VIỆT NAM CỘNG HÒA

Archive for the ‘Thơ TRẦN VĂN LƯƠNG’ Category

Quê Mình Giờ Thế Đó” – Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Nhìn về chốn cũ mà đau,
Lương tâm, nhân tính từ lâu không còn.

Quê Mình Giờ Thế Đó

Trăng nhỏ giọt trên mái đầu bạc phếch,
Người già ngồi, ngốc nghếch ngước nhìn mây.
Quanh gót chân vương vãi đống báo ngày
Đầy tin tức đắng cay từ quê mẹ.

Lòng muốn khóc, nhưng mắt không còn lệ,
Thoáng nhìn quanh rồi lặng lẽ cúi đầu,
Cắn chặt môi, đè nén chuỗi thương đau
Đang cuồn cuộn tranh nhau gầy giông gió.
*
*     *
Trời đất hỡi, quê mình giờ thế đó,
Chỉ mới vừa nhuộm đỏ mấy mươi năm,
Mà đã thành một địa ngục tối tăm,
Thành hang ổ bọn phi cầm phi thú.

Đất nước Việt, nhưng giặc Tàu làm chủ,
Đám cầm quyền chỉ là lũ gia nô,
Vâng lệnh ngoại bang, hành động điên rồ,
Theo vết của tên tội đồ dân tộc.

Vét tiền bạc chuyển dần ra ngoại quốc,
Đẩy cháu con đi “du học” xứ người,
Học hành gì, toàn chỉ có ăn chơi,
Sắm xe cộ, tậu cơ ngơi khắp chốn.

Để chuẩn bị sẵn sàng nơi ẩn trốn,
Sau khi Tàu xâm chiếm trọn quê cha,
Chẳng điều gì dẫu hèn mạt xấu xa,
Mà chúng chịu buông tha hay từ bỏ.

Nhưng lớn nhất là tội làm sụp đổ
Cả một nền đạo đức tổ tiên ta
Đã hy sinh dốc xương máu mình ra
Để gầy dựng cho nước nhà thuở trước.

Nhìn tư cách của người dân một nước,
Thì ít nhiều cũng biết được rồi đây,
Xứ sở này sẽ nhẹ bước cao bay,
Hay sớm muộn cũng có ngày xóa sổ.

Ngắm quê cũ, lòng càng thêm xấu hổ,
Đạo đức dân mình xuống hố thật nhanh,
Từ đám già cho đến lũ trẻ ranh,
Đâu cũng thấy toàn gian manh độc ác.

Vì tổ quốc biểu tình thì lác đác,
Nhưng hùa đi đại nhạc hội thì đông,
Mặc cho Tàu dần chiếm đoạt non sông,
Miễn mình được nghe văn công hò hét.

Rồi lớn bé xuống chật đường gào thét,
Nhảy cẫng lên mừng kết quả trận banh,
Nhưng trong khi đất nước mẹ tan tành,
Vẫn lãnh đạm làm thinh không nhúc nhích.

Kéo nhau đi du lịch,
Giở lắm trò lố bịch, lưu manh,
Vào xứ người mà ăn cắp như ranh,
Trơ trẽn lộ toàn hành vi bỉ ổi.

Về giáo dục, nói ra càng tức tối,
Học sinh thì gian dối đến thành tinh,
Đám thầy bà càng đáng rủa đáng khinh,
Còn xảo trá hơn học sinh vạn bội.

Điểm qua các thành phần trong xã hội,
Bắt đầu từ cán bộ tới dân đen,
Từ “giáo sư”, “tiến sĩ” tới phu phen,
Đâu cũng chỉ xem đồng tiền trên hết.

Khi đạo đức bị hoàn toàn hủy diệt,
Và lương tâm cũng biền biệt ra đi,
Thì chẳng cần phải có phép tiên tri,
Cũng biết rõ được cái gì sẽ đến.
*
*     *
Chạnh nhớ lại lời thề khi vượt biển,
Tiếng sụt sùi đêm tách bến ra khơi,
Mới đây thôi đã mấy chục năm rồi,
Lòng già bỗng thấy bồi hồi vô hạn.

Nhìn một số người mang danh “tỵ nạn”,
Lại càng thêm buồn nản lẫn xót xa,
Kẻ “thăm quê”, kẻ du lịch “dối già”,
Kẻ “từ thiện”, kẻ về “ra mắt sách”.

Nhặt đống báo, vất vô thùng cái toạch,
Miệng lầm bầm tự than trách khôn nguôi,
Lối quê nhà đà vĩnh viễn xa xôi,
Chút hy vọng nhỏ nhoi đành lịm tắt.

Trạm xe buýt, ánh đèn mờ hiu hắt,
Khác chi đời kẻ ngắc ngoải tha phương,
Đã đến chặng cuối đường,
Còn phải khóc nhìn quê hương sắp mất.

Trần Văn Lương
Cali, 11/2018

Mày Lại Về ‘Ăn Tết’ – Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Giang san đã bán cho Tàu,
Người về “ăn Tết” có đau tấc lòng?

Mày Lại Về “Ăn Tết”

(Mượn lời người còn kẹt lại VN nói với đứa bạn
đã từng vượt biên và đã từng mang danh “tỵ nạn”)

Tao mới biết mày luôn về “ăn Tết”,
Nhưng mày hằng trốn biệt chẳng tìm tao,
Vì ngại tao túm áo hỏi tại sao
Mày không nghĩ đến đồng bào đất nước.

Hãy nhớ lại vài chục năm về trước,
Khi Việt nam vừa được Mỹ bang giao,
Mày đã quên lời thề thốt đêm nao,
Vội lén lút xé rào về “ăn Tết”.

Tao bắt gặp, mày bèn thề sống chết,
Rằng về đây, cương quyết chỉ một lần,
Mục đích là để thăm viếng người thân,
Và cải táng mộ phần cho bố mẹ.

