VIỆT NAM CỘNG HÒA

Archive for the ‘Uncategorized’ Category

Bài Thơ Viết Vội – LNTH

Bài Thơ Viết Vội

Bỗng dưng tôi là người không tổ quốc
Cuộc sống buồn nhưng cũng cố mà đi
Trải bao năm nhưng vẫn thấy lạc loài.
Tóc càng bạc nỗi buồn càng sâu thẳm.

Sống cùng người, rán xem cùng nòi giống
Cố thương người nhưng khó quá thôi
Tình không mặn mà như tình “nước mắm”
Không ngạt ngào như hạt “gạo nàng Hương”.

Xưa, khi cách mạng hoa Sen bừng phát
Tôi ngỡ mình sắp về lại quê xưa
Nhà nhà phố phố rợp lá cờ vàng
Nhưng giấc mơ tàn, tội nghiệp thân tôi.

Nơi đây tôi lê lết sống ngày tàn
Cùng chiến hữu mà hàn huyên tâm sự
Chuyển cho nhau chút nhiệt huyết sau cùng
Truyền thừa lại cho đời sau thấu hiểu

Nhiều trận chiến bỗng dưng lại phát tán
Ngay cả trên phần đất người Quốc Gia
Vùi dập nhau không chút nương tay
Nỡ ngoảnh mặt vứt đi tình chiến hữu.

Thế cuộc đã xoay dần vào bế tắc
Hỏi ông trời sao tạo lắm oái ăm
Nghiệp tội gì đỗ xuống dân tộc tôi
Kiếp lưu vong cộng nỗi buồn chia rẽ

Chiều chiều khi đi ngang nghĩa trang vắng
Ngâm nghĩ rằng rồi một buổi không xa
Bạn bè xa không bằng nấm mộ gần
Chia sẽ … nỗi buồn “cô hồn vong quốc”.

lnth
3.19

Đừng Oán Trách Trời Kia – Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Đừng than con Tạo vô tình,
Chính mình làm hại dân mình đấy thôi.

Đừng Oán Trách Trời Kia

Đêm giãy giụa, gió lùa qua khe cửa,
Bàn thờ khuya, ánh nến thở phập phồng,
Người gục đầu, xót cho phận lưu vong,
Gần hết kiếp còn lông bông xa xứ.

Rồi nghĩ ngợi lan man về quá khứ,
Hết đổ thừa, lại trách cứ lang bang.
Trong phút giây nửa tỉnh nửa mơ màng,
Dường vẳng tiếng ai nhẹ nhàng khoan nhặt.
*
*     *
– Đừng oán trách trời kia không có mắt,
Bắt dân mình luôn mắc cảnh điêu linh,
Cao xanh vốn dĩ vô tình,
Chỉ vận chuyển theo lộ trình sẵn đặt.

Đừng trách mãi chuyện đồng minh trở mặt,
Lật lọng là cố tật chúng lâu nay,
Tiếc thay mình nhược tiểu lại non tay,
Thêm nội phản, nên giờ đây mạt lộ.

Đừng trách lỗi người dân đen thấp cổ,
Họ bao năm luôn đói khổ miệt mài,
Ăn bữa rày, chắc gì có bữa mai,
Nước có mất vào tay ai cũng thế.

Đừng trách kẻ đem xác thân bán rẻ,
Hoặc chạy tiền làm nô lệ bốn phương,
Họ là người bị lừa gạt đáng thương,
Đâu biết được Thiên đường kia chẳng có.

Hãy oán trách lũ tội đồ đầu sỏ,
Đám tay sai Tàu đỏ ở Ba Đình,
Bán giang san rồi khóa miệng dân mình
Bằng tù ngục, bằng cực hình thảm thiết.

Rồi kế đến bọn mang dòng máu Việt,
Vì lợi danh mà quên hết tổ tiên,
Trực tiếp hay gián tiếp giúp bạo quyền,
Để bọn chúng gây nên nghìn thứ tội.

Trách những kẻ đã một thời nông nổi,
Chuyên chở che bọn nón cối tà ma,
Giấu đặc công, du kích ở trong nhà,
Gom gạo, thuốc… chuyển ra bưng từng chuyến.

