VIỆT NAM CỘNG HÒA

Archive for March, 2018

Về Hạnh Bố Thí — Tùy bút của Du-Li

 

 

Có một lần đi xe hơi với cậu em từ San Francisco về Los Angeles khoảng mười một năm trước, cậu đề nghị giúp tôi phương tiện để “chị muốn làm gì thì làm, như viết sách chẳng hạn. Để chị không phải vội vã đi kiếm việc lo chuyện sinh kế.” Hồi đó tôi mới nghỉ việc ở một hãng nọ, dọn về sống với bố mẹ tôi lúc đó đã già. Tôi từ chối ngay đề nghị đó. Viện nhiều lý lẽ, trong đó có lý “chị còn khỏe mạnh thì đi làm chứ. Sao lại để chú nuôi nhỉ?” Hồi đó cậu mới ba mươi mốt tuổi, là kỹ sư, không thích nói chuyện triết lý, và hoàn toàn không biết đạo là gì, nhưng không biết từ đâu mà cậu bảo tôi : “Cả đời chị đã giúp chúng em rất nhiều, bây giờ em chỉ muốn giúp lại chị một chút thôi, trong lúc này khi hoàn cảnh cho phép. Chị biết cho thì phải biết nhận chứ! Nếu không biết nhận thì chưa chắc đã biết cho!” Tôi tiếp tục biện luận hăng hái hơn trên suốt đoạn đường còn lại. Về chuyện “thấy vui khi cho và không nhận vì không thấy cần, không muốn ỷ lại vào ai, chứ không phải vì tự ái.” Không biết tôi thuyết phục cậu hay thuyết chính mình!Nhưng câu nói “không biết nhận thì cũng không biết cho” của cậu bỗng dưng in chặt vào đầu tôi. Nằm trong đó cùng với những câu “từ nhãn thị đại chúng”, “hãy nhìn đời bằng một con mắt lạnh như tro tàn và một trái tim nóng hổi”, v.v… mà tôi đã thu thập trong những sách thiền từ hồi nào.

Rồi có một lần đọc được một truyện ngắn của chị bạn viết là hồi Thầy Thiên Ân sắp mất, chị thường hay lại thăm Thầy và rất buồn khi thấy bệnh thân thể Thầy đau đớn. Chị thường khắc khoải không biết làm gì để Thầy vui, để Thầy bớt đau. Một hôm khi chị hỏi “Thầy muốn con làm gì” thì Thầy bảo chị đi mua cho Thầy chiếc mũ đội cho ấm đầu. Hôm đó là ngày cuối tuần. Đã bảy giờ tối. Các tiệm lớn đều đóng cửa. Nhưng Thầy muốn chị đi mua ngay. Chị đành chạy ra tiệm Thrifty lúc đó còn mở cửa mua chiếc mũ đem về. Thầy nhận và tỏ vẻ vui. Còn chị thì rất vui vì làm được một việc vừa lòng Thầy.

Sau đó ít lâu Thầy qua đời. Và khi chị tới giúp dọn dẹp phòng Thầy ở cũ, chị thấy ở trong tủ Thầy có cả tá mũ đủ loại rất đẹp. Chiếc mũ của chị mua biếu Thầy hôm đó trông tầm thường nhất. Chị chợt tỉnh ra. Nhìn thì tưởng chị làm CHO Thầy vui. Chị là người làm phước. Thực ra chính Thầy cho chị cơ hội để chị được vui một lần chót với Thầy. Để chị được phước báu. Chính chị là người NHẬN, người được, người thụ ơn. Từ kinh nghiệm đó chị nhận và biết là trong cuộc đời nghĩ tới cùng thì nhiều khi người cho lại chính là người nhận. Người nhận là người cho. Không biết ai là ai. Và ai phải cám ơn ai. Thôi thì cứ cám ơn nhau vậy. Và cám ơn Đời.

Không hiểu sao tôi thích truyện đó vô cùng. Lâu lâu đem đọc lại. Đến nhập tâm. Nhưng trong đời sống hàng ngày vẫn thích LÀM CHO người khác, chứ không thích ai làm cho mình điều gì nếu tôi có thể tránh được. Cái tính này phải nói tôi “thừa hưởng” của ông bố. Hơn mười năm sống gần Cụ tôi nhìn thấy thật rõ ràng. Cả cuộc đời Cụ hy sinh cho vợ con. Giúp đỡ mọi người mà không kể ơn. Đến lúc già không còn quyền thế để giúp người như trước thì Cụ lại chắt chiu, tiết kiệm chi tiêu, dành tiền dưỡng già gửi giúp đỡ họ hàng. Cụ cất và xếp những thư đầy tình cảm ơn nghĩa từ Việt nam gửi sang đầy chật ngăn kéo. Nhưng Cụ không thích phải “nhờ” con cái điều gì. Mặc dầu Cụ để tôi lái xe đưa đi bác sĩ, đi nhà thương, hay đi thăm mấy bà cô ở quận Cam, nhưng bao giờ Cụ cũng nói “lúc nào tiện.” Nghe giọng thấy như miễn cưỡng. Những năm đầu Cụ không nói cám ơn. Cho đến mãi gần đây khi Cụ đã đọc kinh sách Phật thật nhiều tôi mới nghe Cụ nói “Thank you” với con cái. Ở nhà Cụ vẫn nhất định tự đun lấy nước sôi đổ vào bình. Tay Cụ run run nhiều lúc nước rớt ra ngoài. Tôi và cô em đã nhiều lần dặn “Cậu để đó chúng con làm cho. Không có lỡ bỏng thì phiền lắm!”

Bao giờ Cụ cũng trả lời “tôi làm được mà!”

Dần dần tôi thấy rõ là dù đã ngoài tám mươi, Cụ vẫn không thích ai LÀM CHO mình cái gì nếu Cụ nghĩ là Cụ còn làm được. Phiền là nhiều lúc Cụ ước lượng sai về sức mình. Có thể là vì Cụ vẫn thấy chuyện Cho và Nhận, Người và Ta thật khác biệt, thật minh bạch như chuyện Ngày Đêm chăng. Tôi thỉnh thoảng cũng than phiền Cụ về chuyện này với các em. Vì tôi bắt đầu thấy là những phân biệt rõ ràng như Trắng Đen của mình và người đời, nhiều khi lại chưa hẳn là như thế.

Bắt đầu biết chuyện phân biệt Cho với Nhận chỉ là sản phẩm của “cái tôi” đầy tự ái, mà thực ra cả hai chỉ là một. Biết thế mà tôi vẫn bắt gặp mình “dẫy nẫy” lên mỗi khi các em tôi cho quà, và cứ thanh minh thanh nga là đã từ lâu mình không còn tự ái nữa. Biết thế mà tôi vẫn ghi sổ ký ức tên ân nhân và nóng lòng tìm cơ hội trả nghĩa. Cũng lại thấy rõ ràng là mình suy nghĩ và hành xử không đồng nhất. Cũng lại thấy lòng hơi bực bội mỗi khi nghe cô em út say sưa nói về chuyện “có đi có lại.” “Give and Take” như là một bí quyết giao tế tối thượng trên cõi đời này. Bực nhưng chưa thấy tại sao mình bực. Có thể là vì chính trong lòng mình đang có tranh chấp về chuyện cho và nhận, chuyện ban ơn và thụ ơn chăng?

Cũng trong thời gian đó thỉnh thoảng tôi đi Oxnard thăm những ruộng rau. Ngày chủ nhật thiên hạ đi nhà thờ, đi chùa hay đi Bolsa ăn phở, thì tôi đi mót rau. Những ruộng rau nhà chủ vườn đã gặt xong, bỏ lại những cây rau không đủ tiêu chuẩn đầy ruộng, để mặc cho đến mùa sau. Tôi tới ngồi giữa ruộng rau ngắm những cây rau còn đầy sức sống. Những tàu lá phía ngoài xoè thẳng, thật xanh, có gân trắng chằng chịt như những nét họa tuyệt diệu. Như mạch sống đang trào ra ôm ấp bông súp lơ trắng tinh lấp ló bên trong đợt lá non chúp đầu vào nhau như bàn tay chắp búp sen lạy Phật. Tôi hít hà không khí trong lành và vùng bao la xanh ngắt vắng lặng. Từ cái yên bình của ngoại cảnh và nội tâm, tôi thấy niềm tri ơn vỡ bung ra ôm trọn vẹn tôi trong cái thinh không vô cùng đó. Không biết tên ai để nhớ, để có dịp trả ơn thì làm sao đây? Gọi là Đời, là Trời Phật ư? Nhưng làm sao trả ơn Đời? ơn Trời?