Nhìn mắt mày rưng lệ,
Tao phân vân rồi khe khẽ mủi lòng,
Thầm nghĩ ai chưa quên hẳn giống dòng,
Ắt còn có chút gì không đến nỗi.

Sau lần đó, mỗi thằng đi một lối,
Tưởng mày đà biết nghĩ tới quê cha,
Có ngờ đâu những lời nói thiết tha
Ngày xưa đó hóa ra là láo hết.

Tao đau lòng được biết,
Bấy lâu nay, hễ Tết đến Xuân về,
Mày hầu bao rủng rỉnh ghé “thăm quê”,
Lo đàn đúm hả hê không biết mệt.

Tao nghe nói, có năm gần trước Tết,
Mày lên đồ lính trận thiệt oai phong,
Xuống Bolsa, hùng dũng giữa đám đông,
Hô chống Cộng, trông vô cùng lẫm liệt.

Nhưng sau đó, khi Sài Gòn đón Tết,
Bỗng có mày về lê lết ăn chơi,
Sáng la cà, chiều du hí khắp nơi,
Thỉnh thoảng lại giở trò chơi “từ thiện”.

Đám bè bạn xưa theo mày vượt biển,
Đã lắm thằng giờ hiện ở nơi đây,
Cùng mày luôn họp thành lũ thành bầy,
Đêm trác táng, ngày no say “thoải mái”.

Tao nhớ mãi, lần đầu mày trở lại,
Mày vẫn còn ái ngại một vài phân,
Nhưng ngày nay mày ắt đã quen dần
Nên mặt mũi càng câng câng vênh váo,

Khác hẳn lúc năm xưa mày đã bảo,
Chỉ về đây để báo hiếu mẹ cha,
Nhân tiện thăm bè bạn với thăm nhà,
Trước khi phải rời xa quê mãi mãi.

Mày xui xẻo giờ bị tao gặp phải,
Chẳng sượng sùng, còn lải nhải biện minh,
Nào đi xa nên nhớ quá quê mình,
Nào tiếng gọi gia đình không dám cãi!

Mày có biết khi xênh xang trở lại,
Mày vô tình đã làm hại quê hương,
Đã góp phần nuôi dưỡng bọn bất lương,
Đưa đất nước vào con đường hủy diệt.

Chuyện quá khứ mày đà quên hết tiệt,
Quên vợ con mày chết ở Biển Đông,
Quên những ngày trại tỵ nạn long đong
Khúm núm sợ phật lòng thằng gác Thái.

Tao chỉ hỏi lần này rồi mãi mãi
Quyết sẽ không gặp lại bản mặt mày,
Đứa chối từ thân phận để về đây
Đạp lên nỗi đắng cay toàn dân Việt.

Mày có thấy thường dân bị đánh giết,
Khách trên đường chỉ liếc mắt rồi thôi,
Vẫn thản nhiên, vẫn phớt tỉnh nói cười,
Nhân tính của người thời nay thế đó!

Mày có thấy bầy công an cán bộ
Bắt con dân yêu nước bỏ vô tù,
Bao nhà nông tài sản bị tịch thu
Chỉ còn biết ngậm căm thù, nuốt lệ?

Mày có thấy đám đầu xanh tuổi trẻ,
Trai rạc rài chẳng kể đến ngày mai,
Gái bán rao trinh tiết tận nước ngoài?
Đấy, hy vọng cùng tương lai nước Việt!

Mày có thấy năm nay về “ăn Tết”,
Bắc đến Nam, nhốn nháo Chệt đầy đường,
Trong lòng mày có thoáng chút buồn thương
Cho vận mệnh của quê hương đất nước?

Hay mày vẫn còn vênh vang như trước,
Kệ quê nhà, miễn mày được vui chơi,
Được rượu chè cùng trai gái thảnh thơi,
Mặc nước mất vào tay người dị tộc?
*
*     *
Thêm một lần Bắc thuộc,
Leo lét buồn ánh đuốc giữa đêm đen.

Trần Văn Lương
Cali, 11/2018

Nghẹn Ngào Gió Muối – Thơ Mùa Quốc Hận của Trần Văn Lương

Dạo:
Dập dồn gió muối biển khơi,
Trên môi mặn chát lệ người xa quê.

Nghẹn Ngào Gió Muối

Chiều ngắc ngoải, nắng chuồi trơn tuột,
Tháng Tư về giá buốt hồn câm.
Mây loang đáy nước tím bầm,
Trùng dương vẳng tiếng khóc thầm gọi nhau.

Manh áo cũ đượm màu gió muối,
Người tần ngần, tiếc nuối bâng quơ,
Mắt nhìn quanh quẩn ngẩn ngơ,
Thương bầy sóng nhỏ lên bờ phơi thây.

Buồn ngẫm lại từ ngày mất nước,
Biết bao người cất bước ra khơi,
Trời không cho được tới nơi,
Đành cam đáy biển ngậm cười xót xa.

Thân may mắn vượt qua bão tố,
Cuối cùng đà đến chỗ bình an.
Dù xa cách vạn quan san,
Vẫn nghe đòi đoạn ruột gan sớm chiều.

Kể từ lúc đánh liều tránh loạn,
Giữ lời thề tỵ nạn sắt son,
Bao lâu lũ giặc vẫn còn,
Thì đành đất khách mỏi mòn lất lây.

Quê hương cũ giờ đây xa lạ,
Người dần quên hết cả cội nguồn,
Tập tành rặt thói con buôn,
Bày mưu tính kế lách luồn lừa nhau.

Đất nước đã do Tàu làm chủ,
Chỉ bạo quyền no đủ giàu sang,
Mặc dân đói khổ trăm đàng,
Hằng mong chóng được nhẹ nhàng xuôi tay.