Trách những đứa xưa đua đòi “phản chiến”,
Tuổi sinh viên chẳng lo chuyện học hành,
Hùa theo bầy thân Cộng để “đấu tranh”,
Lúc nhúc khắp nẻo thị thành gây rối,

Trong khi những thanh niên cùng lứa tuổi,
Phải hy sinh lặn lội khắp chiến trường,
Quyết liều thân để bảo vệ quê hương,
Số phận đến, đành xương phơi máu đổ.

Hãy trách bọn có hành vi khả ố,
Quên hẳn thời khốn khổ chạy qua đây,
Được chút tiền chưa kịp ấm bàn tay,
Đã cuống quít về loay hoay xoay xở.

Đứa gần chết còn no cơm rửng mỡ,
Bỏ vợ nhà chuồn trở lại quê xưa,
Tồi bại chơi trò “cháo múc tiền đưa”,
Kết lũ kết bè, say sưa sớm tối.

Lắm đứa được Vẹm bốc thơm bốc thối,
Đem lương tâm đánh đổi chút hư danh:
Đứa bày trò làm “từ thiện” loanh quanh,
Hãnh diện nghĩ mình sắp thành “Bồ tát”,

Đứa lạy lục được bạo quyền cho hát,
Nói những câu đốn mạt đến kinh hoàng,
Đứa “yêng hùng” ra mắt sách rềnh rang,
Ngồi họp báo, mặt thếp vàng lơ láo.

Sau rốt hãy trách mình khờ khạo,
Vẫn tin lời quảng cáo ba hoa,
Lũ hoạt đầu lúc tranh cử tung ra,
Nên chọn rặt “dân ta” mà bỏ phiếu.

Có chức tước, chúng trổ mòi bất tiếu,
Đứa mặt mày kênh kiệu, khác ngày xưa,
Đứa về quê kiếm chác chút cơm thừa,
Đứa trắng trợn trở cờ, không che đậy.

Dân ta hỡi, sao còn chưa đứng dậy,
Vẫn ngủ yên, trông cậy mãi người ngoài?
Bao năm rồi nào có thấy một ai
Vì dân Việt mà ra tay “tế độ”!

Đã đến lúc phải cùng nhau tỉnh ngộ,
Để thấy rằng chỉ có chính dân Nam
Mới một lòng vì đất nước giang san,
Chấp nhận cảnh máu đào loang ngập đất.
*
*     *
Gió khẽ rít, người bàng hoàng dụi mắt,
Thoáng rùng mình, nghe lạnh ngắt toàn thân.
Tiếng lá rớt ngoài sân,
Thoảng như tiếng bước chân về thiên cổ.

Trên bàn thờ Quốc Tổ,
Ngọn nến tàn vẫn đổ lệ triền miên

Trần Văn Lương
Cali, Tháng Tư Đen 2019

Chén Thuốc Rầy – Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Mẹ cam thiên cổ đăng trình,
Để nhường cho cháu con mình phần ăn.

Chén Thuốc Rầy

(Như một nén hương để được cùng anh T
tưởng nhớ tới người mẹ hiền của anh)

Con của mẹ, mẹ cầu con thứ lỗi,
Vì chiều nay khi mệt mỏi về nhà,
Con sẽ không còn thấy bóng mẹ già,
Tựa vách lá nhìn ra như mọi bữa.

Mẹ không muốn thấy lệ buồn con ứa,
Khi không còn mẹ nữa ở trần gian.
Chẳng riêng mình phải chịu cảnh lầm than,
Cả nước cũng điêu tàn trong tay giặc.

Lũ đầy tớ của bọn Tàu phương Bắc,
Đem đau buồn gieo rắc khắp non sông.
Cả nhà mình như lá chết mùa đông,
Bị gió quét đến đường cùng đen tối.

Ngày chúng bắt con lên đường tù tội,
Thì vợ con cũng khăn gói biệt tăm,
Bỏ đàn con, đứa lớn mới lên năm,
Đứa nhỏ nhất còn ẵm nằm bú sữa.

