Quốc Hận 30-4-2011

 

Xin Nhớ Đến …   –   Thơ Trần Văn Lương mùa Quốc Hận 2011

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Xin Nhớ Đến” được sáng tác ngày 30/4/2011
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:
Hình hài gửi lại quê hương,
Hồn thiêng sớm tối về nương bóng cờ.

Xin Nhớ Đến…

(Tháng Tư Đen về, nhớ đến Việt Khang
và những người Việt yêu quê hương
đang bị giam cầm trong lao tù Cộng sản)

Sương nhếch nhác trên bờ vai thấm mỏi,
Ánh điện mờ còm cõi hắt lên nhau,
Người trầm ngâm bên ghế đá chai màu,
Đại lộ vắng, chuỗi kinh sầu nín bặt.

Nến tưởng niệm, ngọn cuối cùng đã tắt,
Trời Bolsa lạnh ngắt gió đồng hoang,
Cột đèn khuya, thấp thoáng bóng cờ vàng,
Tiếng ai đó trong đêm vang buồn bã.
*
*     *
Hỡi những cánh chim nương nhờ xứ lạ,
Đã xa rồi ngày hối hả lìa quê.
Bao tháng Tư cũng nối tiếp đi về,
Ai giữ được lời thề không phai nhạt?

Bạn may mắn đến được bờ bến khác,
Trên biển đời trôi giạt, nhớ đừng quên,
Quên những người dù không tuổi không tên,
Nhưng máu đã thấm mềm trang sử Việt.

Xin nhớ đến chúng tôi, người bị giết,
Trong kinh hoàng của ngày Tết Mậu Thân,
Chưa kịp đón mừng Xuân,
Xác chồng chất kín mộ phần tập thể.

Xin nhớ mãi rừng khăn tang xứ Huế,
Vì kẻ thù đang trăm kế ngàn phương,
Muốn chối bay chối biến những tang thương
Chúng đã trút lên quê hương ngày đó.

Xin nhớ đến chúng tôi, đàn trẻ nhỏ,
Tay mẹ hiền đang vỗ giấc bình yên,
Đạn pháo kích chợt rền,
Tuổi thơ vội lênh đênh đường thiên cổ.

Xin nhớ đến những cha, anh… khốn khổ,
Giặc đêm về đem đấu tố phân thây.
Người dân lành, không tấc sắt trong tay,
Phút gục chết, đành đắng cay nuốt hận.

Xin nhớ đến chúng tôi, người lính trận,
Áo rừng xanh sớm đậm máu chiến trường,
Học quen dần cảnh nát thịt tan xương,
Để cho bạn được đến trường yên ổn.

Đêm chiến địa, gót giày đinh thức muộn,
Khói đạn thù cuồn cuộn xoáy trầy non.
Bạn vui chơi Đà lạt, Huế, Sài gòn,
Tôi xương cốt vỡ giòn trong mưa pháo.

Xin nhớ đến chúng tôi, tù “cải tạo”,
Cùng bạn chia từng muỗng cháo thìa rau.
Bạn gặp may, nay êm ấm sang giàu,
Chúng tôi khổ theo chuyến tàu định mệnh.

Đứa nhắm mắt nơi nhà giam tối lạnh,
Đứa một mình nằm chết cạnh dòng khô,
Đứa xuôi tay dưới họng súng hung đồ,
Mấy khi được một nấm mồ yên tạm?

Xin nhớ đến người xưa kia cùng bạn,
Trong đêm dài bi thảm trốn vượt biên.
Bạn Trời thương, chân đặt đến đất liền,
Chúng tôi vẫn bập bềnh trong bể nạn.

Kẻ phơi xác khi mới vừa lên cạn,
Kẻ đắm thuyền bỏ mạng giữa trùng khơi,
Kẻ vào tay hải tặc nát tan đời,
Đường biển cả, mấy ai người may mắn?

Này bạn hỡi, quê hương còn vạn dặm,
Lối về thôn vẫn thăm thẳm mịt mờ.
Xin đừng quên những người chết năm xưa,
Đang trú ẩn dưới bóng cờ yêu dấu.
*
*     *
Nỗi đau đớn đêm dài thêm nung nấu,
Người ngước nhìn màn sương máu dần loang.
Lá cờ vàng vẫn lặng lẽ hiên ngang,
Che chở những mảnh hồn hoang bạc phước.