Biển quê mẹ nay đầy xác cá,
Thay xác người vốn rã từ lâu.
Bốn mươi năm lẻ bể dâu,
Biết bao nhiêu nước dưới cầu đã qua.
*
*     *
Hạnh phúc vẫn còn xa hun hút,
Dù mong chờ từng phút từng giây.
Run run bóc tấm lịch dày,
Mơ trong tuyệt vọng ngày xoay cơ trời.

Chữ Quốc Hận ngàn đời mãi nhớ,
Nợ máu này muôn thuở nào quên,
Dân Nam kiếp nạn triền miên,
Vừa ngơi khói lửa, đã liền cùm gông.

Bao ước vọng, mười không được một,
Mượn tiếng cười gượng đốt cơn đau.
Bạn bè đầu trắng phau phau,
Gặp nhau chỉ lúc tiễn nhau về trời.

Định mệnh chẳng thương người dân Việt,
Để giặc thù giết chết non sông.
Tháng Tư đến, mắt cay nồng,
Chừng nghe tiếng gió biển Đông triệu hồn.

Nhìn sóng nước, bồn chồn ngơ ngác,
Chợt thấy mình chẳng khác u linh,
Ngày ngày câm điếc lặng thinh,
Khập khà khập khiễng một mình lang thang.

Chỉ còn lá Cờ Vàng ấp ủ,
Năm canh ru giấc ngủ tật nguyền,
Chập chờn nửa tỉnh nửa điên,
Con tim vất vưởng tận miền xa xôi.
*
*     *
Nghe mặn chát bờ môi nứt nẻ,
Phải chăng là lệ kẻ ly hương,
Hay là gió muối trùng dương,
Về khơi lại nỗi nhớ thương một đời?

Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận 2018

Thư Không Niêm Gửi Bạn – Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Quê hương vẫn mãi đọa đày,
Sao người đành đoạn tiếp tay bạo tàn

Thư Không Niêm Gửi Bạn

(Thay lời một vị thương phế binh
Việt Nam Cộng Hòa đang kẹt ở VN
gửi người bạn cũ ngày xưa đã vượt biên
nhưng nay lại viện dẫn đủ mọi lý do
để về vui chơi.)

Gửi nhờ tập vé số trên tay,
Chống nạng đến đây để gặp mày.
Hụt hẫng thấy mày ngồi giữa quán,
Đang cùng bầy cán bộ vui say.

Không muốn bị mang tiếng quấy rầy,
Khi lòng đang thất vọng chua cay,
Nên đành mượn tạm vài trang giấy,
Viết bậy đôi câu gửi tới mày.
*
*     *
Mày hãy cùng tao nhớ lại ngày,
Cùng mày trong bóng tối chia tay,
Mày thề rằng nếu Trời cho thoát,
Mày ắt không quên mối hận này.

Từ đó, trong đau đớn dập vùi,
Bọn tao mòn mỏi đợi tin vui.
Ngờ đâu hạnh phúc lùi xa mãi,
Nghĩ đến quê hương lại ngậm ngùi.

Mày trở về chơi đã lắm lần,
Lúc thì viện cớ gặp người thân,
Lúc theo “từ thiện” tìm danh vọng,
Hí hửng vô tròng bọn ác nhân.

Hàng vạn hàng trăm các hội đoàn,
Tranh đua làm thiện thật gian nan.
Hân hoan vì chút hào quang giả,
Họ đã an nhiên giúp bạo tàn.

Mày cũng lần theo đóm múa may,
Hết quà lại cáp phát rền tay.
Tiền Tây, tiền Mỹ xài như rác,
Lầu các thi nhau mọc dẫy đầy.

Mày biết dân đây được những gì,
Khi đoàn cứu trợ đã ra đi?
Đất đai ngập lụt, nhà tan nát,
Ngơ ngác trên tay một gói mì!

Biết chăng vì những đứa như mày,
Sự thật quê nhà chẳng chịu hay,
Hãnh diện ta đây về “cứu viện”,
Nên bầy quỷ đỏ hiện còn đây.

Mày có biết mày đã tiếp tay,
Nuôi dân cho chúng để rồi nay,
Chúng càng thêm có đầy phương tiện,
Để khiến dân ta mãi đọa đày.

Cả bầy chúng vẫn sống xa hoa,
Xuất ngoại đầu tư, sắm sửa nhà,
Con cái tiêu ra hàng bạc triệu,
Đồng tiền đó liệu lấy đâu ra?

Mày so với chúng được bao lăm,
Tỷ phú tiền Tây chúng cả trăm.
Của cải một thằng trong Bắc phủ,
Thừa nuôi dân sống đủ nhiều năm.

Phải chăng vì cật ấm cơm no,
Mày lại mơ màng chức vị to,
Nên mới trở cờ o bế giặc,
Qua sông ngoảnh mặt với con đò?

Tao xót xa nhìn lũ bạn thân,
Ngày xưa vượt biển lắm gian truân,
Nay khuân tiền bạc về quê cũ,
Góp sức nuôi bè lũ hại dân.

Bạn mình giờ lắm kẻ giàu sang,
Áo gấm xênh xang rộn xóm làng.
Có đứa vênh vang bằng cấp lớn,
Hùa theo lũ ngợm chống Cờ Vàng.

Có thằng may mắn lắm đồng ra,
Thơ thới về đây, bỏ vợ nhà.
Có đứa làm sui gia với giặc,
Ra ngoài trở mặt líu lo ca.

Thấy miệng mày thoa mỡ nói năng,
Lòng tao chua xót chợt hay rằng,
Xuống thuyền mấy đứa đêm hôm đó,
Giờ đã “vinh quy” đủ bấy thằng!