Mẹ từ đó lo chạy ăn từng bữa,
Đồ trong nhà, bán lần lữa cầm hơi,
Cùng loay hoay bươn chải chốn chợ trời,
Bòn mót gạo để nuôi bầy cháu nội.

Rừng núi lạnh, mẹ dăm lần lặn lội,
Đi thăm con, nhắn vội được đôi lời,
Lòng đớn đau, lo khấn Phật xin Trời,
Cho con khỏi vùi thây nơi hoang dã.

Sau gần chục năm ngục tù đày đọa,
Con cuối cùng được chúng trả tự do.
Tấm thân tàn đầy bệnh hoạn ốm o,
Về đến cửa, phải liền lo kiếm sống.

Con và mẹ đều miệt mài lao động,
Mặc trẻ thơ tự chèo chống sớm chiều,
Tuy đến trường, chẳng được học bao nhiêu,
Vì “lý lịch”, chịu lắm điều thua thiệt.

Sức khỏe mẹ theo thời gian cạn kiệt,
Đành quẩn quanh vớ vẩn việc trong nhà,
Lòng bồi hồi lẫn buồn bã xót xa,
Nhìn con phải một mình qua lối khổ.

Ngày cặm cụi gò xích lô dưới phố,
Chẳng quản thân, quên khốn khó nhọc nhằn,
Hốc hẻm nào cũng lặn lội trôi lăn,
Vẫn không kiếm đủ ăn, dù gắng gỏi.

Mẹ vẫn biết con nhiều khi rất đói,
Nhưng bên ngoài hùng hổ nói mình no,
Nhường phần ăn ít ỏi của con cho
Mẹ già với bầy con thơ còm cõi.

Mẹ không nhận thì con dằn con giỗi,
Nhưng làm sao mẹ nuốt nổi, con ơi.
Lòng con như lòng mẹ cũng rối bời,
Giờ chỉ biết oán mệnh trời sai quấy.

Sao con không nhận thấy,
Mẹ già rồi chẳng mấy cần ăn,
Nên muốn để dành phần
Cho đám cháu đang cần sức lớn.

Lòng mẹ thầm đau đớn,
Nhìn cháu mình chợt sung sướng bi bô,
Khi được bà lén sớt chút khoai khô,
Chút cơm độn vào chiếc tô sứt mẻ.

Biết bao bận mẹ giả vờ không khỏe,
Nhường miếng ăn cho lũ trẻ đói lòng,
Nhưng nói chửa kịp xong,
Con trừng mắt làm chúng không dám nhận.

Mẹ vốn biết lòng con luôn ân hận
Không làm xong bổn phận với gia đình,
Để mẹ già con dại phải điêu linh,
Nên con vẫn tự trách mình vô dụng.

Mẹ nghĩ nếu mẹ còn dai dẳng sống,
Nhà dư người, sẽ túng thiếu triền miên,
Và bao lâu còn có lũ bạo quyền,
Thì đói rách, oan khiên còn đó mãi.

Mẹ dẫu mất, nhưng hồn nguyền ở lại,
Để ngày đêm khấn vái với Phật Trời,
Cho cháu con được sớm thoát ra khơi,
Được sống sót đến quê người xa lạ.
*
*     *
Sau hai buổi đổ mồ hôi vất vả,
Người đàn ông tất tả lết về nhà,
Bàng hoàng khi thấy lũ trẻ quanh bà,
Quẹt mũi dãi, gào khóc la thảm thiết.

Người run rẩy, đôi chân dường rũ liệt,
Sụp xuống ghì xác chết mẹ trong tay.
Mắt khô cằn, chẳng còn lệ để cay,
Trân trối ngó chén thuốc rầy đã cạn.
*
*     *
Chập chùng mây kiếp nạn,
Bóng ai còn lảng vảng giữa trời đêm.