Nếu bất hạnh ngày mai trên đất nước,
Màu cờ này chẳng sớm được tung bay,
Thì quê hương mãi mãi sẽ đọa đày,
Sẽ vĩnh viễn mất vào tay dị tộc.

Trần Văn Lương
Cali, ngày Quốc Hận 30-4-2011

 

Bài Trường Ca Máu   –   Thơ Trần Văn Lương mùa Quốc Hận 2014

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Bài Trường Ca Máu” được sáng tác trong mùa Quốc Hận năm 2014.
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:
Bài trường ca tắt nửa chừng
Lòng người sớm đã dửng dưng vô tình.

Bài Trường Ca Máu

(Tháng Tư Đen về, nhớ đến Việt Khang
và những người Việt yêu quê hương
đang bị giam cầm trong lao tù Cộng sản)

Phòng giam lạnh, người tù se nét mặt,
Lặng lẽ vin tường, ánh mắt xa xôi.
Trôi lăn trong ngục tối mấy năm rồi,
Chỉ vì “tội” hát lên lời yêu nước.

Sức dẫu yếu, nhưng lòng không khiếp nhược,
Vì quê nhà, luôn giữ được quyết tâm.
Phút giây đây, trong bóng tối âm thầm,
Gượng đứng thẳng, lâm râm câu thề nguyện.
*
*     *
Dù chúng có giam cầm tôi vĩnh viễn,
Vẫn không làm tắt được tiếng hát tôi.
Vì bao lâu còn có chút tàn hơi,
Chí tranh đấu vẫn còn nơi nương náu.

Tôi sẽ viết lên bài trường ca máu,
Vạch trần điều chúng cố giấu lâu nay,
Là dân tôi đang gánh chịu đọa đày,
Sống kềm kẹp dưới bàn tay ác thú.

Tôi sẽ dựng lại xóm làng xưa cũ,
Nơi bao năm luôn ấp ủ tình người,
Nhưng giờ đây, sau một cuộc đổi đời,
Đã bất hạnh thành nơi đầy bất trắc.

Tôi sẽ tới miền cao nguyên xa lắc,
Đang dần dà bị chúng cắt sạch cây,
Và cho Tàu khai thác khắp đó đây,
Mưa trút xuống, thành vũng lầy đỏ ối.

Tôi sẽ nói thay người dân vô tội,
Vượt thác ghềnh đến Hà nội kêu than,
Vì đất đai bị cán bộ tham tàn,
Đem súng ống đến ngang nhiên làm chủ.

Tôi sẽ đến tiễn đưa đoàn ngư phủ,
Chết oan khiên dưới súng lũ giặc Tàu,
Để nhìn rừng khăn tang trắng phau phau,
Mà thấm thía dần nỗi đau bị trị.

Tôi sẽ khấn các vong hồn tử sĩ,
Đau lòng vì chốn yên nghỉ ngàn thu,
Cũng không sao thoát nanh vuốt kẻ thù:
Nghĩa trang cũ thành khu buôn bán lẻ.

Tôi sẽ gặp, dù lòng đau như xé,
Người dân lành đang làm mẹ, làm cha,
Đói nghèo đành đem máu, thận… mình ra,
Cắn răng bán, cầu qua cơn khốn khó.

Tôi sẽ tiếc thương người con gái nhỏ,
Vì miếng ăn phải rời bỏ thôn nhà,
Rồi vô tình vướng cạm bẫy phồn hoa,
Thành hàng hóa bày bán ra xứ lạ.

Tôi sẽ khóc khi nhìn khay thuốc lá,
Của người đang vất vả kiếp thương binh,
Vì cho dân xưa được sống an bình,
Đã không ngại hy sinh phần thân thể.

Tôi sẽ đến góp chung đôi dòng lệ,
Với gia đình những người trẻ hăng say,
Chống bọn Tàu xâm lược, để giờ đây,
Phải đau đớn chịu đắng cay tù rạc.

Tôi sẽ kể hết muôn ngàn tội ác,
Của bọn cầm quyền khắc bạc phi nhân,
Chà đạp nhân quyền, bán nước, hại dân,
Theo lệnh chủ, như một phần món nợ.