Mỗi lần đi như thế tôi thường khuân về hàng thùng rau đem biếu chùa và hàng xóm. Mọi người cám ơn. Nhưng trong lòng tôi thầm nghĩ chính mình phải cám ơn họ, vì họ đã nhận và tiêu thụ hộ. Không có người nhận thì làm sao tôi có dịp cho. Làm sao tôi có cớ tiếp tục đi mót rau, để dần dần nhìn thấy lòng tham của mình. Nhặt cho nhiều. Tội gì, không có thì phí của đi! Nhưng thực ra thì làm sao mà phí được khi những cây rau bỏ lại sẽ chết đi, sẽ được cầy lên vùi vào lòng đất trở lại làm phân bón cho rau mùa sau. Biết vậy nên từ đó về sau tôi thường chỉ nhặt in ít đủ nhà dùng vài ngày thôi. Còn thì ngồi chơi với ruộng rau. Nhận hưởng nắng ấm trải dài, không gian đầy ắp sức sống và những hỉ xả của Đất Trời! Bỗng nhận thấy rằng mình vẫn nhận rất nhiều, hàng ngày của Trời Đất, mà không thắc mắc. Nhưng người với người thì tại sao nhiều vấn đề thường được đặt ra. Phải chăng vì cái “ngã” còn đứng ở đó đặt ra những chuyện “người cho kẻ nhận.” Người có người không. Người đứng trên, kẻ đứng dưới, v.v… Mặc dầu kinh Phật vẫn dạy rằng hạnh bố thí là hạnh thứ nhất của người Phật tử. Bố thí trong tinh thần không còn có người bố thí và kẻ được bố thí. Chỉ có việc bố thí. Để không còn có Người và Ta, không còn tự ái dù là tự tôn hay tự ti. Vì khi còn phân biệt giữa người và ta tức là còn có “ngã.” Còn nhị nguyên. Còn tính toán hơn thiệt. Còn có đi có lại. Còn rất Đời. Chưa đi vào đường Đạo.

Tất cả những cái thấy, những cảm nhận, những ý nghĩ, những quán chiếu, những suy tư đó nằm đầy ắp óc tôi. Nung nấu. Tôi hiểu hết mọi sự bằng óc. Nhưng chưa bằng con tim. Tất cả còn nằm đó, trên óc. Được dùng để suy đoán, biện luận và phán xét. Chưa di chuyển xuống tim để biến thành máu chạy khắp toàn thân. Tới tận đầu ngọn tóc, tận kẽ ngón chân để trở thành đời sống và hành động tự nhiên như hơi thở.

Cho nên khi lâm bệnh phải nằm nhà thương cả tháng. Đầu óc nhiều lúc rất mịt mù, mất khả năng suy nghĩ mạch lạc rõ ràng. Thân thể thì hoàn toàn bất lực. Như chiếc xe hết xăng hết điện, nằm vạ giữa xa lộ. Tôi sống được hoàn toàn là nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Tôi đã nhận rất nhiều ở từ ông bác sĩ giải phẫu, cô y tá hàng ngày vào thay thuốc đến bà dọn phòng vào đổ rác mỗi ngày và bao nhiêu người làm khác để cho thân thể tôi được phục hồi. Tôi đã nhận rất nhiều từ các em tôi, từ họ hàng, bạn hữu thân thương những giúp đỡ hữu hình và vô hình trợ lực cho tinh thần tôi không sụp đổ. Tôi nhận được từ những Linh Thiêng của Đất Trời ân huệ cho tâm tôi mở ra. Bằng lòng đón nhận tất cả. Từ cái đau cho đến tận cùng là cái chết. Bệnh hoạn làm cho thân thể bất lực. Làm tương lai trở thành hiện tại. Mọi dự phóng không còn chỗ đứng. Vì chính sự sống cũng trở thành bấp bênh, biến hóa khó lường. Trên bờ vực bấp bênh đó cái ngã nín thở nằm yên. Đợi chờ. Rồi trong niềm yên lặng vô biên bên trong, và những thương yêu chân thật bao bọc bên ngoài những hiểu biết nung nấu trong óc bỗng bung ra. Tìm đường xuống tim.

Kỷ niệm một buổi tối đi nghe giảng. Rồi thiền với một nhóm người mới gặp lần đầu. Sau khi xả thiền, mọi người đứng thành một vòng tròn nắm tay nhau theo cách “Nhận Cho.” Tay trái ngửa lên cho tay người đứng bên trái mình úp xuống. Tay phải úp xuống tay trái của người đứng bên phải mình. Tất cả mọi người đều làm như vậy thành vòng tròn. Từng đôi bàn tay khum lại ôm lấy nhau. Mọi người cùng nhắm mắt trong một phút cho điện (energy) luân lưu giữa những người trong nhóm. Qua bàn tay mở ngửa, điện nhận được từ người bên trái chạy qua người mình rồi truyền đem cho người đứng bên phải, qua bàn tay mình úp xuống tay người. Truyền cho nhau “thanh điện” và tẩy biến những “trược điện” của nhau. Hôm đó ra về không những là thấy lòng vui thân khoẻ mà còn thấy mình thích quá, thích quá về lối cầm tay kiểu này. Tôi thường vẫn không thích cái kiểu nắm tay nhau, nhất là lại nắm chặt. Bởi vì thấy như có một sự nắm giữ làm của riêng và khi một người muốn buông tay ra, mà gặp người kia không đủ mẫn cảm để nhận biết, thì sẽ có một sự vẫy vùng nho nhỏ. Lối cầm tay này thật nhẹ nhàng và có ý nghĩa. Lúc đó tôi nghĩ vậy.

Kỷ niệm này trở về với tôi nhiều lần trong lúc nằm trên giường bệnh. Câu nói của cậu em mười một năm về trước trên chuyến đi từ San Fran về Los, cùng với câu chuyện của chị bạn về Thầy Thiên Ân và những kinh nghiệm về Nhận và Cho thu thập bấy lâu trong cuộc đời vẫn cất giữ trong óc, bỗng hiện ra như những mảnh puzzle. Ghép vừa vào nhau. Dần dần. Rồi một hôm nằm đọc kinh Phật nói về hạnh bố thí và giảng tại sao nên bố thí, tôi cảm thấy như mình vừa ráp xong mảnh puzzle cuối cùng. Bỗng nhìn thấy như một người tù sau bao năm nằm trong ngục tối được giải phóng để nhìn thấy ánh sáng chói lòa và vạn vật rạng rỡ của một thế giới con người tự do.

Khi ra khỏi bệnh viện, tôi lên San Jose để tiếp tục nghỉ ngơi và dưỡng bệnh tại nhà một người em trai đã có gia đình. Tôi thoải mái trong sự nhờ cậy rất nhiều ở mấy người em. Một anh bạn từ thủa trung học với em trai tôi nghe tin cũng ân cần lại thăm. Anh tình nguyện chở tôi đi bệnh viện khi cần. Thấy tôi khen cây hồng dòn nhà anh, anh cắt cho tôi những chùm hồng vàng cam còn cả lá. Anh đem cho bánh dẻo vợ làm và cuốn băng nhạc chọn lọc thu những bài ca Việt và Mỹ thịnh hành hồi đó khi anh hay xuống chơi với em tôi vào đầu thập niên 60 ở Phú nhuận. Tôi không thắc mắc khi nhận quà anh cho. Cám ơn anh mà không lúng túng. Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh cháu tôi hồi một tuổi. Hồi đó tôi đến trông cháu những ngày em tôi đi làm. Đến giờ ăn, chú bé nằm u ơ chờ tôi hâm sữa đem lại. Không thắc mắc. Ăn xong chú buông chai không xuống thảm. Nhìn tôi. Cười. Không lúng túng. Và u ơ đòi bế ra đứng cửa sổ ngóng mẹ về.

Cũng vẫn cùng là một vòng tròn. Lúc đó chú bé đứng bên phải tôi ngửa tay cho tay tôi úp xuống. Bây giờ tôi đứng bên phải anh bạn, tay ngửa lên đón bàn tay anh. Chẳng mấy khác, thì tại sao không thể cũng nhìn cười như chú bé kia. Khi đã biết rằng có một người khác đang đứng cạnh mình bên phải tay ngửa lên cho bàn tay mình úp xuống. Khi biết rằng những người đứng bên phải và bên trái mình luôn luôn đổi chỗ hàng giờ hàng ngày trong cùng một vòng tròn, hay sang một vòng tròn khác. Còn gặp lại hay sẽ không bao giờ gặp nữa. Biết vậy sẽ không còn ngại ngùng khi nhận và mong mỏi khi cho. “Ân nghĩa xin nguyện đền.” Nhưng không phải là tìm cho được ân nhân cũ để trả nghĩa. Mà luôn luôn giữ đầy ắp trong tấm lòng biết ơn Đời ơn Người để luân lưu đi những ân huệ nhận được từ người phía trái sang cho người bên mặt. Để chuyển hóa những đắng cay của Sân hận nhận được thành ngọt ngào của Hỷ xả Tha thứ đem cho người đứng bên. Không sổ sách trong tâm.

Trước Giáng sinh, cô em gái ở Virginia gửi cho ít quần áo ấm mặc trong nhà. Cùng với tấm thiệp nhắc nhở tôi là “everyday should be Christmas and we hope you will in everyday have the comfort of receiving as well as the joy of giving.” (Mỗi ngày đều là Giáng sinh và chúng em mong là chị sẽ mỗi ngày cảm thấy thoải mái khi nhận và vui sướng khi cho – Lời dịch của tòa soạn). Tôi muốn nói với cô rằng từ ngày bệnh hoạn đến nay đối với tôi “everyday IS Christmas.” Và tôi đã cảm nhận được Niềm Vui hồ hởi cả trong hành động NHẬN và CHO. Trong thực tế lúc này tôi không làm được gì Cho ai. Ngay cả mấy con tem nhiều khi cũng phải nhờ người đi mua. Nhưng sao tôi cảm thấy như có rất nhiều để cho. Phải chăng vì tôi nhận được từ Đất Trời và Người rất nhiều. Mỗi ngày. Nhận được nhiều thì cũng có rất nhiều để cho đi. Vì tôi chỉ đứng đó để chuyển hóa và luân lưu đi tất cả sau khi đã thụ hưởng hoặc thêm thắt một chút hương hoa. Rồi có lúc thấy mình không còn đứng đó để nhận hay cho, hay để thấy vui trong lòng. Mà chỉ thấy một sự luân lưu nhẹ nhàng. Không ngừng. Tự nhiên như bốn mùa thay đổi. Như lẽ vô thường của vạn vật.