Tao tưởng bao năm ở nước ngoài,
Chúng mày phải biết rõ hơn ai,
Ngày ngày đọc thấy nhiều tin tức,
Sao lại vô tâm được thế này?

Lần cuối cho tao nói một lời:
Nếu còn người trở lại ăn chơi,
Đua đòi danh lợi, buôn “từ thiện”,
Thì chớ mơ chi chuyện vá trời.
*
*     *
Nắng chiều cuốn xác lá trôi,
Bóng đôi nạng gỗ đơn côi ngược dòng.

Trần Văn Lương
Cali, 5/2012

“Lá Thư Từ Ngục Tối” – Thơ TrầnVăn Lương

Dạo:
Vì thương vận nước điêu linh,
Nên người phải đón Giáng Sinh trong tù.

Lá Thư Từ Ngục Tối

(Để tỏ lòng kính phục đối với những vị anh thư
nước Việt đang phải đón Giáng Sinh trong ngục tù
Cộng sản chỉ vì lòng yêu nước đã can đảm lên tiếng
bảo vệ nhân quyền, tự do và độc lập cho quê hương)

Đêm đặc quánh, người tù ngồi chết lặng,
Tiếng đàn ca văng vẳng lắng qua song,
Gắng gượng xua nỗi tuyệt vọng trong lòng,
Tay nguệch ngoạc đôi dòng cho con gái.

Con yêu dấu, Giáng Sinh đà trở lại,
Mẹ lần đầu phải xa ngoại, xa con.
Chốn ngục tù dù khổ sở héo hon,
Lòng mẹ vẫn sắt son cùng đất nước.

Biết làm sao khác được,
Khi bạo quyền đang tàn ngược với dân.
Mẹ cúi đầu chịu lỗi với người thân,
Và xin ngoại tha cho phần bất hiếu.

Mẹ tin tưởng ngoại và con đều hiểu
Nỗi khốn cùng của bao triệu dân Nam.
Nếu mình không tiêu diệt lũ gian tham,
Thì sẽ mất giang san vào tay Chệt.

Quê hương là trên hết,
Mẹ có chết cũng đành,
Nhưng dặn lòng phải bền bỉ đấu tranh,
Không muốn thấy dân mình thành nô lệ.

Con và ngoại đêm nay cùng đi lễ,
Hãy cầu xin cho mẹ được kiên cường,
Cho dân lành thôi gánh chịu đau thương,
Cho đất nước thoát con đường bất hạnh.

Con có biết nhiều trẻ em đêm thánh,
Cũng như con dường chịu cảnh “mồ côi”,
Đón Giáng Sinh mà đòi đoạn khúc nôi,
Thương cha mẹ mỏi mòn nơi tù ngục.

Họ như mẹ đã chối từ hạnh phúc
Của riêng mình để liên tục dấn thân,
Cất lên giùm tiếng nói của người dân,
Đem xương máu thắp dần từng ngọn đuốc.

Mẹ thầm hiểu, đây chỉ là mơ ước,
Nhưng nếu toàn dân vì nước một lòng
Chịu hy sinh để cứu vớt non sông,
Thì Cộng sản quyết sẽ không tồn tại.

Mẹ mong mỏi dân ta đừng ỷ lại,
Đất nước mình, mình phải tự thân lo.
Đừng cậy trông vào “thế giới tự do”,
Ai cũng chỉ bo bo quyền lợi họ.

Họ chỉ phán dăm ba câu này nọ
Để tuyên dương cùng cổ võ vu vơ.
Tội dân mình vẫn cứ mãi ngây thơ,
Ôm ảo vọng ngóng chờ hè đổ tuyết.

Thương con cháu ngày sau trên đất Việt,
Tìm cội nguồn nào biết hỏi nơi đâu.
Máu Rồng Tiên đã pha trộn khác màu,
Lịch sử cũng bị giặc Tàu viết lại.

Chung quy bởi lũ cầm quyền vô loại,
Mà chúng mình mãi mãi mất quê hương,
Người dân lành gánh chịu lắm đau thương,
Cả đất nước là một trường oan nghiệt.

Tổ quốc sẽ vẫn muôn đời bất diệt,
Dù giặc Tàu đem nước Việt xóa tên,
Nếu mọi người vẫn một dạ trung kiên,
Luôn nhớ đến công tổ tiên gầy dựng.

Nhưng đau đớn, dân đã quen hờ hững,
Biết bao giờ mới khứng chịu đứng lên,
Kẻ đêm ngày lo hưởng thụ triền miên,
Kẻ quên hết thời vượt biên khốn khó.
*
*     *
Người buông bút, đèn mờ cay mắt đỏ,
Lời thánh ca về theo gió nấu nung,
Miệng lâm râm câu “Đêm Thánh Vô Cùng”,
Nỗi chua xót chợt bùng như lửa hạ.

Trần Văn Lương
Cali, 12/2017

“Lời Cá Chết” – Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Hôm nay cá chết ngập đường,
Ngày mai dân Việt trắng xương đầy đồng

Lời Cá Chết

Bờ biển rộng đã ngập tràn xác cá,
Người rùng mình, nghe giá buốt vây quanh.
Đôi mắt già chợt tê cóng lạnh tanh
Nhóng từng mảng xác bập bềnh trên sóng.

Trong gió khơi lồng lộng,
Mơ hồ vọng tiếng thở than.
Người ngây mặt ngỡ ngàng,
Nhìn con cá đang nhẹ nhàng hấp hối.

Lòng xốn xang bối rối,
Lời trăn trối thương đau.
Người lẳng lặng gục đầu,
Chua xót thấm từng câu từng chữ.
*
*     *
– “Tôi biết chỉ còn dăm ba phút nữa
Sẽ trả xong hết nợ để về trời.
Nhưng trước khi phải vĩnh viễn xa người,
Xin được nói lên một lời giã biệt.