Trần Văn Lương
Cali, mùa Quốc Hận 2018

Nhắc chuyện xưa , ngẫm nghĩ chuyện nay – LNTH

1.
Tuổi già hay nhớ những chuyện xưa. Lúc mẹ tôi còn sống, trong các bữa ăn, bà thường hay nhắc lại cuộc sống của mình thưở nhỏ. Là một cô con gái nhà quê, ngoài chuyện đồng áng là chuyện chánh, mẹ tôi còn lo trong ngoài cho ông bà Ngoại vì các chị lớn đi lấy chồng ở xa. Từ những câu chuyện đó, tôi hiểu thêm về quê ngoại, về chuyện đồng quê miền Nam. Vợ chồng tôi vốn sanh trưởng nơi thành thị, những mẩu chuyện đời xưa ấy của mẹ tôi vô cùng hấp dẫn với chúng tôi. Dầu gì cáí gốc ông bà đã là máu luân lưu trong cơ thể. Nguồn cội của mình, làm sao lại không thấy gần gũi, thấy nhớ, thấy thương? Huống chi lại đang sống nơi xứ lạ quê người (cho dù bây giờ thì đất nước tạm dung này cũng đang dần dà trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi).

Từ thói quen đó, bây giờ vợ chồng tôi cũng hay kể về thời niên thiếu cho con cái nghe, hay cho nhau nghe bên mâm cơm chiều. Con tôi nhờ đó, học và hiểu nhiều về quê hương Việt Nam: về đời sống, phong tục, sinh hoạt của người Việt, của chính ông bà cha mẹ mình; về những khổ đau, gian nan của dân tộc, của ông bà cha mẹ mình trong suốt thời gian chiến tranh; về những u uẩn, gian khổ, tù đày, tủi nhục của Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30.4.1975 mất nước; về sự thật của bộ mặt gian xảo, độc ác của cộng sản Việt Nam.Đó chính là sự giáo dục để con tôi không quên nguồn cội, hiểu rõ vì sao ông bà cha mẹ mình phải sống ly hương, có thể hiểu biết đúng đắn về cuộc chiến Quốc Cộng tại Việt Nam như chính cha mẹ mình đã hiểu và luôn giữ vững lằn ranh Quốc Cộng thật rõ ràng. Lá cờ thiêng liêng màu vàng với ba sọc đỏ phải luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ như tổ tiên mình đã làm.

2.
Thế hệ ông cha làm sai, làm mất nước đưa tới cảnh lưu vong của người Việt Nam ?

Chúng tôi thay nhau miên man kể, từ chuyện nhà lan dần sang trường học… dẫn miết đi luôn tới chuyện quốc gia. Những hình ảnh đau thương của trận Mậu Thân năm 1968 tại Sàigòn, Huế được nhắc lại trong bùi ngùi. Những hố chôn người tập thể tại Huế có bao giờ phai nhòa trong tâm khảm chúng tôi, dù rằng chúng tôi ở Sàigòn và chỉ được xem các hình ảnh trắng đen của đài truyền hình Việt Nam băng tần số 9 thời đó.

Nhớ lại những đêm đang ngủ phải choàng dậy, vội vàng chui xuống gầm giường trốn lánh những quả hỏa tiễn của Việt cộng pháo kích xối xả vào khu dân cư. (trốn cho yên lòng chứ có hiệu quả gì đâu?)

Cũng không quên cảnh thịt da tan nát, thân xác vung vãi tứ bề của dân vô tội, kết quả hành động tàn ác của bọn khủng bố nằm vùng đặt mìn, ném lựu đạn trong các rạp hát hay nơi công cộng.

Biết bao nhiêu tang thương, biết bao nhiêu thống khổ mà người dân miền Nam phải hứng chịu do sự xâm lăng tham lam chiếm đoạt của bọn giặc Hồ.