Bỗng khám phá ra một quyền tự do căn bản và tối thượng của con người mà cả đời mình không hề biết tới mặc dầu vẫn tự hào là người tự do. Bỗng hiểu tại sao trong sáu phép Lục Độ bố thí là hành (động) đầu tiên của người Phật tử, và là hạnh thấp nhất. Nhưng chính hạnh bố thí cũng có thể là hạnh cuối cùng đưa con người tới giải thoát. Trọn vẹn. Đời đời.

Du Li

Chú thích: Bài này được đăng lần đầu trên nguyệt san “Phật Giáo Việt Nam” số 2538 phát hành tại Los Angeles tháng 5, 1994. Được Tạp chí Thế Kỷ 21 đăng lại trong số 63, tháng 6/1994

Chuyến Đi Lần Cuối – Tùy bút của Du Li

CDLC

Tôi cầm lá thư của chị đọc lại đoạn chị viết: “Tôi bỗng thấy mình và tất cả mọi người đều là những người ốm. Ốm bệnh khổ ấy mà và bệnh làm người khác khổ nữa, cô bảo có đúng không? Nếu thế thì mình phải đối đãi với nhau như đối đãi với người ốm. Nghĩa là hỏi han thăm nom nhiệt thành và làm vừa lòng nhau. Lâu lâu nhớ gửi cho nhau tấm thiệp thăm hỏi, đem cho nhau trái cam đầu mùa. Và nhất là tâm tình chia sẻ bệnh khổ của nhau”. Đặt lá thư xuống bụng rồi chắp tay nằm yên. Trong cái yên lặng vô cùng của khu vườn sau tôi thấy nghe tiếng lá chạm nhau xào xạc khi có gió. Tôi nghe cả tiếng thức ăn chuyển từ khúc ruột nọ tới khúc ruột kia kêu ùng ục. Tôi bỗng nhớ tới ba tuần lễ nằm bệnh viện và cuộc giải phẫu vừa qua. Cuộc đời ít khi đau ốm. Lần đầu tiên vào nhà thương cách đây hai năm là để giải phẫu cắt tử cung vì ung thư. Và bây giờ ung thư tái phát. Theo thống kê thì 93% bệnh nhân bị ung thư tử cung sau khi giải phẫu thường khỏi bệnh. Tôi rơi vào số 7% người bệnh tái phát. Theo bác sĩ, ung thư này khi tái phát thường được coi là hiểm nghèo. Tin đồn đi, bạn bè nhiều người ở xa phải nhờ chồng lái xe xa lộ cũng lặn lội tới thăm. Chỉ để cầm tay tôi vuốt ve an ủi. Để vuốt suôi những sợi tóc lòa xòa tên trán hâm hấp nóng. Thật ân cần. Thật nhẹ nhàng. Tôi nhận được những tấm thiệp chúc bình phục thật chân thành tình nghĩa. Mấy cậu em trai tôi ngày trước xuân thu nhị kỳ có tới thăm thì cũng chân trước chân sau, nói gì thì rồi cũng xoay qua chuyện làm ăn, thuế má hay computer thì mới ngồi lâu. Vậy mà các cậu ngồi với tôi hàng giờ. Xỏ cho tôi đôi dép vào chân và đỡ cho tôi vào buồng tắm. Tâm sự vụn vặt với nhau như chuyện chị em gái thường làm. Nói cho nhau những ý tưởng cảm xúc mình chưa hề động hay nói đến trong suốt khoảng bốn mươi năm trời liên hệ chị em. Rồi đêm khuya những lúc thức giấc, tôi nghĩ tới con người. Thấy hay và lạ thật. Hay ở chỗ thật ra ai cũng có tính nhẹ nhàng, kiên nhẫn, độ lượng và đầy thương yêu. Lạ là không hiểu sao người ta thường chỉ biểu lộ những quý tính này với trẻ con và người ốm. Một đôi khi với người già. Nhưng thường phải là những người già dễ tính! Tôi tự hỏi phải chăng vì trẻ con và người bệnh biết mình bất lực nên đón nhận sự giúp đỡ dễ dàng, không áy náy, không tự ái; khiến người cho dễ trở về với chân tính của mình là tử tế và thương yêu. Thật ra ai cũng muốn là người tử tế nghĩa tình, vì con người khi sống tử tế thương yêu, sẽ thấy chính mình có hạnh phúc. Kinh sách nào cũng nói vậy. Và chính tôi cũng chiêm nghiệm vậy trong cuộc đời đã trải qua và trong cơn bện hoạn này.

Những ý nghĩ ở nhà thương đêm trước hiện về, lồng vào đoạn thư vừa đọc, rồi thấy lòng lóe lên một mong cầu. “Nếu mọi người đều biết là mình ốm – ốm bệnh khổ, cái khổ nằm trong đệ bát thần khổ mà Phật đã dạy ấy mà – và cư xử với nhau như cư xử với người ốm, cuộc đới và thế gian này sẽ lành mạnh biết bao!” Nghĩ thế và rồi thấy ngay là mình đang vọng tưởng. Những ngôn từ GIÁ, NẾU là dấu hiệu của vọng tưởng. Tôi thường dựa vào những dấu hiệu này để biết mình đang ở đâu mà tìm đường quay về. Thường cứ thoắt một cái là cái đầu lại ở đâu đâu. Du hành qua không gian và thời gian một cách tự do, dễ dàng.

“Làm sao hàng phục vọng tâm. Làm sao an trụ chân tâm?” Câu hỏi của một đệ tử Phật lúc đương thời. Và cũng là thắc mắc của biết bao người, kể cả tôi. Làm sao. How to? Rồi đổ xô nhau đi tìm phương cách. Thiền là một cách. Thân có yên thì tâm mới tịnh. Tâm tịnh rồi thì mình sẽ “nhìn đời bằng một con mắt lạnh như tro tàn và một trái tim nóng hổi”. Như lời một vị thiền sư chăng? Nhìn đời và mọi sự việc mà không thành kiến, không phê phán, không phân chia, không sắp loại. Sự việc thế nào, là thế ấy. Để rồi bỗng thấy dấy lên từ trái tim nóng hổi niềm thương yêu, thông cảm và tha thứ vô cùng.

Tôi đang nằm đây im lặng. Thiền. Tập nhìn cơn bệnh hoạn của thân xác và phản ứng của người em đồng song – tức là tiểu ngã, cái personality ấy mà. Những ngày nằm bệnh viện, cơn đau quằn quại của thịt da bị mổ xẻ, của khúc ruột bị hư cắt đi và nối ngắn lại, của các thứ thuốc trụ sinh, thuốc ngủ và thuốc morphine; tất cả khiến đầu óc mịt mùng. Và từ sự mịt mùng đó thấy mình là thân xác bệnh hoạn nằm trên giường bệnh. Thấy mình là những cuống quít sợ hãi, những níu kéo, cầu mong. Chân tâm biến mất. Tâm trí biến loạn, vọng tưởng. Bị thôi thúc, lôi kéo. Vật vờ như chiếc lá trên mặt hồ một chiều lộng gió. Bao nhiêu công phu thiền tập như tan biến. Cho đến một đêm, thức giấc, qua cửa kính nhìn ra ngoài trời không trăng sao, tôi bắt gặp một cảm giác an lành vô cùng. Rồi bỗng nhớ tới hai câu thơ của thi sĩ Huyền Không

Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng.

Ta nào vậy nhỉ? Mà sao an nhiên tự tại thế. Bỗng thấy mình như với được một đầu dây để tìm về. Về đâu nhỉ? Về chân tâm. Về nơi chốn ở đó có cái nhìn lạnh như tro tàn chăng?

Từ đêm đó lúc ẩn lúc hiện thấy hình thành một đường hướng tâm nguyện. Hướng tìm gặp cái TA của thi sĩ Huyền Không. Cái ta tự tại. Đồng thời cũng sẵn sàng tan biến, hội nhập vào Đại Ngã trong càn khôn vũ trụ. Như một giọt nước trở về đại dương. Thanh thoát. Vô cầu.