Tuy là cá, nhưng vốn dòng cá Việt,
Cả đời tôi chỉ biết chốn này thôi,
Cha ông tôi đã trải mấy trăm đời,
Đem máu thịt nuôi người, không hối tiếc.

Tôi đoan chắc trong xác thân dân Việt,
Có ít nhiều máu huyết tổ tiên tôi.
Và dù cho bên súc vật, bên người,
Tình thân thiết vẫn muôn đời bền chặt.

Lòng chúng tôi quặn thắt,
Khi thấy giặc Bắc hoành hành,
Đem quê hương này phá nát tanh banh,
Xem tính mệnh dân lành như cỏ rác.

Tôi không những oán lũ Tàu độc ác,
Lũ sài lang vốn khác máu tanh lòng,
Tàn sát người, rải độc, cướp biển Đông,
Và nuốt trọn dần non sông nước Việt;

Mà càng oán đám bạo quyền ác nghiệt,
Theo ngoại bang để giết hại đồng bào.
Chúng chỉ lo nhét thật chặt hầu bao,
Dù đất nước có ra sao cũng kệ.

Tôi không hiểu sao con người có thể
Làm những trò độc ác thế với nhau,
Hằng gây ra trăm ngàn chuyện khổ đau
Cho những kẻ cùng màu da, huyết thống.

Chúng chẳng những dã man hành người sống,
Lại còn đem người chết tống đi xa,
Chiếm đất đai để xây phố xây nhà,
Mặc sớm tối dân gào la rên siết.

Tôi không ngại bị phanh thây xẻ thịt,
Làm thức ăn nuôi dân Việt của tôi.
Tôi ra đời cũng chỉ để thế thôi,
Hiến thân xác giúp con người bớt khổ.

Nhưng tôi sợ tấm thân đầy độc tố
Sẽ trở nên công cụ giết người thôi.
Chúng sẽ đem hóa chất ướp, tẩm, nhồi,
Biến thịt thối thành mồi ngon rao bán.

Chỉ thương hại người dân đen mắc nạn,
Đói lả người đành liều mạng gắng ăn,
Để sống còn qua ngày tháng khó khăn,
Dù biết sẽ chết dần trong bệnh hoạn…”
*
*     *
Con cá vụt quẫy mình, hơi thở đoạn,
Mắt lạc thần dường cố nán nhìn quanh.
Mảnh hồn xanh lưu luyến mấy cũng đành
Lìa khỏi chốn hôi tanh này mãi mãi.

Tiếng máy nổ từ xa dần vọng lại,
Từng đoàn xe vận tải kéo ùa sang,
Xếp thành hàng thật thứ tự lớp lang,
Chất đầy cá xong vội vàng tách bến.

Ai cũng biết chỗ món hàng sẽ đến,
Xác cá đầy độc chất biến thành “tươi”,
Rồi ngày ngày được phân phối khắp nơi,
Và sau đó, cả một trời bệnh tật.

Người mím miệng ngăn tiếng gào phẫn uất,
Nhìn khói xe chầm chậm khuất trên đường,
Khoé mắt già ri rỉ giọt buồn thương,
Chua xót biết quê hương giờ đã mất.
*
*     *
Hạt mưa chiều lất phất,
Hay lệ oan hồn lẩn quất đâu đây

Trần Văn Lương
Cali, 10/2017

“Đừng Hỏi Tao Muốn Gì” – Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Xưng danh tỵ nạn với đời,
Mà ngày Quốc Hận sao người muốn quên?

Đừng Hỏi Tao Muốn Gì

           (Thay lời một người công dân VNCH
          còn bị kẹt lại trong địa ngục trần gian)

Hỡi thằng bạn xưa cùng tao chung lối,
Sớm vượt biên, giờ trôi nổi phương nao,
Cám ơn mày vẫn còn nhớ đến tao,
Và gửi tới cho nhau lời thăm hỏi.

Trong thư mày có nói,
Mày biết tao nghèo đói bấy lâu nay,
Nên muốn gì thì cứ bảo mày hay,
Chuyến về tới, mày “ra tay tế độ”.

Nhưng tao đã quen sống đời gian khổ,
Như những người cùng cảnh ngộ quanh tao.
Đừng hỏi tao chuyện mong muốn ước ao,
Tao lết được bữa nào hay bữa nấy.

Tuy nhiên nếu mày chí tình muốn vậy,
Tao đành xin tạm quấy quá đôi lời,
Dẫu biết rằng chỉ nói để mà chơi,
Còn triển vọng, có chăng Trời mới biết.

Điều tao muốn cũng là điều dân Việt
Bấy lâu nay vẫn tha thiết mong cầu,
Kể từ khi tai ách giáng lên đầu,
Cả đất nước chìm sâu trong khổ hạn.
*
*     *
Tao muốn thấy lũ cầm quyền khốn nạn
Cùng tập đoàn Cộng sản chóng tiêu tan.
Chỉ thế này thì dân tộc Việt Nam
Mới cứu được giang san từ tay Chệt.

Tao không muốn người mang dòng máu Việt,
Khi đi xa bị khinh miệt coi thường,
Cũng chỉ vì thói trộm cắp bất lương,
Sau mấy chục năm trường quen gian dối.

Tao không muốn phải đau lòng mà nói,
Dân mình không còn biết tới lương tri,
Sống tham lam, xảo trá với bất nghì,
Nhác thấy lợi, hè thi nhau giành giật.

Tao không muốn thấy người dân chân chất,
Bị bạo quyền cướp mất chỗ dung thân,
Từ quê xa lê lết đến mòn chân,
Lầm hy vọng nhờ ác nhân phân xử.

Tao không muốn thấy hàng ngàn thiếu nữ,
Tuổi thanh xuân vừa nở nụ đơm hoa,
Phải bán thân làm nô lệ phương xa,
Để cứu vớt cả nhà đang đói rách.