Tôi sẽ hát thật to lời nhắc nhở,
Để dân mình luôn nhớ đến non sông,
Để mai sau con cháu giống Lạc Hồng,
Không phải sống lưu vong trên đất Việt.

Và tôi sẽ cầu xin trong đoạn kết,
Cho toàn dân thôi hết sợ bạo quyền,
Cất cao đầu, cương quyết đứng vùng lên,
Đem hạnh phúc trở về trên cố thổ.
*
*     *
Từ ngục tối, từng câu ca thống khổ,
Vượt tường giam như thác đổ băng rừng.
Nhưng than ôi, lòng người đã dửng dưng,
Nên tiếng hát nửa chừng đành đứt đoạn.

Chỉ còn lại mớ âm thanh hỗn loạn:
Tiếng chào mời, tiếng rao bán hét la,
Tiếng bấm hình của các nhiếp ảnh gia,
Tiếng lanh lảnh của các nhà “từ thiện”,

Lẫn với tiếng huênh hoang trò chuyện,
Của đàn người vượt biển năm nao,
Về ăn chơi chè chén xôn xao,
Thành tích nổ ào ào vui hơn Tết.

Người nhạc sĩ trong tù nằm lịm chết,
Bản trường ca đoạn kết chửa kịp vang.
Và ngoài kia, dưới xiềng xích ngoại bang,
Vùng đất khổ vẫn ngập tràn tang tóc.
*
*     *
Đêm đất trọ, mấy ai còn trằn trọc,
Tháng Tư về, mấy kẻ khóc quê hương!

Trần Văn Lương
Cali, Mùa Quốc Hận 2014

 

Mẹ Ơi, Nếu Con Về ?  –  Thơ Trần Văn Lương mùa Quốc Hận 2013

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Mẹ Ơi, Nếu Con Về” được sáng tác trong mùa Quốc Hận năm 2013.
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:
Chờ ngày quét sạch giặc xong,
Muốn về thăm lại non sông thì về.

Mẹ Ơi, Nếu Con Về

– Mẹ ơi, nếu nay con về quê cũ,
Sẽ thấy gì ngoài một lũ Việt gian,
Luôn hung tàn bạo ngược với dân Nam,
Lại hèn nhát cắt giang san dâng giặc ?

Bao thế kỷ chống kẻ thù phương Bắc,
Cha ông ta hằng nếm mật nằm gai,
Có ngờ đâu chỉ mấy chục năm dài,
Đất nước đã mất vào tay Tàu đỏ.
*
*     *
– Dân tộc Việt trải qua ngàn sóng gió,
Có khi nào khốn khó thế này đâu.
Nếu con về chứng kiến cảnh bể dâu,
Con sẽ phải thét gào vì uất hận.

Con sẽ thấy, từ sau ngày mạt vận,
Một quê hương phá sản tận cội nguồn,
Một lũ người bại hoại đến buồn nôn,
Một xã hội đã chôn vùi nhân tính.

Trẻ chẳng được dạy điều ngay lẽ chính,
Tóc chưa đầy, hồn đã dính bùn đen.
Bậc cha ông đầu độc tiếp con em,
Ba thế hệ giong thuyền len bến ác.

Đám sài lang khắc bạc,
Đạn lên nòng, áp đặt xuống đầu dân,
Một chế độ phi nhân,
Một guồng máy rặt toàn quân khủng bố.

Con sẽ thấy công an dàn nghẹt phố,
Chúng hăng say đi bắt bớ dân lành.
Và chỉ vì mảnh đất chúng rắp ranh,
Sẵn sàng giở thói súc sanh của đảng.

Con sẽ thấy những đường dây xuất cảng,
Mà món hàng, thật cay đắng con ơi,
Là những người gái nhỏ tuổi đôi mươi,
Thân xác bán, nổi trôi gì cũng mặc.

Con sẽ thấy bầy ranh con nứt mắt,
Tung tiền như cây rắc lá rừng thu,
Trong khi dân đỏ mắt kiếm từng xu,
Tương lai mãi mịt mù như mộng ước.

Con sẽ thấy những người dân yêu nước,
Chỉ vì lòng căm phẫn trước ngoại bang,
Cất cao lời bảo vệ mảnh giang san,
Mà bị chúng đem bắt giam hàng loạt.