Rồi cũng từ hôm đó tôi dám nhìn thẳng vào vái chết sẽ xảy đến cho mình, có thể trong một ngày rất gần. Bằng cách bắt đầu nhờ cậu em lo làm hộ chúc thư và gửi giấy cho nhà băng đóng những trương mục hiện hữu. Bắt đầu nghuệch ngoạc trên cuốn tập học trò lời căn dặn về một vài chuyện tụng niệm ma chay. Đời sống độc thân ngày càng ít nhu cầu nhờ vậy dần dần bớt đi nhiều dây nhợ với thế gian. Mấy năm gần đây tôi tự nhiên xé bỏ tất cả những thẻ tín dụng. Đi vào đời sống vật chất thật giản dị. Cho đi bớt quần áo. Chỉ giữ lại ít cái đủ mặc và một “bộ cánh” của thời phù hoa thuở trước phòng khi phải đi ăn cưới. Tự nhiên bắt chước được cái thói quen của chị bạn là mỗi khi có ai cho một cái quần mới, áo mới là lập tức phải cho bớt đi một cái quần, cái áo trong số quấn áo đương mặc. Nhiều lúc cũng tần ngần. Vì số đồ giữ lại thường là những cái mình vừa ý nhất. Nhưng rồi cũng cố gắng làm. Và quen đi. Để rồi thấy một hôm mình ngồi trước kệ sách, chọn được một mớ đem cho, Sau đó, hễ thấy bạn bè ngỏ ý thích cuốn sách nào mà mình có, là mừng rỡ gửi biếu. Ngày xửa ngày xưa, vật dụng tôi đưa người khác mượn một cách dễ dàng. Nhưng mượn sách là tôi kỹ lắm.

Nhiều lúc mặc cảm là mình ích kỷ chăng? Sau này nhìn ra thấy mình quá bám víu vào sách vở, vào kiến thức. Coi đó là mình. Coi mình là quan trọng! Tủ sách tôi càng quang thì đầu óc tôi càng nhẹ nhõm. Căn phòng ngủ ngày càng thưa trống đồ đạc, trông rộng rãi hẳn ra. Lâu lâu tâm sự với chị bạn: “một ngày nào đó em có Đi, chắc cũng dễ vì va-li nhẹ lắm rồi!” Hôm nằm bệnh viện mới thấy mình lầm to. Vì tất cả những sự “dọn mình” lúc trước mới chỉ là như lá quét sân chùa. Hành trang vật chất tuy ít thật, nhưng hành trang tình cảm còn bề bộn, nặng nề. Từ hôm đó tôi lo tập trung tâm sức vào việc dọn dẹp trong chính diện. Nhưng không phải dễ. Nhìn vào nội tâm đòi hỏi một sự thức tỉnh tuyệt đối. Trong khi đó thì con người cả đời chỉ biết phóng ra bên ngoài. Rồi quen thói đi. Sợ sự im lặng. Sợ bóng tối. Thức giấc dậy là mắt mở lơ láo. Và mở miệng. Có một lần tôi nghe một cậu em ít nói bảo tôi là: “Nếu tạo hoá muốn con người nói nhiều hơn nghe, thì con người phải có hai cái miệng và một cái tai chứ. Đằng này con người có hai lỗ tai và một cái miệng vừa dùng vào việc ăn và việc nói, thì mình phải hiểu ý Trời là muốn mình nói ít nghe nhiều mà.” Tôi nghe thấy hợp lý nên sau đó mỗi khi nhớ, cái miệng của tôi cũng ít phải làm việc  hơn. Tôi tập nghe nhiều hơn. Nghe âm thanh. Và nghe cả sự im lặng nữa. Rồi khám phá ra rằng sự im lặng rất ngọt ngào, bao dung. Một tiếng lá rơi, một tiếng chim vỗ cánh, một thinh không tĩnh lặng dẫn đưa tâm hồn vào một niềm hoan lạc vô cùng. Từ đấy thấy nhạc hòa tấu, nhạc thính phòng, tiêng hát Khánh Hà, Don Hồ, chỉ là một thoáng gió quạt nan trong cái nóng hầm hập của đêm hè trần gian. Từ đấy thấy trìu mến cái âm thanh của im lặng. Của một mình. Không thấy cô đơn. Không buồn chán.

Tôi nằm im. Nhắm mắt. Nghe. Thấy những ý tưởng hỗn tạp tiếp nối chạy trong đầu như những cụm mây bay ngang bầu trời. Không ngừng nghỉ. Thích cái này, không thích cái kia. Muốn cái này, không muốn chuyện kia. Thương người này, không ưa người kia. Họp ý, hợp khẩu, hợp nhãn v.v.. Phân chia mọi chuyện ra thành trắng đen, chấp vào ý mình mà phán đoán. Rồi mắc kẹt ở trong đó. Từ đó mua cho mình và gây cho người nhiều phiền não, khổ đau. Nghiệp chướng cứ thế mà tích tụ. Những ý tưởng và tình cảm vô trách nhiệm, rối rắm, không rõ ràng đẻ ra những nợ nần oan trái. Quán chiếu trong im lặng tôi nhận diện được một số nghiệp chướng và oan trái đời này. “Tội từ tâm khởi. Cũng từ tâm diệt. Tâm không tội diệt. Cả hai đều hết.” Nhưng còn những nghiệp chướng từ vô thỉ tàng tích lại? Làm sao mà quán chiếu cho hết trong lúc khẩn cấp này? Phải sám hối. Chỉ có cách sám hối! Tôi nghe vọng lên trong tôi lời nhủ thầm này.

Tôi nhờ Vân cho mượn mấy cuốn kinh. Sáng sáng, chiều chiều tôi mở kinh ra đọc. Đọc lần đầu tiên trong đời. Đọc như đọc sách. Nhưng đọc thành tiếng. Tôi được biết giáo sư V.K. Khoan cũng quay về đọc kinh trong hai năm bệnh hoạn trước khi Ông qua đời. Qua kinh kệ Ông thấy “Tôi lặng lẽ dìu tôi đi vào một cõi mới dấy lên. Cõi đó, lạ lạ, quen quen. Cõi đó hàng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình.”

Bây giờ thế giới của tôi chỉ còn chuyện đọc kinh học kệ. Những lúc trí óc rối loạn, tôi đem quán chiếu câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn từng được ấp ủ trong tâm: “Hạnh phúc đích thực là niềm an lạc nội tâm và tự tại mà ra. Mà niềm an lạc tự tại phải đạt lấy qua sự nuôi dưỡng óc vị tha, lòng từ bi và diệt trừ sân hận, vị kỷ, tham lam…” Rồi quy nguyện sẽ sống trong ánh sáng đó những ngày còn lại. Những lúc khác tôi chuyên cần đọc kinh dọn mình cho cuộc ra đi cuối cùng. Và mỗi khi nằm nghỉ bắt gặp đầu óc mình lang thang đi vào vọng tưởng, hay mỗi khi thân thể đau nhức, tôi bèn nhẩm đọc kinh Kính Lạy ChaKinh Kính Mừng mới vừa học thuộc lòng.

Trong cái thế giới thu hẹp đó, tôi tìm thấy những hình ảnh đầy thương yêu của Chúa và Đức Mẹ. Của Phật và Bồ Tát. Cùng các thánh thần. Và với lòng tin cậy vô cùng vào những Thương Yêu và Linh Thiêng ấy tôi sửa soạn buông mình trôi vào Cõi mênh mông đến đón.

Cảm thấy vừa run sợ, vừa mong mỏi. Trong một niềm kính cẩn chân thành. Một mình. Mà không thấy chơi vơi trong chuyến đi.

Một chuyến Ra Đi? Trở Về? Hay không Đi cũng không Về? Mà chỉ là vật chất chuyển dạng và thần thức thăng hoa?

Du Li
9/1993

Mê Man Cuốn Theo Chiều Gió – Phan Hạnh

Tôi thường hay đi theo vài người bạn nhiếp ảnh lái xe ra các vùng ngoại ô của thành phố để chụp ảnh tiêu khiển. Một ngày tháng Mười ngay sau Lễ Tạ Ơn năm ấy, chúng tôi lái xe đến vùng Halton Hills và Caledon có nhiều đồi và những con đường nhấp nhô uốn khúc để chụp ảnh cảnh mùa thu. Sau khi đã mải mê chụp nhiều ảnh đồi đất đỏ ở Cheltenham Badlands, chúng tôi đến Forks of Credit Provincial Park để lội bộ theo đường mòn thiên nhiên dài mấy cây số. Con đường khó đi hơn chúng tôi tưởng và mất nhiều thì giờ hơn. Chúng tôi đi vòng qua ao nước, đồng cỏ cao, lùm bụi, rừng thưa, dốc cao.

Khi đến một khúc sông trên thượng nguồn sông Credit, chúng tôi dừng lại nơi một cây cầu bắt qua sông và đường tàu hỏa rồi quay trở về bãi đậu xe. Lúc bấy giờ đã hơn 6 giờ chiều, trời tháng Mười bắt đầu mau tối, chúng tôi cảm thấy hơi lạnh len lẻn ập đến thấm qua làn áo. Trong ánh hoàng hôn chập choạng, những tia nắng chiều cuối cùng xuyên qua cánh đồng đầy hoa ké khiến cho chúng ánh màu hoàng kim trông là lạ. Do đã già và do gió thu thổi mạnh, chúng đều đã bị sứt mẻ, vài cánh mỏng manh đã bị gió thổi bay đi mất. Chợt thấy một đóa còn nguyên vẹn hình hài đẹp quá, tôi nán lại phía sau để chụp thêm một vài tấm ảnh trong khi các bạn tôi hối hả bước.