Nói đến cuộc chiến tự vệ chống lại bọn cộng sản xâm lăng miền Nam, không sao không khỏi nhắc tới ơn nghĩa của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi luôn tâm niệm, không có sự hy sinh của họ, chúng tôi không thể có cuộc sống an nhàn hôm nay. Vì sao? Vì họ đã xả thân chiến đấu ngoài tiền tuyến, bảo vệ cho hậu phương người ngườì có cuộc sống an ổn, học hành (và … ăn chơi!). Họ đã chiến đấu anh dũng chống lại bọn cộng sản xâm lăng miền Bắc. Tôi đã từng chứng kiến và cũng từng là chứng nhân của rất nhiều thảm cảnh như goá phụ trẻ mang thai nức nở bên áo quan chồng; người chờ khăn cướí lại nhận khăn tang; bạn học tôi đi nhập ngũ theo luật động viên và chỉ sau vàì tháng ngắn ngủi thì gia đình lãnh tiền tử v.v…

Chúng tôi nhắc với nhau vể những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn đó mà thương nhớ và ngậm ngùi cho quê hương và dân tộc mình.

Phải là người máu lạnh mới phủ nhận công ơn hãn mã của người lính Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến tự vệ, bảo vệ quê hương độc lập, tự do, chống lại bọn cộng sản xâm lăng miền Bắc.

Làm sao có thể vong ơn bội nghĩa, bôi nhọ công ơn của họ?

Có nhìn thấy chưa cảnh chiến đấu tới viên đạn cuối cùng của người lính BĐQ trên cầu Sàigon trưa ngày 30.4.1975?

Có nghe chăng tiếng hát quốc ca hào hùng bi thiết của thiếu sinh quân Vũng Tàu trong buổi lễ chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa lần cuối cùng?

Có nhìn thấy những viên đạn tuẫn tiết của bao anh hùng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thà chết không đầu hàng cộng sản?

Sao lại có thể buông lời ác độc phỉ báng và kết tội thế hệ ông cha làm sai, làm mất nước đưa tới cảnh lưu vong của người Việt Nam, của các thế hệ con cháu Việt Nam?

Buộc tội phải nêu rõ “tội danh” , phải chưng bằng cớ và phải cho “bị cáo” phản biện. Thế hệ trước đã làm sai những gì đến độ thế hệ sau phải lưu vong?

(Trích thư cô Nancy Nguyễn : … Con xin lỗi phải nói lời rất đau lòng này: cái hoạ mất nước có phải là do chúng con? Tại sao thế hệ đi trước được quyền sai đến độ chúng con phải lưu vong, nhưng lại tước đi cái quyền được sai của thế thệ chúng con?

Thư Cuối Gởi Cô Chú Bác Của Con – Nancy Nguyễn, 26/9/2017 – 11:54PM)

3.
Cuộc chiến tranh Việt Nam có phải là cuộc nội chiến?

Dân Quân Cán Chính miền Nam Việt Nam, bị đặt trong một tình thế tự vệ, phải chiến đấu xua đuổi bọn xâm lăng miền Bắc. Chúng nóí “na ná” tiếng mình nhưng chúng không là đồng bào mình. Chúng tàn ác xua quân xâm chiếm đất nước mình. Chúng đã giết đồng bào mình không chút gớm tay. Cuộc chiến tự vệ đó là một cuộc chiến chống bọn xâm lăng miền Bắc. Trận chiến Cộng sản và Quốc Gia tại Việt Nam KHÔNG PHẢI là CUỘC NỘi CHIẾN.

Chiến tranh là đi đôi với tàn nhẫn. Tại sao chỉ nói đến “tội ác ” của kẻ tự vệ là miền Nam mà lại khỏa lấp, thản nhiên làm ngơ trước những hành động dã man tàn ác của bọn xâm lăng miền Bắc cộng sản? Phi lý và bất công! Đám phản chiến khi xưa luôn miệng hô hào chấm dứt chiến tranh, biểu tình gây rối loạn xã hội miền Nam, nhưng tuyệt nhiên KHÔNG một mảy may “làm trời” tại miền Bắc hay hô hào Việt cộng rút quân. Tại sao?
(The Vietnam War: A film by Ken Burns & Lynn Novick – PBS)>

4.
Chống cộng sản hay chống cái ác?

a. Từ khi Việt cộng xua quân “chánh qui” lén lút xâm nhập miền Nam theo “cái-gọi-là-đường-mòn-HCM”, nhập chung với đám du kích ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, dựng lên “cái-gọi-là-Mặt-Trận-Giải-Phóng-miền- Nam” để tạo cớ xâm lăng miền Nam, thì bất kỳ người Quốc Gia già trẻ nào cũng hiểu là muốn bảo vệ quê nhà là PHẢI CHỐNG CỘNG. Rõ ràng như ngày và đêm. Không ai kêu gọi nhau CHỐNG CÁI ÁC.