Con sẽ thấy một quê nhà tan nát,
Bọn Tàu phù ào ạt kéo nhau sang,
Rồi ngang nhiên xây phố với dựng làng,
Cấm dân Việt chàng ràng vô địa hạt.

Con cũng sẽ ngậm ngùi nghe tiếng hát,
Tiếng tụng kinh, tiếng lần hạt Mân côi,
Tiếng gông cùm… từ ngục tối xa xôi,
Ngày đêm vẫn liên hồi vang vọng lại.

Chúng to miệng rêu rao câu hòa giải,
Nhưng thẳng tay sát hại kẻ thù xưa,
Dù từ lâu họ thất thế sa cơ,
Trơ trọi giữa ván cờ tàn nghiệt ngã.

Trên xuống dưới, toàn lưu manh dối trá,
Chốn làm quan, bằng cấp giả ê hề,
Chỗ học hành, cũng gian lận chán chê,
Khắp cả nước, chỉ thấy “Nghè” với “Cống” !

Chẳng còn chút mảy may nào hy vọng,
Khi bao lâu giặc Cộng vẫn cầm quyền,
Khi dân mình vẫn thống khổ triền miên,
Khi đất nước còn xích xiềng nô lệ.

Con của Mẹ, khoan trở về con nhé,
Vì quê mình nước mắt sẽ còn rơi.
Đừng góp phần nuôi sống lũ đười ươi,
Hãy tranh đấu để đợi thời cơ tới.

Đừng ham danh ham lợi,
Mà mắc tội với non sông.
Cũng đừng nghe chúng dụ dỗ xiêu lòng,
Về “du lịch” hay vướng tròng “từ thiện”.

Hãy nhớ đến những đêm liều vượt biển,
Những kiếp người tan biến dưới đại dương,
Những tiếng than kêu cứu giữa đêm trường,
Những dòng lệ đau thương còn lã chã.
*
*     *
– Nhưng thưa Mẹ, nếu Trời làm phép lạ,
Cho quê hương lại tỏa ánh Cờ Vàng,
Cho bốn vùng hết sạch bóng sài lang,
Cho hạnh phúc lại tràn như thác lũ,

Thì con sẽ trở về thăm quê cũ,
Dù nhà mình đà đổ nát xác xơ,
Dù bên song chẳng ai đợi ai chờ,
Và mộ Mẹ đã phai mờ nét chữ.
*
*     *
Mấy mươi năm biệt xứ,
Tháng Tư về, nỗi nhớ có nào nguôi.

Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận, 4/2013

 

Thư Không Niêm Gửi Bạn  –  Thơ Trần Văn Lương mùa Quốc Hận 2012

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Thư Không Niêm Gửi Bạn ” được sáng tác tháng 5 mùa Quốc Hận 2012.
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:
Quê hương vẫn mãi đọa đày,
Sao người đành đoạn tiếp tay bạo tàn.

Thư Không Niêm Gửi Bạn

(Thay lời một vị thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa
đang kẹt ở VN, gửi người bạn cũ ngày xưa đã vượt biên
nhưng nay lại viện dẫn đủ mọi lý do để về vui chơi)

Gửi nhờ tập vé số trên tay,
Chống nạng đến đây để gặp mày.
Hụt hẫng thấy mày ngồi giữa quán,
Đang cùng bầy cán bộ vui say.

Không muốn bị mang tiếng quấy rầy,
Khi lòng đang thất vọng chua cay,
Nên đành mượn tạm vài trang giấy,
Viết bậy đôi câu gửi tới mày.
*
*     *
Mày hãy cùng tao nhớ lại ngày,
Cùng mày trong bóng tối chia tay,
Mày thề rằng nếu Trời cho thoát,
Mày ắt không quên mối hận này.

Từ đó, trong đau đớn dập vùi,
Bọn tao mòn mỏi đợi tin vui.
Ngờ đâu hạnh phúc lùi xa mãi,
Nghĩ đến quê hương lại ngậm ngùi.

Mày trở về chơi đã lắm lần,
Lúc thì viện cớ gặp người thân,
Lúc theo “từ thiện” tìm danh vọng,
Hí hửng vô tròng bọn ác nhân.

Hàng vạn hàng trăm các hội đoàn,
Tranh đua làm thiện thật gian nan.
Hân hoan vì chút hào quang giả,
Họ đã an nhiên giúp bạo tàn.