Hoa Ké – Thistle – Cynara (ảnh PH)

Ðến cuối thu, cây cối trơ cành, cảnh vật xơ xác, ngoài đã lạnh lắm rồi, những tấm thân già trên sáu bó -chữ của Công Tử Hà Ðông- chúng tôi chẳng dám uống thuốc liều đi lang thang chụp hình nữa e trúng gió cảm lạnh vợ sẽ rầy rà. Các đàn ngỗng Canada cũng đã xuôi về miền Nam nắng ấm mất hết cả. Không phải là “chim tuyết”, chúng tôi đành rút tó trong nhà ngồi quây quần bên nhau vừa ăn vặt vừa xem lại các phim xưa để hoài niệm một thời son trẻ ở quê nhà.

Dạ thưa vâng, chúng tôi xem lại, vì trước đó đã xem rồi vài lần. Phim hay thì dù xem lại vẫn thấy hay. Có người xem rồi mấy lần vẫn chưa hiểu hết, tức quá, kiếm truyện đọc. Có người đọc truyện trước, thấy hay qua, kiếm phim xem.

Một người bạn ghiền xi nê thứ thiệt xem phim Gone With The Wind bảy, tám lần và còn đọc tác phẩm đó nữa! Tuy tính tôi hay nghi ngờ nhưng cũng phải nghĩ chắc điều này có thật, bằng chứng là kể từ khi sách in ra năm 1936 và phim chiếu ra năm 1939 cho đến nay, sau hơn 70 năm, cả sách và phim Gone With The Wind vẫn tiếp tục tạo nhiều kỷ lục.

Tại sao Gone With The Wind, cả tiểu thuyết lẫn phim, có sức thu hút người đọc và người xem đến thế? Để có được câu trả lời thích đáng, Mít tôi, vốn ưa sống trong thế giới ảo, “xuất hồn” đi ngược dòng thời gian để gặp Margaret (Peggy) Mitchell, người đã viết ra tác phẩm kiệt xuất này và xin bà dành cho một cuộc phỏng vấn ảo.

Mít: Hi, Peggy! Tôi là Mít ở Toronto, phóng viên đài phát thanh người Việt CH9 (viết tắt của 9 chữ bắt đầu bằng CH là Chẳng Chịu Chờ Chết – Chọc Cho Chúng Chửi Chơi), trước hết xin chân thành cảm tạ Peggy đã dành thì giờ vàng ngọc cho cuộc phỏng vấn này. Xin Peggy cho biết Peggy sáng tác GWTW trong trường hợp nào?

Peggy: Thật ra tôi vốn có tính chây lười và ham chơi lắm. Tôi làm cái gì cũng là làm chơi chơi thôi. Số là từ khi còn bé, tôi đã thích cưỡi ngựa, nhưng một lần bị té nặng đã làm cho cổ chân của tôi trở nên yếu đi. Ðến năm 26 tuổi, tôi vẫn sống ở Atlanta là nơi tôi chào đời. Sự nghiệp viết lách không đi đến đâu lại đau yếu, có lúc tôi cảm thấy chán nản xuống tinh thần muốn bỏ dở luôn chuyện sáng tác. May nhờ có John Marsh, chồng tôi, một giám đốc quảng cáo, tin tưởng ở tài năng tôi và tìm cách áp lực tôi tiếp tục cầm bút. Trong 5 năm đầu (1925,1930), tôi viết nhiều và đều đặn. Tôi dùng bối cảnh của cuộc nội chiến vốn đã chấm dứt 60 năm trước. Ðến năm lên 10 tuổi, tôi vẫn chưa biết là miền Nam thua trận. Mẹ của tôi phải đưa tôi ra vùng quê ngoại ô, chỉ cho tôi thấy dấu tích hoang tàn còn sót lại của các ngôi nhà nông trại cháy nám rồi nói lên sự thật quan trọng ấy cho tôi biết. Sau này tôi cứ bị câu chuyện kể về sự bại trận ám ảnh mãi và cuộc chiến huynh đệ tương tàn luôn luôn là chiếc bóng đi bên cạnh đời tôi. Tôi không cần phải nói, ông là người miền Nam nước Việt Nam của ông và đã kinh qua biến cố 30 tháng Tư 1975, chắc ông cũng biết cái cảm giác đó nó như thế nào rồi, phải không ông Mít?

Mít: (cười trừ).

Peggy: Anyway, tôi lớn lên trong một thành phố nơi mà những kỷ niệm qua con người và các địa danh vẫn còn sống động; và một chuyến đi viếng thăm bà con bên ngoại ở một nông trại cách Atlanta 20 dặm về phía Nam đã chờn vờn mãi trong tâm trí tôi. Nông trại ấy từng do bà ngoại tôi làm chủ sau khi bà ấy đã phải di tản khỏi thành phố Atlanta khi đạo quân của tướng Sherman tiến vào. Hoàn cảnh người dân miền Nam của ông chắc cũng tương tự như vậy khi xe tăng Bắc Cộng tiến vào Saigon, có phải không ông Mít?

Mít: Dạ thưa đúng vậy…

Peggy: À! Lúc khởi sự viết, tôi chỉ biết đoạn kết cuộc và đoạn đầu của câu chuyện; và tôi chọn viết đoạn kết trước. Rhett Butler nói câu, “Frankly, my dear, I don’t give a damn!” với vợ là Scarlett rồi bỏ đi không bao giờ trở lại. Câu này tôi thuỗng của ông chồng trước của tôi khi tôi bỏ ổng đặng lấy ông chồng hiện giờ.

Margaret Mitchell (1900-1949)

Mít: Mít tôi và vô số người Việt sống lưu vong cũng ôm mộng viết hồi ký hoặc tiểu thuyết. Vậy Peggy có thể cho biết bí quyết viết thế nào để thành công?

Peggy: Tôi chẳng có bí quyết gì cả; tôi chỉ viết tùy hứng, bạ đâu viết đó. Thật ra tôi ít khi viết diễn biến câu chuyện một cách liên tục. Tôi nhảy từ đoạn này sang đoạn khác, đứt quãng nhiều năm. Viết một chương xong, tôi bỏ vào phong bì giấy dầu, đánh dấu, rồi quẳng nó qua một bên. Trải qua nhiều năm tháng, những phong bì này trở nên phai màu hoặc dính đầy vết vấy cà phê tôi làm đổ. Có khi lười tìm giấy trắng, tôi còn nguệch ngoạc viết bừa lên bên ngoài phong bì cái “list” đi chợ ghi ra các món cần mua.

Mít: Có ai biết là Peggy đang viết tiểu thuyết và khích lệ Peggy không?

Peggy: Ngoài chồng tôi ra, không ai khác biết là tôi đang viết tiểu thuyết. Tôi là người có tính vô cùng tự kỷ ám thị về phẩm chất văn chương của mình. Tôi rất thiếu tự tin, lúc nào cũng chỉ sợ nó dở và bị người ta chê bai. Có lần, tôi còn lấy một xấp bản thảo để kê chân bàn cho nó khỏi chông chênh. Tôi giấu bài viết của tôi như mèo giấu c… Xin lỗi. Ðáng nhẽ tôi không nên dùng từ ngữ thô tục. Ý tôi muốn nói là chỉ có chồng tôi được phép đọc qua bản nháp lúc bấy giờ. Khi có bạn đến thăm, tôi phải vội vàng giấu bản thảo dưới nệm giường hoặc sofa. Trường hợp bạn đến thình lình, tôi còn phải vội vơ đại khăn lau chén phủ lên máy đánh chữ nữa đấy. Nhưng tôi cũng có bật mí đôi chút cho Lois Cole, một người bạn sau đó lên New York làm việc cho nhà xuất bản McMillan.

Mít: À thì ra Peggy có “connection”?

Peggy: “Connection” cái con khỉ! Tôi viết cốt để giết thì giờ thôi chứ đâu có nghĩ là sách mình sẽ được xuất bản.

Mít: Thế Peggy viết mất bao lâu mới xong?

Peggy: Tôi bắt đầu ngồi gõ chữ từ năm 1925. Sau 5 năm dài vắt tim óc để đánh máy hàng ngàn trang giấy, tôi cũng chỉ mới hoàn tất được 2/3 quyển truyện. Phần chưa viết gồm có chương đầu, một số đoạn nối kết và tựa sách. Tôi phân vân giữa các lựa chọn: Tomorrow Is Another Day (Mai Lại Một Ngày), Bugles Sang True (Trỗi Thật Ðiệu Kèn), Not In Our Stars (Không Phải Số Mình), và Tote the Weary Load (Hành Trang Mang Nặng) nhưng vẫn chưa hài lòng. Lúc bấy giờ, cổ chân tôi hết đau; tôi tạm quên gánh nặng viết lách để hòa mình vào những sinh hoạt bình thường mà tôi yêu thích như gặp gỡ bạn bè trong các buổi ra ngoài đi dạo, đi ăn trưa, ăn tối, lễ hội, khiêu vũ, v.v. Thấy tôi lơ là, chồng tôi lại làm áp lực hối thúc. Chúng tôi dọn nhà, đống bản thảo nằm trong xó tủ. Năm 1934, tôi bị trặc cổ trong một tai nạn xe hơi; thế là lại ngưng viết. Ðến khi nhà xuất bản đồng ý in sách cho tôi thì tôi mới phấn khởi và lên tinh thần trở lại. Tôi lại moi óc và tra cứu tài liệu để viết tiếp. Nói để ông thương chứ sau gần mười năm trời cặm cụi ngồi gõ chữ mà tôi vẫn chưa hoàn tất quyển truyện. Tôi thay tên các nhân vật chính khá nhiều lần: Pansie thành Scarlett, Permelia thành Melisande rồi thành Melanie; đổi tên trang trại Fontenoy Hall thành Tara, v.v.