Gần đây trong các cuộc biểu tình tại Việt Nam hiện nay, dân chúng, già trẻ lớn bé đều cùng CHỐNG TÀU CỘNG, không thấy biểu ngữ nào ghi là CHỐNG CÁI ÁC. Điều này nói lên rằng chống cộng sản, chống Việt cộng hay Tàu cộng không còn xa lạ với thanh thiếu niên tại quốc nội, không còn là vấn đề kỵ húy phải né tránh. Không cần thiết, thực sự là không cần thiết để mập mờ đưa họ đi vòng vòng “chống Ác” rồi cuối cùng lường gạt họ như tên già Hồ năm xưa đã lường gạt bao người ái quốc chống Pháp rồi đẩy đưa họ vào con đường cộng sản lỡ khóc lỡ cười.

Chống đảng cộng sản đang nắm quyền cai trị để có tự do, chống để có cơm ăn áo mặc như ngày xưa. Có lẽ sẽ thực tế và dễ hiểu cho người dân chân chất hơn là dùng những danh từ hoa mỹ “nhân quyền”. Cộng Sản đã nhắm vào giới công nông để đi lên. Chúng ta nên học bài học này, lấy gậy ông đập lưng ông, nóí thẳng thừng dễ hiểu cho giới này thì sẽ dễ dàng có được hậu thuẫn lớn, dễ đạt được kết quả thì hơn. Họ là những người chân lấm tay bùn, chơn chất, nói huỵch toẹt thì dễ chấp nhận nhất.

b. ÁC là một tĩnh từ trừu tượng. ÁC có một ý nghĩa tương đối.

Sao gọi là Ác? Sao gọi là Thiện?

Ác hay Thiện có thể thay đồi tùy theo cáí nhìn và cương vị của mỗi ngườì. Ác với anh chị chưa hẳn là ác với người khác. Như vậy kêu gọi chống Ác sẽ kêu gọi được bao nhiêu người? Chống một cái trừu tượng, không cụ thể sẽ khó mà đạt được thành công.

Ngược lại CỘNG SẢN là một danh từ, chỉ rõ một đối tượng cụ thể.

Hội Nghị Diên Hồng xưa kia đã vạch rõ mục tiêu, đặt rõ đối tượng là SÁT THÁT. Tổ tiên ta không hề kêu gọi Chống Ác. Do đó, cho dù quân lực Việt Nam xưa kia có thua Tàu nhưng nhờ đồng lòng và cương quyết can đảm duy nhất nhắm vào chống lại một kẻ thù chung mà chiến thắng vẽ vang.

c. CHỐNG CỘNG SẢN bao gồm CHỐNG những việc Ác mà cộng sản làm vì cộng sản luôn tàn ác, theo cái nhìn của hầu hết mọi ngườì trên tráí đất này, trừ chính bọn chúng không thấy chúng ác.

Trong khi CHỐNG CÁI ÁC chưa chắc đã bao gồm chống cộng sản.

1. Vì sao? Vì trong cái nhìn tình cảm cá nhân, bạn có quyền chọn lựa có cảm tình với anh cán bộ kia, chị bộ đội này vì anh /chị ấy KHÔNG ÁC (đối với bạn, nhưng chưa chắc không ác với ngườì khác).

Trong cuộc diện chung của Quốc Gia, Dân Tộc hay Cộng Đồng, tập hợp số đông ngườì để thực hiện một lý tưởng, một chính nghĩa thì Trắng Đen phải rõ ràng, minh bạch. KHÔNG có chuyện “lờ lợ” nửa mặn nửa ngọt như nước sông đổ ra biển tại Vàm. Việc làm này chỉ tạo cơ hội cho Việt gian trà trộn, phá quấy chương trình và kế hoạch.