Mày cũng lần theo đóm múa may,
Hết quà lại cáp phát rền tay.
Tiền Tây, tiền Mỹ xài như rác,
Lầu các thi nhau mọc dẫy đầy.

Mày biết dân đây được những gì,
Khi đoàn cứu trợ đã ra đi?
Đất đai ngập lụt, nhà tan nát,
Ngơ ngác trên tay một gói mì!

Biết chăng vì những đứa như mày,
Sự thật quê nhà chẳng chịu hay,
Hãnh diện ta đây về “cứu viện”,
Nên bầy quỷ đỏ hiện còn đây.

Mày có biết mày đã tiếp tay,
Nuôi dân cho chúng để rồi nay,
Chúng càng thêm có đầy phương tiện,
Để khiến dân ta mãi đọa đày.

Cả bầy chúng vẫn sống xa hoa,
Xuất ngoại đầu tư, sắm sửa nhà,
Con cái tiêu ra hàng bạc triệu,
Đồng tiền đó liệu lấy đâu ra?

Mày so với chúng được bao lăm,
Tỷ phú tiền Tây chúng cả trăm.
Của cải một thằng trong Bắc phủ,
Thừa nuôi dân sống đủ nhiều năm.

Phải chăng vì cật ấm cơm no,
Mày lại mơ màng chức vị to,
Nên mới trở cờ o bế giặc,
Qua sông ngoảnh mặt với con đò?

Tao xót xa nhìn lũ bạn thân,
Ngày xưa vượt biển lắm gian truân,
Nay khuân tiền bạc về quê cũ,
Góp sức nuôi bè lũ hại dân.

Bạn mình giờ lắm kẻ giàu sang,
Áo gấm xênh xang rộn xóm làng.
Có đứa vênh vang bằng cấp lớn,
Hùa theo lũ ngợm chống Cờ Vàng.

Có thằng may mắn lắm đồng ra,
Thơ thới về đây, bỏ vợ nhà.
Có đứa làm sui gia với giặc,
Ra ngoài trở mặt líu lo ca.

Thấy miệng mày thoa mỡ nói năng,
Lòng tao chua xót chợt hay rằng,
Xuống thuyền mấy đứa đêm hôm đó,
Giờ đã “vinh quy” đủ bấy thằng!

Tao tưởng bao năm ở nước ngoài,
Chúng mày phải biết rõ hơn ai,
Ngày ngày đọc thấy nhiều tin tức,
Sao lại vô tâm được thế này?

Lần cuối cho tao nói một lời:
Nếu còn người trở lại ăn chơi,
Đua đòi danh lợi, buôn “từ thiện”,
Thì chớ mơ chi chuyện vá trời.
*
*     *
Nắng chiều cuốn xác lá trôi,
Bóng đôi nạng gỗ đơn côi ngược dòng.

Trần Văn Lương
Cali, 5/2012

 

Quê Mình Đâu Hở Ngoại ? – Thơ Trần Văn Lương mùa Quốc Hận 2012

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Quê Mình Đâu Hở Ngoại ?” được sáng tác trong mùa Quốc Hận năm 2012.
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:
Có còn chăng hỡi quê hương,
Từ khi gót giặc Bắc phương tràn vào?

Quê Mình Đâu Hở Ngoại ?

– Ngoại ơi Ngoại, quê mình đâu hở Ngoại,
Mà đêm ngày Ngoại khắc khoải nhớ thương,
Ai cũng có quê hương,
Sao Ngoại vẫn mãi tha phương mòn mỏi ?

– Nghe lời con hỏi,
Ngoại nghẹn lời biết nói gì đây,
Lòng lâu rồi vẫn trăn trở loay hoay,
Quê hương cũ biết còn hay đã mất.

Ngoại sẽ nói với con về mảnh đất,
Chốn xưa kia luôn chất ngất tình người,
Nhưng đớn đau, sau một cuộc đổi đời,
Đã bất hạnh tan tành nơi tay giặc.

Từ ngày đó, máu xương cùng nước mắt,
Của dân mình tràn đổ khắp non sông,
Do bàn tay lũ bạo ngược tanh lòng,
Vẫn mang tiếng là chung dòng giống Việt.