Mít: Thế cái tựa Gone With The Wind Peggy chọn sau cùng là do đâu mà có?
Peggy: Về phần cái tựa, vốn là một người yêu thích thơ văn, một hôm tình cờ tôi nhớ lại một bài thơ 24 câu của thi sĩ người Anh Ernest Christopher Dowson. Bài thơ có cái tựa chữ La Tinh là Non Sum Qualis Eram Bonae sub Regno Cynarae, một câu nói của thi hào La Mã Horace. Tôi đoán theo Anh ngữ nó có nghĩa là “I am not as I was under the reign of the good Cynara”. Và chính vì thế mà người ta thường gọi tắt tựa bài thơ là Cynara, trong đó có đoạn:

I have forgot much, Cynara! gone with the wind,
Flung roses, roses riotously with the throng,
Dancing, to put thy pale, lost lilies out of mind;
But I was desolate and sick of an old passion,
Yea, all the time, because the dance was long:
I have been faithful to thee, Cynara! in my fashion.

Tôi lấy làm mừng rỡ vì bốn chữ “gone with the wind” vừa phù hợp với chủ đề của tác phẩm vừa mang âm điệu thi vị lắm. Ông thi sĩ Dowson dùng câu thơ của Horace được thì tôi cũng dùng câu thơ của ông ta được, đâu có chết thằng Tây nào.

Mít: Mà… Cynara là nghĩa gì vậy Peggy?

Peggy: Cynara theo chữ La Tinh là tên của một loài atisô dại, tên Anh ngữ là thistle; trái của nó bao bọc bên ngoài nhiều gai mà người Việt ông gọi là trái kế hoặc trái ké; ai đi lội vô chỗ đó dễ bị nó dính hai ống quần.

Mít: Peggy rành sáu câu!

Peggy: Tôi rành hết 24 câu. (cười). Anyway, hoa ké trắng như bông vải, hình cầu có nhiều cánh nhỏ hình thù như một cánh dù mang hạt nhỏ xíu thường tung bay tơi tả trong không khí khi có gió nổi lên. Hồi còn học bậc tiểu học ở Việt Nam, chắc ông từng dùng từ điển Larousse của Pháp hẳn không quên nhãn hiệu có hình hoa ké và câu phương châm “Je sème à tout vent”, tôi nói có đúng không?

Mít: À… ờ… dạ vâng. Ðúng. Peggy có đưa một phần nào về kinh nghiệm đời thật của mình vào tiểu thuyết hay không?

Peggy: Tôi quan niệm tiểu thuyết phải dựa vào sự kiện thật ngoài đời mới là tiểu thuyết hay. Sự hư cấu là để tô vẽ cho bức tranh thật trở nên bi hùng hơn. Có một số biến cố trong truyện phản ảnh kinh nghiệm trong đời sống thật của tôi. Năm 1918, trong lúc tôi đang xa nhà để theo học ở Massachusetts, mẹ tôi mất vì bệnh cúm ở Atlanta; trong truyện, Scarlett trở về Tara và hay tin mẹ mất vì bệnh thương hàn. Cũng cùng năm đó, tôi hứa hôn với một trung úy trẻ sang Pháp tham dự Ðệ Nhất Thế Chiến và tử trận, cũng tương tự như người chồng đầu tiên của Scarlett vừa cưới xong thì chết, tuy không vinh quang gì, vì là chết bệnh sưng phổi trong lúc còn đang thời kỳ huấn luyện quân sự. Năm 1919, trong khi vẫn còn để tang mẹ vừa mất mấy tháng trước, tôi đi dự một buổi dạ vũ từ thiện và nhảy múa điệu Apache vung vít khiến cho thiên hạ xầm xì, cũng giống như Scarlett trong phim, còn mặc đồ đen để tang chồng mà ra nhảy với Rhett tưng bừng làm cho các mợ sồn sồn ngứa mắt! Năm 1920, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở Atlanta, tôi phải làm việc suốt đêm tại một trung tâm cấp cứu. Trong phim, Scarlett hớt hãi chạy khỏi Atlanta bừng lửa trong kinh hoàng vừa thể hiện chuyện thật trong sử sách vừa là kỷ niệm riêng của chính tôi đấy.

Mít: Thảo nào truyện của Peggy đọc sống động hấp dẫn quá chừng!

Peggy: Cám ơn ông Mít.

Mít: Dạ không có chi. Bằng cách nào mà Peggy có thể liên lạc được với nhà xuất bản? Tôi xin hỏi để rút kinh nghiệm.

Peggy: Tôi có liên lạc với nhà xuất bản bao giờ đâu. Họ đi tìm tôi đấy chứ. Năm 1935, ông Harold Latham của nhà xuất bản McMillan đến thành phố Atlanta để tìm kiếm những tay viết mới. Một người bạn của tôi là Lois Cole cũng đang làm việc cho nhà xuất bản McMillan nên có nhắc đến tôi cho Harold Latham biết. Vì thế khi đến Atlanta, ông Latham nhờ tôi hướng dẫn cho ông ta đi tìm tài năng mới, nhưng tuyệt nhiên tôi chẳng dám đá động gì đến tác phẩm của mình. Ông ta dặn hờ là nếu tôi có bản thảo truyện nào thì hãy đưa cho ông ta xem trước. Tôi vẫn không chịu đưa bản thảo của chính mình cho ông ta xem; vì theo sự nhận xét của tôi, GWTW dở quá làm cho tôi mắc cỡ.

Mít: Thế thì do cơ duyên nào mà GWTW lọt vào mắt xanh của nhà xuất bản?

Peggy: Thế rồi một hôm ngồi quán tán láo chơi, có một người bạn nhận định về tôi như sau, “Nói thật nha, tao không nghĩ mày thuộc loại nhà văn có thể viết một tác phẩm thành công. Mày không đủ quyết tâm để trở thành một tiểu thuyết gia”. Bị chạm tự ái, tôi tức tốc chạy về nhà chộp đống bản thảo đi tìm gặp ông Latham. Lúc ấy ông đang trọ ở khách sạn. Tôi hồi hộp ngồi chờ ở đại sảnh. Vừa thấy ông ta xuống, tôi thẳng thừng đùa đống bản thảo cao như núi về phía ông và bảo, “Ông cầm lấy cái của quỷ này đi ngay không thôi tôi đổi ý bây giờ!” Ông ta phải chạy đi mua một cái valise riêng để đựng nó đấy.

Sau khi ông ấy rời thành phố Atlanta để về lại New York rồi thì tôi mới lạnh cẳng đổi ý. Tôi tức tốc chạy ra bưu điện gởi ngay cho ông một bức điện tín đòi ông trả bản thảo lại. Ông ta có nhận được bức điện tín đó nhưng cứ lờ tôi đi và làm như không biết. Sau đó ông ta mới tiết lộ với tôi là ông chưa từng thấy bản thảo nào bê bối như bản thảo của tôi. Nó vừa vàng ố, ẩm mốc mà lại còn chi chít chỗ sửa bằng bút chì; ông ngồi trên xe lửa lắc lư con tàu đi vừa đọc vừa mắng thầm tôi quá chừng. Ấy vậy mà ông thính mũi đánh hơi biết ngay đó là một tác phẩm ăn khách và hái ra tiền. Ông ta liền “offer” sẽ in, với điều kiện là tôi phải viết nốt cho xong chương đầu còn thiếu, làm tôi tưởng tôi nghe nhầm chứ!

Mít: Rồi sao nữa? Peggy kể gấp đi. Chính tôi đây là một phóng viên lão làng (già, nhưng không lão luyện) mà còn hồi hộp đây nè!

Peggy: Ông Mít ơi! Lúc ấy tôi lo lắm! Tôi sợ khi tác phẩm của tôi tung ra rồi không biết người miền Nam có vui lòng đón nhận nó hay không; hay là họ lại trách tôi nhắc chi đến chuyện tan hàng thua trận, ông có hiểu không? Nếu họ không đón nhận GWTW, biết đâu tôi cũng sẽ bị “quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” và bị mọi người xa lánh. Ông Latham gia hạn cho tôi trong sáu tháng phải hoàn toàn viết xong để in. Tôi phải đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu bận và sửa chữa các chi tiết để cho nó ăn khớp với tài liệu sử.

Mít: Vậy sau khi sách tung ra rồi, dư luận đọc giả toàn quốc nói chung và miền Nam nói riêng phản ứng ra sao?