Tao không muốn trẻ thơ còn cắp sách,
Phải ranh ma luồn lách tựa yêu tinh,
Xoay từng trăm từng chục giúp gia đình,
Mũi chưa sạch đà linh đinh khó nhọc.

Tao không muốn nơi Trung và Đại học,
Chỉ thấy toàn lừa lọc với hư danh,
Bằng cấp ma, chẳng mấy kẻ học hành,
Thầy bà cũng gian manh đồng một hạng.

Tao không muốn nhìn thanh niên trai tráng,
Chốn trà đình tửu quán rúc triền miên,
Chẳng biết gì đến công sức tổ tiên,
Hoặc lo lắng cho tiền đồ đất mẹ.

Tao không muốn thấy người già rơi lệ,
Trên vỉa hè ngồi kể lể kiếm ăn.
Xiết bao nỗi nhọc nhằn
Đang chồng chất lên tấm thân hành khất.

Tao không muốn dân mình mang ác tật,
Vì quanh năm nhiễm độc chất của Tàu,
Để rồi chẳng trước thì sau,
Đường thiên cổ dìu nhau đi lũ lượt.

Tao không muốn nhìn những người yêu nước,
Bị bắt giam, bị tước đoạt nhân quyền,
Bị đồng bào cùng thế giới bỏ quên,
Trong ngục tối ngày đêm ôm uất hận.

Tao mong ước thấy toàn dân nổi giận,
Trẻ dẫn đầu, già chầm chậm theo chân,
Cờ Vàng bay khắp các nẻo xa gần,
Quét sạch hết bầy sát nhân vô loại.
*
*     *
Mày chắc nghĩ ước mơ tao rồ dại,
E rằng Trời nghe cũng phải bó tay,
Nên tao xin mày chỉ một điều này,
Dù biết nó sẽ làm mày khóc dở.

Ngày Quốc Hận, tao muốn mày phải nhớ,
Đừng bày trò, viện cớ để ăn chơi,
Ngày đau buồn của dân Việt nơi nơi,
Không phải dịp để vui cười, buôn bán.

Mày vượt biển, trốn bạo quyền Cộng sản,
Thì đừng quên gốc tỵ nạn của mày,
Đừng quay về hưởng thụ với múa may,
Khi đất nước còn trong tay giặc Đỏ.

Quốc Hận luôn còn đó,
Dù lòng người theo gió đổi thay.

Trần Văn Lương
Cali, mùa Quốc Hận 2017

“Tiếng Nấc Đêm Trừ Tịch”– Thơ Trần Văn Lương

tiengnacdemtrutich

Dạo:
Nhởn nhơ áo Tết về quê,
Biết chăng dân Việt trăm bề đớn đau.

Tiếng Nấc Đêm Trừ Tịch

Đêm trừ tịch, gian phòng lạnh ngắt,
Người đàn bà cúi mặt trầm ngâm.
Nghẹn ngào tủi phận thương thân,
Có chồng mà phải đón Xuân một mình.

Rồi khẽ nhấc bức hình trên kệ,
Ngắm hai người son trẻ năm nao,
Mà nghe thất vọng dâng trào,
Hùa theo tiếng nấc, lệ dào như mưa.
*
*     *
Anh yêu hỡi, giao thừa đã đến,
Lệ em cùng lệ nến tuôn rơi.
Anh về quê mẹ vui chơi,
Tha hương em xé lịch vơi một mình.

Anh giờ chắc lềnh bềnh tửu quán,
Phè phỡn cùng đám bạn mềm môi,
Chén anh, chén chú, chén tôi,
Quên phăng cái thuở xa xôi nhọc nhằn.

Anh có nhớ những năm tù ngục,
Giặc đem anh lăng nhục từng ngày?
Bạn anh, chúng giết thẳng tay,
Anh may sống sót lất lây nhờ Trời.

Anh có nhớ quãng đời vất vả,
Sau khi anh được thả về nhà?
Chạy ăn từng bữa xót xa,
Trẻ con đói rách, người già điêu linh.

Anh có nhớ công trình vượt biển,
Bị mắc lừa mấy chuyến mới xong?
Nhìn dân mình chết biển Đông,
Có là gỗ đá mới không đau sầu.

Anh có nhớ buổi đầu trong trại,
Trơ mắt nhìn lũ Thái hung hăng?
Bị hành, chẳng dám nói năng,
Âm thầm chỉ biết cắn răng sượng sùng.

Anh có nhớ khai cùng Di Trú,
Vì sao lìa quê cũ sang đây?
Mà nay dạ đổi lòng thay,
Đang tâm trở mặt quên ngay lời thề.

Anh kiếm cớ đi về lắm bận,
Dựng chiêu bài quanh quẩn ăn chơi,
Lúc thì “từ thiện” giúp đời,
Lúc thì “báo hiếu” cho người thân yêu!

Trở lại Mỹ, sớm chiều “hát dạo”,
Thay kẻ thù quảng cáo liên miên,
Rằng quê mình rất bình yên,
Rằng dân mình sống ấm êm trăm bề.
*
*     *
Anh có biết anh về sung sướng,
Vung tiền còm thụ hưởng tiện nghi,
Trong khi dân phải ra đi
Làm thân nô lệ cu li nước ngoài?

Anh chỉ thấy đền đài tráng lệ,
Cùng quán hàng lắm kẻ vào ra,
Mà không thấy cảnh dân ta,
Ngày đêm khổ ải xót xa muộn phiền.

Anh chỉ thấy bạo quyền hùng hổ,
Ra oai hùm nạt nộ múa may,
Mà không mở mắt để hay,
Chủ quyền toàn ở trong tay giặc Tàu.