Dưới gông cùm khắc nghiệt,
Dân một đời khốn khổ biết kêu ai,
Trời quay đầu, thần thánh cũng che tai,
Đành chới với giữa đêm dài giông bão.

Người vắt từng giọt máu,
Đổi chén cháo nuôi nhau.
Tấm thân tàn, rủi gặp cảnh ốm đau,
Nhà thương đấy, nhưng tiền đâu lo lót ?

Cả tôn giáo cũng chịu phần chua xót,
Chẳng mấy khi được sống sót yên lành.
Chúng lại bày trò giáo hội quốc doanh,
Biến lắm kẻ tu hành thành con rối.

Giới thống trị, toàn một bầy nói dối,
Chúng rêu rao, la lối để bên ngoài,
Tưởng lầm rằng đây chính cảnh Bồng lai,
Đến du lịch, chúng liền tay hốt bạc.

Chúng xem mạng dân lành như cỏ rác,
Và chỉ vì muốn chiếm đoạt đất đai,
Chúng giết người, hoặc đàn áp thẳng tay,
Nghĩa địa cũng bị cày lên lấp bỏ.

Dân chỉ được quyền sống như sâu bọ,
Luật pháp là cán bộ với công an.
Người chỉ cần dăm câu hát thở than,
Liền gánh chịu trăm ngàn điều khắc bạc.

Với dân Việt, chúng vô cùng tàn ác,
Trước bọn Tàu, lại hèn nhát vô song,
Đã cúi đầu dâng các đảo biển Đông,
Lại bỏ ngỏ non sông cho giặc Bắc.

Người yêu nước không đành tâm để mặc,
Phản đối trò nhượng cắt đất quê hương,
Bị côn đồ giả dạng đánh trọng thương,
Thân rải rác khắp đoạn đường nghiệt ngã.

Khi Tàu Cộng bắt người trên biển cả,
Khi ngoại nhân hành hạ đánh dân mình,
Lũ cầm quyền vẫn ngậm miệng làm thinh,
Nhởn nhơ giữa Ba Đình, không biết nhục.

Đất nước thành địa ngục,
Nơi giam cầm tám chục triệu tù nhân.
Mấy ai được yên thân,
Dưới họng súng của đạo quân tàn ngược.

Mảnh đất đó, làm sao còn gọi được
Là quê hương đích thực của toàn dân,
Khi bạo quyền chỉ vâng lệnh ngoại nhân,
Chủ quyền nước đã nằm trong tay địch*
*     *
– Ngoại ơi Ngoại, sao không về du lịch,
Con thấy người ta lịch kịch suốt ngày,
Lưng lận tiền, máy ảnh bấm chồn tay,
Sáng trưa tối, từng chuyến bay đều đặn ?

– Ngoại nghe hỏi, lòng già thêm cay đắng,
Nhìn những người xưa may mắn thoát ra,
Vừa ấm cật phì gia,
Vội áo gấm khắp quê nhà vung vít.

Từng đoàn rộn rịp,
Nhất là dịp Xuân về,
Vui đùa, hưởng thụ thỏa thuê,
Tâm bình thản, khắp quê nhà vênh váo.

Họ chỉ thấy màu hồng qua xác pháo,
Mà không hề thấy màu máu của dân,
Bao năm qua, dưới nanh vuốt hung thần,
Đang từng phút thay dần màu lệ nóng.

Họ chỉ thấy cảnh nhà cao cửa rộng,
Cùng phố phường sang trọng mọc tràn lan,
Mà không nghe xe ủi đất rộn ràng,
Đang cày nát nghĩa trang đồng đội cũ.

Họ chỉ thấy con nhà giàu từng lũ,
Tay ôm tiền cả bó đốt thâu đêm,
Chẳng hề hay suốt khắp cả ba miền,
Trẻ đói rách, toàn trên xương dưới xẩu.

Họ chỉ thấy minh tinh cùng hoa hậu,
Đầy nữ trang, trên sân khấu nói cười,
Nào có hay ngay dưới ánh mặt trời,
Thân gái Việt đang chờ người ngã giá.

Họ chỉ thấy những hội trường sang cả,
Trên giảng tòa, lời dối trá oang oang,
Đâu biết rằng nơi trại cấm rừng hoang,
Tiếng đòi hỏi nhân quyền đang chết nghẹn.