Peggy: McMillan in và tung ra đợt đầu mười ngàn cuốn tháng Tư 1936, tháng Bảy in thêm 50,000 cuốn nữa. In ra bao nhiêu người ta mua hết bấy nhiêu. Chỉ trong sáu tháng đầu đã bán ra nửa triệu cuốn và một năm sau hơn một triệu cuốn; tôi không thể tưởng tượng. Tờ New York Times khen ngợi nhiệt liệt trên trang nhất, tờ New York Sun so sánh GWTW như War and Peace của văn hào Nga Leon Tolstoy làm tôi nở mũi. Các tên tuổi lớn trên văn đàn Mỹ đương thời như Stephen Vincent Benet, Robert Nathan, và nhà văn H. G. Wells của Anh Quốc đang có mặt ở Mỹ lúc bấy giờ đều khen ngợi tôi. Ðiều tôi vui mừng hơn hết là toàn thể báo giới miền Nam đều nồng nhiệt đón nhận đứa con tinh thần của riêng tôi và của cả miền Nam thân yêu của tôi. Qua năm sau thì tôi nhận được giải Pulitzer Prize.

Mít: Theo Peggy thì nhờ vào yếu tố nào mà GWTW thành công?

Peggy: Về giá trị văn chương thì tôi nghĩ GWTW cũng không hơn không kém các tác phẩm ăn khách khác. Sở dĩ nó thu hút đọc giả, nhất là phái nữ, là vì nó đánh đúng tâm lý vai trò người phụ nữ cần có cá tính mạnh có thể đương đầu với mọi thử thách cam go trong cuộc sống và nhất là đương đầu trong mối liên hệ phái tính đối cực là người đàn ông. Tôi cố tình để cho nhân vật Scarlett có những khuyết điểm như nóng nảy, ích kỷ, đanh đá, khe khắc, nhất là đối với gia nhân, vì tôi không muốn tạo ra một nhân vật nữ anh hùng toàn hảo như trong thần thoại Hy Lạp.

Tôi muốn nàng thật gần gũi với một mẫu phụ nữ mà ta có thể gặp trong đời thường ở bất cứ đâu. Kể từ khi có Jane Eyre một trăm năm trước đến bây giờ mới có Scarlett O’Hara xuất hiện. Nữ sĩ Charlotte Bronte giới thiệu người con gái trẻ cương quyết tự giải phóng để trở nên độc lập trước những áp lực xã hội dưới triều đại Victoria Anh Quốc. Tương tự như thế, Scarlett O’Hara có đủ ý chí phản kháng lại mọi thống trị của phái nam. Ðẹp quyến rũ, thông minh, sắc bén, với thể chất nhỏ nhắn nhưng trong nghịch cảnh hay trong cơn cấp bách, nàng vẫn can đảm xoay sở không chịu khuất phục và hành động xử sự bằng lý trí hơn là tình cảm như một đấng nam nhi.

Chắc ông nhớ chứ? Cuối truyện, sau khi Rhett bỏ đi, Scarlett nói, “..Tara!…Home. I’ll go home, and I’ll think of some way to get him back! After all, tomorrow is another day!” (Tara!…Quê nhà. Phải, ta sẽ về, và bằng cách nào đó ta sẽ làm cho chàng trở về với ta. Dù gì chăng nữa, ngày mai cũng chỉ là một ngày nữa thôi!). Ông thấy không? Nàng chủ động tự quyết định đời mình; nàng sẽ phấn đấu để sống còn, và tinh thần bất khuất của nàng nối tiếp cho cuộc khởi dậy của Jane Eyre. Ðó là niềm hứng khởi cho phụ nữ chúng tôi ước vọng. Bằng quyết tâm, chúng tôi có thể vượt qua được mọi trở ngại để vươn lên từ đống tro tàn để xây dựng lại từ đầu. Tôi nghĩ đó là yếu tố chính của thành công. Nhưng tôi cũng muốn thú nhận với ông một điều là nếu không có sự hỗ trợ và thúc đẩy của chồng tôi thì chắc là tác phẩm GWTW không hề có.

Mít: Xin được phép hỏi Peggy câu hỏi cuối là thường thường những câu chuyện tình đều có kết cuộc tốt đẹp kiểu “They live happily together ever after”, vậy Peggy có định viết quyển kế tiếp cho Scarlett gặp lại Rhett như ý nàng muốn hay không?

Peggy: (cười lớn) Ông điên rồi sao? Tiền bản quyền tôi kiếm được xài mãn đời không hết, tội gì tôi phải ngồi gõ lọc cọc nữa cho mệt thân? Vả lại, tôi có nói với ông từ đầu là tính tôi chây lười và ham chơi lắm. Thôi ông về lo viết chuyện của ông đi nhé. Cuộc phỏng vấn cũng đã quá dài. Bye ông.

Bị đuổi khéo, Mít tôi cám ơn bà và ra về.

Nhưng cuộc đời quả thật oái oăm; trong khi nhân vật Scarlett của Cuốn Theo Chiều Gió cương nghị và can đảm đứng vững trước mọi vinh quang cũng như thất bại thì tác giả Margaret ngoài đời không được như thế. Bà rất yếu đuối về ý chí, bà luôn phải tìm sự trợ giúp nơi người chồng. Danh vọng và tiền tài đến với bà có khi trở thành một sự đe dọa hơn là một sự giải phóng. Bà càng trở nên an phận thúc thủ hơn dưới bóng hôn nhân và không cầm bút nữa. Bà cảm thấy như bị vây hãm bởi sự nổi tiếng của bà, sự chú ý theo dõi của giới truyền thông và sự ái mộ của công chúng dành cho bà.

Năm 1945, chồng bà bị kích tim và sức khoẻ ông không bao giờ hồi phục như cũ. Bà trở nên hiền thục hơn và càng giống như nhân vật Melanie trong tác phẩm của bà, một người vợ dịu dàng thương yêu luôn luôn kiên nhẫn chịu đựng chăm sóc cho chồng. Không ngờ số phận khiến cho bà ra đi trước. Bà mất năm 1949 lúc chỉ mới 48 tuổi; chồng bà mất năm 1952 và được chôn bên cạnh mộ bà tại nghĩa trang Oakland, Atlanta. Với cả hai đời chồng, bà đều không có con. Nhưng đứa con tinh thần của bà sẽ sống mãi trong lịch sử văn chương mặc dù có tựa là Cuốn Theo Chiều Gió.

Phan Hạnh.

Con Chó Quân Khuyển NEMO – Phan Hạnh HCA

Trong suốt thời gian Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, con chó quân đội được xem là anh hùng nổi tiếng nhất là con chó tên Nemo, số quân A534. Nemo có mặt và phục vụ chiến trường Việt Nam từ tháng Bảy năm 1965 đến tháng 12 năm 1966 thì phải hồi hương vì bị thương trong một vụ đặc công Việt Cộng đột nhập tấn công phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn.

Trước khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến tại Việt Nam từ năm 1960, các kế hoạch gia Mỹ đã ý thức rõ và tiên liệu được rằng các căn cứ Không Quân và các phi trường quân sự sẽ là mục tiêu cho Việt Cộng tấn công. Một dự án nghiên cứu và phát triển quân khuyển cho các đơn vị Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam được đề ra tại một trại huấn luyện chó ở Gò Vấp từng do người Pháp sử dụng trước đó.

Một kế hoạch huấn luyện quân khuyển để canh gác phòng thủ và bảo vệ phi trường được thành lập. Tháng Bảy năm 1965, 40 quân khuyển Mỹ đầu tiên được đưa đến bố trí tại 3 phi trường lớn nhất là Sài Gòn, Biên Hòa và Đà Nẵng. Đến cuối năm, con số này tăng thêm, nâng tổng số quân khuyển lên 99 con. Qua đến tháng Chín năm 1966, có hơn 500 quân khuyển Mỹ phục vụ tại 10 căn cứ.

Trong suốt khoảng thời gian 17 tháng, tính từ tháng Bảy 1965 đến tháng 12 1966, không có bất cứ một toán đặc công cộng sản nào lọt được vào vòng đai phòng thủ các căn cứ quân sự Mỹ có quân khuyển canh gác ở Việt Nam.

Con chó Nemo ra đời tháng Mười năm 1962. Nó thuộc giống chó bẹc-giê Đức (German Shepherd), lông hai màu nâu và đen. Lúc Nemo một tuổi rưỡi và nặng 85 cân Anh, nó được Không Lực Hoa Kỳ tuyển dụng vào mùa hè năm 1964. Nemo được gởi theo học một khóa huấn luyện kéo dài tám tuần lễ tại Trường Đào Tạo Chó Canh Gác Lackland ở thành phố San Antonio thuộc tiểu bang Texas. Hoàn tất khóa huấn luyện, Nemo rời quân trường và theo người  dẫn dắt là binh nhì Leonard Bryant Jr đi phục vụ tại Bộ Chỉ huy Chìến Lược Không Quân tại Căn Cứ Không Quân Fairchild gần thành phố Spokane thuộc tiểu bang Washington.

Tháng 1 năm 1966, Leonard Bryant Jr dắt Nemo lên đường để qua chiến trường Việt Nam cùng với những toán quân khuyển khác. Nemo được đưa về Trung Đội Cảnh Sát An Ninh Quân Đội 377 đóng tại Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhất.

Sáu tháng sau, vào Tháng Bảy 1966, người dẫn dắt ban đầu của Nemo là binh nhì Không Quân Leonard Bryant Jr được hoán chuyển và quay trở về Mỹ. Người thay thế để dẫn dắt và chăm sóc cho Nemo là binh nhất Không Quân Robert Thorneburg 22 tuổi. Tiếp sau đó, một biến cố lớn xảy ra với hai thầy trò Nemo khiến cho Nemo trở nên nổi tiếng, đưa tên tuổi nó vào lịch sử ngành quân khuyển Hoa Kỳ.