Anh có thấy đâu đâu cũng Chệt,
Đang nghênh ngang chiếm hết quê mình?
Phần do lũ thú Ba Đình,
Phần do những kẻ vô tình như anh.

Anh chỉ thấy bầy doanh nhân Việt,
Cùng anh về yến tiệc hả hê,
Mà không thấy ở bên lề
Những đồng đội cũ đang lê thân tàn.

Anh có thấy trại giam khắp chốn,
Nơi công an làm khốn bao người?
Vì lòng yêu nước không nguôi,
Họ cam tâm gánh cả trời khổ đau.

Chồng em hỡi, từ lâu em gắng,
Tránh buông lời nói nặng cùng anh.
Nhưng nay gương đã tan tành,
Chút duyên chồng vợ, em đành xin quên.

Em cương quyết làm viên ngọc vỡ,
Theo sao trời rực rỡ đêm đêm,
Còn hơn làm phiến ngói nguyên,
Quanh năm xám xịt ngơi trên mái nhà.
*
*     *
Sau tiếng nấc, mắt già chợt quắc,
Người mím môi dập tắt cơn sầu,
Lạnh lùng gói lại buồn đau,
Cầm như mình đã từ lâu góa chồng.

Le lói bên song
Tia nắng hồng năm mới.

Trần Văn Lương
Cali, 1/2017

“Đừng Đem Bố Về” –  Thơ Trần Văn Lương

qh2016

Tháng Tư, tháng QUỐC TANG của con dân Việt Nam Cộng Hoà.
Thành kính tưởng niệm chư anh linh tất cả
QUÂN DÂN CÁN CHÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ
vị quốc vong thân.

Triệt để không giao dịch, tiếp tay hay làm bất kỳ điều gì có lợi
cho cộng sản Việt Nam, việt cộng, việt gian.
DIỆT CỘNG LÀ YÊU NƯỚC.

 

Lê Ngọc Tuý Hương

ddbv1

Dạo:
Giặc còn tàn hại non sông,
Thì dù xương trắng vẫn không chịu về.

Đừng Đem Bố Về

(Dựa trên lời một vị lính già dặn dò con trai mình trước khi ông mất:
– Chỉ khi nào nước mình hết Cộng sản thì con mới đem tro của Bố về quê chôn cạnh Ông Bà Nội)

Con ơi hãy lắng nghe lời Bố dặn,
Sau khi mà Bố nhắm mắt xuôi tay,
Nhúm tro tàn, hãy tạm để nơi đây,
Đừng có vội đem ngay về chốn cũ.

Bố chỉ sợ con nghe người ta dụ,
Theo kết bè kết lũ để “thăm quê”,
Rồi tiện tay mang tro Bố trở về,
Để Bố lỗi lời thề khi bỏ xứ.

Nơi cắt rốn, ai mà không thương nhớ,
Ai không hề trăn trở bước lưu vong.
Nhưng con ơi, phải nghĩ đến non sông,
Đang đau đớn chờ mong ngày giải thoát.

Tháng Tư đó, quê hương mình tan nát,
Bao nhiêu người gạt nước mắt ra đi.
Lòng dặn lòng, trong giây phút phân ly,
Còn giặc Cộng, quyết thề không trở lại.

Lời khấn nguyện, Bố hằng ghi nhớ mãi,
Và dẫu lòng luôn khắc khoải xót xa,
Bố quyết tâm không phản bội quê nhà,
Dù khi đã hóa ra người thiên cổ.
*
*     *
Về sao được khi quê cha đất tổ,
Còn trong tay đám hổ báo sài lang
Đang đê hèn làm nô lệ ngoại bang,
Nhưng độc ác hung tàn cùng dân Việt.

Làm sao Bố yên tâm dù đã chết,
Khi dân Nam vẫn rên siết trong tù,
Từ học trò, tu sĩ đến nông phu,
Chỉ vì “tội” chống kẻ thù xâm lược.

Vong hồn Bố làm sao siêu thoát được,
Khi đau lòng nhìn đất nước thân yêu,
Bỗng trở nên, trong một sớm một chiều,
Nơi sản xuất rặt những điều tồi tệ.

Xã hội đã suy đồi từ gốc rễ,
Già lưu manh, đến trẻ cũng lưu manh,
Người với nhau chỉ lừa đảo tranh giành,
Cả đất nước biến thành hang trộm cướp.

Dù kẻ khác về ăn chơi nườm nượp,
Nhưng mình không làm thế được, con ơi.
Nhìn khắp nơi tội ác vẫn ngập trời,
Ai là kẻ không bồi hồi phẫn chí.

Làm sao mà an nghỉ,
Khi mộ phần bao chiến sĩ miền Nam
Bị bọn cầm quyền độc ác gian tham,
Muốn cướp đất, đã san thành bình địa.

Nỗi đau càng thấm thía,
Khi thấy người chạy mất vía năm nao,
Nay trở về thật diêm dúa bảnh bao,
Cùng nhăn nhở, ồn ào nâng chén cạn.

Làm sao mà thanh thản,
Khi phải nhìn đứa bạn ngày xưa,
Nạng gỗ mòn, ống quần rỗng đong đưa,
Khay vé số dầm nắng mưa kiếm sống.

Làm sao không tuyệt vọng,
Khi chung quanh tràn ngập bóng quân thù,
Ngoan ngoãn tuân theo lệnh của Tàu phù,
Hung hăng gác căn nhà tù vĩ đại.

Làm sao không tê tái,
Khi dân mình cứ mãi gánh khổ đau.
Và dù cho ở tận đáy mộ sâu,
Người chết cũng phải gục đầu than khóc.

Chỉ đem Bố trở về khi dân tộc
Có nhân quyền và độc lập tự do,
Người người đều được áo ấm cơm no,
Không còn bị loài Cộng nô thống trị.