Họ chỉ thấy đám “Việt kiều” chè chén,
Mà quên đi người chiến hữu tật nguyền,
Đứng bên đường, tập vé số còn nguyên,
Đôi mắt trũng miên miên ngàn tủi hận.

Họ chỉ thấy ngọc ngà cùng son phấn,
Khi đổ tiền mua lấy trận vui chơi.
Có hay chăng sau ánh mắt tươi cười,
Là máu lệ của một đời son trẻ.

Họ chỉ thấy ngôi nhà thờ tráng lệ,
Mà không nhìn tượng Đức Mẹ sầu đau,
Hay đến xem cây Thánh giá Cồn Dầu,
Bị chúng đập từ lâu thành trăm mảnh.

Có những kẻ về quay phim chụp ảnh,
Chợt thấy mình sao “hạnh phúc ấm no”,
Lầm tưởng rằng đất nước cũng tự do,
Bừa nhắm mắt tuyên truyền cho chế độ.

Ai cũng viện đủ lý do này nọ,
Trở về quê, đi khắp ngõ dông dài,
Để ăn chơi, kiếm danh lợi tiền tài,
Nhãn “từ thiện” phết thật dày trên trán.

Xưa trốn nhủi, tìm đường đi tị nạn,
Giờ “vinh quy”, đánh bạn với yêu tinh,
Thì chính mình đang làm hại dân mình,
Trách chi được “đồng minh” xưa ngoảnh mặt.

Sao lại nỡ đem đồng tiền nước mắt,
Ngầm tiếp tay cho lũ giặc hung tàn,
Giúp chúng thành bầy “thái thú” gian tham,
Tuân lệnh chủ về giết oan đồng loại ?*
*     *
– Làm sao biết rõ ràng đây hở Ngoại,
Quê hương mình giờ ở tại nơi đâu,
Khi đất đai sắp mất hết cho Tàu,
Nếp sống Việt đã đậm màu nô lệ ?

– Con yêu dấu, càng nghe về đất mẹ,
Càng thêm buồn, nhưng biết kể cùng ai.
Tội nghiệp cho những thế hệ ngày mai,
Bị xiềng xích nước ngoài luôn trói buộc.

Ngoại chỉ sợ thêm một lần Bắc thuộc,
Thì ngày về quang phục sẽ còn lâu,
Dân tộc ta mãi tủi nhục cúi đầu,
Kính cẩn gọi giặc Tàu bằng “Trung Quốc”!

Đêm đất khách đã thưa dần ánh đuốc,
Người quên thề, về lũ lượt ăn chơi.
Có phải chăng vì nghiệt ngã cơ trời,
Mà dân Việt phải ngàn đời ôm hận.

Ngoại chỉ biết giờ đây thầm chấp nhận,
Nơi nao còn hơi ấm lá Cờ Vàng,
Và lời thề phục quốc vẫn còn vang,
Thì đất nước giang san mình ở đó.
*
*     *
Mùa Quốc Hận, lệ buồn ai có nhỏ,
Khóc giùm cho miền đất khổ xa xôi,
Hay lòng đà theo chiều gió thổi xuôi,
Mặc năm tháng cuốn trôi lời ước cũ.

Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận, 2010

 

Chừng Nào Hoa Sen Nở  –  Thơ Trần Văn Lương mùa Quốc Hận 2011

quochan

LGT: Năm nay, 2015 là năm thứ 40 của ngày Quốc Hận 30/4/1975. Qua một người bạn, tôi nhận được những bài thơ của nhà thơ Trần Văn Lương, viết vào dịp tháng Tư Đen Quốc hận mỗi năm.
Được sự đồng ý của tác giả, trang Blog LNTH xin lần lượt giới thiệu với độc giả những bài thơ đặc biệt này, như một lời nhắc nhở về những ngày đau thương của dân tộc Việt.
Tác giả Trần Văn Lương rời Việt Nam trong ngày di tản tháng 4, 1975. Từ đó đến nay chưa một lần trở lại, nhưng ông cảm nhận được nỗi thống khổ của đồng bào, thể hiện qua những vần thơ bi thương, uất hận.
Xin vô cùng cám ơn tác giả.
Xin trân trọng giới thiệu bài “Chừng Nào Hoa Sen Nở” được sáng tác trong mùa Quốc Hận năm 2011.
Lê Ngọc Tuý Hương

Dạo:
Trời Phi đã nức hương lài,
Thương thay đất Việt đêm dài chưa tan.