Đêm 4 tháng 12 năm 1966, theo thủ tục thông thường, binh nhất Thorneburg có mặt tại đơn vị 3 tiếng đồng hồ trước phiên trực tuần canh khởi sự lúc mười giờ đêm. Thorneburg kiểm tra Nemo kỹ lưỡng để chuẩn bị nhận công tác. Mỗi toán gồm một người và một chó chịu trách nhiệm tuần canh một khu vực. Với khứu giác bén nhạy, chó thường phát hiện ra kẻ gian trước và làm tín hiệu báo động cho người dắt bằng cử chỉ và tiếng kêu. Theo thủ tục hành quân, người dẫn dắt sẽ dùng máy liên lạc báo cáo sự việc với ban kiểm soát an ninh trung ương; báo cáo xong sẽ xua chó tiến vào nơi tình nghi để xem xét và báo cáo kết quả.

Gần đến giờ tuần canh, các toán quân khuyển trung đội 377 lên xe để được chở ra vòng đai chu vi phòng thủ phi trường và được rải ra nhiều địa điểm. Họ không biết là có một toán quân Việt Cộng đông khoảng 60 chiến sĩ đặc công đã lén lút xâm nhập vào hàng rào vòng đai căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất với âm mưu phá hủy các phi cơ. Họ đang ẩn núp mai phục để chờ đến giờ hành động.

Đêm ấy là một đêm với bầu trời trong và đầy sao. Các toán quân khuyển bung ra đi lục soát mọi ngỏ ngách, không biết là nguy hiểm đang rình rập họ. Việt Cộng thừa hiểu tầm quan trọng về mối nguy hiểm của chó quân khuyển cho nên họ nhắm ưu tiên triệt hạ các mục tiêu bốn chân.

Vì âm mưu xâm nhập đã bị lộ, đặc công Việt Cộng từ các chỗ ẩn núp bắt đầu khai hỏa. Rebel là con chó quân khuyển đầu tiên bị trúng đạn tử trận đêm hôm đó cùng với người dẫn nó. Một lúc sau, một con chó khác tên Cubby và người dắt nó cũng bị Việt Cộng bắn tử thương. Đến lượt con chó thứ ba tên Toby cũng hy sinh cùng với người dẫn dắt.

Nơi Throneburg và Nemo tuần canh là một nghĩa trang bỏ hoang trong chu vi phòng thủ của căn cứ, cách nhà chứa phi cơ khoảng bốn trăm thước. Nemo đang đi thì dừng bước ngước mắt nhìn một ngôi miếu nhỏ trong nghĩa trang. Thorneburg lấy làm lạ, quan sát con chó xem nó đang muốn gì. Mắt nó sáng lóng lánh; hai vành tai dựng thẳng lên; lông quanh cổ nó xù ra. Thorneburg linh tính là Nemo đang cảm nhận có một cái gì ở chỗ đó. Nhưng Thorneburg chưa kịp mở máy liên lạc với Trung Tâm Kiểm Soát An Ninh thì “cái gì đó” đã nổ súng. Một viên đạn xuyên qua vai Thorneburg. Nemo thì bị trúng một viên đạn xuyên từ gần sát dưới mắt phải trỗ ra mõm..

Những tưởng đó sẽ là một kết cuộc bi thảm nhưng Nemo không chịu buông xuôi đầu hàng tình huống. Bất chấp vết thương, con chó nặng 90 cân Anh lao tới bốn tên đặc công Việt Cộng đang núp nơi ngôi miếu đã nổ súng bắn nó và chủ nó. Thorneburg tức khắc bấm máy liên lạc báo cáo tình hình nguy ngập. Căn cứ báo động. Lực lượng ứng chiến khẩn cấp tiếp viện chống trả cuộc tấn công đột kích. Các xạ thủ ổ súng máy gần hang-ga cũng sẵn sàng nhả đạn nếu địch quân băng qua phi đạo. Âm mưu của Việt Cộng nhằm phá hoại phi trường đã thất bại. Sau mấy giờ giao tranh, chúng bị đẩy lui, để lại tại chỗ 13 xác đồng đội.

Toán cứu viện xông ra tức khắc triệt hạ những kẻ xâm nhập và tải thương binh vào điều trị khẩn cấp. Các nhân viên tản thương phải khó khăn lắm mới giữ Nemo lại vì nó không chịu rời Thorneburg.

Vị bác sĩ thú y Raymond T. Hutson tại Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt đã giải phẫu mắt và may vá vết thương trên khuôn mặt bị rách của Nemo. Bác sĩ cũng đặt một ống khí quản phụ để giúp con chó thở. Mắt phải của Nemo bị lòi ra khỏi hốc mắt không cứu vãn được; bác sĩ đành phải cắt bỏ.

Nemo khi vừa được tải thương

Nemo với vết thương ở mắt


Nemo bị mất một mắt

Thorneburg được di tản đến Bệnh viện Không lực Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Tachikawa ở Nhật để hồi phục. Người dẫn dắt và con chó đã cứu sống anh ta đành phải chào nhau lời tạm biệt. Nemo hồi phục tại căn cứ Tân Sơn Nhứt. Nó nhận được nhiều thiệp chúc mau bình phục từ các em học sinh ở Mỹ. “Nemo thân mến, Tôi yêu chó. Tôi hy vọng bạn sẽ khỏe mạnh.

Những tưởng Nemo với một mắt vẫn có thể được giữ lại để tiếp tục đảm nhận công tác tuần canh, nhưng hóa ra vết thương của nó cần điều trị thêm. Vào ngày 23 tháng 6 năm 1967, Bộ Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ quyết định cho Nemo được giải ngũ trong vinh dự với tư cách là con chó săn đầu tiên được chính thức nghỉ hưu từ các dịch vụ tích cực. Đơn vị Không Quân Mỹ ở Tân Sơn Nhứt lo thủ tục cho Nemo hồi hương. Điểm đến là Trường Đào Tạo Quân Khuyển Lackland, Texas.

Chuyến bay hồi hương của Nemo có người dẫn dắt là binh nhì Melvin W. Bryant đi kèm, qua các chặng dừng ở Nhật Bản, Hawaii và California. Tại mỗi điểm dừng, các bác sĩ thú y của Không Lực cẩn thận kiểm tra tình trạng sức khỏe của Nemo để xem nó có dấu hiệu khó chịu, căng thẳng và mệt mỏi hay không.

Cuối cùng, chiếc phi cơ Globemaster C124 đã đáp xuống căn cứ không quân Kelly, Texas vào ngày 22 tháng 7 năm 1967. Đại úy Robert M. Sullivan, sĩ quan phụ trách chương trình huấn luyện và các nhân viên đào tạo chó gác ở Lackland có mặt tại sân bay để chào đón Nemo, đứa con dũng cảm của trường trở về.

Nemo được cho mãn nhiệm và nghỉ hưu vĩnh viễn, được cấp cho một cái chuồng đặc biệt riêng mới toanh để lưu trú gần cơ sở thú y. Chuồng của Nemo như một ngôi nhà xinh xắn có dấu hiệu với bảng tên, số quân, và thông tin chi tiết về công trạng anh hùng.

Nemo nằm trước chuồng

Đáp ứng nhiều yêu cầu và lời mời, Nemo có nhiều dịp được Đại úy Sullivan đưa đi nhiều nơi khắp nước Mỹ tiếp xúc với học sinh và công chúng, xuất hiện trên các đài truyền hình để làm công tác quảng bá thông tin, tuyển dụng Không quân và cổ súy cho ngành quân khuyển.

Nemo qua đời tự nhiên vì tuổi già tháng 12 năm 1972 ngay trước dịp lễ Giáng Sinh, sống được 11 năm. Dự tính bảo quản xác của Nemo để lưu giữ và trưng bày tại Viện Bảo Tàng Không Gian Smithsonian bất thành vì một trục trặc kỹ thuật. Do đó, Nemo được chôn cất vào ngày 15 tháng 3 năm 1973. Cho đến lúc đó, sự có mặt của Nemo tại căn cứ Lackland đã nhắc nhở các sinh viên về tầm quan trọng của một con chó đối với người điều khiển nó – và cho toàn bộ đơn vị.

Ngôi chuồng, bia mộ và tượng của Nemo ở Dog Center Lackland Air Base San Antonio Texas

Theo thống kê, con số chó quân khuyển Mỹ hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ ở Việt Nam là vào khoảng 500 con để cứu mạng sống cho hàng ngàn binh sĩ.

Nemo may mắn chỉ bị thương và được xem là con chó anh hùng đầu tiên từ chiến trường trở về quê hương và có lẽ là chú quân khuyển nổi tiếng nhất trong tất cả quân khuyển trong chiến tranh Việt Nam.

Phan Hạnh.

Nguồn tài liệu tham khảo:
http://www.bestinshowdaily.com/brownies/
https://www.corvetteforum.com/forums/off-topic/3512684-nemo-a534-usaf-k9-hero.html
http://www.pbase.com/635thk9/nemo_most_famous
https://en.wikipedia.org/wiki/Nemo_A534
https://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&GRid=16222538

PH-HCA

Tag Cloud