Con hãy nhớ những lời này thật kỹ:
Bao lâu bầy Cộng phỉ vẫn thong dong,
Gót chân Tàu còn giẫm nát non sông,
Thì mình vẫn quyết một lòng son sắt.

Con ơi nếu Trời xanh kia quá quắt,
Bắt dân mình vĩnh viễn mất quê hương,
Thì chút tro tàn của kiếp tha phương,
Đổ giùm Bố, đừng tiếc thương giữ lại.
*
*     *
Mộng cứu nước bao năm rồi chưa toại,
Lối quay về, ngàn quan ải cách ngăn.
Trong đêm đen, đôi khóe mắt nhọc nhằn,
Nỗi đau đớn thầm lăn trên má lạnh.

Trần Văn Lương
Cali, Quốc Hận 2016

“Nhắn Kẻ Trở Cờ” –  Thơ Trần Văn Lương

qh2016

Tháng Tư, tháng QUỐC TANG của con dân Việt Nam Cộng Hoà.
Thành kính tưởng niệm chư anh linh tất cả
QUÂN DÂN CÁN CHÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ
vị quốc vong thân.

Triệt để không giao dịch, tiếp tay hay làm bất kỳ điều gì có lợi
cho cộng sản Việt Nam, việt cộng, việt gian.
DIỆT CỘNG LÀ YÊU NƯỚC.

Lê Ngọc Tuý Hương

Nhanketroco

Dạo:
Quê hương mất, cửa nhà tan,
Sao còn theo lũ tham tàn hại dân.

Nhắn Kẻ Trở Cờ

Hỡi người bạn trở cờ theo lũ giặc
Đang nắm quyền sinh sát ở quê tôi,
Đừng chỉ vì chút canh cặn cơm ôi,
Mà thay chúng nói rặt lời dối trá.

Chúng luôn mồm ra rả,
Đánh lừa thiên hạ khắp nơi.
Và chẳng may, đâu đâu cũng có người,
Vẫn nhẹ dạ tin trò chơi bịp bợm.

Này bạn hỡi, đừng đem lời chúng mớm,
Để qua đây luôn sớm tối kêu gào.
Bạn giết người mà chẳng dụng gươm dao,
Khi theo chúng rêu rao điều gian dối.

Đừng dẫn chứng đám cò mồi múa rối,
Bọn thầy tu giả mạo mới ra lò,
Rồi phùng mang trợn mắt hót líu lo,
Rằng đất nước có tự do tôn giáo.

Chúng tóm kẻ chức quyền cao trong đạo,
Cho xênh xang áo mão để reo hò,
Để thổi phồng chiếc bánh vẽ “xin cho”,
Hoặc trình diễn lắm trò hề tương tự.

Chúng bắt chẹt tình cảm người xa xứ,
Dụ họ về bằng hai chữ “quê hương”,
Bằng những câu giả dối ngọt như đường,
Bằng hình ảnh của “vườn” kia “trái” nọ.

Rồi hốt trọn bầy “cá hồi” vô rọ,
Vắt cạn tiền, xong vất bỏ thẳng tay.
Chuyện sờ sờ trước mắt chẳng chịu hay,
Sao bạn vẫn luôn cối chày ngụy biện?

Đừng núp bóng dưới chiêu bài “từ thiện”,
Miệng oang oang toàn nói chuyện thương người,
Nhưng thực ra là về để ăn chơi,
Cùng đóng kịch mong được đời ca ngợi.

Đừng lợi dụng chuyện thiên tai lụt lội,
Để làm giàu trên nỗi khổ của dân.
Thiên hạ ai cũng biết rõ trăm phần,
Mà sao bạn vẫn trần thân lải nhải?

Đừng ong óng toàn những câu nhai lại,
Nào ” giao lưu”, nào “hòa giải”, “thứ tha”.
Sao bạn không dám bảo bọn tà ma,
Ngưng bách hại người sa cơ thất thế?

Đừng trâng tráo nói “không làm chính trị”,
Khi chính mình xin tỵ nạn nơi đây,
Khóc sụt sùi khai với Mỹ, với Tây,
Vì sao phải đắng cay rời quê cũ.
*
*     *
Thân nhược tiểu, mong manh quyền tự chủ,
Bị “đồng minh” bán cho lũ sài lang.
Nên chúng tôi phải đau đớn tan hàng,
Chua xót đứng nhìn giang san tơi tả.

Vì lương thiện, chúng tôi đà trả giá,
Bằng khăn tang của cả triệu người thân,
Bằng những dòng lệ ngập mắt cá chân,
Bằng sinh mạng ngàn quân dân cán chính.

Vì tưởng chúng còn mảy may nhân tính,
Nên bao người đã dính phải tai ương,
Kẻ bỏ mình trong núi thẳm mù sương,
Kẻ giũ kiếp giữa trùng dương sóng gió.

Cũng vì bởi những người như bạn đó,
Mà quê ta, giặc đỏ vẫn cầm quyền,
Sống giàu sang, phung phí những đồng tiền
Từ xa trút liên miên về chốn cũ.

Bạn hỡi bạn, sao đang tâm hưởng thụ,
Trên vết thương đầy máu mủ dân mình,
A tòng theo bọn bán nước cầu vinh,
Để tiếp tục làm điêu linh đất tổ.

Dân tộc Việt chỉ hoàn toàn hết khổ,
Khi lũ này không còn chỗ dung thân,
Khi Cờ Vàng phất phới giữa trời xuân
Theo nhịp bước đoàn quân Nam anh dũng.
*
*     *
Bốn mươi mấy năm từ khi buông súng,
Quá khứ buồn giờ chắc cũng phôi pha.
Bao triệu người, còn mấy kẻ xót xa,
Khi nhớ đến một quê nhà đã mất.

Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận
4/2016

Tag Cloud