Chừng Nào Hoa Sen Nở

Người muốn hỏi chừng nào hoa sen nở,
Để không còn xiềng xích đỏ trên vai.
Trời Phi châu đã sực nức hương lài,
Bao chế độ độc tài đang tan rã.

Nhưng đất Việt vẫn ngày thêm tơi tả,
Chốn đọa đày, dân vất vả lầm than,
Mấy mươi năm dưới nanh vuốt bạo tàn,
Cánh cửa nhỏ Thiên đàng chưa lần mở.

Người tự hỏi chừng nào hoa sen nở,
Cho mẹ già hết than thở ngày đêm,
Khóc cháu con: đứa chết lúc vượt biên,
Đứa trại cấm, đứa triền miên đói rạc.

Dân đen xơ xác,
Đám cầm quyền độc ác gian ngoa,
Vét tiền ra ngoại quốc sống xa hoa,
Nào “du học”, nào sắm nhà, xây chợ.

Người khẽ hỏi chừng nào hoa sen nở,
Để dân lành trút bỏ bớt phiền lo,
Được đi về chốn thờ phượng tự do,
Chẳng phải chịu trò “xin cho” quái đản.

Đời với đạo cũng cùng chung kiếp nạn,
Bị cướp dần hết tài sản đất đai.
Dân cất tiếng kêu nài,
Máu lại đổ dưới bàn tay man rợ.

Người buồn hỏi chừng nào hoa sen nở,
Cho dân không phải bỏ xứ xa nhà.
Bao năm rồi không chinh chiến can qua,
Hàng xuất cảng vẫn toàn là thân xác.

Nhân phẩm Việt ngày càng thêm rẻ mạt,
Chữ tiết trinh đem bán chác chợ đời.
Lũ có quyền mải ngập mặt ăn chơi,
Dân thấp cổ khắp phương trời ở đợ.

Người khóc hỏi chừng nào hoa sen nở,
Để giang san của Quốc tổ Hùng Vương,
Không trở thành Tây Tạng hoặc Tân Cương,
Thân mất nước nẻo đoạn trường trôi giạt.

Lãnh thổ Việt, đất con Hồng cháu Lạc,
Đã bán dần cho lũ giặc Bắc phương.
Ngư dân mình kiếm sống giữa đại dương,
Bị chúng giết, xác tàn nương sóng vỡ.

Người lại hỏi chừng nào hoa sen nở,
Cho non sông rạng rỡ bóng cờ vàng,
Tháng Tư về quét sạch hết màu tang,
Dân được thấy cửa Thiên đàng rộng mở.
*
*     *
Cánh hoa đó sẽ có ngày rộ nở,
Khi người dân chẳng còn sợ bạo quyền,
Nắm tay nhau cùng can đảm đứng lên,
Quyết tranh đấu dựng lại nền dân chủ.

Cành sen Việt, dù bao năm héo rũ,
Vẫn kiên trì qua giấc ngủ gian nan,
Vẫn lất lây trong đau khổ ngút ngàn,
Vẫn đợi nắng về xóa tan bóng tối.

Xương trắng người vô tội,
Đã thành phân vun bón cội hoa gầy,
Để từng phút từng giây,
Trong tuyệt vọng, âm thầm cây trổ nụ.

Dòng nước mắt tưới trên mồ vô chủ,
Thác máu đào tuôn đổ suốt ngày đêm,
Đã thấm vào ao nước nhỏ bình yên,
Giọt nối giọt, nuôi chồi thêm lớn mạnh.

Hận vong quốc bao năm dài canh cánh,
Nỗi oan khiên bất hạnh của muôn nhà,
Sẽ trở nên tia nắng ấm ngọc ngà,
Đánh thức dậy cành hoa đang trăn trở.
*
*     *
Xin cứ hỏi chừng nào hoa sẽ nở,
Nhưng nếu người chẳng còn nhớ biển Đông,
Vì sao mình phải khoác áo lưu vong,
Hoa có nở cũng tàn trong uất hận.

Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận, 2011

 

Tag Cloud