2. Bạn đứng trên lăng kính nào để định nghĩa cái ÁC ?
Bọn phản chiến chống lại chiến tranh tại Việt Nam không ngừng tuyên truyền về những cái Ác của “Mỹ Ngụy”. Sự tuyên truyền này kèm theo những hình ảnh cố tình bôi bác một nguyên nhân thật phía sau, nhưng người ta không cần tìm hiểu mà tin ngay vào đó. Họ nhanh chóng kết luận, miền Nam Việt Nam là phe “chủ chiến, xâm lăng” tàn ác (ô hô là do bọn cộng sản đã gài cho thế giới tin như vậy) và bọn cộng sản Bắc Việt (thực chất là kẻ xâm lược) lại là những người “hy sinh để giải phóng miền Nam”. Nói như vậy, ai tin phe nào ÁC thì sẽ chống phe đó. Như vậy, kêu gọi chống Ác của Luật Sư Trần Kiều Ngọc hô hào, có thực sự có ý nghĩa là chống cộng sản nhưng không tiện nói ra như một vài vị đã bào chữa?

Tôi KHÔNG đồng thuận với câu tuyên bố của cô Luật sư Trần Kiều Ngọc. Cô cho là thế hệ trẻ của cô, của em cô nếu kêu gọi chống Cộng thì quá xa xôi mà chỉ nên kêu gọi chống cái Ác, bất kỳ do chế độ nào, thế lực nào làm ra.
https://youtu.be/eVSLuhVIrFk
Tài liêu của ký giả Hoàng Lan Chi.

Cá nhân tôi quá nghi ngờ lập trường này. Lập luận này hoàn toàn KHÔNG thể thuyết phục được tôi.

Với tôi, mọi việc rõ ràng như một định đề toán học:
“Phải chống cộng sản;
cộng sản Việt Nam phải bị xóa bỏ;
không hòa giải, không hòa hợp với Việt cộng nói riêng và cộng sản nói chung”.

lê ngọc túy hương
9.11.2017

30.4.1975 – 30.4.2015 Bốn Mươi Năm QUỐC HẬN

quochan

Anh thư đất Việt giương cao lá cờ VNCH tại Prague (Cộng hoà Czech)

Trong cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lược do một số nhóm người Việt đang sinh sống tại nước Cộng Hòa Czech (Tiệp Khắc) tổ chức tại Wenceslas Square ở thủ đô Prague hôm Chủ nhật 22/3/2015, một phụ nữ Việt Nam giương cao lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hoà.
Chị không phải là cư dân Czech, được tin có biểu tình chống Trung cộng xâm lăng tại đây, chị từ Ý sang tham dự với lá cờ VNCH trong tay.
Bất chấp những toan tính của người tổ chức, thoạt đẩu là lấn át, rồi dụ dỗ, chị vẫn cương quyết giương cao ngọn cờ vàng.

Dưới đây là đoạn video ghi lại đối thoại của người phụ nữ Việt kiên cường này với nhóm người tổ chức là những người đến từ Việt Nam không phải tỵ nạn cộng sản.

(Nguồn tin trích từ trang nhà “Dân Làm Báo” http://danlambaovn.blogspot.com/)

Xin cầu nguyện cho nạn nhân của “Germanwings #4U9525”

Xin cầu nguyện cho tất cả nạn nhân của chuyến bay “Germanwings #4U9525” .
Một sự thật đau lòng khi hiểu ra phần nào nguyên nhân của tai nạn.
Người phi công phụ đã cố ý điều khiển chiếc máy bay đâm đầu vào vách núi Alpen.
Tất cả 150 đã tử nạn, tại sao????
Thật hải hùng. Khi ý chí một con người cuồng điên và chỉ cần một phút thiếu suy nghĩ đã tạo ra một thảm cảnh.
Xin cầu nguyện cho tất cả nạn nhân.Germanwings-Crash 924767_855311941193827_1528845752_n 11049311_294524074004613_444049631_n beten1

Hình ảnh:Internet

Image

Chúc Mừng Năm Mới

chuc tet

Tag Cloud